Chùa Việt
Chùa Long Thọ nơi Phường Đúc xứ Huế
Thứ bảy, 19/09/2016 08:30
Chúng tôi về thăm chùa Long Thọ, địa chỉ số 385 đường Bùi Thị Xuân, phường Thủy Biều, thành phố Huế những ngày đầu tháng Chín. Đã vào Thu, nhưng nắng Cố Đô Huế vẫn gắt và khá rát.
Cách trung tâm thành phố chừng vài ki lô mét, nhưng nơi chùa Long Thọ nhiều phần mang nét làng quê. Mặc dù đường xá nhiều đổi thay, có phần bê tông hóa, nhưng cơ bản nếp sống người dân nơi đây vẫn mang đậm bản sắc văn hóa miền quê Trung Bộ. Lác đác bên đường lộ những thửa ruộng, thửa hoa màu; đâu đó trên con đường đất nâu vàng hun hút, gió phảng phất hương rơm rạ hanh khô mùi cháy nắng…
Những góc kiến trúc mái chùa Việt truyền thống
Cây trái xanh mướt, tốt tươi nơi chùa Long Thọ
Chùa có khuôn viên khá rộng, gian Chính điện Tam Bảo thiết kế thoáng, các hạng mục công trình khác cũng được thiết kế thoáng và đơn giản. Từ lối đi phía bên trái gian Chính điện là khoảng vườn nhỏ cùng nhiều loại cây trái, hoa và chiếc Giếng đã rêu phong nhuốm màu thời gian.
Ban Tam Bảo
Hệ thống tượng Phật tại chùa Long Thọ được bài trí đơn giản nhưng trang nghiêm. Nơi ban Tam Bảo, ở giữa là tôn tượng đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni, bên phải là tôn tượng đức Quán Thế Âm Bồ Tát, bên trái là tôn tượng đức Địa Tạng Vương Bồ Tát, cả ba pho tượng đều bằng đồng, đặc trưng làng nghề truyền thống đúc đồng xứ Huế.
Lầu Quán Âm
Chùa Long Thọ không xây dựng như phần nhiều các Niệm Phật đường truyền thống khác, mà kiến trúc thành ba dãy nhà ngang nối ghép lại. Trong Điện Phật và trong Tiền đường sử dụng ít cột, để không gian được thoáng, rộng và tiện cho việc tu tập. Bên ngoài nhìn từ tả, hữu, trước, sau đều thấy nét kiến trúc nhà cổ Việt Nam.
Khoảng sân chính phía trước gian Tam Bảo
Được biết, chùa Long Thọ hiện tiếp quản bởi ni sư Thích Nữ Như Huy, khi Ni trưởng Trụ trì Thích Nữ Minh Tánh viên tịch cách đây không lâu. Ai khi ghé thăm Chùa Long Thọ đều cảm nhận không khí hoà ái, thân thiện, bi mẫn từ các Ni Sư và bà con làm việc công quả trong chùa, đó cũng là nét đẹp an tịnh, thân thương của Long Thọ!
* Lược sử chùa Long Thọ:
Cổng Tam Quan
Thông tin ghi lại từ tấm bia đá gắn trên vách tường gian Chính điện:
“Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật,
An Nam Phật học Hội thành lập tại tỉnh Thừa Thiên năm 1932. Khuôn Tịnh độ Dương Biều được Hội ban Nghị định số 01 thành lập tháng 10 năm 1938.
Kiến tạo chùa Khuôn (Long Thọ Tự) vào ngày vía Phật A Di Đà, ngày 17 tháng 11 năm Nhâm Ngọ (1942) dưới sự chứng minh của Hòa thượng Đắc Quang, Giáo Hội Tăng Già Trung Việt, Hội trưởng: Cư sĩ Tâm Minh.
Ngôi chùa đại trùng tu và nới rộng 15 x 20 = 300 m2 vào ngày 02 tháng 07 năm Giáp Thìn (1964) dưới sự chứng minh của Hòa thượng Tây Thiên, Ban Đại diện Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.
Mười bốn vị Ban Trị sự Khuôn cùng 500 hội viên, bảy vức Phật giáo thuộc Khuôn đồng bái chí”.
