Chùa Việt

Chùa La Khởi và những điều độc đáo

Thứ bảy, 21/04/2015 11:13

Cách Thành phố Hải Dương 10 km men theo quốc lộ 37 theo hướng Tây Nam, chúng tôi có dịp tìm về mảnh đất Gia Lộc giàu truyền thống cách mạng và mang đậm dấu ấn Phật giáo. 

Năm Vua Tự Đức 1852, huyện Gia Lộc được chia làm 9 tổng và 85 xã thôn. Nơi đây có đất đai phì nhiêu, cây cối xanh tốt, hệ thống kênh rạch thông thoáng 4 mùa nước chảy.

Đồng thời có nhiều di tích lịch sử văn hóa như chùa Dâu, chùa Bà Đươi, Đình-Đền chùa Đồng Bào và nghề làm giầy cổ truyền do ba ông Tiến sĩ Thuần Chánh, Đức Tín và Sĩ Bân khởi lập. và như một sự tạo hóa và duyên nhà Phật, chúng tôi tìm về chùa La Khởi nằm ở trung tâm thị trấn Gia Lộc.
 
Tìm về dấu tích ngôi chùa cổ

Phải mất thời gian hỏi đường khá lâu, chúng tôi mới có thể tìm đến được chùa La Khởi nằm sâu trong ngõ. Nhưng điều khiến chúng tôi bất ngờ nhất, mặc dù tọa lạc ở địa thế không thuận lợi, nhưng chùa La Khởi có diện tích và quy mô tương đối rộng và rất độc đáo. Vừa mang đậm nét cổ kính của chùa Việt, vừa mang được hơi thở của cuộc sống thời đại. 

Rất may cho chúng tôi, khi đến chiêm bái chùa được gặp Đại đức Thích Thanh Hòa – Trụ trì chùa. Đón chúng tôi ở phòng khách, Thầy vui vẻ cho biết: “Bình thường một tháng Thầy đi vắng tới 20 ngày để làm công tác Phật sự. Ngoài trụ trì chùa La Khởi, thầy còn là Trưởng ban Nghi lễ GHPG tỉnh Hải Dương và Phó Trưởng ban Phật giáo huyện Gia Lộc”. Vừa trò chuyện với Thầy, chúng tôi nghe Đại đức Thích Thanh Hòa nói về giáo lý nhà Phật, những điều hư vô, huyền ảo của đức Phật khiến chúng tôi thấy an lòng. Lật giở từng trang tài liệu còn lưu lại về chùa La Khởi, chúng tôi không khỏi xúc động, bùi ngùi những về công lao và tâm Phật pháp của thầy Thanh Hòa
 
Chùa La Khởi thuộc thôn Hội Xuyên, thị trấn Gia Lộc, tỉnh Hải Dương là một ngôi chùa cổ. Chùa còn có tên gọi khác là chùa Khía và chùa Cối, chùa được khởi lập từ năm Vua Tự Đức đời thứ 34 năm 1882, được xây dựng ở giữa làng, quay mặt về hướng Tây với diện tích 3,5 mẫu bắc bộ. Chùa mang đậm nét cổ kính bản sắc văn hóa tâm linh.

Chùa xưa có cổng Tam quan, Bảo tháp, hai hãy hành lang là tượng Thập bát La Hán, tượng Phật A Di đà nguy nga tráng lệ. trong khuôn viên còn có cây gạo cổ thụ với những cành, tá lá to phủ khắp sân chùa. Không biết có phải chùa La Khởi cổ được tọa lạc ở vị thế đẹp hay không mà long mạch dẫn vào giếng chùa quanh năm luôn trong mát. Giếng chùa không chỉ điểm tô cho bức tranh La Khởi tự thêm đẹp và lung linh mà còn là nơi để nhân dân trong địa phương gánh nước về ăn. Khuôn viên đẹp và hài hòa, trang nghiêm. Điều đó là cầu nối cho các vị sư Tổ về trụ trì và tu tập tại đây. Trong đó có Tổ sư Thích Lạc Thiện, ngài viên tịch vào ngày 20/11. Để tưởng nhớ công lao của vị Tổ sư, hàng năm vào ngày viên tịch của Ngài, nhà chùa và nhân dân, phật tư gần xa tổ chức Lễ Húy kị và mở hội. 
 
