Hỏi - Đáp
Có phải “đời cha ăn mặn đời con khát nước” là nói theo phương diện cộng nghiệp?
Thứ bảy, 15/10/2022 01:30
Biệt nghiệp và cộng nghiệp có quan hệ mật thiết với nhau. Vài biệt nghiệp nhỏ có cùng cộng nghiệp thì hình thành quan hệ gia đình. Nhiều gia đình khác nhau có cùng cộng nghiệp thì tạo nên quan hệ dòng tộc, cứ thế hình thành nên các cộng nghiệp lớn hơn như dân tộc, quốc gia, châu lục v.v…
Hỏi:
Tôi học giáo lý được biết nghiệp mình làm thì mình phải chịu, không ai có thể chịu thay cho mình dù chí thân như cha với con. Thế nhưng tôi lại nghe nói làm cha mẹ thì phải ăn ở cho có đức để con cái được nhờ, nếu không thì “đời cha ăn mặn đời con khát nước”. Điều này có mâu thuẫn không? Tôi có thể đem công đức tu học của mình hồi hướng cho người thân để cầu mong người thân tỉnh thức, không mê muội và mù quáng, tin tưởng vào lý nhân quả, sống theo lời Phật dạy được không?
Đáp:
Đúng như nhận thức của Phật tử về nghiệp, nghiệp mình làm thì mình phải chịu, không ai có thể chịu thay cho mình dù chí thân như cha với con. Tuy nhiên, vấn đề làm cha mẹ thì phải ăn ở cho có đức để con cái được nhờ, nếu không thì “đời cha ăn mặn đời con khát nước” cũng đúng với nội dung giáo lý nghiệp và chẳng có gì mâu thuẫn hay chống trái nhau cả. Nó là hai phương diện của một vấn đề, có tác động, ảnh hưởng qua lại và liên quan mật thiết với nhau.
Nghiệp là sự tác tạo có chủ ý của hành động, lời nói và tư duy. Nghiệp do chính mỗi người tạo ra từ vô lượng kiếp về trước và ngay trong hiện tại đồng thời nghiệp có sức mạnh trói buộc, dẫn dắt và chi phối chính người ấy trong đời này và các đời sau. Nghiệp được phân loại rất đa dạng; tuỳ theo tính chất, đặc điểm, chức năng và chủng loại mà có tên gọi khác nhau. Vấn đề Phật tử hỏi chính là mối tương quan giữa biệt nghiệp và cộng nghiệp.
Cộng nghiệp cùng hội cùng thuyền
Biệt nghiệp là nghiệp riêng của mỗi người. Một con người khi được sinh ra đẹp hay xấu, giàu hoặc nghèo, khoẻ mạnh hay ốm đau, thông minh hoặc đần độn, cao, thấp, mập, ốm, trắng, đen v.v… là do nghiệp riêng của họ, biệt nghiệp. Đối với biệt nghiệp thì nghiệp nhân và nghiệp quả của mỗi người hoàn toàn độc lập, ai làm nấy chịu, không ai có thể thay thế cho biệt nghiệp của người khác. Ví như trong một gia đình có người cha phạm pháp thì chỉ có người cha bị pháp luật trừng trị, còn các thành viên khác trong gia đình nếu không liên quan thì vẫn vô sự.
Cộng nghiệp là nghiệp chung của một gia đình, dòng tộc, đoàn thể, cộng đồng, làng xã và một dân tộc, quốc gia. Tuy mỗi người có một biệt nghiệp riêng nhưng do những nghiệp chung nào đó nên có quan hệ, gắn bó mật thiết với nhau trong cộng đồng nhỏ hoặc lớn. Những tác động của cá nhân sẽ ảnh hưởng đến cộng đồng và ngược lại là tính chất của cộng nghiệp. Cũng giống như người cha phạm pháp kia bị pháp luật xử tội là chuyện đã đành nhưng hậu quả do biệt nghiệp của ông gây ra để lại cho con cái, gia đình, dòng họ và đất nước không phải là ít.
Như vậy, trong một gia đình, nếu đứng về phương diện biệt nghiệp thì ai làm gì người ấy chịu, ai ăn người ấy no, ông tu ông đắc, bà tu bà đắc. Tất cả tội hay phước của mỗi người đều riêng biệt. Thế nhưng về phương diện cộng nghiệp thì mỗi thành viên trong nhà có ảnh hưởng rất lớn đến sự thịnh suy của cả gia đình. Câu nói “sống để đức cho con cháu” hay “đời cha ăn mặn đời con khát nước” là nói theo phương diện cộng nghiệp.
Biệt nghiệp và cộng nghiệp có quan hệ mật thiết với nhau. Vài biệt nghiệp nhỏ có cùng cộng nghiệp thì hình thành quan hệ gia đình. Nhiều gia đình khác nhau có cùng cộng nghiệp thì tạo nên quan hệ dòng tộc, cứ thế hình thành nên các cộng nghiệp lớn hơn như dân tộc, quốc gia, châu lục v.v… Các quan niệm nhất nhơn thành đạo cữu huyền thăng, một người làm quan thì cả họ được nhờ hay sống phải để đức cho con chính là tương quan giữa biệt nghiệp và cộng nghiệp.
Đối với vấn đề đem công đức tu học của mình hồi hướng cho những người thân để cầu mong họ tỉnh thức, không mê muội và mù quáng, tin tưởng vào lý nhân quả, sống theo lời Phật dạy tất nhiên là được. Bởi lẽ sau mỗi thời kinh hoặc sau khi làm các điều phước thiện, Phật dạy phải hồi hướng công đức ấy đến người thân và tất cả chúng sanh.
Tuy nhiên, sự hồi hướng công đức đến mọi loài chúng sanh thực ra việc làm đó cũng là cho chính mình. Để chuyển hoá và thức tỉnh được những người thân cải tà quy chánh còn tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố, đặc biệt là nguyện lực và công đức của người hồi hướng. Nếu nguyện lực yếu và công đức nhỏ thì cũng khó tạo ra năng lực chuyển hoá nghiệp nơi người thân. Mặt khác, dù tận lực hồi hướng nhưng nếu những người thân có nghiệp lực nặng nề, tà kiến sâu nặng, quan niệm cực đoan, thiếu phước kém tuệ thì sự chuyển hướng nhận thức nơi họ cũng rất khó khăn.
Do vậy, phải tu học để có đầy đủ công đức cùng với sự phát nguyện hồi hướng phải bền bỉ, liên tục. Đồng thời, để chuyển hoá người thân thì ngoài việc hồi hướng công đức cho họ, người đệ tử Phật phải tự thể hiện mình là tấm gương sáng về nhân cách, đầy đủ trí tuệ, giàu lòng yêu thương. Chính sự kết hợp hài hoà giữa cầu nguyện và thể hiện nhân cách toàn thiện của người tôi Phật, sẽ tác động tích cực và chuyển hoá được nghiệp thức của những người thân, quay về với Chánh đạo.
>> Mời quý vị cùng xem video "Thế nào là Quả báo cộng nghiệp?" qua bài trả lời phỏng vấn của Pháp Sư Tịnh Không để hiểu thêm về vấn đề này: