Chùa Việt

Chùa Việt Nam: Cái nhìn tổng quát

Thứ sáu, 17/08/2019 04:51

Phật giáo du nhập vào Việt Nam khoảng đầu Công nguyên. Trong khoảng thời gian đó, các ngôi chùa đã dần dần mọc lên trong các thời gian và không gian khác nhau ở Việt Nam... cho đến lúc, mỗi làng có một ngôi chùa. Khảo sát những ngôi chùa đó, chúng ta thấy được đặc điểm của Phật giáo Việt Nam.

>> Kiến thức Phật giáo

Bài liên quan

Trong các kiến trúc tôn giáo ở Việt Nam, nơi thờ Phật được gọi là chùa phân biệt với đền, miếu hay nhà thờ, chỉ nơi thờ các vị thần trong các tín ngưỡng và tôn giáo khác. Để chỉ chùa thờ Phật, trong tiếng Việt cổ còn có từ chiền. Ngày nay, từ này chỉ còn trong từ chùa chiền, chỉ chung các kiến trúc Phật giáo. Phật giáo du nhập vào Việt Nam vào khoảng đầu Công nguyên, cũng từ đây, các ngôi chùa dần dần mọc lên, cho đến lúc, gần như mỗi làng có một ngôi chùa. Qua gần 2000 năm lịch sử Phật giáo Việt Nam, kiểu kiến trúc chùa cũng như Phật điện ở bên trong biến đổi cùng với thời gian và không gian. Nhưng dầu sự biến đổi đó đã xảy ra thế nào, chúng ta cũng nhận ra một số đặc điểm chung của chùa Việt Nam.

Trong các kiến trúc tôn giáo ở Việt Nam, nơi thờ Phật được gọi là chùa phân biệt với đền, miếu hay nhà thờ, chỉ nơi thờ các vị thần trong các tín ngưỡng và tôn giáo khác. Nguồn ảnh: Internet

Trong các kiến trúc tôn giáo ở Việt Nam, nơi thờ Phật được gọi là chùa phân biệt với đền, miếu hay nhà thờ, chỉ nơi thờ các vị thần trong các tín ngưỡng và tôn giáo khác. Nguồn ảnh: Internet

Chùa Việt Nam thường được dựng ở những nơi có cảnh trí thiên nhiên đẹp. Tuy nhiên, chùa là thuộc về cộng đồng nên cần có những mối liên hệ cộng đồng. Chùa Việt Nam, trong các làng quê, được xây dựng bằng các thứ vật liệu quen thuộc của xứ sở nhiệt đới này, từ tre, tranh, cho đến gỗ, gạch ngói... Nhưng thường người ta dành cho chùa những vật liệu tốt nhất có thể có được. Vật liệu cũng như tiền bạc dùng cho việc xây dựng chùa thường được quyên góp trong mọi tầng lớp cư dân, gọi là của "công đức". Người ta tin là sẽ được hưởng phúc khi đem cúng vật liệu hay tiền bạc cho việc xây dựng chùa. Trên những cột gỗ lim - một loại gỗ tốt ở Việt Nam, không bị mối mọt - ở một số chùa, còn khắc rõ tên người đóng góp. Tên những người đóng góp còn gặp trên các bàn thờ bằng đá hoặc trên các đồ sành sứ như bát hương, bình hoa, chân đèn..., và thường được ghi trong một danh sách dài trên các tấm bia chùa.

Bài liên quan

Chùa không phải là một ngôi nhà mà bao giờ cũng là một quần thể kiến trúc, gồm những ngôi nhà sắp xếp cạnh nhau hoặc nối vào nhau.Tùy theo cách bố trí những ngôi nhà này mà người ta chia thành những kiểu chùa khác nhau. 

Kiểu chùa, đơn giản nhất là kiểu chữ Đinh, có nhà chính điện hay nhà thượng điện, tức ngôi nhà đặt các bàn thờ Phật, nối thẳng góc với nhà bái đường hay nhà tiền đường ở phía trước. Phổ biến hơn là kiến trúc có nhà chính điện và nhà bái đường song song với nhau và được nối với nhau bằng một ngôi nhà gọi là nhà thiêu hương, nơi nhà sư làm lễ. Có nơi gọi gian nhànối nhà bái đường với Phật điện này là ống muống. Trong trường hợp bái đường và Phật điện được nối với nhau bằng nhà thiêu hương hay ống muống như vậy, ta có kiểu chùa được gọi là kiểu chữ Công (X). Kiểu chùa chữ Tam là kiểu chùa có ba nếp nhà song song với nhau, thường được gọi là chùa hạ, chùa trung và chùa thượng, như kiểu chùa Kim Liên, chùa Tây Phương ở Hà Nội... 

Kiến trúc chùa phổ biến ở Việt Nam. Nguồn ảnh: Internet

Kiến trúc chùa phổ biến ở Việt Nam. Nguồn ảnh: Internet

Một kiểu chùa khá phổ biến ở miền Bắc Việt Nam là kiến trúc có hai hành lang dài nối liền nhà tiền đường (hay nhà bái đường) ở phía trước với nhà hậu đường (có thể là nhà tổ hay nhà tăng) ở phía sau làm thành một khung chữ nhật bao quanh lấy nhà thiêu hương, nhà thượng điện hay các kiến trúc khác ở giữa. Kiểu chùa này được gọi là nội Công ngoại Quốc, có nghĩa là phía trong có hình chữ Công còn phía ngoài có cái khung bao quanh như ở chữ Quốc. Tam quan là cổng vào chùa, thường là một ngôi nhà với ba cửa vào. Có chùa có đến hai tam quan, một tam quan ngoại và một tam quan nội.

Kiến trúc nội công ngoại quốc. Nguồn ảnh: Internet

Kiến trúc nội công ngoại quốc. Nguồn ảnh: Internet

Trong thực tế, các kiểu chùa nói trên có rất nhiều biến thể khác nhau, ở một số chùa, phía sau điện thờ Phật còn có điện thờ Thần, đó là loại chùa tiền Phật hậu Thần phổ biến ở Bắc Bộ. Có chùa gác chuông ở phía trước, có chùa gác chuông ở phía sau, có chùa gác chuông ngay trên cửa tam quan, có chùa gác chuông lại ở trên nhà tổ. ở một số chùa, có ngôi tháp lớn ở trước mặt, như chùa Dâu ở tỉnh Bắc Ninh, chùa Phổ Minh ở tỉnh Nam Định, nhưng ở một số chùa khác, các tháp lại ở hai bên chùa hay có vườn tháp riêng.

Kiến trúc chùa truyền thống Việt Nam khá đa dạng, có thể các kiểu chùa như hiện thấy đã xuất hiện trong các thời kỳ lịch sử khác nhau. Tính đa dạng còn được biểu hiện qua không gian, ở các phong cách kiến trúc địa phương. Tính đa dạng của kiến trúc chùa Việt Nam càng tăng khi xuất hiện những ngôi chùa hiện đại được xây dựng gần đây. Nếu chùa đa dạng thì Phật điện cũng đa dạng không kém. Cách bài trí tượng thờ ở Phật điện Việt Nam cũng biến chuyển qua thời gian và không gian. 

Theo Hà Văn Tấn, Nguyễn Văn Kự, Phạm Ngọc Long

loading...