Hỏi - Đáp
Có nên trồng cây, bố thí thức ăn cho chim không?
Chủ nhật, 10/12/2023 12:53
Ý thức được những khổ đau do sự sát hại gây ra, con xin học theo hạnh đại bi để bảo vệ sự sống của mọi người và mọi loài. Con nguyện không giết hại sinh mạng, không tán thành sự giết chóc và không để kẻ khác giết hại, dù là trong tâm tưởng hay trong cách sống hàng ngày của con.
Kính thưa Thầy,
Cảm ơn Thầy đã giải đáp những thắc mắc lần trước cho con. Bây giờ con có một thắc mắc nữa, thỉnh thoảng làm con suy nghĩ, nay kính nhờ Thầy chỉ giúp cho ạ.
Con xin kể Thầy nghe, số là con rất thích cây cối, và sau lưng nhà có chút đất dư nên con trồng một cây chanh, một cây quýt, vài bụi xả, 6 cây ớt và ít rau thơm, nói chung là linh tinh đủ thứ cả. Con rất thích chim chóc, nên cũng có một cái bird bath để cho chim uống nước và một thùng đựng thức ăn dư để chim thỉnh thoảng xuống ăn. Có lần gia đình vì dư cơm tính ra tới vài lon gạo, thế mà trong ngày ấy những chú chim ăn sạch.
Khi tới mùa mưa về, nhiều loại côn trùng và ốc sên sản sinh, và chúng bắt đầu phá hoại mấy cây con trồng. Con không biết phải xử trí như thế nào khi vườn có nhiều sên, côn trùng? Nếu mình không bắt chúng thì chúng sẽ phá tan hoang vườn của mình, còn nếu mình bắt chúng đi thì xử trí những con này ra sao cho hợp với tinh thần không sát sanh của đạo Phật? Con có nên tiếp tục trồng cây, bố thí thức ăn cho chim nữa không?
Rất mong nhận được sự chỉ bảo của Thầy. Con cảm ơn Thầy thật nhiều.
Kính chúc Thầy luôn tinh tấn trong việc hoằng pháp lợi sanh.
Phật tử Như Ngọc.
Đáp:
Thầy thân chào Phật tử Như Ngọc,
Trước hết, Thầy vô cùng tán thán lòng thương yêu các loài động vật của Phật tử cũng như tinh thần tinh tấn học hỏi giáo pháp đạo đức, từ bi và trí tuệ của đức Phật.
Tánh thương người mến vật là một đức tính rất quý. Đức tính nầy chỉ hiện hữu và được phát triển mạnh ở những người có tâm từ, lấy niềm vui người khác làm niềm vui của mình. Phật tử hãy cố gắng tu tập từ bi tâm nhiều hơn nữa để tưới tẩm hạt giống thương yêu quý báu này. Như Phật tử đã biết, vô lượng kiếp sanh tử luân hồi, vay nhân trả nghiệp, thay hình đổi dạng nên kiếp này không biết ai là cha mẹ, chồng vợ, anh em, con cái của mình. Nhiều khi các loài động vật mà mình gặp cũng chính là thân nhân trong gia đình hoặc thân hữu trong nhiều đời.
Chuyện Tiền Thân của Đức Phật (Jàtaka) kể rất nhiều câu chuyện thuở quá khứ xa xôi về trước, khi đức Phật còn là các chúng sanh bậc thấp như sư tử, voi, khỉ, nai.... Đến khi đức Phật thành đạo rồi, Ngài nhận diện nhiều người thân hoặc các đệ tử của Ngài có nhiều mối liên hệ với nhau từ thuở xa xưa ấy. Kinh điển có ghi lại câu chuyện của tôn giả Xá-lợi-phất và tôn giả Mục-kiền-liên độ một đám đông đệ tử, mấy vị mới xuất gia này làm ồn ào, náo nhiệt, làm phiền đến chư Tăng. Lúc bấy giờ có vị thưa với đức Phật về sự kiện nầy. Sau khi biết như vậy, đức Phật dạy các vị đó phải giữ oai nghi, hạnh kiểm để phù hợp với tư cách của một người Tỳ-kheo và đồng thời giữ sự yên tĩnh cho các vị đồng phạm hạnh khác. Sau đó, đức Phật xác nhận thuở quá khứ, nhiều kiếp về trước, đức Phật xác nhận tôn giả Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên cũng đã thường cho một bầy quạ ăn, vì nhân duyên đó, đến kiếp này, chúng được làm người thì đều làm đệ tử của hai tôn giả, nhưng vì tập khí sâu dày nên chúng vẫn ồn ào, ô tạp như quạ vậy! Do đó, trong khả năng có thể của mình, thương yêu các loài động vật nhiều chừng nào quý chừng ấy. Đó cũng là một lối sống bỏ bớt cái ngã ích kỷ của mình và tập thương yêu chúng sanh. Khi các tâm lý ích kỷ "thuộc về tôi", "của tôi" bớt đi, và hạt giống thương yêu chúng sanh bắt đầu nảy mầm, chắc chắn chúng ta và những người xung quanh sẽ có một cuộc sống hạnh phúc hơn.
