Kiến thức
Có nên tiếp tục cúng giỗ nếu cha mẹ đã tái sinh cõi lành?
Thứ ba, 24/07/2021 03:10
Để tưởng niệm người thân, vào các ngày giỗ hoặc lễ Tết thì mâm cơm cùng hoa trái để cúng kính ông bà và tổ tiên là điều không thể thiếu.
Phong tục thờ cúng tổ tiên và tuệ giác của đạo Phật
Theo tinh thần của kinh Địa Tạng và quan điểm Phật giáo nói chung thì thần thức của một người sau khi chết hầu hết đều phải trải qua giai đoạn trung gian, thọ thân trung ấm tối đa là 49 ngày, sau đó sẽ thọ sinh vào một cảnh giới tương ứng với nghiệp lực mà họ đã gây tạo (cõi trời, A tu la, người, súc sinh, địa ngục và ngã quỷ). Các hương linh thọ sinh trong những cảnh giới khổ đau luôn mong mỏi người thân làm những điều phúc thiện để hồi hướng cho họ, giúp họ nương nhờ phúc báo ấy để mau được siêu thoát. Tụng kinh, lễ sám, cầu siêu độ, làm phúc như cúng dàng, bố thí, phóng sinh rồi hồi hướng phúc báo cho thân nhân là những việc cần làm. Nếu hương linh đã tái sinh vào những cảnh giới an lành thì việc hồi hướng công đức cho họ càng làm cho phúc báo của họ thêm tăng trưởng.
Trong thời gian thọ thân trung ấm, hương linh vẫn thọ dụng được tất cả những vật phẩm mà thân nhân dâng cúng (thường là cơm, nước, hương, hoa) nhưng chỉ hưởng mùi vị của thức ăn mà thôi. Vì thế, thân trung ấm còn được gọi là hương ấm (thọ dụng mùi hương của thực phẩm). Cho nên trong vòng 49 ngày, thân nhân cần dâng cúng cơm nước hàng ngày cho người chết để họ được no đủ, đặc biệt vào những ngày tuần thất thường cúng kính trang trọng hơn (như đến chùa hoặc thỉnh chư Tăng về nhà làm lễ cầu siêu cho người quá vãng).
Sau 49 ngày, khi thần thức tìm được cảnh giới tái sinh, thường thì họ sinh về một trong sáu cõi của lục đạo (trời, a tu la, người, súc sinh, ngạ quỷ, địa ngục) và từ đây, sự thọ dụng của họ có khác biệt. Đơn cử như, nếu thần thức sinh vào cõi trời thì họ sẽ không ăn thực phẩm của cõi người vì thực phẩm ở cõi trời thượng vị hơn rất nhiều lần. Hoặc nếu họ đọa vào địa ngục thì cũng không thể thọ dụng được thực phẩm của loài người vì bị hành hạ, phải ăn hòn sắt nóng, uống nước đồng sôi, chịu nhiều đau khổ cùng cực… Duy chỉ có các chúng sinh trong loài quỷ thần thì vẫn có thể "thọ dụng" được những phẩm vật do thân nhân dâng cúng.
Tại sao cần phải thờ cúng người đã khuất?
Mặt khác, đối với phong tục người Việt thì việc làm cỗ dâng cúng cha mẹ ông bà tổ tiên còn thể hiện tấm lòng thành của con cháu đối với người đã khuất. Do đó, để tưởng niệm người thân, vào các ngày giỗ hoặc lễ Tết thì mâm cơm cùng hoa trái để cúng kính ông bà và tổ tiên là điều không thể thiếu. Vì chúng ta là người trần mắt thịt nên không biết được thân nhân của mình sau khi chết tái sinh về đâu nên việc dâng đồ cúng là để thể hiện sự tri ân đối với người đã khuất. Nghĩa là, sau 49 ngày khi thần thức đã tái sinh thì chúng ta không cúng cơm nước hàng ngày như trước đây nhưng vào các ngày lễ tiếp theo như tiểu tường, đại tường hay ngày kỵ giỗ hàng năm thì thân nhân cần phải làm mâm cơm cúng giỗ. Cần đặc biệt lưu ý, để tránh nghiệp sát sinh và những ham muốn dính mắc làm tổn hại hương linh khiến hương linh không thể siêu thoát, nên cúng đồ chay tịnh hoặc cúng cháo sữa thí thực. Những việc cúng vàng mã, y phục hay ngựa giấy hoàn toàn là mê tín không phù hợp với luật nhân quả cũng như không đem lại lợi ích cho hương linh.
Thường thì sau khi người thân mất đi, thân nhân vì quá tiếc thương nên hay nhớ nghĩ về họ và thường mơ thấy người đã khuất. Hầu hết đó chỉ là những giấc mơ bình thường trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta chứ không phải là sự báo mộng của người chết hay khả năng “thấy” được cảnh giới của người chết. Do đó, không nên suy nghĩ nhiều hoặc tìm cách để giải mã những chuyện mộng mị mà tốt nhất là tập trung toàn bộ tâm lực để làm thiện hạnh hồi hướng cho hương linh. Thiết nghĩ, đó là những việc làm có ý nghĩa thiết thực nhất để cầu nguyện âm siêu dương thái.