Chùa Việt
Chuyện hai pho tượng cổ bất động trong ngôi chùa quê…
Chủ nhật, 04/03/2014 10:37
Gian Tam Bảo hư hại đến 70-80%. Tường, kèo cột, mái… vôi vữa tróc lở, nứt ngang, nứt dọc. Nơi ban Tam Bảo hư hại nhiều nhất. Mối xông tường đã đành, hai pho tượng cổ “Ngài A Nan, Ngài Ca Diếp” cũng được mối “thăm hỏi” chu đáo.
Nơi gian Tam Bảo đã xuống cấp nhiều phần trầm trọng, Tỳ kheo Thích Tâm Hiệp chỉ cho chúng tôi những pho tượng cổ hàng trăm năm tuổi, trong đó nổi bật là hai pho tượng “Ngài A Nan, Ngài Ca Diếp” và tượng Đức Ông.
Điểm “đặc biệt”, đó là hai pho tượng giờ chỉ yên vị, không ai dám dịch chuyển, khi bao sái cũng cần hết sức nhẹ nhàng, chỉ vì tượng các Ngài đã bị mối xông đến rỗng ruột…
Ao nước mát lạnh một chiều Đông, trước lối vào cổng chính bên phải nhà chùa
Hồi đầu tháng Hai vừa rồi, nhân chuyến đi công tác phật sự ở Bắc Ninh, khi về còn sớm và cũng hẹn trước thầy Tâm Hiệp, chúng tôi ghé thăm chùa Kim Bản (hay còn gọi là chùa Ván) ở thôn Tràng, xã Cẩm Đông, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Ngôi chùa nhỏ đơn sơ, mặt trước lối vào cổng chính bên phải là ao nước mát rượi. Bên trái và phía sau là mênh mông ruộng lúa, có thửa vẫn còn mạ xanh mơn mởn dù đã xong vụ Thu Đông.
Tháp của một cố ni sư ngay giữa sân chính nhà chùa
Khi thỉnh chuyện Tỳ kheo Thích Tâm Hiệp, hiện đang chăm nom nhà chùa, thầy cho biết: Theo các bô lão trong thôn kể lại, dân làng biết đến chùa Kim Bản ngày nay qua một vị quan thủa xưa tên là Ngô Vi Liễn, quan Tri huyện Cẩm Giàng. Chùa có từ đời nhà Trần, do ba họ Ngô-Đỗ-Vũ góp công gây dựng nên. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, chiến tranh gần như san bằng ngôi chùa xưa kia. Theo tích chùa cổ mà dân làng còn nhớ được, nơi chùa Kim Bản khi xưa, cây cối um tùm mọc ngang đầu người. Năm 1954, chùa bị bom đạn chiến tranh san bằng gần như hoàn toàn. Năm 1991, dân trong thôn khi đào ao, lập thửa thì thấy có tượng cổ (số ít pho tượng quý hiếm còn giữ lại đến nay). Khi có tượng, người dân mới có lý do để lập chùa. Trên nền chùa cổ, nhằm khôi phục lại phần nào, dân làng đã góp phần xây dựng nên chùa Kim Bản ngày nay.
Đến năm 2005, Tỳ kheo Thích Tâm Hiệp về với chùa Kim Bản, khi đó chùa chỉ có chừng 8-10 mét vuông. Thầy thi thoảng đi đi, về về, chưa chăm nom thường xuyên được. Dần dần, duyên định Tỳ kheo ở lại trụ xứ nơi đây. Từ năm 2005 đến nay, Tỳ kheo Thích Tâm Hiệp cùng bà con phật tử xây dựng ngôi nhà chánh pháp tàm tạm được như hiện tại để bà con hành lễ.
Nơi gian Tam Bảo đã hư hại, xuống cấp rất nhiều
Nói là tàm tạm vì chỉ ở bên ngoài, lối vào cổng chính nhà chùa đường bê tông còn mới. Khu viên rộng rãi, thoáng đãng, xanh mướt cây trái tốt tươi. Nhưng, bên trong thì đa phần xuống cấp nặng nề. Đặc biệt, gian Tam Bảo hư hại đến 70-80%. Tường, kèo cột, mái… vôi vữa tróc lở, nứt ngang, nứt dọc. Nơi ban Tam Bảo hư hại nhiều nhất. Mối xông tường đã đành, hai pho tượng cổ “Ngài A Nan, Ngài Ca Diếp” cùng với thời gian hiện rỗng ruột cả rồi, thầy cũng như bà con phật tử không dám chạm đến hay di dời khi lau chùi, quét dọn vì sợ… vỡ tượng.
Hệ thống tượng Phật ở ban Tam Bảo
Mối không chỉ xông tường...
Tượng Đức Ông, một trong số ít pho tượng cổ còn lại đến ngày nay
Chúng tôi nhìn gian chính điện mà thấy xót xa trước cảnh chùa quê...những bù lại nơi đây chùa còn xập xệ nhưng nhờ có Thầy hướng dẫn bà con tu học, nên từ người già, đến bạn trẻ đều năng về chùa lễ Phật. Thôn Tràng, là thôn điển hình trong xã, trong huyện bởi có đến 2/3 bà con phật tử đã Quy Y Tam Bảo.
Thưa chuyện cùng quý Thầy, và qua tìm hiểu phật tử địa phương, chúng tôi thấy có điểm mới lạ khá thú vị, đó là bà con nơi đây, nhất là các bạn trẻ, cứ có việc gì, trước khi khởi sự đều đến nhà chùa làm lễ: Trước khi xây nhà, dựng vợ gả chồng cho con cái, trước khi đi xa, trước kỳ thi cử… Đó là một nét văn hóa rất riêng. Niềm tin Phật pháp trong sâu thẳm hàng trăm bà con phật tử nơi đây đã hình thành một nếp sống, một tập quán mà từ đó, khi về thăm chùa chắc hẳn ai cũng sẽ cảm nhận được: Đạo Phật thật là gần gũi và thân thiện…
Thường Nguyên
TIN, BÀI LIÊN QUAN ĐẾN CHÙA KIM BẢN:
TIN, BÀI LIÊN QUAN ĐẾN CHÙA KIM BẢN: