Kiến thức
Cõi Tây Phương Cực Lạc có gì lạ?
Thứ bảy, 08/11/2022 10:30
Kinh A-di-đà chép rằng: “Ở thế giới Cực Lạc, khi gió lay động các hàng cây báu cùng những tấm lưới báu, liền phát ra âm thanh vi diệu, giống như trăm ngàn tiếng nhạc đồng thời vang lên. Bất kỳ ai được nghe âm thanh hòa hợp ấy đều tự nhiên sinh tâm nhớ nghĩ đến Phật, Pháp và Tăng-già.”
Kinh Đại A-di-đà chép rằng: “Ở cõi nước của Phật A-di-đà, tất cả giảng đường, tinh xá đều tự nhiên hình thành bằng bảy món báu. Lại có bảy món báu làm thành lầu đài, lan can… thù thắng hơn gấp trăm ngàn lần so với cung điện của Thiên đế ở cõi trời Tha hóa tự tại nơi thế giới Ta-bà này. Ngoài ra, những cung điện của các vị Bồ Tát, Thanh văn ở thế giới Cực Lạc cũng đều như thế.
“Chư thiên và con người ở đó mỗi khi cần đến y phục, thức ăn uống, âm nhạc mầu nhiệm… đều được tùy ý hóa hiện ra. Đối với cung điện để cư trú, các vị chỉ cần tùy ý nói ra màu sắc, mức độ cao thấp, lớn nhỏ, muốn làm bằng một món báu, hai món báu cho đến vô số các món báu, liền sẽ lập tức hóa hiện đúng như ý muốn.
“Tuy nhiên, có những vị được tùy ý hóa hiện cung điện lớn nhỏ như thế, lơ lửng giữa hư không, lại cũng có những vị không thể tùy ý hóa hiện, và chỉ có cung điện ở trên mặt đất bằng các món báu. Đó là do trong đời trước khi các vị cầu đạo, tu tập phước đức có khác biệt nhau. Chỉ riêng các thứ y phục, thức ăn uống thì tất cả đều bình đẳng như nhau.
“Bên trong và bên ngoài các cung điện cũng tự nhiên hóa hiện các dòng suối, ao hồ, hoặc làm bằng một, hai món báu, lớp cát bên dưới đáy cũng bằng một, hai món báu, chẳng hạn như hồ bằng vàng ròng thì cát ở đáy hồ bằng bạc trắng, hồ bằng thủy tinh thì cát ở đáy hồ bằng lưu ly… Nếu ao hồ được làm bằng ba, bốn cho đến bảy món báu thì cát ở đáy hồ cũng hóa hiện tương tự như vậy. Bên trong các ao hồ ấy đều chứa loại nước có đủ tám công đức, trong sạch thơm tho, mùi vị như nước cam lộ.
“Giữa những nơi ấy lại có trăm loài hoa lạ, mỗi cành đều có hàng ngàn chiếc lá, tỏa ra màu sắc, ánh sáng đã khác lạ mà hương thơm cũng khác lạ, ngào ngạt tỏa lan, không thể mô tả hết bằng lời.”
Nhạc trời, mưa hoa
Kinh A-di-đà chép rằng: “Ở cõi Phật ấy thường có nhạc trời, mặt đất toàn bằng vàng ròng. Suốt ngày đêm đều có mưa hoa mạn-đà-la từ trời rơi xuống. Chúng sinh ở cõi ấy thường vào mỗi buổi sáng sớm dùng vạt áo trước nâng lên hứng lấy hoa trời xinh đẹp, rồi mang đi cúng dường mười vạn đức Phật ở các phương khác. Khi đến giờ ăn thì quay về dùng cơm rồi đi kinh hành.”
