Chùa Việt

Chùa Phước Lâm ở vùng quê Phước Tuy yên bình

Thứ sáu, 14/07/2014 03:09

Chùa Phước Lâm – Di tích Lịch sử cấp tỉnh, toạ lạc tại thôn Phước Tuy, xã Diên Phước, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hoà.. Chùa do HT.Thích Từ Thiện, huý thượng Tâm hạ Hành, hiệu Từ Thiện, đời thứ 43 dòng Lâm Tế Liễu Quán khai sơn kiến lập năm 1942

Mỗi tối dân quê đón gió lành
Khắp chùa ngào ngạt ánh trăng thanh 
Tiếng chuông thức tỉnh lan xa mãi
An ủi dân lành mọi mái tranh 
Cồng chùa Phước Lâm và con đường vào cổng tam quan
Từ thành phố Nha Trang, theo con đường 23 tháng 10 đi về hướng Tây khoảng 15 cây số, qua khỏi cây Dầu đôi, rời quốc lộ 1, theo con đường tỉnh lộ hướng về Diên Khánh, qua cổng thành Đông, cồng thành Tây, chứng tích lịch sử anh hùng của xứ Trầm Hương, đất Khánh Hòa, là đến xã Diên Lạc, rồi thôn Phước Tuy, xã Diên Phước, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa, một vúng đất thân thiện, hiền hòa có 4 ngôi chùa trên một thôn.
Toàn cảnh chùa Phước Lâm- Di tích lịch sử cấp tỉnh
Chùa Phước Lâm – Di tích Lịch sử cấp tỉnh, toạ lạc tại thôn Phước Tuy, xã Diên Phước, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hoà.. Chùa do Hoà thượng Thích Từ Thiện, huý thượng Tâm hạ Hành, hiệu Từ Thiện, đời thứ 43 dòng Lâm Tế Liễu Quán khai sơn kiến lập năm 1942 (Nhâm Ngọ) làm nơi cho Phật tử Diên Phước, sớm tối đi về tụng kinh niệm Phật, cũng là địa chỉ để Tổ Khai sơn thực hiện lý tưởng của Ngài.
Tôn tương Tổ Khai sơn, tôn trí tại bàn Tổ chùa Phước Lâm
Ngôi chùa ban đầu chỉ là một ngôi nhà đơn sơ ba gian, hai chái theo kiểu nhà truyền thống ở nông thôn Khánh Hoà, chỉ đủ làm nơi thờ Phật và thở Tổ. “Chùa rách nhưng có ông Phật vàng”. Sau 12 năm kiến tạo, để có đủ tiện nghi phật tử quanh vùng sớm tối đến chùa tụng kinh, niệm Phật, học tập giáo lý đức Phật. Hoà thượng Thích Từ Thiện đã vận động phật tử xây cất thêm nhà Tổ, nhà khách, xây cổng Tam Quan.
Tháp Tổ Khai sơn chùa Phước Lâm
Sau hơn 30 năm khai sơn kiến lập, hoằng dương Phật pháp và đồng hành cùng dân làng, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nhưng rồi thân tứ đại mõi mòn vì tuổi già sức yếu, sức tàn, lực kiệt, như ngọn đèn hết dầu, ngày 13/06/Tân Hợi (1971) Hoà thượng Thích Từ Thiện đã thuận thế vô thường an tường xã bỏ báo thân, quy Tây. Ngài trụ thế 81 năm. 

Hỡi ơi!
Dép cỏ lối về còn lưu dấu
Hoa đàn tuy rụng vẫn ngát hương…
ĐĐ.Thích Thiện Thanh, trụ trì chùa Phước Lâm (đứng trước)
Sau khi Hoà thượng Từ Thiện viên tịch, năm 1975 miền Nam giải phóng, điều kiện kinh tế lúc đầu khó khăn, nên chùa không có Thầy trú tri, mà chỉ cử Phật tử trong Ban Hộ tự trông nom, hương khói. 