Hội An Nam Phật học do bác sĩ Tâm Minh - Lê Đình Thám đã ban hành Nghị định số 01 vào tháng 10 năm 1938, thành lập Khuôn Tịnh độ Dương Biều, một Khuôn Phật giáo địa phương đầu tiên thuộc hệ thống Khuôn hội Phật học trong các làng xã miền Trung thời đó. Cách đây đúng 78 năm và sau đó, Khuôn Tịnh độ Dương Biều có tầm hoạt động rộng rãi từ Cầu Lòn (Phường Đúc) lên Long Thọ, Nguyệt Biều, Lương Quán, vào Trâm Bái giáp lăng Tự Đức và dọc vùng gò đồi Sơn Điền - Tiên Tĩnh đến tận chùa Bảo Lâm ở Dương Xuân Hạ. Vì thế, do yêu cầu sinh hoạt tu học đã hình thành bảy đơn vị địa phương gọi là bảy vức: Xuân Giang, Phường Đúc, Long Thọ, Nguyệt Biều, Lương Quán, Sơn Tiên và Trâm Bái; như là bảy đạo tràng với số lượng hội viên lên tới 500 vị. Các vức đều có Niệm Phật đường riêng, đóng tại các tư gia của một hội viên có nhà rộng hoặc nơi trung tâm thuận lợi.
Khuôn Tịnh độ Dương Biều lúc sơ khai chưa có Niệm Phật đường riêng mà phải sinh hoạt tạm thời tại nhà của cố đạo hữu Huỳnh Ngọc Khuyến, ở gần Điện Voi Rế, sau lưng Hổ Quyển mấy chục mét. Mãi năm năm sau, từ năm 1942 mới bắt đầu kiến tạo chùa Khuôn hội ở mé Đông Bắc của đồi Long Thọ Cương như ngày nay và được đặt tên là Long Thọ tự. Nhưng quần chúng phật tử địa phương quen gọi là chùa Dương Biều hay Niệm Phật Đường Dương Biều. Đây là ngôi chùa kiểu mới đầu tiên do chính nhân dân trong vùng tự xây dựng và quản lý, dưới sự chỉ đạo tu học của An Nam Phật học hội, sau năm 1945 gọi là Việt Nam Phật học hội.
Ngôi nhà chính pháp mãi mãi cùng thời gian...
Đến năm 1964, số hội viên của bảy vức tăng lên, chùa được xây dựng thêm hai lầu chuông trống, nới rộng thêm Bái đình và Chính điện, sâu rộng như hiện nay. Năm 1978, Khuôn hội đã trình lên Giáo hội xin vận động chư tăng hoặc chư ni về thường trú tại chùa Khuôn để kịp thời bảo vệ và duy trì cơ sở Giáo hội. Được Chư tôn Hòa thượng thuận tình, Sư bà Diệu Nghiêm đồng tình ủng hộ, Giáo hội đã cử Ni sư Thích Nữ Minh Tánh về Trú trì chùa Khuôn hội Dương Biều - Long Thọ.
Từ khi có Ni sư trụ trì trì, chùa Long Thọ ngày thêm tươi sáng. Thế nhưng, trải qua hàng chục năm chịu đựng bom đạn chiến tranh, dầm mưa dãi nắng, chùa đã xuống cấp trầm trọng. Nhất là Tiền đường đã trải qua trên 65 năm chịu đựng nên vách đã nứt, mái đã dột… không còn sử dụng được nữa.
Đến cuối năm 2005, Ban Hộ tự Dương Biều cùng Ni sư Trú trì đồng tâm thành lập Ban vận động Đại trùng tu, và công trình được khởi công trùng tu từ đầu năm 2006 đến đầu năm 2007. Nhà chùa đã quyết tâm giữ đúng quy cách, cấu trúc và dáng vẻ trước đây vì muốn bảo lưu toàn bộ đường nét cùng kiểu dáng mà chư vị tiền sáng lập đã để lại. Nhìn chung, chùa Long Thọ có kiến trúc hợp lý, hài hòa cho một ngôi chùa mang tính cộng đồng làng xã.
Ngôi chùa Dương Biều - Long Thọ từ đó đã khang trang, đảm bảo khá đủ tiện nghi phục vụ sinh hoạt của cả ni chúng, Khuôn hội và Gia đình phật tử.
Thường Nguyên