Lại nữa, tâm thích trồng cây cũng là một tâm rất quý. Thầy mong mọi người trên quả đất nầy đều thích trồng cây như Phật tử thì quý biết bao. Hiện nay tình trạng phá cây, đốt rừng ảnh hưởng đến môi sinh trái đất rất lớn, hiện tượng "hiệu ứng nhà kính" đang là một trong những mối đe doạ lớn nhất của loài người. Các nạn hạn hán, lụt lội xảy ra ở quê hương Việt Nam và nhiều nơi trên thế giới là "món quà bất đắc dĩ" bị thiên nhiên trả ngược lại cho con người. Các nhà sinh thái học đã phải khản tiếng kêu gọi con người hãy ý thức hơn để bảo vệ môi sinh, cứu lấy sự sống cho người và muôn vật. Do đó, Phật tử thích trồng cây ăn trái, cây có bóng mát hoặc các loại cây là một điều quý. Trước nhất nó làm tươi mát nơi mình đang ở, và thứ đến nó góp phần thanh lọc hoá bầu khí quyển này.
Vấn đề Phật tử hỏi: Hàng Phật tử phải làm như thế nào khi bị bắt buộc phạm giới sát nhỏ, đi ngược lại tinh thần đại bi bình đẳng đối với tất cả loài hữu tình. Qua câu hỏi, Thầy đọc được tâm trạng thương xót các loài động vật, không muốn làm tổn thương đến sinh mạng của tất cả chúng sanh, ngay cả đến côn trùng nhỏ nhít của Phật tử. Trước đây, cũng có một vài Phật tử đặt câu hỏi với Thầy tương tự như vậy.
Đứng trên tinh thần đại bi tuyệt đối của các hàng xuất gia, theo như giới luật quy định thì từ các loài động vật to lớn chí đến các loài bò bay máy cựa, côn trùng nhỏ nhít cũng không được i) tự giết, ii) bảo người khác giết, hoặc iii) thấy giết vui lòng theo. Nếu vị xuất gia nào phạm vào 3 điều trên đều bị xếp vào phạm giới sát cả. Dĩ nhiên, còn phải dựa trên nhiều yếu tố khác để phán quyết vị ấy tội nặng hay nhẹ, chứ không phải dựa vào hành động đương làm hoặc kết quả, mà chúng ta vội buộc tội thì không đúng với nguyên tắc lời Phật dạy. Do đó, trong giới luật của chư Tăng Ni chia ra thành nhiều cấp độ. Giới cho Tỳ-kheo, giới cho Tỳ-kheo-ni, giới cho Sa-di, Thức-xoa-ma-na hoặc sa-di-ni. Trong cách xác định tội nặng nhẹ cũng vậy, cũng chia thành nhiều cấp độ, nói chung là 5 cấp độ khác nhau cho cả Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni, cộng thêm nhóm tội đang được xét duyệt (thâu-lan-gía) và các phương pháp hoá giải tranh chấp (bảy pháp diệt tránh). Vấn đề nầy hết sức rộng và vi tế, Thầy chỉ trình bày vấn đề một cách sơ lược cho Phật tử tạm hiểu vậy thôi.
Lại nữa, một trong những nguyên nhân an cư vào mùa mưa ở Ấn Độ thời đức Phật còn tại thế cũng vì để tránh tình trạng các Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni dẫm đạp các loại côn trùng nhỏ nhít vừa mới sinh ra trong mùa mưa. Không những vậy, Phật dạy chư Tăng mỗi khi uống nước phải khởi tâm thương xót đến các loài siêu vi trong bát nước mà mình đang uống nữa.
Còn riêng giới sát của hàng Phật tử thì nhẹ hơn một chút. Vì môi trường sống của một Phật tử tại gia có khác với môi trường sống của hàng xuất gia, nên phạm vi đạo đức cũng có phần khác. Do đó, tuy cũng là giới "cấm không sát sanh", nhưng người xuất gia thì tuyệt đối không được phép sát hại sanh mạng chúng sanh nào như ở trên đã nói, còn một vị cư sĩ thọ trì năm giới, với đời sống của một người có gia đình thì giới sát sanh được áp dụng nhẹ hơn. Không sát sanh ở đây được hiểu là không giết các loài động vật lớn như heo, bò, chó, ngựa, còn các loài động vật nhỏ khác thì cố gắng tránh trong khả năng có thể của mình. Cũng nên nhắc ở đây, người cư sĩ thọ Bồ-tát giới theo tinh thần của Phật giáo Đại Thừa cũng phải tuân thủ tương tự như người xuất gia, chứ không phải thọ giới là để nhẹ tội hơn khi lỡ phạm giới sát, đạo, dâm, vọng... hoặc cho phép mình tham gia các hoạt động xã hội với các hành vi sai lạc như uống rượu, ăn thịt v.v... như một vài Phật tử đã ngộ nhận. Nói một cách tổng quát, đức Phật khuyên các hàng Phật tử hạn chế sát hại các loài động vật tối đa, ít sát hại chừng nào thì quý chừng ấy, vì mình đỡ phải trả cái quả vay mượn máu thịt và tổn hại chúng sanh, đồng thời để trưởng dưỡng hạt giống từ bi trong tâm mình nữa.
Trong Kinh có rất nhiều câu chuyện liên quan đến tiêu chuẩn đạo đức và cách đánh giá đạo đức. Câu chuyện Con Ngộ Sát Cha trong Kinh Hiền Ngu được HT. Thích Trung Quán dịch là một điển hình xác định tội lỗi là do tâm chứ không phải do tướng. Bốn mươi sáu câu chuyện trong Kinh nầy rất bổ ích cho việc bồi dưỡng đạo đức nhân quả và niềm tin cho con đường mà mình đã chọn rất nhiều. Do đó, nếu Phật tử chưa có duyên đọc thì nên gắng đọc từ từ để học hỏi thêm.
Trong Luật Tạng cũng ghi lại nhiều câu chuyện liên quan đến việc đánh giá có tội hay không có tội. Chú Giải Luật Thiện Kiến của Phật giáo Nam Tông có ghi Tỳ-kheo-ni Liên Hoa Sắc (Uppalavannà) vì bị nghiệp "thanh sắc" trong nhiều đời trước và đời này, nên đến khi xuất gia chứng thánh quả rồi mà vẫn phải trả nghiệp "bị cưỡng bức". Lúc bấy giờ Tỳ-kheo-ni Liên Hoa Sắc liền khởi tâm quán tưởng thân thể người đàn ông hại mình như là hòn sắc nóng, tâm thức hoàn toàn không có cáu bẩn dục vọng. Câu chuyện được các vị Tỳ-kheo-ni khác thưa với đức Thế Tôn, và Ngài xác nhận là Tỳ-kheo-ni Liên Hoa Sắc hoàn toàn vô tội, không có phá huỷ phạm hạnh của mình.
