Chùa Việt

Chùa Phụng Sơn: Di tích Lịch sử Cách mạng thị xã Ninh Hòa

Thứ năm, 01/09/2013 10:03

Là một ngôi chùa luôn gắn bó với dân làng, có những đóng góp lớn trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, năm 2001, Trung tâm Quản lý Di tích Danh Lam Thắng Cảnh Khánh Hòa đã xếp hạng chùa Phụng Sơn, xã Ninh Hưng, thị xã Ninh Hòa là Di tích lịch sử…

Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

“Mỗi tối dân quê đón gió lành
Khắp chùa dào dạt ánh trăng thanh
Tiếng chuông thức tỉnh lan xa mãi
An ủi dân lành mọi mái tranh”

 

Chùa Phụng Sơn tọa lạc tại làng Phụng Cang, xã Ninh Hưng, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa.

Chùa nằm ở đầu làng Phụng Cang, đối diện với Hòn Lớn. Phía Đông chùa là ngôi đình làng cổ kính. Phía Tây trải dài cánh đồng phì nhiêu bát ngát, cò bay thẳng cánh. Phía Nam là dòng sông uốn lượn giữa những cánh đồng mênh mông sóng lúa, phía Bắc là đồng ruộng.

 Chùa Phụng Sơn, tại thôn Phụng Cang, xã Ninh Hưng (Ninh Hòa)

Chùa do Tổ Phước Tường, húy thượng Thanh hạ Chánh, tự Quảng Đạt, hiệu Phước Tường, đời thứ 41 dòng Lâm Tế Chánh tông, trụ trì Tổ đình Thiên Bửu (Điềm Tịnh) khai sơn năm 1921, cải miếu Quan Thánh thành chùa và an danh là Phụng Sơn. Chữ Phụng là chim phượng hoàng, một trong tứ linh, là loài chim quý. Chùa đối diện với núi Hòn Lớn nên Tổ Khai sơn ghép tên chữ Phụng của làng Phụng Cang với chữ Sơn (núi Hòn Lớn) mà thành.      

 Dấu ấn của Tổ Khai Sơn: Thanh Chánh-Phước Tường

Cuối năm 1921, HT.Trừng Tương - Nhơn Sanh được Tổ khai sơn Thanh Chánh-Phước Tường cử về làm Giám tự chùa Phụng Sơn, liền sau đó ngôi Tam Bảo Phụng Sơn được kiến tạo. Hai Thầy trò Tổ khai sơn đã lao động tự mình dở miếu, xây chùa. Sau ba tháng xây dựng, ngôi chùa ban đầu chỉ là một ngôi nhà cấp 4, đủ làm nơi thờ Phật, thờ Thánh, thờ Tổ.

 Bàn thờ chư vị Tổ sư Chùa Phụng Sơn, Ninh Hòa, Khánh Hòa

Cuối năm sau 1922, HT. Thích Nhơn Sanh được tổ khai sơn cử chính thức Trú trì chùa Phụng Sơn.

Thế rồi thân tứ đại vô thường, sau 48 năm hoằng dương đạo pháp, ngày 28 tháng 7 năm Nhâm Thân (1932) HT.Thích Phước Tường, Tổ khai sơn chùa Phụng Sơn quay dép quy Tây, tại Tổ đình Thiên Bửu, trụ thế 66 năm hạ lạp 48 năm. Tháp Tổ được tôn trí phía Tây Tổ đình Thiên Bửu (Điềm Tịnh), Ninh Phụng, Ninh Hòa.

Năm 1946, chiến tranh bùng nổ, ngôi chính điện bị sụp đổ. Vì chùa Phụng Sơn không chỉ là nơi phật tử sớm tối đi về tụng kinh, niệm Phật mà còn là cơ sở cách mạng của chiến khu Hòn Lớn. Từ những năm 1938 đến năm 1943, chùa là nơi tiếp tế cho cán bộ cách mạng, bộ đội Việt Minh thuốc men và các nhu yếu phẩm, cất giấu súng đạn, đồng thời là nơi nuôi giấu nhiều thế hệ cán bộ cách mạng. Chùa luôn được xem là nơi tin cậy và trở thành “Trạm giao liên” cho tuyến đường liên lạc dọc Bắc Nam, phục vụ suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp. Lịch sử của chùa luôn đồng hành cùng lịch sử hoạt động cách mạng của Đảng bộ và chính quyền địa phương.

