Hỏi - Đáp
Còn 'cái ta' thì còn 'bất an'
Thứ hai, 27/07/2023 12:32
Thưa Thầy, càng chú tâm quan sát kỹ bản thân sao con thấy đâu cũng toàn là bản ngã sai khiến. Như đơn giản một bước chân trái-phải hình như bản ngã cũng đã dẫn trước, khi nhận ra thế con đã buông ra trụ vào hơi thở, nhưng trong tâm vẫn còn vướng một chút gì đó con không buông được...
Trả lời: Con thấy đúng đó, ngay cả việc sắp xếp ngồi thiền của con cũng do bản ngã sai khiến. Con muốn trụ vào hơi thở cũng là ý đồ của bản ngã.
Bản ngã luôn muốn khẳng định mình và muốn đạt được điều mình mong cầu, nó rất sợ bị quên lãng vì vậy mà luôn cảm thấy bất an, nên nó càng muốn được an và luôn chứng tỏ là mình thường có mặt một cách chắc chắn.
Nó đòi tích cực miên mật để thấy sự hiện hữu của nó là thường hằng, đó chính là nguyên nhân phát sinh ra thường kiến, và cũng chính vì thế mà nó không bao giờ thấy được bản chất vô thường, khổ, vô ngã của cái ngã và pháp mà nó cho là "Ta, của Ta và tự ngã của Ta".
* * *
Hỏi: Thưa Thầy, lúc ngồi thiền sao con ngồi được nửa tiếng đầu là có cảm giác thoải mái nhưng qua 5 phút tiếp con bắt đầu bức rứt khó chịu, con ghi nhận cái tâm lúc đó rồi con đã trú vào hơi thở nhưng tinh thần lại nản, con cũng ghi nhận trạng thái lúc đó và thế là con xả thiền... Con như thế là thiếu cái gì đó đúng không Thầy?
Ngày con ngồi hai thời thôi lúc đi ngủ và sáng thức dậy.
Trả lời: Thiền thực ra là chỉ soi thấy mọi hoạt động của bản ngã để trả pháp về với thực tánh tự nhiên của pháp chứ không còn tạo tác theo ý đồ của bản ngã nữa. Sự phát hiện một số hoạt động của bản ngã nơi con là đúng, nhưng nên tiếp tục phát hiện nó nhiều mặt hơn nữa chứ không nên để nó đánh lừa bằng cách giúp nó thực hiện ý đồ qua cái gọi là "ngồi thiền" để thỏa mãn nó.
Bản ngã muốn ổn định vững chắc nên nó quyết tâm ngồi thiền, nhưng bản chất của nó là bất an nên chính nó lại không nhẫn nại được. Cho dù nó có đạt được như ý thì rồi nó cũng muốn cao hơn, vĩ đại hơn... nên rốt cuộc vẫn bất an!
Nên Đức Phật mới nói "Tam giới bất an như ngôi nhà lửa" là vậy...
Nguồn: trungtamhotong.org