Sống an vui
Có thấy có hiểu mới thương
Thứ sáu, 27/12/2023 11:30
Nhận thức căn bản và đầu tiên của người Phật tử là sự có mặt của khổ đau; nếu bạn không đồng ý với nhận thức ấy của tứ diệu đế thì không có cơ hội nào để bạn thành một Phật tử.
Không khí ở ngoài trong và mát, nhất là vào buổi sáng và buổi khuya. Không có nguồn năng lực nào bổ dưỡng bằng thanh khí. Khi thiền hành, bạn hấp thụ đều đặn nguồn năng lực ấy và bạn thấy thể chất và tinh thần khương kiện thêm lên. Thiền hành có đều, bạn sẽ thấy sự sống hàng ngày từ từ thay đổi. Ðộng tác của bạn trở nên khoan thai và tỉnh thức. Trong khi giao tiếp, xét đoán, quan sát và định đoạt, bạn thấy bạn trầm tĩnh, sâu sắc và từ bi hơn. Mọi loài xa gần, lớn nhỏ, từ trăng sao đến ngọn lá và con sâu đều sẽ được thấm nhuần lợi lạc nhờ những bước chân của bạn.
Trước khi chấm dứt thiền phổ này, tôi xin có một đôi lời tâm sự cùng bạn. Tôi có nói với bạn là cõi ta bà có đủ mọi mầu nhiệm của cõi tịnh độ. Nhưng tôi chưa nhắc cho bạn nghe là cõi ta bà hơn cõi tịnh độ ở chỗ ở đây có sự có mặt của khổ đau. Nếu tôi ngần ngại không muốn về cõi Cực Lạc, không phải chỉ vì bên ấy thiếu cây khế và cây chanh mà cũng bởi vì bên ấy thiếu sự có mặt của đau khổ. Nhận thức căn bản và đầu tiên của người Phật tử là sự có mặt của khổ đau; nếu bạn không đồng ý với nhận thức ấy của tứ diệu đế thì không có cơ hội nào để bạn thành một Phật tử. Chính ý thức về khổ đau luyện cho ta có được từ bi và ý chí hành đạo. Theo chỗ hiểu biết của tôi thì từ bi và trí tuệ là một, bởi vì có thấy có hiểu mới biết thương. Nếu không thấy không hiểu thì cái thương đó chưa phải là thương. Có thể đó chỉ là đam mê, hoặc ham muốn.
Hồi tôi trở về Âu Châu sau chuyến công tác cứu trợ thuyền nhân, tôi có cảm tưởng sự sống ở xã hội tây phương không phải là sự sống của tôi. Sau khi đã chứng kiến những đau thương và khổ nhục của người tỵ nạn trên biển, về tới phi trường Paris, đi qua những phố xá và những siêu thị với các ánh đèn màu, tôi thấy tôi đang đi trong một giấc mơ. Làm sao có thể có sự cách biệt lớn lao như thế giữa hai tình trạng, tình trạng của người trên biển bị xua đuổi cướp bóc, hãm hiếp và giết hại và tình trạng của người trên đất liền đang tìm lạc thú nơi cốc rượu và ánh đèn màu. Cái ý thức về khổ đau trong tôi chỗi dậy đối kháng lại nếp sống quên lãng và vô tình ấy. Ðã đành bên xứ Phật có đức A Di Ðà và các bậc bồ tát thánh chúng luôn luôn nhắc nhở về tứ diệu đế, về bát chánh đạo, nhưng làm sao pháp âm có thể thay thế được sự chứng nghiệm trực tiếp về khổ đau? Hồi chiến tranh Việt Nam đang tiếp diễn, tây phương cũng trông thấy hình ảnh đau thương của đồng bào ta trên màn ảnh truyền hình, nhưng nhìn những hình ảnh đó làm sao thông cảm được nỗi đau khổ của người Việt. Tôi đã từng nhìn những hình ảnh đó và tôi thấy chúng không diễn tả được những đau khổ thống thiết của đồng bào tôi.