Chùa Việt
Chùa Thiên Ấn: Cổ tự có “chuông Thần, giếng Phật” nơi xứ Quảng
Chủ nhật, 20/08/2021 01:46
Chùa Thiên Ấn được xây dựng cuối thế kỷ 17 trên ngọn núi cùng tên bên bờ sông Trà Khúc. Ngôi chùa niên đại 300 năm gắn liền với huyền tích "chuông thần, giếng Phật".
Cổ tự có niên đại trên 300 năm
Chùa cổ trăm năm tuổi ngoài khơi Hội An
Chùa Thiên Ấn cách trung tâm Quảng Ngãi khoảng 3km, nằm trên đỉnh núi cùng tên thuộc xã Tịnh Ấn, huyện Sơn Tịnh. Đây là ngôi chùa cổ và có kiến trúc đẹp, độc đáo bậc nhất ở xứ Quảng.
Chùa được xây dựng từ năm 1694 dưới thời Nguyễn Phúc Chu, hoàn thành vào cuối năm 1695 và là một trong những ngôi nhà chùa cổ nhất Quảng Ngãi với niên đại trên 300 năm tuổi. Chùa có kiến trúc đơn giản, trừ nhà phương trượng được xây dựng theo kiến trúc nhà rường, vốn là bộ khung mua lại của đình làng Phú Nhơn (đình làng này nằm trong thành Phú Nhơn – thành Quảng Ngãi đầu tiên được các chúa Nguyễn xây dựng tại làng Phú Nhơn nay là thị trấn Sơn Tịnh, huyện Sơn Tịnh về sau vua Gia Long đã dời về làng Chánh Mông nay thuộc địa phận thành phố Quảng Ngãi). Bù lại, chùa được xây dựng ở một vị trí có một không hai, đó là đỉnh đồi Thiên Ấn, một thế đất thiêng trong tâm tưởng người dân Quảng Ngãi.
Tương truyền, cánh rừng và ngọn núi Thiên Ấn xưa kia rậm rạp hiểm trở, là nơi trú ẩn của nhiều thú dữ như cọp, beo… Người dân sợ thú dữ ăn thịt nên mỗi khi đi rừng thường đi thành đoàn để tiện bảo vệ nhau và họ không dám bén mảng lên núi mà chỉ quanh quẩn nhặt củi, kiếm sản vật dưới chân núi.
Thế rồi một hôm, đoàn người đi rừng bỗng phát hiện có một con đường mòn dẫn lên núi Thiên Ấn chứng tỏ có vết tích người sống trên đỉnh núi hiểm trở này. Tò mò men theo vết chân, họ bắt gặp một thiền sư.
Thì ra bao năm nay vị sư đã ẩn mình trên núi, nương vào nước suối thanh tịnh và hoa trái của núi rừng để tĩnh tâm tu tập trên đỉnh Thiên Ấn. Đó là thiền sư Pháp Hóa - vị tổ sư đã dựng thảo am trên đỉnh Thiên Ấn để tu thiền.
"Ở ngài toát lên lòng từ bi và trí huệ, ngài đã giảng cho người dân về đạo Phật và lẽ nhân sinh. Càng về sau nhiều người dân đến thảo am để nghe giảng Phật pháp", Hòa thượng Thích Đồng Hoàng - Phó trụ trì chùa Thiên Ấn kể bằng lòng thành kính. Danh tiếng ngôi chùa và vị thiền sư lan truyền đến chúa Nguyễn Phúc Chu, một người sùng đạo Phật. Năm 1717, chúa Nguyễn Phúc Chu đã ban cho chùa biển ngạch “Sắc Tứ Thiên Ấn tự”.
Huyền tích "chuông thần, giếng Phật"
Chiêm ngưỡng ngôi chùa cổ kính nghìn năm tuổi ở Hà Nội
Xoay quanh chùa Thiên Ấn có nhiều câu chuyện nhuốm màu thần thoại quanh chuông thần và giếng Phật. Phía trước, bên trái chính điện chùa có treo một quả đại hồng chung, gọi là chuông thần. Nguồn gốc của quả chuông này từ làng Chí Tượng (nay là xã Đức Hiệp, H.Mộ Đức), khi dân đúc xong thì đánh không kêu.
Tương truyền vào năm 1845, tổ sư thứ ba của chùa Thiên Ấn là thiền sư Bảo Ấn, khi ngài đang thiền thì thấy có một vị hộ pháp bảo tới làng Chí Tượng thỉnh quả chuông về. Kỳ lạ thay, khi được thỉnh về chùa, sau khi cầu nguyện, thiền sư Bảo Ấn gióng thì chuông phát ra tiếng kêu. Lại có lời kể tương tự trên, sau mỗi lần dân Chí Tượng đúc chuông mà đánh không kêu, thì thiền sư Bảo Ấn đến xin thỉnh chuông. Dân không đồng ý, đúc đến cái thứ ba mà kết quả vẫn như cũ, họ mới đồng ý cho thiền sư thỉnh chuông về chùa. Ngay lần đánh đầu tiên, tiếng chuông đã ngân vang khắp cả vùng.
Cách chuông thần không xa về phía đông là giếng Phật. Có câu: “Ông thầy đào giếng trên non/Đến khi có nước không còn tăm hơi” để nói về câu chuyện nhà sư đào giếng. Chuyện kể rằng giếng Phật là giếng mở nguồn cho sự sống ở vùng núi Thiên Ấn, phải mất 20 năm mới hoàn thành. Khi đào đã khá sâu, các nhà sư hy vọng sắp có được nước nhưng rồi thất vọng khi gặp phải tảng đá to lớn chắn ngang. Đêm ngủ, những vị sư này được báo mộng là dưới tảng đá sẽ có nguồn nước. Sáng hôm sau, các vị sư đã cố cạy tảng đá, khi việc thành thì một nguồn nước lớn phun từ dưới lên, đó cũng là lúc các vị sư tan biến vào dòng nước.
Cũng có chuyện, một vị sư trụ trì (không rõ danh tính) đào giếng để lấy nước dùng. Ban đầu công việc suôn sẻ, nhưng đến khi gặp lớp đá thì vô cùng khó khăn. Hôm nọ, có một nhà sư trẻ đến viếng chùa và xin phép ngài trụ trì được giúp sức. Ngày qua tháng lại, một sư già một sư trẻ cứ miệt mài đục đá để đào giếng. Đục mãi, cuối cùng cũng bắt được mạch giếng. Vị sư già vô cùng sung sướng vục mặt vào mạch nước uống thỏa thích, đến khi bình tâm lại thì không thấy sư trẻ đâu cả. Đêm ngủ, ngài được báo mộng là có Phật giúp đỡ, nên mới có tên là giếng Phật.
Hòa thượng Thích Hạnh Trình cho biết giếng sâu khoảng 21 m, đường kính hơn 2 m, được xây bằng đá ong rất đẹp mắt. Là điểm đến của những người viếng chùa.
Ngôi chùa với lịch sử 300 năm tuổi đã trải qua những thăng trầm cùng lịch sử dân tộc, trải qua bom đạn chiến tranh nhưng cơ bản vẫn giữ được nét đẹp truyền thống, cổ xưa. Với bề dầy truyền thống lịch sử văn hóa, Chùa Thiên Ấn đã được Bộ Văn hóa công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 1990.