Sách Phật giáo
Con đường duy nhất (P.1)
Thứ ba, 29/07/2017 11:45
Đi theo con đường đạo Phật chân chính, bạn sẽ trở thành một người rất là bình thường, khi đối diện với những khổ đau thì không trốn chạy. Bạn sẽ tìm hiểu nguyên nhân và những giải pháp khác để chuyển hóa tận gốc rễ. Thiết lập được Phật pháp chân chính bạn sẽ tràn đầy hạnh phúc, để làm lợi ích cho cuộc đời mà chẳng phải tìm cầu đâu xa.
LỜI GIỚI THIỆU
Nhận được bản thảo quyển sách Con Đường Duy Nhất do ban biên tập Thư Viện Hoa Sen kết tập từ các bài viết của chúng tôi gửi đăng, chúng tôi rất lấy làm vui vì sách sẽ được chính thức xuất bản và phát hành rộng rãi trên toàn cầu bởi đại công ty Amazon.
Con Đường Duy Nhất – tựa sách mà ban biên tập Thư Viện Hoa Sen đã lấy từ bài đầu tiên trong số 21 bài, sẽ trở thành một quyển sách có ý nghĩa và giá trị như tên gọi. Con đường duy nhất ở đây nói lên triết lý sống theo quan điểm đạo Phật, xây dựng con người biết cách hoàn thiện chính mình để sống dấn thân, cống hiến, và phục vụ nhân loại mà không bị dòng đời cuốn trôi.
Chúng tôi bắt đầu viết sách sau 14 năm xuất gia tu học và lao động mà phần lớn thời gian là tình nguyện chụm lò, nấu cơm phục vụ tăng chúng tại Tổ đình Thiền Viện Thường Chiếu. Cuối năm 2007 Thượng tọa TS. Thích Nhật Từ, Trụ trì chùa Giác Ngộ có mời tôi hợp tác làm việc với chức danh Phó giám đốc Đạo Phật Ngày Nay kiêm trưởng ban từ thiện. Khi đó tôi chưa từng học qua trường lớp Phật học một cách chính quy và với vai trò mới này buộc tôi phải tự học, tự tu, và phải biết thuyết giảng để hướng dẫn mọi người cùng tu tập.
Về cuộc đời, đầu tiên tôi nhờ một nhà văn từng biên tập kinh sách cho một vị Hòa Thượng viết lại cuộc đời của tôi nhưng vị này từ chối, vì biết tôi là bào huynh Thầy Nhật Từ. Tôi lại tiếp tục nhờ người thứ hai viết cũng là một nhà văn, nhưng vị này lại viết với nội dung khác, không phản ánh đúng với thực trạng quãng đời và tâm tư nguyện vọng của chúng tôi.
Trong lúc đang bế tắc, tâm trí tôi bất ngờ sáng tỏ, thế là tôi quyết định viết tác phẩm đầu tay với tựa đề là Lột Xác và trong vòng 3 năm làm Phó giám đốc Đạo Phật Ngày Nay tôi đã cho ra đời 5 tác phẩm: 1- Lột Xác, 2- Nghiệp và thấy biết sai lầm, 3- Gieo trồng phước đức, 4- Biết sống trong vô thường, 5- Nhân quả và số phận con người.
Tính đến nay chúng tôi đã viết được hơn 90 đầu sách, đã xuất bản chính thức 60 cuốn khoảng trung bình 100 trang với nhiều thể loại Phật pháp vào đời.
Có một điều khá đặc biệt nơi tôi là tôi thường hay viết bài, viết sách mỗi khi trong người cảm thấy bất mãn một điều gì đó hay thấy những điều trái tai gai mắt mà cả tu sĩ lẫn Phật tử không dám lên tiếng, bởi tôi là con người cương trực và thẳng thắn không nể sợ một ai. Và tôi là người dám nói lên sự thật, dám làm, và dám chịu trách nhiệm; tuy có đôi lúc đụng chạm hay mích lòng với một số người vì chưa thông cảm với nhau.
Nay, thêm một nhân duyên lành đến, được sự quan tâm của Ban biên tập Thư Viện Hoa Sen mong muốn những bài viết của chúng tôi được biên tập lại thành những cuốn sách mới để xuất bản trên mạng Amazon toàn cầu. Cuốn sách Con Đường Duy Nhất mà chúng tôi định viết trong nay mai, nhưng chưa viết….. sách đã được hình thành bởi sự khéo léo có trí tuệ của những con người vì nhân sinh mà phục vụ vô điều kiện. Với lòng biết ơn vô hạn, biết ơn những người dám cống hiến cho nhân loại.
Hy vọng quyển sách này sẽ được phổ biến rộng rãi hơn, đó là sự mong muốn duy nhất của chúng tôi. Cuối cùng xin nguyện cầu Hồng ân Tam bảo luôn gia hộ cho tất cả mọi người trên thế gian này đều được sống bình yên hạnh phúc ngay tại đây và bây giờ.
Kính ghi
Phong Trần Cuồng Nhân.
LỜI TRI ÂN
Chúng con vô cùng biết ơn sâu sắc đối với Hoà thượng tôn sư, trụ trì Thiền Viện Thường Chiếu người đã trực tiếp chỉ dạy và giáo dưỡng cho con thoát khỏi bóng đêm tối tăm với không biết bao mê lầm của tội lỗi.
Cùng với công đức cao cả của Hoà thượng Trúc Lâm, người đã khai sáng và phục hưng dòng Thiền hiện đại Trúc Lâm Yên Tử Việt Nam với phương châm: “ Học tập, lao động và hành trì.”
Chúng con vô cùng biết ơn người cha kính yêu và không quên câu nói nói bất hủ của ông: “ Nếu mày giết người mà làm được tổng thống thì nên giết, còn không thì thôi.” Thât là diễm phúc cho đời chúng tôi đã có được một người cha, người mẹ, người thầy vĩ đại như thế, đã giúp cho chúng tôi thay đổi cuộc đời tăm tối, làm mới lại chính mình bằng tình yêu thương chân thật.
Chúng tôi vô cùng biết ơn chư huynh đệ pháp lữ gần xa, bạn hiền thân hữu đàn na tín thí, cùng với tất cả chúng sinh đã nhiệt tình trợ duyên và giúp đỡ cho chúng tôi có thời gian gột rửa lại thân tâm, làm mới lại chính mình.
Với lòng biết ơn sâu sắc đó, chúng tôi mạo muội viết ra những trang sách nhỏ này, mong mỏi được một chút kết nối yêu thương, sẻ chia cuộc sống đến với tất cả mọi người với lòng tôn kính vô biên.
1. CON ĐƯỜNG DUY NHẤT
- Nếu bạn phải lựa chọn một con đường....hãy chọn con đường đến với đạo Phật chân chính. Chính con đường đó giúp ta biết cách hoàn thiện chính mình mà sống đời an lạc, hạnh phúc.
- Nếu phải chọn một lối sống, bạn hãy chọn đạo đức từ bi và cố gắng kiên trì rèn luyện trong bền bỉ để mình và người, sống yêu thương bằng trái tim hiểu biết.
- Nếu phải chọn lựa một ý thức hệ bạn nên chọn con đường chuyển hóa thân tâm do đức Phật chỉ dạy mang thông điệp hòa bình.
- Nếu phải chọn một học thuyết…bạn nên chọn chánh pháp dựa trên nền tảng nhân quả đạo đức, để thiết lập mối quan hệ mật thiết với mọi người.
- Nếu phải chọn một thể chế chính trị… bạn hãy chọn thể chế dân chủ mang đậm chất xây dựng và cống hiến để giúp cho nhân loại kế thừa, ổn định và phát triển.
- Thế gian tuy có nhiều con đường...nhưng chưa có con đường nào giúp ta thành tựu viên mãn. Vì con đường thế gian…luôn đấu tranh giành giựt giết hại lẫn nhau để sinh tồn.
- Đi theo con đường đạo Phật chân chính, bạn sẽ trở thành một người rất là bình thường, khi đối diện với những khổ đau thì không trốn chạy. Bạn sẽ tìm hiểu nguyên nhân và những giải pháp khác để chuyển hóa tận gốc rễ. Thiết lập được Phật pháp chân chính bạn sẽ tràn đầy hạnh phúc, để làm lợi ích cho cuộc đời mà chẳng phải tìm cầu đâu xa.
2. BỐN PHƯƠNG PHÁP ĐỊNH HƯỚNG CUỘC ĐỜI
Định hướng cuộc đời để đạt được mong muốn thích đánglà yếu tố quan trọng giúp cho ta thăng tiến trên đỉnh cao của sự giác ngộ và giải thoát. Chuyên cần, siêng năng,hăng hái, nhiệt tâm, tinh tấn nỗ lực, duy trì bền bỉ thì mọi việc sẽ được tốt đẹp theo thời gian dù khó hay dễ. Lười biếng, ỷ lại, thiếu quyết tâm và ý chí, buông lung, hưởng thụ quá đáng là nhân dẫn đến mọi thất bại trong cuộc đời.Tích cực, nhiệt tình, có quán chiếu, suy xét, cần mẫn, siêng năng là cơ hội gần nhất để dẫn đến thành công trong mọi lĩnh vực.
Sau đây là 4 yếu tố chân chánh giúp con người đạt tới đỉnh cao của cuộc sống. Thứ nhất là có nguyện vọng chính đáng. Thứ hai là siêng năng, tinh cần, bền chí lâu dài. Thứ ba là chuyên chú, nhất tâm vào công việc. Thứ tư là thấu rõ nguyên lý duyên khởi của cuộc đời. Ai đáp ứng đầy đủ 4 yếu tố này thì mọi việc sẽ hanh thông và sáng tỏ như ý muốn.
Khi con người có nguyện vọng chính đáng rồi thì quyết tâm, nỗ lực kiên trì và cố gắng thì mọi việc dù khó đến đâu cũng dễ thành tựu viên mãn. Trong cuộc sống của chúng ta, ai siêng năng, tinh tấn không ngừng nghỉ và có nguyện vọng chân chánh rồi thì chắc chắn trong nay mai sẽ thành đạt được như ýmuốn. Ngược lại, nó sẽ là con dao hai lưỡi nếu siêng năng, nhiệt tình mà không biết phân định đúng sai, tốt xấu thì coi chừng rơi vào hố sâu tội lỗi. Tinh cần siêng năng trong mọi việc tốt lành để giúp mình và người hoàn thiện nhân cách, luôn sống với tấm lòng rộng mở mình vì mọi người thì đó là đều đáng được tán thán. Hăng hái lao vào các việc xấu ác hại người, hại vật là việc làm thiếu lương tâm làm khổ đau cho nhân loại.
Vây nguyện vọng chính đáng của chúng ta là sao? Ta có quyền ước mơ để định hướng cuộc đời bằng sự dấn thân phục vụ vì lợi ích nhân loại, như người tật nguyền quyết tâm lớn lên trở thành bác sĩ để chữa bệnh cho người khuyết tật. Một em học sinh quyết tâm học giỏi để sau này lớn lên trở thành thầy cô giáo hướng dẫn lại cho các em khác. Một chú tiểu vào chùa khi còn nhỏ quyết tâm học và tu cho sáng đạo để giúp đỡ mọi người sống có yêu thương bằng trái tim hiểu biết. Đó là những nguyện vọng chính đáng; nhưng nếu thiếu yếu tố siêng năng, tinh tấn đúng mức thì e rằng mọi việc sẽ đổ vỡ trong nay mai. Tinh tấn có nghĩa là ngăn ngừa và từ bỏ những điều xấu ác có tính cách làm khổ cho mình và người. Đồng thời chúng ta phải biết cách gieo trồng những việc tốt lành, tin sâu nhân quả, có như thế ta mới đạt được nguyện vọng chân chính để làm hương thơm cho đời.
Sau khi xác định lập trường vững chắc rồi thì ta quyết tâm kiên trì bền bỉ đi theo hướng mình đã phác họa, biết cách tùy thuận nhân duyên, nắm chắc nhân duyên và tạo ra nhân duyên. Như một tu sĩ Phật giáo khi phát tâmxuất gia, tức đã xác định lý tưởng, lập trường của mình là phải giác ngộ, giải thoát, để sau này hướng dẫn lại cho mọi người. Khi đã xác định lập trường vững chắc rồi thì thời gian thành tựu mau hay chậm không còn là quan trọng nữa, mà ta chỉ một lòng quyết tâm cho đến khi nào viên mãn mới thôi.
Từ vô thủy kiếp đến nay, chúng ta nhận hiểu sai lầm, thấy biết sai lầm, nên dẫn đến hành động sai lầm mà làm cho ta và người đau khổ. Nay ta phát nguyện lớn quyết tâm kiên trì, bền chí, tu hành cho đếnkhi nào giác ngộ, giải thoát viên mãn mới thôi. Nhưng vì tập khí thói quen xấu, làm cho chúng ta mê muội mà tranh giành lừa đảo làm tổn hại con người, gây ra ân oán hận thù, nên thế giới lúc nào cũng chiến tranh binh đao tàn sát, giết hại lẫn nhau. Kẻ thắng thì được mọi người khen ngợi, tâng bốc, được quyền cao chức trọng, vật chất đầy đủ. Kẻ thua thì bị khinh chê, coi thường, khổ đau, mất mát cùng tột. Một bên được, một bên mất, cứ như thế kéo dài từ đời này sang kiếp nọ không có ngày thôi dứt.
