Chùa Việt

Chùa Tích Sơn

Thứ sáu, 21/02/2015 02:44

Chùa Tích Sơn (tên chữ là Ngũ phúc tự) được xây dựng trên một địa thế đẹp, thuộc địa bàn phường Tích Sơn, thành phố vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. 

Qua kiến trúc xây dựng, nghệ thuật điêu khắc và qua khảo sát thực tế chúng tôi thấy chùa Tích Sơn có thể được xây dựng vào cuối thời Hậu Lê, đầu thời Nguyễn. Từ khi khởi dựng đến nay, chùa đã có nhiều lần tu bổ lớn, hiện ở câu đầu chùa còn ghi Hoàng triều Bảo Đại thập thất niên, nguyệt hạ chí, thiên bổ thượng lương đại cát (có nghĩa là: tu tạo, dựng nóc chùa vào tháng 6 năm Bảo Đại thứ mươi bảy - năm 1942).

Chùa Tích Sơn không chỉ là 1 nơi thờ phật, trong thời kỳ tiền khởi nghĩa đây còn là nơi nuôi giấu cán bộ cách mạng, là nơi hội họp của các cơ sở, tổ chức cách mạng địa phương nên chùa không chỉ là di tích lịch sử văn hóa mà còn mang đậm dấu ấn di tích cách mạng. 
 
Chùa có nhiều hạng mục như tam quan, gác chuông, nhà Tổ, chính điện và mộ tháp làm nên tổng thể ngôi chùa bề thế, linh thiêng. Chính điện có kiến trúc hình chữ Đinh (J) với hệ thống cột chủ yếu là bằng chất liệu gỗ và gạch xây, hệ thống mái bằng gỗ quý, hầu như không chạm trổ hoa văn mà được tạo tác bằng hình thức bào trơn đóng bén tạo nên cảm giác chắc chắn, vững chãi. Nghệ thuật điêu khắc của chùa Tích Sơn rất hiếm, chỉ thấy có ở các bức chạm cửa nách hậu cung nhà Tổ.

Yếu tố nghệ thuật nổi bật ở đây chính là hệ thống tượng thờ ở chính điện. Hai bức chạm cửa nách hậu cung ở nhà Tổ có hình tam giác cân, được chạm nổi hình rồng thân uốn khúc, nhiều vảy, đuôi xoắn đang vờn mây. Phủ kín bức chạm là hình vân mây và sóng nước. Bức chạm phía trên cùng, chính giữa hậu cung nhà Tổ cũng có hình tam giác cân chạm hình đầu rồng với bờm tóc dữ tợn, nhìn thẳng xuống, miệng ngậm ngọc, xung quanh là hình hoa lá mềm mại. Tuy không phải là đề tài mới lạ, nhưng các bức chạm có nét chạm sắc, gọn làm cho phần hậu cung nhà Tổ tuy thấp nhưng vẫn nổi bật được sự uy nghi, thâm nghiêm cần thiết.
 
Về hệ thống tượng thờ, hiện ở đây còn lưu giữ được 16 pho tượng bằng các chất liệu gỗ và đồng, được bố trí ở thượng điện và nhà Tổ. Trong số các tượng ở chùa Tích Sơn, đặc biệt có giá trị là pho tượng Adiđà. Pho tượng này bằng đồng nguyên khối, cao 1m, được tạc ở tư thế tọa thiền, ngồi trên bệ sen cũng được đúc liền khối. Tượng có mái tóc xoắn ốc. đầu để lộ đỉnh, khuôn mặt phúc hậu, mắt nhìn xuống như đang suy tư, mũi cao, sống mũi thẳng, miệng hơi mỉm cười, tai dài, cổ cao ba ngấn. Mình mặc áo cà sa với những nếp gấp đều nhau tạo nên các làn sóng mỏng trải đều cân đối trên toàn thân. Hai chân xếp bằng, hai bàn chân đặt ngửa giữa lòng đùi, tay bắt ấn thiền. Bức tượng bằng đồng nhưng đường nét mềm mại, tinh xảo, đây là một bức tượng quý, có giá trị cao.

Bên cạnh các bức chạm gỗ và hệ thống tượng thờ, Ở chùa Tích Sơn còn có một chuông đồng được đúc năm Minh Mệnh thứ 12 (tức năm 1832) và một khánh đồng cổ là những cổ vật quý còn lưu giữ được. Chùa Tích Sơn hiện nay không chỉ là nơi thờ phật mà còn là nơi cho các tăng ni, phật tử học tập. Đấy cũng là nơi cho nhân dân thập hương hành hương làm lễ và chiêm bái.

Đặc biệt, nơi đây hàng năm còn diễn ra nhiều lễ hội lớn quy tụ được đông đảo nhân dân trong và ngoài vùng tham dự (do đình làng không còn nên lễ hội ở đình làng trước đây đều được đưa vào tổ chức ở chùa). Với định hướng xây dựng chùa Tích Sơn là một trong những điểm du lịch tâm linh, Tỉnh ủy, ủy ban nhân dân tỉnh đã có chủ mở rộng khuôn viên chùa, đáp ứng được nhu cầu tâm linh của nhân dân và phù hợp với định hướng phát triển chung. Hiện nay chùa Tích Sơn được trụ trì bởi Đại đức Thích Giác Minh

Thái Dương 
Tạp chí Nghiên cứu Phật học số 1 năm 2015
loading...