Không nơi nào cuộc sống tốt đẹp hơn Tây Phương Cực Lạc
Cây báu ven hồ
Kinh Đại A-di-đà chép rằng: “Ven bờ các ao hồ báu đều có vô số cây thơm chiên-đàn, hoa quả tốt lành, hương thơm lan tỏa. Lại có hoa sen đủ các màu che kín mặt nước. Lại có cây bằng bảy món báu mọc thành hàng lối. Những cây thuần một món báu thì từ thân cây cho đến cành lá hoa quả đều thuần một món báu. Những cây bằng hai món báu thì tất cả đều bằng hai món báu. Cứ như vậy mọc thành hàng lối ngay ngắn, cành nhánh chuẩn mực, trổ hoa hài hòa, kết quả đều đặn, cho đến bao bọc khắp cả thế giới ấy, không thể dùng mắt nhìn thấu hết.”
Cây báu, lưới báu phát âm vi diệu
Kinh A-di-đà chép rằng: “Ở thế giới Cực Lạc, khi gió lay động các hàng cây báu cùng những tấm lưới báu, liền phát ra âm thanh vi diệu, giống như trăm ngàn tiếng nhạc đồng thời vang lên. Bất kỳ ai được nghe âm thanh hòa hợp ấy đều tự nhiên sinh tâm nhớ nghĩ đến Phật, Pháp và Tăng-già.”
Nước tắm, hương hoa đều mầu nhiệm
Kinh Đại A-di-đà chép rằng: “Người được sinh về thế giới Cực Lạc, mỗi khi bước xuống ao hồ để tắm rửa, nếu muốn nước ngập chân thì được vừa ngập chân, nếu muốn nước lên đến đầu gối, đến lưng hoặc đến cổ, đều lập tức được như ý muốn. Nếu muốn nước ấm hơn hoặc lạnh hơn cũng đều được như ý.
“Sau khi tắm xong, mỗi người đều lên ngồi giữa tòa hoa sen, tự nhiên có gió lành vi diệu nhẹ thổi qua, lay động các hàng cây báu, vang lên tiếng âm nhạc. Gió lay các đóa hoa sen báu tỏa lên hương thơm khác lạ vây quanh các vị Bồ Tát, Thanh văn đang ngồi bên trên.
“Nhìn mút tầm mắt, mọi thứ đều sáng đẹp lộng lẫy. Hương hoa thơm lan tỏa không gì sánh bằng. Đến lúc hoa nào chớm tàn thì lập tức có gió xoáy cuốn đi ngay.
“Trong đại chúng có người muốn nghe thuyết pháp, có người muốn nghe âm nhạc, có người muốn ngửi hương hoa, cho đến có người không muốn nghe gì cả, tất cả đều được như ý muốn mà không hề gây trở ngại cho nhau.”
Chim hót pháp âm
Kinh A-di-đà chép rằng: “Ở thế giới Cực Lạc có đủ các loài chim kỳ diệu đủ màu sắc như bạch hạc, khổng tước, anh vũ, xá-lợi, ca-lăng-tần-già, cộng mạng… Các loài chim này, suốt ngày thường xuyên phát ra âm thanh hòa nhã. Những âm thanh ấy diễn đạt đầy đủ các pháp như năm căn lành, năm sức, bảy phần Bồ-đề, Tám thánh đạo. Những chúng sinh ở cõi ấy được nghe âm thanh như vậy rồi đều tự mình nhớ nghĩ đến Phật, nhớ nghĩ đến Pháp, nhớ nghĩ đến Tăng-già.”
Kinh lại chép rằng: “Các loài chim ấy đều do đức Phật A-di-đà vì muốn cho tiếng thuyết pháp được truyền ra khắp nơi nên mới biến hóa tạo thành.”
Cảnh tượng thù thắng
Kinh Đại A-di-đà chép rằng: “Các vị thượng thiện nhân ở thế giới Cực Lạc đều có tuổi thọ vô lượng vô số kiếp, có khả năng nhìn xa nghe khắp, quan sát từ xa, nghe tiếng nói từ xa. Tướng mạo các ngài đều đoan nghiêm tốt đẹp, không ai có các tướng xấu. Thể tánh các ngài đều trí tuệ dũng kiện, không có ai tầm thường, ngu si. Hết thảy những ý niệm của các ngài không bao giờ trái với đạo đức, nên biểu lộ ra những lời bàn luận đều là chính trực, tốt đẹp, người người đều thương yêu kính trọng nhau, không hề có sự ganh tỵ ghen ghét. Các vị đều rõ biết những việc đời trước, dù trải qua đã hàng vạn kiếp cũng đều nhớ biết rõ ràng. Các vị cũng rõ biết cả những chuyện quá khứ, hiện tại và vị lai trong khắp các thế giới mười phương, lại cũng rõ biết cả tâm ý của hết thảy chúng sinh trong khắp thiên hạ, cũng biết cả việc mỗi chúng sinh ấy đến kiếp nào, năm nào sẽ được độ thoát thành người, được sinh về thế giới Cực Lạc.”
