Chùa Việt
Chùa làng tôi, ở ấp 5 thị trấn Giá Rai
Thứ bảy, 15/12/2017 10:05
Làng tôi, ấp 5 thị trấn Giá Rai, nay đã "lên" phường của thị xã mới. Khóm (ấp cũ) có duy nhất con đường ra hồn ra vía, tức rộng rãi và thẳng tắp như mọi đô thị, còn lại lôm côm lu tu bu như thôn quê thôi, và "người ta" ưu ái dùng tên công thần hiển hách của nước Nam Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn để đặt cho con đường ấy, qua cả hai chế độ.
Coi như nhà tôi, hẻm 1, đầu đường, và gần cuối đường có một ngôi THIỆN TỰ THIỆN - BẢO do đệ tử của Thiền viện Thường Chiếu (Đồng Nai) quán xuyến, thầy Thích Đạt Ma Khả Đức.
Nơi ấy tôi đọng lại nhiều kỷ niệm: trước thiền tự là ngôi trường rêu phong Giá Rai A "của tôi": Học ở đấy và dạy cũng ở đấy! Ngày trước cảnh trí khác: nơi này bóng bàn (ping pong), nơi kia banh bàn... Nay một ngôi Tam bảo dù đơn sơ, đã ngự đối diện cổng trường.
Thầy Khả Đức họ Lâm, sinh 1963, nơi chôn nhau cắt rốn cũng chính nơi đây, và ngày xưa cũng học trường này. Duyên với nhà Phật từ người mẹ, nay đã vãng sinh, và từng nương cửa Phật ở Long Phước (chùa Cô Bảy - Bạc Liêu), rồi đủ duyên tu học nơi Sư ông Thích Thanh Từ tạo dựng ở Long Thành, Đồng Nai: Thiền viện Thường Chiếu.
Cuộc đời phong trần gió bụi của anh thanh niên họ Lâm ấy không đơn giản song duyên may khi hạt giống Phật pháp nảy nở cứu cánh, và sự tu học có kết quả. Tôi lần nhẹ nhàng tay trên các chứng nhận tặng, chứng nhận tăng, chứng thư nhập hạ, quyết định công nhận tự viện và "cấp bậc" Thích Đạt Ma đặc thù của thiền phái.
Về quê nhà, cuối đường Trần Hưng Đạo, vị Đạt Ma được đích thân sư phụ Thích Nhật Quang khi tiễn ra xe, dặn dò với nhiều lo lắng....
Quả thực buổi đầu gian nan, khi Hòa thượng Thích Huệ Hà ký hai văn bản công nhận tự viện và tư cách vị tu sĩ dòng thiền, làng nghèo quá dù mang tiếng "chợ". Cuối đường, tách khỏi bổn phố sầm uất, đa phần bà con người Khmer, ngoài ít lò bún thủ công, thợ hồ, cu li, làm thuê làm mướn, hộ khá ít lắm. Và đấy là "fan", nhưng cư sĩ, phật tử đầu tiên của thiền tự Thiện - Bảo.
Một cốc nhỏ dựng tạm trên đất nhà, sau đấy am tranh, lần hồi thành đượng ngôi thiền tự tương đối kín gió. Những cháu bé người dân tộc Khmer chất phác, các cụ già tề tự nơi đơn sơ buổi đầu cách đây mới hơn 10 năm, tụng đọc kinh, quy y, sinh hoạt tiếp cận nghi thức và giáo lý. Những năm công quả, tu học, nghiên cứu Phật pháp ở xa xôi đã giúp thành Khả Đức duy trì ngọn lửa ấm áp nơi cuối con đường mang tên danh tướng lỗi lạc ở cực Nam đất Việt.
Tôi cầm nhẹ những bức hình ép nhựa, vừa nghe thầy Đạt Ma nhắc nhớ kỷ niệm, bé này bây giờ ở đâu và bé kia, chiếc đơn này mang về từ Thường Chiếu và con xe dame 50 cũ nát cũng từ trên ấy.
Ảnh minh họa |
Trên mảnh đất một đầu nhìn thẳng trường tiểu học, hậu giáp kênh đào cuồn cuộn phù sa ngày đêm réo rắt, vị sư cần cù lao tác như 10 năm dài trên Thường Chiếu với vườn sao, dầu... Những màn xanh ươm dần, bây giờ rau củ tuy không nhiều nhưng có đủ: bạc hà, ớt, rau muốn, đu đủ, cải... Tôi từng được mời ổi, dừa tươi do chính Thầy trồng. Cảnh quan Thiện - Bảo, trước có thánh tượng lộ thiên Quan Âm, và ở vị trí tương tự phía hậu, nhìn ra kênh, một thánh tượng y như thế. Quan sát, ngẫm ra nét Thường Chiếu: ở đâu cũng vậy, quý tăng, ni mang vóc dáng Chùa Tổ về chốn già lam nơi mình coi sóc.
Và, Thầy Khả Đức còn mang nhiều bà con Giá Rai xuôi xe lên Thường Chiếu xa xôi Đồng Nai, trung tâm dòng thiền của Sư ông Thích Thanh Từ, các nhà xe Hòa Thuận, Phước Hưng... đã kết hợp kinh doanh với công quả, đóng góp để hỗ trợ bà con nghèo quê tôi có cơ hội viếng thiền viện nổi tiếng, nơi thầy Khả Đức 10 năm tu học. Hai lần như thế tôi cùng đi và chứng kiến hành trang Thầy Khả Đức mang cúng dường Sư phụ Nhật Quang là túi ổi xuất xứ trên đất thiền tự cằn cỗi, hãy còn tươi nguyên, đấy là tấm lòng.
Không biết bao nhiêu lần, cứ nhác thấy lòng cần, chậm bước đi bộ trên con đường Trần Hưng Đạo đến viếng thiền tự, hành lễ trước thánh tượng Quan Thế Âm và nghe vị Đạt Ma nói pháp, lắm khi được mời trà, câu chuyện dài ngắn tùy duyên song hữu ích.
..Như hôm nay vậy.
Và khi tiễn tôi về, Thầy Đạt Ma còn bật mí ấp ủ lâu nay sắp thành: nhà xe Phước Hưng cúng dường đất ven quốc lộ 1 và kế hoạch di dời thiền tự về trên ấy cách chốn này chừng 2.5 cây số, một chốn thuận duyên hơn về đi lại và cao ráo. Tôi mong kế hoạch ấy thành tựu để lòng thầy trụ trì thiền tự và phật tử được an.
Nam Mô A Di Đà Phật!
Nguyễn Thành Công