Kiến thức
Chuẩn bị cho cái chết có ý nghĩa
Thứ hai, 09/03/2021 02:31
Chuẩn bị như thế nào để sống có ý nghĩa mà chết cũng có ý nghĩa. Nghĩa là tất cả ai rồi cũng phải chết, đó là chỗ gặp nhau, chỗ giống nhau, nhưng cách chết của mỗi người thì có khác, đó là chỗ mà mỗi người phải học để chuẩn bị.
Chết là định luật chung cho tất cả thế gian
Có cái chết trong quằn quại đau khổ, chết trong kinh hoàng, hoặc là cái chết trong mờ mịt tối tăm không có lối đi, đó là cũng chết. Hoặc là có cái chết an lành, chết trong chánh pháp, chết với niềm tin sáng suốt thì cũng chết nhưng rõ ràng có khác. Chúng ta là những người đệ tử Phật, có học đạo hiểu đạo thì phải chết như thế nào cho thích hợp. Chúng ta phải chọn ngay lúc này, là đang ngồi để chờ chết đây, không phải đợi tới đó mới chọn thì không kịp. Bởi vì lúc đó đâu còn tinh thần để mà chọn nữa, hiện tại tinh thần còn sáng suốt mà không chọn là bỏ qua cơ hội tốt.
Chọn tức là chọn cho mình một cái chết an lành, có niềm tin vững với chánh pháp, thân chết nhưng tâm không chết, như vậy mới xứng đáng. Muốn được như vậy thì phải thường xuyên quán niệm về sự chết để chuẩn bị, đừng nghĩ cái chết còn xa, còn lâu mà lúc nào cũng luôn tập quán niệm để chúng ta làm quen với sự chết, vì khi bất ngờ tới thì trở tay không kịp.
Người thế gian thường làm ngơ, sợ không dám nói tới chết, nhưng khi nó tới bất ngờ thì hoảng hốt, chới với bởi vì chưa quen, còn người đã quen rồi tới lúc đó được bình tĩnh. Muốn vậy, chúng ta thường xuyên tu tập nhiều thiện nghiệp, tu tập theo pháp để huân sâu chủng tử lành trong tâm, để khi chết đến chúng ta chỉ nhớ thiện nghiệp, nhớ pháp nên không sợ vì có chỗ tựa, tâm an ổn ra đi. Còn kia là không có chỗ tựa, những nghiệp ác tới lúc đó quấy rối thêm, nên tâm càng hoảng hốt, mà tâm hoảng hốt tức nhiên nó càng đi bậy!
Phải luôn luôn nhớ thân này là vô thường, bản chất của nó là tan rã nên nó không phải là ta, là của ta, để không có ý niệm tham luyến về thân. Do đó, tới lúc phải bỏ nó thì sẵn sàng bỏ, không có giằng co vì như vậy sẽ khó chết. Còn biết tới lúc đó rồi, làm gì thì nó cũng phải tan rã, dù nắm cách mấy cũng phải buông thì buông một cái cho nhẹ, đi cho nhẹ nhàng, đó là nhờ không phải quá tham luyến về thân.
Rồi nhớ cha mẹ, con cái, bà con quyến thuộc, anh em, bạn bè thân thích… cũng đều là pháp tan rã, đều không phải là của ta, nên không để ý niệm tham luyến trói buộc mà mãi nhớ những người thân thích thì cũng khó ra đi, là chết trong cái khổ. Bởi vì đó đều là những pháp phải tan rã, đều phải chia tay, làm gì cũng không thể nắm níu, có nắm níu gì cũng đâu kéo đi theo được, nên đừng tham luyến thì tâm nhẹ nhàng ra đi.
Kế nữa, thường nhớ nhà cửa, tài sản, ruộng vườn, kim cương, hột xoàn, v.v… cũng là pháp tan rã, đều không phải là cái của ta, cho nên cũng đừng khởi ý niệm tham luyến, như vậy ra đi được nhẹ nhàng. Như lời Phật dạy, những thứ đó thuộc về của năm nhà chứ không phải của chúng ta, chúng ta chỉ tạm dùng một lúc nào đó thôi, rồi cũng phải buông tất cả. Lẽ thật của nó là như vậy.
Cho nên, người đời vì mê lầm mà phải tạo những nghiệp sai lầm; còn người học đạo biết rõ chỗ đó rồi có hướng đi đúng, luôn xả bỏ những tâm niệm nuối tiếc, tư tưởng tham dục, hận thù che lấp tâm trong sáng của mình để lúc ra đi được nhẹ nhàng. Phải học thuộc lòng và quán sâu bài kệ của kinh Kim Cang:
Tất cả pháp hữu vi,
Như mộng, huyễn, bọt, bóng,
Như sương cũng như chớp,
Nên khởi quán như thế.