Khi thực dân Pháp vào làng chiếm đóng, chùa Khía bị tàn phá nặng nề và phá hủy hoàn toàn, riêng cây gạo cổ bị Pháp dùng mìn giật đổ. Đến năm cải cách ruộng đất, đất chùa được chia cho nhân dân sinh sống và làm ruộng cày cấy. Cho nên chùa Khía xưa, nay chỉ còn lưu lại một số dấu tích như: Giếng chùa, khu Bảo tháp và chuông cổ. Trước tâm nguyện của nhân dân, phật tử gần xa, được sự tạo điều kiện của chính quyền địa phương và phát tâm công đức ngày công, tiền của và giúp đỡ của Giáo hội Phật giáo các cấp. Năm 1990, chùa Khía được xây dựng lại trên nền đất mới. Đến năm 2002, Đại đức Thích Thanh Hòa về trụ trì và cho xây dựng thêm nhiều hạng mục.
 
Đến sự độc đáo, khác biệt

Dù bận công việc phật sự, nhưng khi chúng tôi đến thăm, sư thầy Thanh Hòa đã thu xếp công việc đưa chúng tôi đi chiêm bái. Đi đến đâu thầy giới thiệu về ý nghĩa từng hạng mục, từng ngôi tượng và các đồ thờ tự. Nhìn cách Thầy nói say sưa, nhiệt tình, chúng tôi mới cảm nhận được công sức lớn lao, cái tâm của Đại đức với chùa, với nhân dân và phật tử gần xa. Nhưng điều chúng tôi cảm nhận rõ nhất chính là những nét độc đáo của chùa La Khởi đang hiện hữu trước mắt chúng tôi. 
 
Trong khuôn viên chỉ có 3.600m2, nhưng chùa La Khởi được xây dựng theo lối kiến trúc chùa Việt cổ và kết hợp nét hiện đại mang đậm hơi thở của cuộc sống. Vì ngôi chùa tọa lạc trên diện tích đất thị trấn, dân cư đông đúc, nên hầu hết các hạng mục chính đều được xây hai tầng theo lối kiến trúc cổ như: nhà Tổ Đường, Điện thờ Mẫu, ngôi Tam Bảo.

Chùa chính ngôi Tam Bảo được xây theo chữ Nhị quay theo hướng chính Nam. Tầng trên là các ban thờ, tầng dưới là hội trường dùng để các phật tử hội họp, đạo tràng. Trước bàn thờ của Tam Bảo đặt hai lục bình bằng gốm, có chất liệu đặp và hoa văn trang trí. Đôi lục bình này được Đại đức Thích Thanh Hòa mua tận tỉnh Giang Tây (Trung Quốc), có chiều cao 5,2m, đường kính 1,4m. Ở dưới ban còn có thờ nơi tôn trí Xá lợi Phật. Ngoài ra, La Hán đường nằm bên hành lang bên phải với 18 vị La Hán được đục từ các tảng đá xanh nguyên khối. Mỗi vị La Hán có khối lượng khác nhau tùy theo sắc thái và biểu cảm.  

Điều khiến chúng tôi ấn tượng và đáng quý ở chùa La Khởi, hầu hết toàn bộ hệ thống tượng phật đều được làm bằng  đồng đen rát vàng. Gồm 16 pho tượng, chiếm 80% như: tượng Đức Thích ca Mâu ni có khối lượng 5,6 tấn, tòa Cửu Long, Đức Quan Âm Bồ tát, pho tượng Thiên Thủ Thiên Nhỡn. Hệ thống câu đối được treo tại các cột chính, cột phụ của ngôi Tam Bảo và các tấm biển được thiết kế khác lạ. Thầy Thanh Hòa cho biết: Nhà chùa lấy ý tưởng từ tứ quý cây như: tùng, cúc trúc mai làm nền và tạo dáng cho các tấm biển, nhưng cây trúc chiếm chủ yếu để tạo nên sự gần gũi thân quen và độc đáo của các tấm biển mỗi khi du khách tới chiêm bái.
 
 
Chiêm bái và cảm nhận…

Chỉ từ năm 2002 đến nay, bằng sự phát tâm công đức và duyên Phật pháp. Đại đức Thích Thanh Hòa đã cùng nhân dân và quý phật từ gần xa xây dựng biết bao công trình của chùa La Khởi như: nhà khách 2 tầng xây năm 2002;  ngôi Tam Bảo 2 tầng xây năm 2007; năm 2008 xây dựng nhà bia, nhà thờ Tổ; đến năm 2009 xây Điện thờ Mẫu 2 tầng và đến năm 2013 xây nhà La Hán đường. Nhìn từng viên ngói, hàng gạch, những chậu cây cảnh tạo dáng khác nhau và những pho tượng được thổi hồn, lòng chúng tôi thấy vui và ấm áp hơn, khi giữa cuộc sống gấp gáp hiện đại, vẫn có những người với tâm sáng, trí trong như Đại đức Thích Thanh Hòa. Với 13 năm khi về trụ trì chùa, thầy đã làm biết bao việc cho nhà chùa, truyền dạy đạo Phật, hướng thiện lòng chúng sinh cho biết bao con người. 
 
 
Nếu du khách có dịp đến chiêm bái chùa La Khởi, hãy đứng dưới tán cây bồ đề bên cạnh tảng đá được Phó Thủ Tướng nước CHXHCN Việt Nam- Nguyễn Thiện Nhân đến chiêm bái và trồng năm 2009, ngước mắt nhìn lên ngôi Tam Bảo, chúng ta như thấy ngôi chùa Khía cổ xưa – La Khởi tự ngày nay đang hiện về, với cảnh quang nguy nga, tráng lệ, nét kiến trúc mang đậm bản sắc dân tộc, đường nét hoa văn truyền thống mang dáng vẻ của ngôi chùa xưa, như có một nguồn sống hồn Việt trong các huyết quản chúng ta.

“Mái chùa che chở hồn dân tộc
Nếp sống muôn đời của tổ tông”

Đứng trước ngôi Tam Bảo thắp nén tâm hương thành kính hướng Phật, lòng chúng tôi như thấy thanh thoát, ấm áp và vui hơn. Chúng tôi cũng không biết vì đâu mà trong dòng suy nghĩ lại có những cảm giác lạ ấy. Nhưng điều chúng tôi nhận ra rõ nhất, đó chính là Tâm – Đức của sư Thầy Thanh Hòa đối với ngôi chùa. Đó là hình ảnh ngôi chùa Khía cổ xa xưa được hiện hữu trên mảnh đất linh thiêng và những tâm trạng lạ chỉ đến chiêm bái chùa La Khởi thì chúng ta mới tỏ.

Chia tay Đại đức Thích Thanh Hòa, khi ánh nắng của buổi trưa đã đứng bóng. Tiễn chúng tôi ra cổng Tam quan cũng là lúc tiếng kẻng của trường mầm non gần đó vang lên. Tạm biệt chúng tôi, Thầy lại rảo bước trên con đường làng đến trường mầm non đón hai bé Gia Lộc và Gia Phúc bị bỏ rơi được thầy nhận nuôi 3 năm nay. Lúc này chúng tôi mới hiểu: 

“Tích ngọc, tích châu, tích bạc vàng
Tiền nhiều thời cũng phải tiêu tan
Ai mà tích được nhiều công đức
Thế mới thật giầu, thế mới sang”

Đức Tùy
loading...