Sống an vui
Có tiền nhưng không bám chấp vào tiền
Thứ sáu, 27/06/2023 04:00
Có tiền nhưng không bám vào tiền đến mức kiếm tiền vô đạo đức hay bất hợp pháp, và tiền đi thì cũng coi đó là duyên và không đau khổ hoặc nổi điên.
Kính đeo mắt có thể có đủ màu – xanh lá cây, nâu, hồng, cam, vàng, tím – vừa làm kính râm vừa để trang điểm cho khuôn mặt của bạn. Mua kính thường là một nghiệp vụ cẩn thận, vì kính là thứ quan trọng nhất trên người bạn để bạn biểu lộ cá tính của bạn, và làm đẹp theo kiếu bạn muốn. Và đương nhiên là tròng kính màu nào thì thế giới bạn nhìn có màu đó.
Nhưng trước khi mình nói xa hơn, để mình giải thích một chút về tham sân si. Thiên hạ thường nghĩ rằng loại bỏ tham sân si nghĩa là bạn phải loại bỏ mọi thứ thường ngày như là tiền bạc, tài sản, chức vụ, danh tiếng (không tham), không bao giờ có thể giận dữ trong bất kì trường hợp nào (không sân), và lúc nào cũng thông minh sáng suốt (không si). Tư duy như thế rất có thể là bạn đang bám vào cực đoan “không/đừng”.
“Không tham” không có nghĩa là loại bỏ. Không tham tiền chẳng có nghĩa là bạn loại bỏ tiền. “Không sân” chẳng có nghĩa là người ta giết người và cướp của, bạn chẳng biểu lộ tức giận. “Không si” chẳng có nghĩa là người ta đốt nhà và bạn ngồi đó tĩnh lặng suy nghĩ. Kiểu như thế gọi là bám vào “cực đoan không”, cố chấp gọi là “chấp không”, cũng sai lạc như “chấp có” tức là lúc nào cũng bám vào tham sân si để mà sống.
Chấp có và chấp không đều sai, vì đó là chấp, là cực đoan. Phật triết dạy Trung đạo là con đường giữa, không chấp có và cũng không chấp không. Bát Nhã Tâm Kinh dạy đời có mà là không và không mà là có. Nghĩa là đời luôn có cả có và không cùng lúc, không bám vào cực đoan nào, không bám vào đâu mới là đường giác ngộ. Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm – không bám vào đâu thì sinh tâm Bồ đề (Kinh Kim Cang).
Không tham chẳng có nghĩa là loại bỏ. Không tham tiền không có nghĩa là bạn không làm kinh doanh và có hàng tỉ đô trong túi. Bạn luôn có thể có tiền nhờ làm ăn chân chính và siêng năng, và bạn dùng tiền đó để tiếp tục bành trướng kinh doanh, giúp nhiều người có công ăn việc làm và giúp kinh tế quốc gia phát triển. Có tiền không có nghĩa là tham tiền.
Không tham tiền có nghĩa là không bám cứng vào tiền, không “chấp” vào tiền, như là làm ăn gian lận và trốn thuế, vi phạm hình tội để cạnh tranh với đối thủ, khi mình bị mất thị trường thì nổi điên lên và dùng những biện pháp côn đồ phi pháp hoặc phi đạo đức với đối thủ, mất tiền thì ăn ngủ không yên và đau đớn, khổ sở, căng thẳng. Đó là chấp vào tiền.
Tiền đến mình vui, tiền đi mình cũng bình tâm an lạc, đó là không tham. Tiền đến mình nhảy cỡn ha hả, tiền đi mình đau đớn, căng thẳng, khổ sở, làm bậy, đó là tham.
Có tiền không phải là tham tiền. Bạn không cần loại bỏ tiền mới gọi là không tham.