Chính vì thế mà thái tử Sĩ Đạt Ta đã từ bỏ cung vàng điện ngọc, vợ đẹp con ngoan, thần dân thiên hạ để ra đi tìm cầu chân lý. Sau 5 năm tu học với hai vị đạo sư nhưng không giải quyết đượcmục đích giác ngộ, giải thoát, Ngài đành tự tu một mình theo lối khổ hạnh ép xác, cuối cùng cũng không đạt được mục đích yêu cầu mà xém bỏ xác nơi rừng sâu. Bồ tát Sĩ Đạt Ta vẫn giữ vững lập trường kiên định, Ngài đến cội Bồ đề phát nguyện “dù thịt nát xương tan vẫn không rời khỏi chỗ này nếu chưa chứng được đạo quả giác ngộ, giải thoát”. Nhờ lập trường vững chắc và ý chí sắt đá nên cuối cùng Bồ tát đã khám phá được chân lý ngay nơi sắc thân này mà chẳng phải tìm cầu đâu xa. Ngài thấy rõ tất cảchúng sinh luân hồi trong ba cõi, sáu đường như người đứng trên lầu cao nhìn xuống ngã tư đường là do chính mình tạo ra. Ngài nhớ lại vô số kiếp về trước làm gì và ở đâu một cách rành rẽ như nhớ chuyện ngày hôm qua. Cuối cùng, Ngài đã biết cách thoát khỏi sinh-già-bệnh-chết mà không còn bị sự trói buộc của phiền não tham sân si. Nếu Ngài không có lập trường vững chắc thì làm sao vượt qua biển khổ sông mê, nhờ vậy mà ngày nay chúng ta biết được đạo lý làm người để sống có ích cho gia đình và xã hội. Xa hơn nữa, nếu ai muốn được giác ngộ, giải thoát hoàn toàn thì Ngài chỉ cho phương pháp dứt trừ sống-chết.
Tóm lại, sống trên thế gian vui ít khổ nhiều, nếu ta khôn khéo biết nhận định đúng sai, phải quấy, tốt xấu và luôn định hướng cuộc đời đi theo chiều hướng tốt và kiên quyết giữ vững lập trường thì mọi việc dù khó đến đâu cũng sẽ được thành tựu trong nay mai.
3. DANH NGÔN LỜI VÀNG PHẬT DẠY VỀ 4 HẠNG NGƯỜI
Nói đến đạo Phật là nói đến luật nhân quả, nói đến sự giác ngộ của một con người. Con người sinh ra đủ phước báo hay bất hạnh là do tích lũy nghiệp từ nhiều đời mà hiện tại cho ra kết quả khác nhau. Mọi việc đều có thể thay đổi và cải thiện tốt hơn nếu chúng ta có ý chí và quyết tâm cao độ. Tất cả mọi hiện tượng, sự vật trên thế gian này là một dòng chuyển biến liên tục từng phút giây, không có gì là cố định cả.
Một gia đình nọ, hai cha con cùng dạo chơi trong khu vườn nhà của họ. Bổng nhiên đứa con hỏi bố: “Bố ơi bố, nhà chúng ta có giàu không ạ?”
Ông bố nghe xong liền mỉm cười, xoa đầu cậu con trai, rồi nói: “Bố có tiền, nhưng con không có. Tiền của bố là do bố tự mình siêng năng tích cực làm ra bằng đôi bàn tay và khối óc, được tích lũy trong nhiều năm tháng. Sau này con muốn giàu có như bố, trước tiên con phải học và chọn cho mình một nghề nghiệp chân chính, con cũng có thể thông qua nghề nghiệp của mình mà kiếm được tiền.”
Cậu bé ấy, nghe câu trả lời của bố có chút suy luận như sau:
1-Bố của mình rất giàu có, nhưng tiền của bố là của bố, vì công khó nhọc do bố làm ra.
2-Nếu như mình muốn có tiền và giàu có như bố, cũng phải thông qua lao động và cố gắng để có được.
