Kiến thức

Con đường diệt dục

Thứ sáu, 04/02/2024 10:30

Trong đời của mọi người, ít ra cũng một lần, câu hỏi này được nêu ra: “Tại sao ta sanh ra trên cõi đời này? Mục đích và chỗ cuối cùng của bao nhiêu hoạt động của ta là gì?”

Audio

Đó là câu hỏi hết sức rành rẽ, không một chỗ mơ hồ, lầm lẫn, vậy thì câu trả lời, muốn được đúng đắn, cũng phải hết sức rành rẽ và không một chỗ mơ hồ.

Ai đã đáp lại câu hỏi ấy một cách rõ ràng như vừa nói? Chỉ một người trong lịch sử nhân loại. Người ấy là đức Phật.

Nhưng trước khi trả lời, đức Phật xác định nghĩa của chữ Người. Ngài nói: “Chúng ta là những chúng sanh mong muốn hạnh phúc, sung sướng”. Và chỉ vì chúng ta muốn hưởng các điều vui sướng nên chúng ta mới sanh ra trong đời này. Chỉ có thế thôi. Những câu trả lời khác là rườm rà, không đúng với sự thật.

Thật thế, trăm mưu ngàn chước, suy tính lo lường, dùng phương này thế nọ, lúc động khi tĩnh, để mà làm chi, há chẳng phải để xây đắp lâu đài hạnh phúc và chỉ có thế thôi? Hơn nữa, chẳng phải cái hạnh phúc tầm thường, khuyết điểm mà phải là một hạnh phúc hoàn toàn. Và cái hạnh phúc hoàn toàn đó ở chỗ phải thực hiện cho được một tình trạng rất hợp với ý ta, nghĩa là một tình trạng mà trong đó, đời đời kiếp kiếp, lòng ta không còn bị một thèm muốn nào rạo rực. Bao giờ mà chúng ta không nắm được cái hạnh phúc hoàn toàn tuyệt đối ấy, thì chí chúng ta chưa thỏa mãn, lòng chúng ta không yên và chúng ta vẫn còn mong mỏi và cố gắng tranh thủ mãi. Và chỉ khi nào chúng ta đạt đến cái hạnh phúc ấy, mọi thèm muốn mới tiêu tan trong lòng chúng ta và mọi lo ngại không còn làm cho chúng ta bức rức khó chịu. Vậy thì chúng ta là một loài ưa thích sung sướng, đi tìm hạnh phúc, không phải có một cái hạnh phúc trơn, thế nào cũng được, mà phải là một cái hạnh phúc hoàn toàn, tuyệt đối, như đã nói.

Phật dạy: “Ở đâu mà tâm bất tịnh, ở đó có khổ”.

Phật dạy: “Ở đâu mà tâm bất tịnh, ở đó có khổ”.

Nhưng bao giờ còn một sự đau khổ áp bức chúng ta thì cái hạnh phúc ấy không làm sao thực hiện được. Người đời, dầu có muốn gì được nấy đi nữa, cũng chưa được gọi là sung sướng, nếu còn điểm lo sợ, như lo sợ một tai họa, một đau khổ sẽ đến. Vì đó, đức Phật đã bổ túc câu định nghĩa nói lúc nãy như thế này: “Chúng ta là những chúng sanh ham muốn hạnh phúc và chán ghét đau khổ”.

Phải chăng đau khổ là phần dành chung ở cõi này, chẳng những cho nhân loại mà còn cho tất cả mọi loài? Bởi vậy, mục đích thiển cận của mọi loài là chống trả để giải thoát cái khổ đang áp bức mình hay đang hăm dọa mình. Nhưng khổ là gì chớ?

Khổ là ý muốn bị trở ngại. Vì vậy chúng ta khó chịu, bức rức, đau khổ ngay khi chúng ta muốn mà không được như ý, và cái muốn bất toại ấy đeo đuổi dày vò chúng ta đến mức nào, thì trong lòng chúng ta không yên và chúng ta khốn khổ đến mức ấy.

Phật dạy:  “Ở đâu mà tâm bất tịnh, ở đó có khổ”.

Người đời mấy ai chịu cho cái bất như ý đeo đuổi dày vò mình mãi, cho nên ai cũng cố gắng làm thỏa mãn những ham muốn của mình.

Nhưng làm thế nào để thỏa mãn những ham muốn của mình? Chỉ có một cách là ráng sức lấy về cho được những gì mà lòng ta mong mỏi. Vậy trọn cả đời của mỗi chúng ta là một cuộc tranh đấu không ngừng để chiếm đoạt. Kẻ tìm vật này, người kiếm vật khác, anh này mong hưởng hạnh phúc gia đình, vợ yêu con quí, anh khác chạy theo bạc tiền, ruộng đất. Có kẻ thèm khát danh vọng, có kẻ khác nữa muốn tất cả một lần, nghĩa là vợ yêu con quí cũng muốn, mà danh vọng, tiền bạc cũng không tha.

Dùng lối ấy để thỏa mãn mong muốn của mình, thật là một việc không thể được, vì ở đời ai tài nào thực hiện được tất cả những cái muốn của mình. Mà dầu cho thực hiện được đi nữa, chưa chắc cái khổ vì đó mà tiêu mất. Vạn vật trong đời là vô thường, trước sau chầy kíp gì cũng xa lìa chúng ta, hoặc tự nó xa chúng ta, hoặc tự chúng ta xa lìa nó. Thế thì cái khổ vì lẽ vô thường là một luật chung trong trời đất, hễ có sống là có khổ, dầu ở cảnh giới này hay cảnh giới khác. Vũ trụ là vật chất, mà vật chất thì biến đổi luôn luôn.

Vạn vật đã vô thường mà chúng ta muốn cho vợ con ở mãi với ta, tiền của đừng đổi chủ, danh cao vọng trọng miên trường với năm tháng, là một ảo vọng. Suy xét như thế thấy rằng trong khắp vũ trụ, không một chúng sanh nào đạt được đến chỗ diệt khổ bằng lối làm thỏa mãn tất cả những mong muốn của mình. Nói một cách khác cho dễ hiểu, dầu muốn gì được nấy đi nữa, cái sung sướng ấy cũng không đánh đổi được cái khổ là phần dành sẵn cho mọi chúng sanh trong vũ trụ đau khổ này. Vậy thì điều nên ghi nhớ là: Ai đi tìm hạnh phúc trên con đường làm thỏa mãn vật dục, người ấy đã lầm nẻo rồi vậy. Nhưng đừng hiểu lầm rằng chân hạnh phúc không thể tìm được. Nằm trên giường, chúng ta day trở để mà chi, há không phải để tìm hoặc một chỗ êm thắm, hoặc một lối nằm dễ chịu. Ngoài đời cũng thế, chúng ta day trở, chạy ngược chạy xuôi cũng chỉ để tìm, để tạo cho mình một tình trạng sanh sống dễ chịu, êm thắm. Mà muôn loài, muôn vật cũng đều như thế, và như thế thì tất cả mọi loài đều hướng về sung sướng, về hạnh phúc.

Nước trên nguồn chảy xuống, gặp đá cản đường mà dòng nước không muốn dừng bước.  Phải làm thế nào bây giờ? Nước xoay hướng, đi ngay không được thì nước đi quanh, rốt cuộc, nước chiến thắng trở ngại và nước rong ruổi dặm trường. Chúng ta nên làm như thế. Chúng ta đã đi tìm hạnh phúc và quyết tìm cho được hạnh phúc, chúng ta đã dẫm chơn trên con đường thỏa dục, chúng ta bất thành công. Sao chúng ta không bắt chước nước nguồn kia mà đổi hướng? Biết như thế là con đường dẫn đến chân hạnh phúc miên viễn đã rộng mở trước mắt chúng ta rồi vậy.

Con đường này là con đường phải trải qua giai đoạn lìa khổ, giải thoát sự đau khổ. Chỗ nào mà chúng ta còn cảm thấy khổ hay cái khổ còn có phương khởi dậy, thì chỗ ấy không thể tìm ra nguồn hạnh phúc hoàn toàn. Vậy muốn đạt đến cái hạnh phúc ấy, phải ra khỏi cảnh khổ. Làm thế nào?

Đã nói có khổ là khi nào những mong muốn của chúng ta không được thỏa mãn, vậy muốn diệt khổ trừ khổ, không phương pháp nào hay và đúng lý bằng sự diệt lòng ham muốn mà đạo Phật gọi là diệt dục. Chỉ có phương ấy thôi: Nguồn dục đã cạn, thì nước đau khổ đâu còn chảy nữa.

Tới đây chúng ta có thể kết luận rằng: Con đường dẫn đến hạnh phúc đầy đủ là con đường diệt dục, và con người càng giải thoát sự tham muốn bao nhiêu thì càng bớt đau khổ bao nhiêu và cũng gần nguồn hạnh phúc chân thật bấy nhiêu.

Sự thật là như thế, vì vậy kim cổ Thánh-Hiền đều hướng về nẻo ấy mà suy ngẫm và hành động. Từ xưa đến nay, thời đại nào, dầu Đông, dầu Tây, các bậc tu hành chân chánh đều đem hết sức bình sanh thực hiện có một chữ là xả, là bỏ. Bỏ tất cả những ham muốn ngông cuồng của người thế gian, để tự mình giải thoát mình khỏi những xiềng xích của thế sự tham cầu. Thấp hơn là những người hiền lành ngay thẳng. Đối với bậc này, một nền luân lý chân chánh phải là một nền luân lý căn bản trên chỗ khắc kỷ, nghĩa là mỗi người phải tự chế ngự, tự làm chủ lấy mình, và như thế phải chăng là tự mình phải đè nén cho được những bồng bột và tham dục trong lòng mình?

Về thời cổ Hy Lạp, nhiều nhà hiền triết đã hiểu lẽ đó và sống theo lẽ đó. Aristote đã nói:  “Người khôn hướng về chỗ diệt dục, chớ không hướng về dục lạc”. Socrate, một trong những đại triết nhân của Hy Lạp, là người có chủ trương một đời sống vô dục, đã tạo nên cao một ngọn đuốc còn chói lọi sau mấy mươi thế kỷ. Trong một bài luận rạch ròi, ngài đã chỉ rằng kẻ nào còn để cho vật dục chi phối, kẻ ấy không sao có chánh kiến được, nghĩa là xem xét và đánh giá việc đời một cách đúng đắn được. Socrate nói:  “Thường một cái vui nhỏ mà gần sẽ kết quả bằng một cái khổ lớn mà xa. Trái lại và cũng chắc chắn như thế, một hạnh phúc to lớn trong tương lai phải mua với cái giá của một khó chịu nhỏ mọn trong hiện tại. Nhưng hỡi ôi!  Người đời chỉ thấy cái gần và cái gần bao giờ cũng lớn, và cái xa, dầu có lớn đi nữa, cũng bị thấy nhỏ, vì vậy mà người đời vờ bắt cái vui gần để rồi sau chịu cái khổ to, và tránh cái khổ nhỏ của hiện tại, để rồi sau không được hưởng cái hạnh phúc to”.

Mọi thú vui ở đời đều là trò hát thuật, đều là cảnh giả trên màn bạc của những rạp chiếu bóng, thích thật, thú thật, nhưng một khi đèn cháy, những cái thích thú ấy còn đâu!  Chúng ta vui khi trong tay chúng ta nắm được vật chúng ta muốn, nhưng những vật ấy có khác nào cảnh trên màn bạc, chúng có phải thật như chúng ta thấy đâu.  Cảnh trên màn bạc tiêu tan khi đèn sáng, thì cảnh đời, dầu huy hoàng, dầu vui vẻ cho thế mấy đi nữa, cũng có thể lúc đèn sáng của nó. Cố luyến tiếc thì bất quá như chàng thanh niên mê xi nê kia, chỉ còn một cách là hồi tưởng lại, như một giấc mơ, những gì đã làm mình thỏa thích trong mấy chục phút đồng hồ. Lại nữa những vật mê luyến của lòng ta nào phải tốt đẹp như chúng ta tưởng, hay như chúng ta thấy. Một khi lòng đã thèm thuồng thì đôi mắt tưởng chừng như trong sáng của chúng ta đã bị đục rồi, vì vậy mà chúng ta thấy sai sự thật.

Tất cả những vui sướng ở đời đều là những của tạm mượn trong một thời gian dài ngắn không chừng. Còn hưởng được là còn vui, hết hưởng là khổ. Vậy thì cái khổ đi liền theo cái sướng, cái vui như bánh xe đi theo dấu chơn bò, đúng như lời Phật dạy.

Để kết luận, chúng ta thấy rằng người đời ai cũng mong và có quyền mong được sống một đời sống hạnh phúc chân thật và hoàn toàn. Muốn đạt đến mục đích ấy, không nên theo con đường của thế tình là phải chạy theo dục vọng, mà phải theo con đường trái ngược là con đường diệt dục. Chỉ không còn khao khát một vật gì, lòng ta mới yên tịnh và cái yên tịnh ấy mới thật là hạnh phúc, một hạnh phúc không ai cướp được, không gì tiêu hủy được.

loading...