Nên nhớ tất cả pháp hữu vi đều là như mộng, như huyễn, như bọt như bóng hoặc như sương, như điện chớp, thường xuyên quán kỹ như vậy tâm chúng ta sẽ nhẹ nhàng và bớt tham luyến. Đó là nhắc cho chúng ta luôn nhớ rõ thế gian này đều không có gì đáng để cho mình tham luyến, chấp thủ. Bởi vì tất cả đều là pháp vô thường phải tan rã, không có thực thể chắc chắn gì hết.
Ngay bản thân của chúng ta đây còn không chắc chắn, không phải của mình, không thể giữ được thì có cái gì trên đời này mà có thể giữ được đâu! Biết thân này sắp chết mà còn giữ không được, lại lo giữ những thứ bên ngoài kia có mê lầm không? Người nhẹ tình chấp sẽ ra đi nhẹ nhàng, tự cứu khổ cho mình chính là chỗ đó.
Mọi người nên chuẩn bị cái chết cho chính mình
Nếu những người thân, những người gần gũi mà hiểu Phật pháp, hiểu đạo thì cũng nên trợ duyên thêm để nhắc nhở cho nhau những điều cần thiết này, đó là rất tốt. Đừng tới lúc đó khóc lóc, than kể để kéo trở lại làm khổ thêm cho nhau. Tưởng đâu thương nhưng lại làm khổ thêm cho nhau, khiến người thân quyến luyến khó đi. Còn như chúng ta dùng những lời Phật pháp, những yếu chỉ như đây để nhắc nhở giúp thân nhân không còn tham luyến, không còn bám chấp lầm lẫn để ra đi nhẹ nhàng, làm bạn đạo trợ duyên cho nhau. Như câu chuyện bà mẹ của ông Nakula. Lúc ấy, Đức Phật ở tại khu rừng Lộc Uyển. Khi người cha của ông bị trọng bệnh hấp hối sắp chết, mẹ của ông nói với chồng (tức cha của ông Nakula): “Thưa gia chủ! Gia chủ chớ có mạng chung với tâm còn mong cầu luyến ái. Đau khổ là khi người mạng chung với tâm còn mong cầu luyến ái. Thế Tôn đã quở trách người khi mạng chung với tâm còn mong cầu luyến ái”.
Bà vợ nhắc chồng khi sắp mạng chung chớ có chết với tâm còn mong cầu luyến ái. Sau đó, bà nhắc lại lời Phật dạy cho ông nhớ, vì các vị cũng là Phật tử thường nghe Phật thuyết pháp.
Bà lại nhắc: “Gia chủ có thể suy nghĩ: Sau khi ta mạng chung, mẹ của Nakula không thể nuôi dưỡng các con và duy trì nhà cửa. Sau khi ta mạng chung, mẹ của Nakula sẽ đi đến một gia đình khác. Sau khi ta mạng chung, mẹ của Nakula sẽ không muốn yết kiến Thế Tôn và chúng Tăng. Sau khi ta mạng chung, mẹ của Nakula sẽ không giữ giới một cách đầy đủ.
Thưa gia chủ! Gia chủ chớ có nghĩ như vậy, sau khi gia chủ mạng chung, tôi có thể nuôi dưỡng con cái và duy trì nhà cửa. Gia chủ cũng đã biết 16 năm nay tôi đã sống với gia chủ và thực hành Phạm hạnh thế nào rồi. Sau khi gia chủ mạng chung, tôi sẽ yết kiến Thế Tôn và chúng Tăng nhiều hơn, cho đến khi nào các nữ đệ tử áo trắng còn giữ giới luật một cách đầy đủ thì tôi là một trong những người đó. Do vậy, gia chủ chớ có mạng chung với tâm còn mong cầu luyến ái”.
“Đệ tử áo trắng” tức là cư sĩ của Thế Tôn. Bà trợ duyên nhắc nhở người chồng rất hay, chúng ta cũng khéo học những cách này để nhắc nhở bạn bè hay người thân trong gia đình khi sắp mạng chung để cho họ ra đi trong tâm an ổn nhẹ nhàng không phải tham luyến rồi lo lắng cho những người còn ở lại mà đi vào cảnh xấu. Bởi vì có nhiều người sắp chết, luôn lo sợ gia đình sống không đủ ăn, vợ nuôi con không nổi, nhưng lo vậy cũng đâu làm gì được. Nếu như vậy khi ra đi sẽ không yên, chết bất an rồi đi vào chỗ xấu.
Đó là những bài học cho chúng ta biết cách trợ duyên cho người thân khi sắp chết được buông xả nhẹ nhàng, và luôn nhắc nhở bản thân chuẩn bị cho ngày ra đi, như thế cuộc sống ngắn ngủi này cũng tạm có ý nghĩa của người đệ tử Phật. Được vậy thời gian chúng ta học đạo mới không uổng phí, và cũng có ít nhiều vốn liếng có thể dùng được. Đây là những điều quan trọng, là những việc cấp bách, thiết thực cho cuộc sống của con người nhưng người ta lại ít để ý, mà để ý những cái không cấp bách, những chuyện đâu đâu quên mất cái chính, đó là điên đảo.