Chiếc "chìa khoá vạn năng" để mở các cánh cửa thuộc vấn đề tâm lý đạo đức theo Phật giáo, đó là "động cơ" hay còn gọi là "chủ ý", "tác ý", tiếng Pàli là "Cetanà". Một hành động được gọi là Nghiệp là phải có "tác ý", nếu không có tác ý nó trở thành vô ký, nghĩa là không tội không phước, không đủ sức tạo thành một dẫn nghiệp để trở thành một việc làm xấu hay tốt. Nhưng Phật tử cũng nên lưu ý rằng chỉ có các vị chứng quả A-la-hán mới có được những tâm niệm vô ký hoàn toàn, trong Thắng Pháp Tập Yếu Luận gọi tâm đó là "tâm duy tác" (Kriyà hoặc Kriyà), nghĩa là làm mà không hề dụng tâm gì cả, ngay cả tâm thiện, cũng không có, đây là tâm diệu dụng của một vị A-la-hán, nó vượt thoát nhân quả. Còn phần lớn chúng ta dù có "cố vô tình", "cố trung lập" như thế nào, trong tâm cũng có một khuynh hướng thiện hay ác nào đó tiềm ẩn mà chúng ta không phát hiện ra. Các trạng thái tâm không thiện không ác này khi được các duyên thiện hay ác thì nó liền theo khuynh hướng đó. Các Phật tử nên cẩn thận các tâm nầy. Các tâm niệm ác thường có những lý luận rất khôn ngoan, nếu chúng ta không có một đời sống nội tâm thật vững vàng thì dễ bị chúng lạc dẫn dưới nhiều cách nguỵ biện khác nhau.
Cho nên, mặc dầu Thầy đã nói "động cơ" được xem như là hạt nhân để đánh giá đạo đức hay không có đạo đức qua việc làm hay ngôn ngữ của con người. Tuy nhiên, tiêu chuẩn đánh giá đó vẫn chưa được hoàn bị. Vì rằng, có trường hợp động cơ rất tốt, nhưng kết quả đem lại không được tốt thì hành động, hay ngôn ngữ xuất phát từ động cơ tốt đó vẫn không thể xem hoàn thiện được. Do đó, một tiêu chuẩn khác để đánh giá thiện hay bất thiện buộc chúng ta phải dựa vào kết quả. Đây là chưa bàn đến đối tượng bị hại, tức nạn nhân và các duyên phụ để đánh giá vấn đề. Đây là một vấn đề lớn thuộc đạo đức học của Phật giáo, Thầy chỉ trình bày một phần rất nhỏ của vấn đề.
Trường hợp vườn rau của Phật tử thì như vầy, mình cũng không thể không trồng cây, hay không trồng các loại rau quả góp phần xinh tươi cho đời sống gia đình. Mà trồng các loại thực vật thì tất yếu những loại sâu bọ phát sinh. Nếu chúng ta không bắt sâu bọ thì các sâu bọ lại phá hoại cây cối chúng ta trồng. Do đó, giải pháp theo Thầy nghĩ, là mình bắt sâu bọ bằng một tâm niệm bất đắc dĩ, vì mình không thể làm khác hơn được. Đừng có bắt sâu bọ xong rồi với tâm niệm căm ghét, giết hại chúng ngay lập tức. Đừng bắt chúng với bản năng hiếu sát của mình.
Phật tử nên lưu ý, vì tâm hiếu sát, thích tranh đấu là một trong các bản năng của con người. Con người phàm phu ai cũng có cả, chỉ khác nhau là ở dạng thô hay tế, tiềm ẩn hay đã phát tác. Khi chúng ta chưa chứng quả vị A-na-hàm trở lên, ai cũng có ít nhiều thuộc tính tâm lý bất thiện nầy và chúng sẽ hiện hình khi chúng có cơ hội. Do đó, một Phật tử chân chánh nên phải cẩn thận quán sát tâm mình, không nên để các tâm niệm bất thiện đó trá hình và phát tác dưới mọi hình thức.
Lời cuối, một lần nữa Thầy tán thán tấm lòng thương yêu loài vật và sự lo sợ tội lỗi của Phật tử. Vì đó là những hạt giống rất tốt cần phải tưới tẩm, vun xới, chăm bón hơn nữa trong mảnh đất tâm của mình.Thầy cầu chúc Phật tử luôn đến với giáo pháp, học hỏi những lời dạy quý báu của đức Phật, để làm giàu đời sống tâm linh cho mình.
Cầu chúc toàn thể gia đình Phật tử luôn sống trong môi trường đạo đức và hiểu biết như gia đình vốn có.