Chùa Việt

Chùa Hồng Quang ở Ninh Giang, Hải Dương

Thứ bảy, 15/01/2016 02:05

Chùa Hồng Quang là một ngôi cổ tự được xây dựng từ thời Hậu Lê.Theo các cụ cao niên trong làng kể lại: Chùa Hồng Quang là một ngôi chùa đẹp vào hàng nhất nhì trong huyện, tuy nhiên vào những năm tiêu thổ kháng chiến chùa đã không còn nữa, hệ thống tượng Phật trong chùa được chôn vào lòng đất.

Mở cửa, thấy cơn mưa rào đêm qua đã tạnh, đường phố đã tấp nập người qua lại và nhìn lên lịch treo tường, hôm nay đã là mồng 3 tháng Chạp rồi. Tết đang về và mùa Xuân đang đến. Nhớ lại câu chuyện với Sư cô Thích Nữ Hạnh Hiền, trụ trì chùa Hồng Quang, tại thôn Cúc Thị, xã Kiến Quốc, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương. Hoan hỉ trong lòng, chúng tôi tìm về mảnh đất Hồng Châu xưa, với cảnh chùa tĩnh lặng, vấn vương giữa chốn làng quê. 
 
Chúng tôi biết đến chùa Hồng Quang từ hồi còn nhỏ trong những lần theo chân mẹ đi chợ Gọc vào phiên Tết. Còn nhỏ ai biết gì đâu, cứ thấy các bà, các chị sau khi đi vào mua đủ thứ chuẩn bị cho Tết Nguyên Đán, lại tranh thủ vào chùa để thắp hương khấn Phật. Lớn lên được theo nghiệp truyền thông chúng tôi đã có lần về nhà chùa tác nghiệp trong lần bổ nhiệm sư cô Thích Nữ Hạnh Hiền, trụ trì vào ngày 23/9/2009. Và hôm nay chúng tôi đến chiêm bái chùa là nhờ sự gieo duyên của sư Thầy và hạnh nguyện nhà Phật. 

Chùa Hồng Quang là một ngôi cổ tự được xây dựng từ thời Hậu Lê.Theo các cụ cao niên trong làng kể lại: Chùa Hồng Quang là một ngôi chùa đẹp vào hàng nhất nhì trong huyện, tuy nhiên vào những năm tiêu thổ kháng chiến chùa đã không còn nữa, hệ thống tượng Phật trong chùa được chôn vào lòng đất.Theo đánh giá của Bảo tàng Hải Dương – đây là những pho tượng quý, có giá trị lớn về mặt nghệ thuật tạo hình thời bấy giờ.
 
 
Sau ngày kháng chiến thành công, nhân dân địa phương đã tiến hành xây dựng một ngôi chùa nhỏ trên nền đất cũ với 5 gian chùa lợp ngói xi măng và mấy gian nhà cấp 4 phụ cận, đồng thời khai quật lại một số các pho tượng Phật để trang hoàng, thờ phụng trong chùa. 

Sau khi đi chiêm bái cảnh chùa, cũng là lúc Sư cô Hạnh Hiền đi dự Hội nghị tổng kết của Chi hội Nông dân của thôn về. Ngồi thụ nước trong ngôi Tổ đường, cũng là nơi sinh hoạt của Thầy Hạnh Hiền, chúng tôi phải thốt lên rằng: “Sao cuộc sống của Thầy lại đạm bạc đến vậy”. Gọi là phòng khách cho “sang trọng”, chứ thực chất đây là gian nhà Tổ cấp bốn, được lợp bằng ngói bờ zô xi măng từ vài chục năm nay, các kèo, cột bằng gỗ đã mục ruỗng, các viên ngói đã vỡ để lộ ra những tia sáng chiếu vào. Xung quanh bờ tường chằng chịt những vết nứt. Cho nên, Thầy phải căng bạt để tránh mưa, tránh nắng cho “đỡ ngượng” mỗi khi có khách đến chiêm bái.
 
Nhấp một chút nước thanh thuỷ thấy lòng người thanh thản. Tôi quay sang thưa chuyện: 

- Dạ thưa Thầy, con không nghĩ chỗ ở của Thầy lại giản dị và nhà thờ Tổ lại xuống cấp đến vậy? 

- Không sao đâu bác ạ! Mình là người hành Đạo, là người giáo hoá Phật pháp, chứ có phải mình về chùa để có chỗ ở đẹp, khang trang đâu. Quan trọng là phật tử và chúng sinh ngộ ra giáo lý của đức Phật là Thầy mừng rồi.

Chỉ ngần ấy chia sẻ thôi cũng đủ nói về sự khó khăn của những ni sư đi hành đạo. Chính điều ấy cũng lí giải tại sao, sư cô Thích Nữ Hạnh Hiền là một vị Ni sinh trẻ, xuất thân tại huyện Ninh Giang, xuất gia tu học tại chùa Mai Xá, xã Hiệp Lực, với tấm lòng là của người đệ tử Phật “Hoằng pháp vi gia vụ, độ sinh vi bản hoài”  đã luôn quan tâm đến những ngôi chùa vùng xa để chăm lo đời sống tâm linh cho họ. Được sự đồng ý của Thầy Nghiệp sư đã đi lại trợ duyên nhân dân địa phương hướng dẫn sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo cho nhân dân tín đồ phật tử. Nhân duyên hội đủ, sau một thời gian đi lại được sự đồng thuận của nhân dân, sự quan tâm tạo điều kiện của các cấp chính quyền, BTS tỉnh hội PG Hải Dương đã chính thức ra Quyết định bổ nhiệm trụ trì, chuyển sinh hoạt phật sự cho Sư cô Hạnh Hiền được chính thức về sinh hoạt hướng dẫn nhân dân phật tử tại chùa Hồng Quang.

Càng về chiều, không gian chùa Hồng Quang càng trở nên yên ắng, tĩnh lặng. Chỉ cách vài chục mét là con đường trục chính của thôn tấp nập người qua lại. 
 
 
Chúng tôi bị hút hồn bởi nét đẹp giản dị ở đây và con người thân thiện. Nếu không để ý, thì mọi người sẽ lầm tưởng chùa Hồng Quang là một tư gia thuần tuý nào đó. Bởi vì chúng ta hay nghĩ rằng: chùa thường ở giữa làng, ở gần cánh đồng, chứ không ai nghĩ chùa Hồng Quang lại toạ lạc ngay cổng làng văn hóa Cúc Thị vào 50m. Cổng Tam quan của nhà chùa được xây dựng khi Sư cô về gieo duyên, được khoác trên mình màu vàng như chiếc áo cà sa của đức Phật khiến cho những du khách đến chiêm bái thấy ấm áp vô cùng trong những ngày Đông lạnh giá. 

Khi du khách bước qua cổng Tam quan là cảnh vật bình dị rất đỗi thân thương của làng quê. Con đường nhỏ được đổ bê tông phủ rêu xanh với hai hàng cau, cây tùng, cây bách, cây nhãn, cây chuối và dưới chiếc ao nhỏ cạnh cổng vào đang nở rộ hoa súng tím. Trước mặt chúng tôi là ngôi Tam Bảo được phủ bóng xanh mát bởi cây gạo cổ thụ có tuổi đời gần 200 năm. Tượng Quan Thế Âm đứng dưới gốc cây bồ đề đang nguyện cầu cho quốc thái dân an, nhân dân ấm no, bình an và hạnh phúc. Tất cả những điều đó làm cho chúng tôi vấn vương và ấn tượng với cảnh vật ở nơi thiền môn làng quê yên bình này.  

Chỉ còn vài tuần nữa là Tết Nguyên đán, nhưng cây bưởi trước ngôi nhà Tổ với những quả to nặng trĩu, da vàng đã được Thầy trụ trì bọc túi ninon cẩn thận để dâng lên Tam Bảo khi mùa xuân về. Xung quanh chùa được Sư cô cho trồng những cây ăn quả gần gũi với làng quê, những chậu cây cảnh xanh tốt vươn mình đón lấy sức sống, những cây cỏ được Thầy và các phật tử địa phương dọn hàng ngày làm cho không gian sạch đẹp, phong quang và trong lành.
 
Câu chuyện mà Sư cô Hạnh Hiền chia sẻ với chúng tôi lúc trầm, lúc bổng, lúc vui tươi, nhưng cũng có lúc mắt Thầy ướt lệ. Tất cả những cung bậc trong câu chuyện ấy như quãng đời vất vả của Thầy theo con đường nhà Phật. Có những lúc chúng tôi vẫn lầm tưởng rằng: Khi bỏ cuộc sống của Đời để đi theo Đạo sẽ được bình an, được an lành. Nhưng không phải vậy, vẫn có những khó khăn thường nhật, có những việc mà do con người làm nên khiến cho Thầy trụ trì phiền muộn. Vẫn biết khi gieo duyên ở đâu thì hạnh nguyện hoan hỉ ở đó. Nhưng cũng có lúc không phải là như vậy, không giản đơn như chúng ta nghĩ về viêc giáo hoá chúng sinh an vui theo con đường nhà Phật.

Chiều mùa Đông chuyển tối nhanh thật, lúc chúng tôi đến chùa ngập tràn trong nắng vàng, còn bây giờ đã chập choạng màn đêm. Xin phép Thầy ra về khi trong lòng còn ngổn ngang, rối bời biết bao điều muốn sẻ chia. Nhưng chúng tôi nghĩ rằng: những sự phiền muộn, rối bời đó chỉ là nhất thời khi một số chúng sinh còn chưa ngộ ra con đường Phật pháp, chưa nhận ra duyên lành mà sư cô Hạnh Hiền mang đến các vùng đất khác nhau.  

Tiếng lá trong vườn cây xô vào nhau như lời chào tạm biệt giữa khoảng không tĩnh mịch. Chúng tôi thấy ấm lòng hơn khi trong Đạo hạnh nguyện có được những người như sư sô Hạnh Hiền giúp chấn hưng Phật giáo.

Đức Tuỳ
loading...