Chùa Việt
Chuông chiều trên biển Trường Sa
Chủ nhật, 04/01/2021 02:31
Có một bức ảnh luôn thu hút mọi người vào những dịp triển lãm, bức ảnh tôi chụp đâu năm mới 2019, sư trụ trì chùa Trường Sa rạng rỡ, ân cần mừng tuổi em nhỏ đang được ẵm bồng trong vòng tay mẹ.
Hào sảng chuông chùa giữa Trường Sa
Đạo và đời trên đảo
Giản dị thế, song, dường như có những cảm xúc, năng lượng mặc nhiên và đặc biệt lắm nên cứ hút mắt, níu lòng người xem. Hình ảnh ấy khiến tôi nhớ tới không khí xuân trên đảo, vào ngày đầu năm mới, mọi người đều lên chùa lễ Phật, sum vầy, chúc nhau mọi sự an lành, hoan hỉ.
Tôi có cơ hội chứng kiến khung cảnh thật bình yên khi thầy trụ trì Thích Tâm Tánh chuẩn bị mọi nghi lễ cho đến quà mừng tuổi cho mọi người giống như trên đất liền. Đặc biệt, vào những ngày tuần rằm, thầy thường nấu những bát chè thơm ngon, xếp đặt thật ngay ngắn ra bàn và ngồi cạnh đó chờ đợi. Ngoài các loại chè từ hạt như kê, đỗ, lạc, chùa còn có đặc sản chè bưởi. Đơn giản bởi đó là loại quả có thể giữ được suốt thời gian cả tháng trời chuyến từ đất liền ra. Vỏ bưởi đã ngả màu vàng vẫn được sư thầy lau cho sạch sẽ, bóng bẩy dâng cúng. Sau lễ, ruột bưởi được thụ lộc, chia mỗi nơi một chút còn cùi dành để nấu chè. Bếp nhà chùa nấu những bát chè nho nhỏ, chỉ bằng nửa bát ở đất liền.
Có lần, đi ngang qua chiếc bàn đặt đầy chè bưởi, tôi tần ngần giây lát, cũng muốn thử lắm, nhưng lại dấy lên cảm xúc không dám, không nỡ. Ấy là phần quà thảo thơm, mộc mạc nhà chùa dành cho các chú lính đi tập luyện, tăng gia, canh gác mệt nhọc trở về sẽ lên chùa ăn.
Ở đảo Song Tử Tây, sau nhiều ngày sư thầy về đất liền “nghỉ phép” trở lại chùa, trẻ con cứ quấn quýt vị trụ trì nửa bước không rời. Chúng đòi thầy kể chuyện và dỏng tai lắng nghe sư thầy hỏi chuyện, ngoan ngoãn đáp lại như bầy chim non. Thường ngày, ngoài giờ kinh kệ, thầy vẫn đá cầu, chuyện trò thăm nom người dân, bộ đội.
Còn vị trụ trì chùa Nam Huyên trên đảo Nam Yết đã nhiều năm làm công việc Phật sự trên đảo vẫn giữ tâm nguyện được tiếp tục gắn bó với nơi này. Mỗi đảo, chỉ một thầy chùa lo nhang khói, chăm sóc cảnh quan, tăng gia trồng trọt. Có thể nói, đó là một trong những con người vất vả nhất.
Hàng năm, Giáo hội Phật giáo tỉnh Khánh Hòa đều cử các chư tăng ra sáu ngôi chùa ở huyện đảo Trường Sa làm nhiệm vụ Phật sự. Hầu hết các vị trụ trì khi đã ra nơi đầu sóng đều xem đó như một cơ duyên và thành tâm phát nguyện tiếp tục được lưu lại.
Những ngôi chùa ở Trường Sa: Cột mốc tâm linh, chủ quyền của Tổ quốc
6 ngôi chùa ở Trường Sa
Quần đảo Trường Sa chùa nào cũng đẹp, mỗi nét chùa một vẻ rất riêng. Điểm chung của các chùa trên quần đảo đều thiết kế như những ngôi chùa trong đất liền, đều nhìn ra biển, hướng về thủ đô Hà Nội, nhiều hoa văn điêu khắc có hình sóng biển, số gian lẻ, mái cong, sử dụng nhiêu loại gỗ quý chịu được môi trường khắc nghiệt... Ngoài thờ Phật, các chùa đều có ban thờ anh hùng liệt sĩ những con người đã anh dũng hi sinh đế bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tố quốc...
Chùa Trường Sa nằm ngay vị trí trung tâm đảo. Đặt chân xuống cầu cảng đã thấy cổng chùa uy nghiêm cạnh quảng trường, cột mốc chủ quyền và nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đại đức Thích Giác Nghĩa, vị trụ trì đầu tiên của chùa người Huế. Sau ba lần tới đảo Trường Sa làm lễ cầu siêu, người coi việc ra được đây như mối thiện duyên lớn. Chính điện chùa Trường Sa treo bức thư pháp tiếng Việt, theo lối thảo thư, trong đó có bài thơ mang tên “Đi” vói những câu: “Hãy ra đi vì biên cương biển đảo/ Đi ra đi cưỡi sóng vượt trùng dương/ Đi đi. Đi cho yên bình hiện hữu. Đi bước đi để củng cố sơn hà”. Đó là bài thơ thầy Thích Tâm Tri tặng trụ tri chùa khi người quyết định ra đảo.
Chùa Vinh Phúc ở đảo Phan Vinh tọa lạc ngay gần biển, cổng chùa cách bờ biển chỉ vài mét, phía Tây là trạm ra đa T44. Phật điện chùa Phan Vinh có pho tượng Phật ngọc. Các pho tượng trong chùa đều bằng đá thạch anh trắng và một pho tượng thạch anh hồng cao cả mét. Cảm giác khi đặt chân tới cửa chùa Vinh Phúc luôn là sự chói chang, huy hoàng, rực rỡ. Từ bên trong sân nhìn ra sẽ thấy hai cột sừng sững, cảnh vật uy nghiêm và mái chùa cong cong in trên nên biến xanh như bức tranh pha trộn nhiều sắc thái.
Trong khi đó, chùa Nam Huyên trên đảo Nam Yết được che phủ bởi nhiều cây xanh. Phật điện chùa có pho tượng Phật ngọc. Cùng với các công trình nhà văn hóa, tượng đài, trạm hải đăng... là quần thể kiền trúc, lịch sử, văn hóa, đã tạo nên sức sống mãnh liệt và cũng yên bình trên đảo dừa thơ mộng.
Ở đảo Sơn Ca, chùa Sơn Linh tọa sát mép sóng, luôn cho ta cảm giác êm đêm, dìu dặt. Chùa có kiến trúc thuần Việt với mái ngói cong vút, các bộ hoành phi, câu đối được trạm trổ cầu kỳ.
Chùa Song Tử Tây uy nghi, trầm mặc, phía sau là ngọn hải đăng. Xung quanh chùa, những cây phong ba, bàng vuông chạm tán vào nhau, không chỉ hoa trái mà đến lá cây cũng tỏa hương dịu mát, ngọt lành.
Riêng chùa trên đảo Sinh Tồn, tôi cho đó là không gian quy tụ nhiều nét đặc biệt nhất. Đảo nhỏ chật hẹp nhưng chùa quyện cảm giác tâm linh đặc quánh. Đây là ngôi chùa thờ bài vị của 64 liệt sĩ hi sinh tại đảo Gạc Ma trong cuộc chiến ngày 14-3-1988. Sân chùa cũng có bia về những người con đất Việt kiên trung bất khuất đã kết thành vòng tròn bất tử. Pho tượng phật A- di-đà tọa trên hòn giả sơn ngoài sân chùa hướng về phía biển. Tôi luôn cỏ cảm giác tâm mình chùng xuống, nặng trĩu. Những bông súng nở trong những ang nước ngọt trong khuôn viên chùa cánh đăng đối ngoài sắc màu tím, đỏ, trắng, vàng còn như chứa cả hào quang. Mỗi nén hương thắp lên tại đây đều quyện luôn vào bia đá, cỏ cây rồi bay bổng chạm tới mái chùa.
Những ngôi chùa được dựng bằng niềm tin
Cách đây nhiều năm, tôi lên các đảo, thấy các chùa ở Trường Sa đang bắt đầu được kiến tạo, sân chùa còn chưa hình thành, chỉ toàn ngổn ngang gỗ, đá, vật liệu... Quy hoạch một ngôi chùa trên đảo rất khó khăn vi diện tích đảo có hạn. Những bức tượng to được cẩu ra, đóng trong khung giá bằng gỗ, nhìn thôi đã biết rất nặng, rất công phu. Tôi băn khoăn không hiểu những pho tượng ấy được đưa lên đảo bằng cách nào. Câu hỏi ấy, khi nghe tôi thổ lộ, mọi lực lượng trên các đảo đều nói, họ đưa tượng lên bằng sức lực, niềm tin và lý trí. Ở đây, chẳng có loại phương tiện hay máy móc thiết bị nào thay thế được con người.
Trước khi quần đảo Trường Sa có chùa, tôi từng đặt câu hỏi, đời sống tâm linh trên đảo nếu thiếu một ngôi chùa thì sẽ diễn ra như thế nào? Những con người ở đây, khi nghe từ trong đất liền báo tin lành, tin dữ về người thân, họ mạc, quê hương bản xứ... thì họ tìm đâu ra chốn nương tựa tâm linh. Có lẽ, đó cũng là một trong những lý do lớn để chỉ trong ít năm, sáu ngôi chùa của quần đảo được hiện hữu và các trụ trì đầu tiên bắt đầu hành trình ra đảo. Những người lính luôn được trang bị về ý chí, tư tưởng, song tôi tin vê mặt sâu thẳm đời sống tinh thần của mỗi con người, chắc chỉ có mái chùa mới giải quyết được. Bộ đội nghe tin người thân mất mà không thể về đất liền chịu tang, lên chùa cùng nhà chùa làm lễ. Mỗi đứa trẻ được sinh ra ở đất liền mà chỉ mỗi mình người mẹ trong cơn vượt cạn, người bố ở đảo xa cũng lên chùa làm lễ cầu bình an.
Có những buổi chiều, tôi nghe tiếng chuông chùa vang vọng giữa bao la mênh mông. Tiếng chuông ấy hòa vào tiếng sóng, cứ trầm ngấm vang lên. Chuông chiều đánh dấu lại một ngày đã qua di, lòng người được chùng xuống nghỉ ngơi đôi chút. Điều đặc biệt của sáu ngôi chùa trên quần đảo là giờ thỉnh chuông đều bắt đầu từ lúc 5 giờ sáng, và 18 giờ 30 phút chiều. Nghĩa là, sau một giấc ngủ trọn vẹn, lúc ánh ngày đầu tiên vừa lóe rạng, sẽ vang lên tiếng chuông thức tỉnh con người. Tiếng chuông vừa nhắc họ ngày mới bắt đầu, cũng nhắc nhớ tâm tưởng hướng thiện, an lành. Tiếng chuông mở ra cánh cửa tâm linh giữa bốn về sóng gió, khép lại một ngày sẽ lại vọng ngân.
Có lẽ, khắp Tổ quốc này, chỉ ở quần đảo Trường Sa, tiếng chuông mới hòa vào tiếng sóng đêm ngày da diết. Cảm giác tiếng chuông nơi đây như một sự hiện hữu linh thiêng về thi ảnh, vừa xa xăm vừa cụ thể. Đôi khi, cảm giác lòng ta khi căng mở sẽ chạm vào được, giống ở quê vẫn thấy khói lam chiều.
(Nguồn: Tạp chí Thời đại)