Chùa Việt

Chuyện về sư trụ trì chùa Ông Chín ở Bạc Liêu

Thứ bảy, 27/06/2016 02:47

Nhà tôi ở khóm 5, phường 1, thị xã Giá Rai, Bạc Liêu, qua cầu đi một đoạn gặp quốc lộ 1 và rẽ phải mấy bước chân gặp cổng tam quan của ngôi chùa mà ngày trước cánh trẻ nhỏ tụi tôi gọi “Chùa Ông Chín” vì có Ông cụ Chín trông coi quán xuyến ở đấy.

Ảnh minh họa (Nguồn Internet)
Tôi có nhiều kỷ niệm ở đây, tuổi nhóc tì đã thường mon men “lẻn” vào “nhà sau” của chùa để ngắm nghĩa “truyện tranh” 12 cửa ngục với những hình ảnh sống động có giá trị giáo dục cao về tội phước ở đời, dấu ấn rất sâu trong tâm con trẻ... Rồi vào trung học, bạn tôi là cháu Ông Chín ở chùa để học, tôi thường sang chơi với bạn và trao đổi tập vở "duyên đấy".

Bẵng đi một dạo rất lâu xa quê, chưa một lần viếng chùa. Về quê, bất ngờ trước sự đổi thay, một ngôi chùa lớn ngự trên chốn cũ, cổng tam quan đang ở giai đoạn hoàn thành và tượng Quan Thế Âm to lớn uy nghi với tay vẫy nhành liễu hướng ra quốc lộ đầy xe... Tôi lại may mắn được vấn an sư trụ trì, Thượng Tọa Thích Vân Trung, nghe sư nói pháp cách dễ hiểu, lại bàn về thiền - đề tài tôi rất thích. Cũng là thuận duyên...

Sáng sáng chạy thể dục trên quốc lộ, chậm bước khi ngang chùa, quay lại kính cẩn chấp tay vái Mẹ Quan Âm, chiêm ngưỡng cổng tam quan với dòng chữ Vân An Tự rất đẹp, thanh thảnh bước tiếp...

Chùa Vân An “của” thượng tọa Vân Trung lại được vị sư tam bộ nhất bái từ Năm Căn ra Bắc nghỉ lại một đêm khi đến địa phương tôi.

Vân An tự thường xuyên phát cơm từ thiện cho bà con cơ nhỡ và trẻ đường phố, hình ảnh rất đẹp khi từng hàng người chờ nhận cơm trong ánh mai... Sư Vân Trung lại thường xuyên góp sức cùng các hội đoàn làm từ thiện nhân đạo và, ngày lại ngày lại một cháu bé đến trường trên chiếc xe gắn máy cũ, trong thời gian dài...

Khó khăn, tôi đi bán sách, có lần sư mua giúp nhưng trả tiền mà không nhận sách, là một cái ân.

Xứ tôi nghèo, việc tu tập – phật sự và đời sống phật tử còn khó, chùa cũng không có nhiều như ở những chỗ tôi từng qua, vậy mà Vân An Tự làm được nhiều việc, ấn tượng đẹp, sâu đậm....

Không ai bảo ai, “tự nhiên” ven quốc lộ trước chùa, chạy dài, xuất hiện một hàng Song Thọ (Sa la) thẳng tắp chạy dài, cao dần và ra hoa rất đẹp, sáng sáng các bà các chị mang chổi ra quét hoa rơi, thấy nét thiền ở chỗ ồn ào, hay lắm.

Vân An tự bây giờ thường xuyên có trẻ thơ tá túc học tập và được sư trụ trì cùng các vị ni, phật tử cưu mang. Các cụ neo đơn cũng thường tìm đến đấy nhận sự an ủi giúp đỡ và nghe pháp, nhìn ấm lòng.... Tôi bỗng chợt nhớ đến câu người xưa thường dặn dò như cách sống và phương châm xử thế: dưỡng nhi đãi lão - ưu ái người già và trẻ thơ.

Ở Vân An tự, không nói đến triết lý giải thoát cao siêu, hành đạo của quý thầy và cư sĩ phật tử cho thấy đã thực sự dưỡng nhi đãi lão, phụng sự đời, làm sáng danh Đức Chí Tôn qua những việc làm cụ thể, thiết thực và kiên trì. Tôi thấy đấy chính là cách hoằng pháp lợi sinh sống động, hiệu quả...

Viết mà cảm xúc nội tâm rất chi nhẹ nhàng...

Nguyễn Thành Công, Giá Rai, 26/6.2016
loading...