Chùa Việt

Chùa Tôn Thạnh: Nơi ra đời Bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu

Thứ năm, 25/12/2012 11:56

Bài văn tế bất hủ Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc được Nguyễn Đình Chiểu viết tại đây để biểu dương, tưởng nhớ công lao của những nghĩa sĩ đất Cần Giuộc đã hy sinh vì độc lập, tự do của đất nước

Chùa Tôn Thạnh được xây dựng năm 1808, ban đầu có tên là Lan Nhã, do thiền sư Viên Ngộ sáng lập. Thiền sư có lòng từ bi, hay quan tâm đến cuộc sống của mọi người nên đã tự mình khiêng đất đá để làm 2 con đường cho dân chúng đi lại.

Năm 1846, lúc đúng 60 tuổi, ngài Viên Ngộ đã nhịn uống nước suốt 49 ngày rồi viên tịch. Hiện nay, trong khuôn viên chùa về phía tây còn có bảo tháp thờ ngài.


Từ năm Kỷ Mùi 1859 đến năm 1862, nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu đã về đây sinh sống. Bề ngoài, cụ đồ Chiểu mở trường dạy học, nhưng bên trong thì cụ làm quân sư, cố vấn cho nghĩa binh chống Pháp. Bài văn tế bất hủ Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc được Nguyễn Đình Chiểu viết tại đây để biểu dương, tưởng nhớ công lao của những nghĩa sĩ đất Cần Giuộc đã hy sinh vì độc lập, tự do của đất nước. Ngoài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, các tác phẩm như: Chạy giặc, Dương Từ Hà Mậu và một phần của truyện thơ Lục Vân Tiên cũng được sáng tác tại chùa Tôn Thạnh.

Hiện nay, bên trái của chùa có Nhà bia ghi lại công lao của của nhà thơ và trích đoạn bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc. Năm 1997, chùa Tôn Thạnh đã được Bộ VH -TT công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia.

Chùa Tôn Thạnh thuộc ấp Thanh Ba, xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An, sở hữu kỷ lục: Ngôi chùa duy nhất gắn liền với sự nghiệp văn chương của nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu.


Chú thích: Tư liệu được cung cấp bởi Kỷ lục Việt Nam

loading...