Thế rồi năm 1950, Hòa thượng Nhơn Sanh an tường viên tịch, chùa thiếu Thầy trụ trì, phật tử trong làng thay nhau hương khói.

 Tháp Tổ Trừng Tương - Nhơn Sanh, Đệ nhất trụ trì chùa Phụng Sơn

Năm 1952, Đại đức Trừng Hành-Nhơn Luật tiếp tục thừa kế trụ trì chùa Phụng Sơn.       

Năm 1964, sau pháp nạn Phật giáo 1963, Bồ tát Thích Quảng Đức (Nhơn Tri) tự thiêu, đưa Phật giáo miền Nam thoát mùa pháp nạn. Qua cơn mưa trời lại sáng, Phật tử và hương chức trong làng phát tâm xây dựng lại chùa Phụng Sơn.

Năm 1977 Đại đức Nhơn Luật cũng không thoát khỏi quy luật nghiệt ngã của vô thường, thâu thần viên tịch…

Do hoàn cảnh kinh tế lúc này quá khó khăn, nên bổn đạo, phật tử tự lo việc hương khói…

 Bia Tháp Tổ Trừng Tương - Nhớn Sanh

Năm 1993, kinh tế, xã hội ở Ninh Hòa đã phát triển, đạo Phật ở làng Phụng Cang cũng bắt đầu khởi sắc. Đại đức Thích Nguyên Thanh, tiếp tục thừa kế Trú trì chùa Phụng Sơn. Năm 1994, Phật tử  địa phương phát tâm đại trùng tu ngôi chính điện chùa Phụng Sơn, Ban xây dựng bấy giờ do hai cụ phật tử: Ngô Liệu, Pháp danh Tâm Minh và Võ Ưng, pháp danh Tâm Lượng điều hành cùng một số Phật tử giàu thiện tâm trong làng chung tay góp sức.

Đến năm 2003, chùa Phụng Sơn lại tiếp tục xây cất nhà Đông, nhà Tây, cổng chùa, tường và đường vào chùa, phạm vũ huy hoàng, trang nghiêm tú lệ như hiện nay. Thế rồi năm 2005, Đại đức Thích Nguyên Thanh viên tịch.

Sau gần 100 năm khai sáng và phát triển, chùa Phụng Sơn đã truyền thừa qua các đời Trú Tri:

-Tổ Khai sơn:    HT.Thanh Chánh - Phước Tường
-Đệ nhất trụ trì:  HT.Trừng Tương - Nhơn Sanh: 1921-1950.
-Đệ nhị trụ trì:   ĐĐ.Trừng Hành - Nhơn Luật: 1952-1977.
-Đệ tam trụ trì:  DĐ.Thích Nguyên Thanh: 1993-2005.
-Đề tứ trụ trì:     ĐĐ.Thích Nhuận Phước từ năm 2005 đến nay

Theo quyết định số 65/QĐ.BTS ngày 22.11.2004 của tỉnh Giáo hội Phật giáo Khánh Hòa Đại đức Thích Nhuận Phước, đệ tử của HT.Thích Ngộ Tánh, trụ Trì chùa Phụng Sơn từ năm 2005 đến nay.

Là một ngôi chùa luôn gắn bó với dân làng, có những đóng góp lớn trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, năm 2001, Trung tâm Quản lý Di tích Danh Lam Thắng Cảnh Khánh Hòa đã xếp hạng chùa Phụng Sơn, xã Ninh Hưng, thị xã Ninh Hòa là Di tích lịch sử

 Chánh điện chùa Phụng Sơn- Di tích Lịch sử Cách mạng tại Ninh Hòa


Trí Bửu
 
Viết xong tại Nha Thành,  Tưởng niệm Húy nhật lần thứ 81 Tổ khai sơn chùa Phụng Sơn Ninh Hòa
(28.7 Nhâm Thân 1932- 28.7 Quý Tỵ 2013)

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

Chùa cổ Thanh Lương (Khánh Hòa)

  • Chùa Thiền Sơn (Khánh Hòa)

  • Khánh Hòa: Ngôi chùa trên đảo lớn nhất


  • loading...