Năm 1992, điều kiện kinh tế của xã hội phát triển khá tốt, hoạt động phật sự của các chùa cũng khá hơn, Đại Đức Thích Trí Lạc, đệ tử của cố Hòa Thượng Thích Bích Lâm, (nguyên Viện chủ Tổ đình Nghĩa Phương, Nha Trang, Khánh Hòa) được Hòa thượng Thích Trí Tâm thay mặt tông phong cử thừa kế đệ nhị trú trì chùa Từ Thiện từ năm 1992 đến năm 1998. Sau đó Đại Đức Thích Trí Lạc lâm trọng bệnh, năm 1992 Hòa thượng Thích Trí Tâm đã cử Thầy Không Quang phụ tá và chăm sóc ĐĐ Thích Trí Lạc những ngày cuối đời. Năm 1998, Đại đức Thích Trí Lạc viên tịch.
Đại hùng bửu điện chùa Phước Lâm
Để có người tiếp nối hoằng dương đạo pháp, năm 1993 Hoà thượng Thích Trí Tâm, Viện chủ Tổ đình Nghĩa Phương, đã cử Đại Đức Thích Thiện Thanh (Không Quang) làm Giám tự hương khói tại chùa và hướng dẫn Phật tử tụng kinh, niệm Phật, tu nhân, hướng thiện. 

Năm 2005, sau hơn 60 năm trùng tu kiến tao, ngôi chùa đã bị thời gian làm hư hoại, được sự quan tâm của Hoà Thượng Thích Trí Tâm Chứng minh, Phật tử kẻ công, người của cúng dường đại trùng tu chùa Phước Lâm gồm: Chánh điện, Tổ đường, Quan Âm các,. mở cổng Tam quan, làm con đường bê tông vào cổng chính, trùng tu tháp Tổ Khai sơn, nhà khách, nhà tăng, nhà trù, nhà vãng sinh, trồng vườn cây bạch đàn, tạo cảnh quang, phạm vũ huy hoàng như ngày nay.
Bia Di tích Lịch sử cấp tỉnh, xếp hạng năm 2012
Thăm chùa Phước Lâm, trong mùa An cư Kiết hạ PL.2558, chùa in đậm tín ngưởng tâm linh của vùng quê yên bình Diên Khánh, mang đậm nét văn hóa dân gian nông thôn Việt Nam, tại chùa Phước Lâm còn thờ Thánh, thờ Mẫu và tại đây tổ chức các ngày lễ hội truyền thống hằng năm vào ngày 14 tháng 4 và 15 tháng 7 Âm lịch. 

Điểm đặc biệt của chùa Phước Lâm, thôn Phước Tuy, xã Diên Phước, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Trước năm 1975, Chùa  là cơ sở cách mạng, luôn đồng hành cùng dân làng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước. Theo lời kể của Đại đức trụ trì Thích Thiện Thanh, năm 1993, khi Thầy về đây phụ tá cho Thượng tọa Thích Trí Lạc, đệ nhất trụ trì, phía dưới tượng Phật trong chánh điện là hầm bí mật nơi Tổ Khai sơn đã nuôi giấu cán bộ, bộ đội trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cứu nước. Phía sau chùa còn có một chuồng bò, phía dưới chuồng bò cũng là hầm bí mật Nhưng rồi vạn vật vô thường theo quy luật thành trụ hoại không, kể từ khi Tổ Khai sơn viên tịch, chùa không còn chăn nuôi bò để lấy sức kéo, chuông bò đã bị hư hỏng, hầm đã sập, hiện nay vùng đất này là một vườn bạch đàn rợp bóng cây xanh…

Để ghi nhớ công đức của Tổ Khai sơn Nhà nước tặng thưởng Hòa thượng Trần Khánh (Thích Từ Thiện) Huân chương Kháng chiến hạng Nhì. Chùa Phước Lâm, năm 2012 được UBND tỉnh Khánh Hòa xếp hạng là Di tích Lịch sử cấp tỉnh.
Chùa Phước Lâm Di tích Lịch sử cấp tỉnh
Về thăm và đảnh lễ Tổ Khai sơn chùa Phước Lâm trong những ngày Giỗ Tổ, vui thay ngôi chùa ngày càng phát triển, phạm vũ huy hoàng, pháp bảo trang nghiêm, phật tử ngày một đông, hoa cảnh, cây xanh, ngút ngàn bát ngát, xứng tầm với ngôi chùa Di tích lịch sử cấp tỉnh mà Tổ Khai sơn đã dày công xây dựng và lưu truyền cho hậu thế. 

Thật đúng là: 

“Mái chùa che chở hồn dân tộc 
Nếp sống muôn đời của Tổ tông”  
 
(Từ trái sang phải) HT.Thích Bích Lâm, HT.Thích Từ Thiện (Tổ Khai sơn)
Quan Âm các chùa Phước Lâm

Trí Bửu - Ủy viên Ban TTTT T.Ư GHPGVN
loading...