Chùa Việt

Chùa Phi Lai và những ký ức kinh hoàng

Thứ bảy, 13/04/2016 12:53

Hướng dẫn chúng tôi tham quan chùa Phi Lai ( tọa lạc tại thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn, An Giang) ông Võ Văn Hồng 72 tuổi hiện là thủ tự chùa trên 30 năm kể với giọng thật buồn “…đã 37 năm qua mà cuộc thảm sát dã man như mới hôm qua, họ giết người như thời trung cổ không còn một chút tính người…”.

Chùa Phi Lai được các tín đồ đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, một tôn giáo có nguồn gốc tại An Giang xây dựng năm 1877 nằm cạnh Núi Tượng rất uy nghiêm.
 
Trong những năm 1920, chùa này được Giáo hội Phật Giáo Việt Nam chọn làm nơi đào tạo tăng sinh để bố trí vào các chức vụ quan trọng của giáo hội. Đặc biệt đây là nơi sáng lập Hội “ Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học”.

Ngày 13/4/1978, bọn Pôn pốt bắt đầu tràn sang toàn biên giới Việt Nam - Cam Pu Chia mở màn cuộc thảm sát tàn khốc trong lịch sử loài người. Pháo của chúng bắn ào ạt sang xã Ba Chúc,Vĩnh Gia, An Nông, Lạc Quới Nhân dân quanh chùa phải chạy vào chùa Phi Lai để tránh đạn pháo, tổng số là trên 250 người. Tuy nhiên một trái pháo đã rơi xuống phía sau sân chùa, trúng vào dòng người đang ẩn náu làm hàng chục người dân thiệt mạng. Chưa dừng lại ở đời dây, bọn diệt chủng tràn sang bắn giết người vô tội bất kể già, trẻ, gái, trai bằng những phương tiện giết người như gậy gộc, lưỡi lê, đao, kiếm và súng trường. Nhiều dân thường đã vào trú thân tại chùa với hy vọng bọn diệt chủng sẽ không lùng sục, giết người nơi cừa Phật. Trong đợt thảm sát nầy toàn xã Ba Chúc đã có hơn 3000 người dân bị giết, trong đó có trên 150 người bị giết chết tại khuôn viên nhà chùa Phi Lai.
 
Ngày 20/4/1978, quân Pôn–pốt tràn vào chùa Phi Lai, bắn bừa bãi vào hầm trú ẩn của nhân dân làm chết 50 người, những người sống sót chạy ra ngoài bị chúng bắn và dùng cây đập đầu chết rồi ném xuống những hố sâu, xác người nằm chất chồng quanh chùa khoảng 100 người. 

Ông Trịnh Văn Huấn, người đang làm nhiệm vụ trông coi hương khói nhà chùa nhớ lại: lúc này trong chùa còn lại khoảng 40 người bị thương, họ dựa lưng vào vách tường chùa máu ra lênh láng. Để đảm bảo an toàn, họ bảo nhau ẩn náu ở dưới bàn thờ Phật, bên ngoài được ngụy trang bằng những bao lúa rất lớn. Không ngờ có một tốp lính Pôn Pốt quay lại chùa. Phát hiện số người trên, chúng đã ném lựu đạn hàng loạt vào hầm làm chết 39 người, chúng dùng lựu đạn ném xuống làm chết 39 người, chỉ còn một người sống sót nay đã bước sang tuổi 62. 

Sau ngày sóng yên gió lặng, những người còn sống sót trở về tìm lại người thân, chỉ nhìn thấy nhiều bàn tay vây máu trên vách tường, hành lang chùa Phi Lai, trong đó nhiều nhất là trẻ em. Vách bên trái có một vệt máu bắn lên tường cao 4 m. Bên phải là một vệt dài 7 m, cao 0,6 m. Trước chánh điện máu và nước vàng ngập lênh láng, cột máu cao 0,2 m. Bà con xã Ba Chúc và các đội chữ thập đỏ phải mất nhiều ngày liền mới thu gom xong xác chết và dội rửa nền chùa.

Hiện nay chùa còn lưu giữ nguyên vẹn những vết máu của những người bị thương và căn hầm oan nghiệt đã cướp đi 39 sinh mạng người dân vô tội như những chứng tích của bọn sát nhân từ bên kia biên giới. 

Ông Giêm Sơn, du khách Mỹ cho biết “…tàn ác đến nỗi không thể nào tàn ác hơn, họ đã thành những con quỷ dữ mất tính người của nhân loại…”.

Ngày 4/12/1997, chùa Phi Lai đã được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia, là nơi trưng bày tội ác của bọn diệt chủng với công luận trên toàn thế giới.
 

Trần Trấn Giang
loading...