Thức ăn uống tự nhiên hóa hiện
Kinh Đại A-di-đà chép rằng: “Những người được vãng sinh về thế giới của đức Phật A-di-đà, khi đến giờ ăn nếu muốn dùng chén bát bằng bạc liền có chén bát bằng bạc, hoặc có người muốn dùng chén bát bằng vàng, hoặc bằng lưu ly, cho đến được làm bằng hạt châu minh nguyệt hay hạt châu ma-ni, đều lập tức được hóa hiện theo ý muốn. Trong bát ấy lại hiện ra đầy đủ thức ăn có trăm mùi vị, dù nhiều cũng không thừa, dù ít cũng không thiếu. Sau khi ăn xong thì tất cả đều tự nhiên tiêu tán hết, không hề còn lại những thức ăn thừa. Hoặc cũng có trường hợp chỉ cần nhìn thấy màu sắc, ngửi thấy mùi hương thì tự nhiên no đủ. Mỗi khi ăn xong thì chén bát tự nhiên mất đi, đến lúc muốn ăn lại tự nhiên hiện ra như trước. Sự khoái lạc mầu nhiệm ở thế giới ấy chỉ kém hơn cảnh giới Niết-bàn mà thôi.”
Sự tu tập thích hợp
Kinh Đại A-di-đà chép rằng: “Ở thế giới Cực Lạc, nhân dân có những người ở trên mặt đất giảng kinh, tụng kinh, nghe kinh, hoặc suy ngẫm đạo lý hay ngồi thiền. Lại có những người ở trên hư không giảng kinh, tụng kinh, nghe kinh, hoặc suy ngẫm đạo lý hay ngồi thiền. Những người chưa chứng đắc quả Tu-đà-hoàn sẽ nhân đó được chứng đắc quả Tu-đà-hoàn, những người chưa chứng đắc quả Tư-đà-hàm sẽ nhân đó được chứng đắc quả Tư-đà-hàm, cho đến những người chưa chứng đắc quả A-la-hán hoặc Bồ Tát bất thối chuyển, đều sẽ nhân đó được chứng đắc quả A-la-hán hoặc Bồ Tát bất thối chuyển. Mỗi vị như thế đều tùy theo tư chất riêng của mình mà đạt được sự vui vẻ thích ý.”
So sánh dung mạo
Đức Phật hỏi ngài A-nan: “Ví như có người ăn mày đứng cạnh một vị đế vương thì hình tướng, dung mạo có thể sánh cùng nhau chăng?”
Ngài A-nan thưa rằng: “Bạch Thế Tôn, người ăn mày dung mạo xấu xí, làm sao có thể sánh được với vị đế vương?”
Đức Phật dạy: “Vị đế vương kia tuy cao quý, nhưng nếu lại so sánh với vị Chuyển luân Thánh vương thì cũng chẳng khác gì một kẻ ăn mày. Chuyển luân Thánh vương tuy cai trị bốn cõi thiên hạ, nhưng nếu so với Đao-lợi Thiên vương thì kém hơn đến trăm ngàn vạn lần, thật không thể sánh kịp. Đao-lợi Thiên vương nếu đem so với vị Thiên vương của cõi trời Tha hóa tự tại thì lại kém xa đến trăm ngàn vạn lần, thật không thể sánh kịp. Thế nhưng vị Thiên vương cõi trời Tha hóa tự tại nếu đem so với các bậc thượng thiện nhân cùng chư Bồ Tát ở thế giới Cực Lạc của đức Phật A-di-đà thì lại kém xa đến trăm ngàn vạn lần, thật không thể nào sánh kịp.”