Hỏi - Đáp
Có phước mới có thể giác ngộ và thư thái trong đời sống có đúng không?
Chủ nhật, 13/05/2022 07:27
Nếu từ "Phước" ấy được hiểu bằng Trí Tuệ. Kỳ thực, yếu tố cần thiết để có thể giác ngộ và thư thái trong đời sống là Trí Tuệ. Khi có trí tuệ thì luôn có phước.
Hỏi:
Có phải có phước mới có thể giác ngộ và thư thái (peacefulness) trong đời sống không?
Đáp:
Vâng, nếu từ "Phước" ấy được hiểu bằng Trí Tuệ. Kỳ thực, yếu tố cần thiết để có thể giác ngộ và thư thái trong đời sống là Trí Tuệ. Khi có trí tuệ thì luôn có phước.
- Vậy phước và trí tuệ thứ nào quan trọng hơn?
Ví như trong một khu vườn, điều kiện để các loài cây sinh trưởng và phát triển thì yếu tố đầu tiên cần có là không khí và ánh sáng mặt trời. Nếu có không khí mà không có ánh sáng mặt trời thì như trồng cây trong nhà vậy, an toàn nhưng èo uột, còn nơi nào có ánh sáng mặt trời thì ở đó luôn có sẳn không khí. Không khí ví dụ cho phước, còn ánh sáng mặt trời ví dụ cho trí tuệ.
Còn đi trong sinh tử thì còn cần phước đức
- Vậy có nghĩa trí tuệ quan trọng hơn?
Cũng có thể nói như vậy. Nên trong các trường giáo dục Phật giáo ở Việt Nam luôn có câu "Duy tuệ Thị nghiệp "(Chỉ trí tuệ là sự nghiệp). Từ Bodhi (Bồ-đề) hay từ Buddha trong Phật giáo cũng mang ý nghĩa này.
-Có phải làm các việc như bố thí, cúng dường, tụng kinh, giúp đỡ người khác là có phước không?
Không hẳn, điều đó còn tùy thuộc bạn làm với tâm gì...Nhưng chung quy khi bạn tác ý làm một việc gì, dù thiện hay bất thiện, thì đó chỉ là tiến trình nhân quả vận hành xảy ra tương ưng với tâm ấy.
- Cô khuyên tôi nên sống tỉnh giác và buông xả các ý muốn và sự dính mắc để khai mở trí tuệ, không nên tham đắm vào việc xã hội hay xen dự vào nhân quả của người khác, vậy sao nhiều lần cô khuyên những nhân viên của tôi nên tạo phước bằng giữ giới, bố thí, hành thiền ?
Trong một khu vườn, có những cây ốm yếu, thiếu phân, thiếu nước, thiếu sức sống thì không thể ra hoa kết trái, tôi chỉ cho thêm chút phân chút nước để nó phát triển trước thì sau đó mới có cơ hội ra hoa, kết trái. Cũng như có những người nghiệp xấu nhiều, căn cơ thấp, họ không có ngõ nào tiến hóa thì tôi hướng dẫn họ làm phước rồi nhờ nhân lành ấy may ra mới có cơ hội chuyển hóa tâm thức và cuộc đời.
Còn những cây ra hoa trái quá nhiều mà không ngắt vứt đi bớt thì nó sẽ hại cành và tổn hại cây. Nếu như bạn tham đắm vào phước thế gian và những việc tốt bạn đang làm thì sẽ khó giác ngộ tánh vô ngã và buông xả các pháp tạm bợ của thế gian để tâm hoàn toàn rỗng lặng.
Vấn đề là căn tánh, nghiệp thức, nhân quả của bạn và họ khác nhau. Hơn nữa, không phải ai cũng biết nhàm chán những tạm bợ bên ngoài mà hướng vào nội tâm để khám phá ra bản chất của vạn vật bằng trí tuệ nơi mình.
Vâng, giờ thì tôi rõ thêm những điều lợi lạc của giáo pháp.
Bạn hãy sống tỉnh giác từng khắc trên thân, tâm và đời sống thì trí tuệ sẽ sáng và tự biết làm gì.
Cảm ơn sự chỉ dẫn của cô, tôi sẽ thực hành để có thể chạm đến trí tuệ ấy.