Sân cũng vậy. Giận dữ luôn là điều xấu, vì giận mất khôn. Nhưng trong giáo dục rất nhiều khi bạn phải cho học trò thấy bạn rất giận (giả vờ giận) để học trò sợ mà học. Trong lòng thì tĩnh lặng, nhưng bên ngoài đôi khi mình cần mọi người thấy cái giận của mình để mọi người hiểu họ đã làm sai. Giận như vậy cũng là một khí cụ tốt để giúp mọi người thấy điều bạn thấy. Đôi khi tỏ ý giận cũng là cách chia sẻ đồng cảm với những nỗi đau của các nạn nhân bị người khác làm cho đau khổ hoặc các bất công xảy ra. Giận do đó cũng là một khí cụ truyền thông tốt, tùy trường hợp, miễn là bên trong trong thì mình vẫn rất bình tâm tĩnh lặng.
Si cũng thế. Nhiều khi bạn giả vờ ngu, cho phép người ta lừa bạn, để có thể âm thầm giáo dục người ta tốt hơn. Giả ngu là si bên ngoài, nhưng là thông thái bên trong. Hay quan trọng hơn nữa bạn luôn nên thành thật cho mọi người thấy những điều bạn không biết – như là cho bác nông dân đang trồng mì biết bạn chẳng biết trồng mì và hỏi bác dạy bạn cách trồng mì. Đó là chân thật biểu lộ chỗ dốt của mình để học hỏi từ người đối diện. Đó là khiêm cung bên trong, dốt bên ngoài. Chẳng phải lúc nào cũng phải chứng tỏ là mình thông thái. Thực sự là mình giỏi một thứ, dốt trăm thứ, nên quanh mình luôn có rất nhiều thầy của nhiều thứ, và mình có nhiều cơ hội cho mọi người thấy mình dốt hơn là mình giỏi.
Tham sân si không có nghĩa là phải xóa bỏ mọi thứ. Đó là chấp không. Bạn có thể có tất cả mọi thứ, miễn là không bám cứng vào thứ nào, không là nô lệ của thứ nào. Mọi thứ đều chỉ là khí cụ làm việc của mình. Mọi thứ trên đời đều tốt nếu mình không bám vào nó. Bám vào bất kì thứ nào cũng là “chấp.” Mà chấp thì si mê và tội lỗi.
Trở lại đề tài chính. Nếu bạn tham sân si, bạn mang kính tham sân si, thấy đời chỉ qua màu tham sân si, và do đó bạn tiếp tục ứng xử tham sân si cả đời.
Giải pháp là bạn phải gỡ bỏ kính tham sân si trên đôi mắt bạn. Cách nào?
Bạn cần kiếm soát tư duy và hành động của bạn, để có thể có mọi thứ, nhưng không bao giờ rơi vào hai cực đoan chấp có và chấp không.
Có tiền nhưng không bám vào tiền đến mức kiếm tiền vô đạo đức hay bất hợp pháp, và tiền đi thì cũng coi đó là duyên và không đau khổ hoặc nổi điên.
Bạn bực mình và muốn học trò thấy bạn bực mình, thì có thể tỏ ra một chút bực mình để học trò tập trung hơn, nhưng không bực mình đến nỗi bạn dùnng lời lẽ quá đáng hay những biện pháp quá đáng để sau đó thấy là mình đã quá đà.
Nếu người ta nói bạn ngớ ngẩn, chẳng biết đời. Đừng tự ái vặt. Không cần tỏ ra bạn thấy mọi thứ. Thường là để thiên hạ lừa bạn một chút như một kẻ khờ có thể giúp bạn chuyển hóa trái tim người ta dễ hơn. Đó là thực sự thông thái, không phải là khờ. Và trong những chuyện bạn khờ thật, chẳng có lý do gì để mình chẳng nói với thiên hạ là mình khờ, và nhìn thấy rất nhiều thầy quanh mình,
Các bạn, không có tư duy bám cứng trong Phật triết. Chú chim làm chủ bầu trời vì chú đậu khắp nơi, không chừa chỗ nào, nhưng không dính cứng vào bất kì nơi nào chú đậu.
Ưng vô sở trụ nhi sanh kì tâm – không bám vào đâu thì sinh tâm Bồ đề.
Chúc các bạn luôn vô chấp, không bám.