Chùa Việt

Chuyện lạ ở chùa Đàn Tiên

Thứ bảy, 24/05/2016 08:35

Không phải là người tin vào chuyện thần thánh, dị đoan, chúng tôi  tìm đến chùa “Đàn Tiên”, tọa lạc tại phường An Nghiệp, quận Ninh Kiều, Tp.Cần Thơ để tai nghe, mắt thấy về một ngôi chùa có nhiều câu chuyện rất lạ lùng với nhiều giai thoại khác nhau.

Anh Phan Thông Tín, người đang làm nhiệm vụ chăm sóc hoa kiểng tại chùa Quang Xuân giải thích “…Ở đây hiện nay có đến hai ngôi chùa “Đàn Tiên”, một có tên là chùa Quang Xuân, chùa kia là Hiệp Minh, tuy hai nhưng là một…”
 
Anh Tín giải thích thêm: gọi là chùa “Đàn Tiên” vì ngày xưa các vị tiên thường về chùa Hiệp Minh để bàn luận thơ văn, nhập vào các “xác” để “lên đồng” nói chuyện với các đệ tử.

Cạnh đó các vị tiên còn yêu cầu chùa này không có sư trụ trì chùa. Từ đó đến nay đã gần 110 năm thành lập, chùa chỉ có Ban quản trị để điều hành phật sự. Sau khi hình thành một thời gian, chùa Quang Xuân tách ra thêm một cơ sở nữa là chùa Hiệp Minh.

Nhiều cư dân cố cựu tại đây kể rằng: ngày xưa cư dân vùng rạch cái Khế (nay là phường An Nghiệp, quận Ninh Kiều, Tp.Cần Thơ) còn thiếu thốn trăm bề, mỗi khi đau ốm người dân chỉ biết dựa vào những phương thuốc gia truyền, dùng cây cỏ chạy chữa nên thường đến chùa xin thuốc Nam trị bệnh. Nhiều người đã chết vì dịch bệnh hoành hành. Lúc nầy có ông Phạm Ngọc Ngưu người tại Long Xuyên lập Đàn Cơ thỉnh Phật để cầu nguyện cho dân chúng khỏi bệnh. Đàn cơ đầu tiên được tổ chức vào đêm mồng Một tháng Bảy năm Đinh Mùi (1907). Sau đó ông Ngưu xây dựng một ngôi chùa để hốt thuốc chữa bệnh. Từ đó chùa Quang Xuân ra đời tại nhà của ông ở số 89/16 đường Paul Emery nay là đường Huỳnh Thúc Kháng. Đàn được xây dựng đơn sơ bằng cây ván, lợp lá với sàn gỗ cao, có thang lên xuống hai bên. Kiến trúc đàn tế thời kỳ đó tuy giản đơn, mộc mạc nhưng tôn nghiêm, thanh tịnh, chủ yếu là để tổ chức đàn cơ thỉnh Phật, thỉnh Tiên. Chùa Quang Xuân chính là cội nguồn của đàn Tiên ở Cần Thơ.
Tượng Phật chùa Quang Xuân
Không biết thư hư ra sao, người dân tại đây đồn rằng: trước khi tiên thánh giáng trần đàm đạo thơ văn thì người “được nhập xác” sẽ dùng “Ngọc cơ” trong chùa sẽ thỉnh tiên thánh về. Lúc nầy mọi người sẽ quì xuống nghe lời dạy của “cõi trên”. (?)

Năm 1911, chùa Hiệp Minh ra đời từ sự hiến tặng 6000 mét vuông đất của gia đình ông Phan Thông Lý để tạ ơn trời Phật và chùa Quang Xuân đã cho thuốc giúp con ông khỏi bệnh hiểm nghèo.

Lúc mới thành lập, các tao nhân mặc khách, và chính các đạo hữu sáng lập chùa Quang Xuân và Hiệp Minh thường tổ chức lập đàn cầu cơ. Có những giai thoại về các vị Đại Tiên trong đó có Lý Thái Bạch, Trần Đoàn giáng đàn đàm luận thi văn với các bậc túc nho đường thời trong khung cảnh nên thơ, tĩnh lặng, huyền bí, siêu nhiên, trầm mặc.
Cột phướn 30 m
Có một giai thoại về chùa Quang Xuân mà nhiều người biết đến là việc một vị quan thời Pháp thuộc chuẩn bị đi công cán ở Nam bộ, sáng sớm ông phát hiện một con kỳ đà nằm ở dưới bánh xe kêu to như ngăn cản chuyến đi. Thấy vậy ông bèn hủy bỏ chuyến công cán ấy. Thật may mắn vì sáng hôm ấy, bọn gian đã phục kích định giết và cướp tài sản của ông. Để tạ ơn trời Phật ông đã tự nguyện tu sửa lại chùa rất khang trang và cho xây một cột cờ phướn kiên cố cao gần 30 mét. 

Hiện nay cây cở phướn vẫn đang tồn tại ở chùa. So với chùa Quang Xuân, chùa Hiệp Minh rộng, khang trang và có nhiều hạng mục hơn gồm: cổng Tam Quan, cột phướn, Phật Mẫu lộ thiên, hậu liêu, trai đường, cấm phòng. Sau hậu liêu là Sân Tiên Trưởng, hòn non bộ, chánh điện, thất trùng hàng thọ, Bửu tháp, sau cùng là mộ phần của đệ tử hai chùa. 

Ngày nay, chuyện cầu cơ, thỉnh tiên chỉ còn là huyền thoại, tồn tại trong câu chuyện kể ngày xưa, thay vào đó có rất nhiều người mộ đạo đến tham quan, thưởng lãm, cầu nguyện cho quốc thái, dân an, gia đình hạnh phúc. Chùa Quang Xuân lẫn chùa Hiệp Minh còn là nơi giúp đỡ nhiều hoàn cảnh khó khăn bất hạnh. Đến đây, du khách có thể thả hồn lãng mạn vào khung cảnh êm ả nên thơ, ngồi ngắm những chiếc ghế cổ xưa một thời tiên thánh về đây đánh cờ, đàm đạo thơ văn bên dòng sông Cái Khế hiền hòa.

Tô Phục Hưng
loading...