Chùa Việt
Chùa Kẻ Sặt - Âm vang vị đạo ý đời
Thứ năm, 31/12/2012 10:44
Chùa Kẻ Sặt được xây dựng trên cơ sở giữ gìn bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá Phật giáo truyền thống Việt Nam. Vì điều kiện đất đai nơi đô thị, chùa được xây dựng hai tầng. Tầng trên là nơi thờ Phật, tầng dưới là nơi sinh hoạt, tu tập
Thoáng trên ngọn cỏ cành cây đón gió xuân về - giữa mảnh đất Hải Dương tràn đầy phong sắc nên thơ - ta bắt gặp một ngôi già lam cổ tự uy linh hiện hữu đó chính là chùa Kẻ Sặt, thị trấn Kẻ Sặt, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương.
Xuôi dòng sông Sặt, dọc theo quốc lộ 5 (Hà Nội - Hải Dương) sang quốc lộ 38, đến ngã ba Sặt rẽ phải vào mảnh đất "Rồng chầu Hổ phục" - "Tiền thuỷ hậu san" thẳng tiến con đường là dẫn đến ngôi Đại hùng Bảo điện - Chùa Kẻ Sặt - Nơi sâu lắng giữa dòng đời tấp nập.
Hai từ "Kẻ Sặt" có nguồn gốc từ việc các nhà truyền giáo Tây Ban Nha dùng để gọi làng "Tráng Liệt Bình" - Được phát âm nguyên bản là "Kẻ Sáp", nhưng vì người dân phát chệch âm mà dần dần thành tên "Kẻ Sặt".
Nói đến Kẻ Sặt là nói đến Công giáo, nói đến những lễ hội sắc màu mang đậm nét Đức Chúa trời. Song, từ xưa cho đến nay, trên mảnh đất Kẻ vẫn còn dấu tích - nền móng rêu phong của một ngôi già lam cổ tự. Đến những năm 90 của thế kỷ trước, khi người dân tiến hành đại trùng tu ngôi "Phạm Vũ" thì đất Kẻ Sặt không còn riêng là vùng đất của người Công Giáo. Ánh sáng từ bi trí tuệ của Đức Phật đủ để hun đúc lên ngôi Đại hùng Bảo điện - "Kẻ Sặt Thiền Tự" lại càng làm cho vùng đất này trở nên hiền hoà thanh bình ấm áp hơn bao giờ hết. Vì vậy, hiện hữu cùng nhà thờ "Kẻ Sặt" là ngôi Đại Hùng Bảo Điện – “Kẻ Sặt Thiền Tự”, mà người dân nơi đây thường gọi bằng hai từ gần gũi mà thiêng liêng nhất: Chùa Kẻ Sặt.
Tương truyền từ xa xưa, ông cha trong làng đã xây dựng ngôi chùa uy nghiêm bề thế. Tại thời điểm đó, người dân thuần tuý theo Phật giáo. Chùa làng vừa là nơi nuôi dưỡng tâm linh, vừa là trung tâm sinh hoạt văn hoá trong làng. Song, do thời gian bào mòn, chiến tranh tàn phá, ngôi "Phạm Vũ" vì thế mà bị ảnh hưởng chỉ còn lại phế tích nền móng một thời đã qua.
Người dân Kẻ Sặt đa phần theo Công giáo, tuy vậy dù Lương hay Giáo, dù là tôn giáo nào thì truyền thống văn hoá dân tộc luôn chảy trong mạch nguồn trái tim của mỗi người con đất Việt, truyền thống ấy từ xa xưa cho đến hiện thực luôn gắn liền với truyền thống tinh thần Phật giáo.
Bố cục chùa được thiết kế theo kiểu chữ Công. Phía trước thượng điện, phía sau là nhà Thờ Tổ, nối liền với nhau bằng ba gian ống Muống. Kiến trúc chồng diêm tám mái kiểu "Tàu đao mái hiên" có cổ diêm cao vừa đủ bao gồm nhiều cột đỡ chạy dài, phía trên mái chảy ngói mũi hài, đường cong mái đao rồng chầu hướng về thượng đỉnh tổng cộng có "Tam thập nhị long chầu Kẻ Sặt Thiền Tự" cộng với bốn linh vật, hiệu chùa tại đỉnh tượng chưng cho 37 phẩm trợ đạo Phật giáo.
Hệ thống tượng thờ trong Chính điện được thiết kế tượng thờ theo bố cục các chùa miền Bắc. Phía trên cùng có Bộ tượng Tam Thế quá khứ, hiện tại, vị lai. Tiếp theo Di Đà Tam Tôn.... tả Thánh hiền hữu Đức ông, Hộ pháp Thiện, Ác...
Bên ngoài chùa có hành lang chạy xung quanh bao gồm 48 cột đá vuông thắt cổ bồng chạm nổi cánh sen tiết tấu câu đối Hán. Lan can đá được ghép bằng 108 bức phù điêu truyền tải giáo pháp giải thoát của 108 Đức Phật. Thẳng giữa chính điện phía hai bên có hai cầu thang đá tháp đỉnh đèn gấp khúc vào phía trong nội tự diễn tả ý nghĩa "Trung đạo" của pháp "Tối vi tiệp kính" nối với tầng dưới gặp nhau ở lối đi trục giữa thông trước sau. Thiết kế này là biểu tượng của "Bách pháp minh môn", "Tam thừa hiển nhất quy chân". Theo các nhà phong thuỷ kiểu bố cục trên hợp lý với tất cả các địa thế phong thuỷ.
Từ những năm 90 của thế kỷ trước đến nay, hàng ngày, tiếng chuông chiều mõ sớm vang vọng chan hoà với tiếng chuông nhà thờ tạo nên âm vang tiết tấu lên một khúc nhạc an lành mà dường như chỉ người dân đất Kẻ là một trong những nơi hiếm có. Âm thanh ấy vang lên không chỉ chứa đựng ý đạo sâu sắc mà ý đời cũng thật thấm thía sâu xa. Nghe kĩ, ngẫm kỹ nhiều lúc ta cứ ngỡ đó như một tấm lưới đa năng đang gạn lọc đi những bụi ưu phiền đầy tăm tối si mê, như một chất xúc tác gạn đục khơi trong giữa cõi đời đầy nhiễm uế, như gạch nối giữa sự nóng - lạnh làm cho gió ngừng thổi khiến mặt biển trở nên thanh bình êm ả.
Không biết xuất phát từ truyền thống, từ tôn chỉ đạo, hay từ nhận thức văn minh, nhưng những người dân ở đây, dù Lương hay Giáo - người dân nơi đây sống thật thân thiện, thân thiện đến mức dường như đến đây ta chỉ còn bắt gặp một cái duy nhất - an vui - chan hoà - nhân ái. Các Phật tử có thể đến nhà thờ tham quan, giao lưu như những người giáo dân. Các giáo dân có thể đến chùa như những người Phật tử bình thường. Đặc biệt xung quanh chùa đa phần là những gia đình Công giáo sinh sống. Chắc mọi người sẽ hỏi: cách cư xử của họ ra sao? Kỳ thị hay không kỳ thị? Không! Không đâu, thưa bạn! Người Công giáo ở đây rất thân thiện. Nhiều người trong số họ đã thấm thía giáo lý từ bi của Đức Phật mà quy y Tam Bảo điều đó được thể hiện mỗi khi chùa có việc thì thật là một điều bất ngờ: giúp đỡ các công việc tại chùa có cả những thanh niên nam, nữ Công giáo.
Qua những thứ họ cảm nhận được từ các Phật tử, từ thầy trụ trì, từ các sư, họ đã hiểu ra giá trị của Đức Phật hoàn toàn thánh thiện, đó là một ngọn nến muốn thắp sáng, muốn chiếu soi, muốn cho cuộc đời và con người trở nên tốt đẹp gắn kết hơn. Bởi vậy khi đến chùa Kẻ Sặt ta không biết những người ra lễ chùa ở đây họ là Phật tử hay giáo dân. Ta cũng thấy rất nhiều người là Phật tử nhưng nếu có dịp đi thăm nhà thờ, ta vẫn bắt gặp họ làm dấu Chúa xưng "A Men".
Chân lý cuối cùng Đức Phật tuyên bố đó là chân lý của Ánh sáng trí tuệ. Ánh sáng trí tuệ và chân lý thì vốn tồn tại ở mọi chỗ, mọi nơi, trong mọi thứ mà Phật thường gọi là cái "Như Thị". Phải chăng người dân Kẻ Sặt đã phần nào gạt bỏ đi cái hư ảo của đời sống vật chất để hướng đến giá trị đích thực của đời sống tinh thần. Chân lý đó không tồn tại ở khái niệm "Chúa" hay "Phật", mà chân lý ấy chỉ là hai chữ "Thiện" - "Ác", và cao hơn cả đó là ý nghĩa của hai chữ "Tình người". Điều này tuy chưa thể đạt đến mức "Tuyệt đối" nhưng thực sự cũng rất đáng quý, rất đáng trân trọng.
Quả thực, ở đâu đâu, trên khắp nẻo đường thôn quê, trên khắp các vùng năm châu lãnh thổ trên thế giới. Con người - dù là ai đi chăng nữa, dù theo đạo nào, dù có đạo hay không có đạo, mọi người cứ chan hoà, chan hoà, thân thiện thân thiện như người dân Kẻ Sặt thì cuộc sống - xã hội thanh bình biết bao.
Chùa Kẻ Sặt - Cái tên gắn liền với những sự kiện của vùng đất Công giáo lại phát tích lên đoá sen thơm - "Kẻ Sặt Thiền Tự". Đất văn minh, - nơi hun đúc hồn thiêng sông núi, con người Lương - Giáo thân thiện chan hoà cùng chung xây cuộc sống tương lai. Mỗi khi ánh bình minh lên, mỗi khi chiều về tiếng chuông chiều mõ sớm chan hoà trong tiếng chuông nhà thờ ngân vang đã tạo nên giai điệu ngọt ngào chứa đầy “Vị Đạo Ý Đời”. Ta hãy đến đây, đến Kẻ Sặt lắng lòng nghe những âm thanh đến ru lòng người đó và rồi hay để nó bay xa đến mọi chân trời.
Đại đức Thích Thanh Toàn - Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội
Nguồn: Ban Tôn giáo Chính phủ