Nghe xong câu trả lời của bố, cậu bé sẽ rất cố gắng để trở nên giàu có như bố mình. Quan trọng hơn hết là một loại giàu có về đạo đức tinh thần, sau sẽ giúp cậu bé hưởng lợi ích cả đời mà không sợ ai cướp mất.
Cũng câu hỏi này, ở một gia đình khác? Ông bố trả lời một cách tự hào và rất kiêu hãnh : “Nhà chúng tacó rất nhiều tiền con ạ và lớn lên tất cả những gì bố có sẽ thuộc về con, con khỏi phải lo?”.
Đứa bé sau nghe được câu trả lời đó của bố, sẽ đưa ra một nhận định như sau:
1-Bố mình là người giàu có, nhà mình có rất nhiều tiền.Tiền của bố mình chính là tiền của mình.
2-Như vậy, mình không cần cố gắng học hỏi và làm việc vì đã có rất nhiều tiền rồi.
-Người có đạo đức luôn tin nhân quả và sống không ỷ lại, nhờ vả van xin hay dựa dẫm bất kỳ một thếlực nào. Nên đã dạy cho con cái, cách sống tự lập và dấn thân bằng mồ hôi nướt mắt của chính mình.
Một hôm, đức Phật đang chuẩn bị buổi tham vấn đạo lý cho tất cả quan quân thành Xá Vệ tại tịnh xá Kỳ Viên, vua Ba Tư Nặc cùng đoàn tùy tùng sau khi đảnh lễ đức Thế tôn bèn ngồi sang một bên và thưa hỏi:
- Thế nào, Thế Tôn! Tất cả Bà La Môn sau khi chết sinh trở lại làm Bà La Môn chăng? Giai cấp Sát Đế Lợi, Tỳ Xá, Thủ Đà La cũng lại như thế chăng?
- Này đại vương, đâu được như vậy! Trên đời có 4 hạng người: Hạng người từ tối vào tối; Hạng người từ tối vào sáng; Hạng người từ sáng vào tối; Hạng người từ sáng vào sáng.
- Thưa đại vương, thế nào là hạng người từ tối vào tối? Ở đây có một số người được sinh ra trong gia đình hạ tiện, thấp kém, ở đợ, làm mướn, gia đình Chiên đà la, làm nghề đồ tể, lưới cá, giăng bẫy, đổ rác, đương lát và làm các nghề nghiệp thấp kém khác. Cơm không đủ no, áo không đủ mặc, ăn uốngthiếu thốn, nghèo cùng, bệnh tật chết yểu, thân thể xấu xí, luôn làm các việc hạ tiện và cũng bị người sai làm các việc hạ tiện, ấy gọi là tối. Trong chỗ tối đó người ấy thân hay làm việc ác, miệng nói ác, ý suy nghĩ ác, do nhân đó sau khi chết người ấy sinh vào cõi dữ địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, chịu nhiều khổ báo; giống như người từ tối vào tối, luôn sống trong tối tăm, hắc ám, vô minh, mê muội, đời này làm ác,đời sau làm ác, không biết lối đi; người từ tối vào tối cũng lại như thế.
- Đại vương! Thế nào là người từ tối vào sáng? Như đã nói ở trên, tuy đang ở trong chỗ tối nhưng người này ý luôn suy nghĩ điều tốt lành, miệng nói lời lành, thân hay làm việc tốt, luôn tôn kính người tu hành chân chánh, biết giúp đỡ, chia sẻ khi gặp người hoạn nạn. Do nhân ấy sau khi chết được tái sinhvào các cõi trời, hoặc trở lại làm người cao sang, quyền quý; giống như có người từ đất bước lên kiệu, từ kiệu bước lên ngựa, từ ngựa lên voi hay từ voi lên lầu; người từ tối vào sáng cũng lại như thế.
- Thế nào là người từ sáng vào tối? Ở đây có người sinh ra trong nhà cao quý, có địa vị, danh vọng trong xã hội, gia đình Bà La Môn giàu có, gia đình Sát Đế Lợi giàu có, nhiều tiền của, nhiều tôi tớ, thân tướng tốt đẹp, trang nghiêm, thông minh, trí tuệ, ấy gọi là sáng. Nhưng hiện tại người ấy thân hay làm các việc ác, miệng nói lời ác, ý suy nghĩ ác, hại người hại vật, do nhân duyên đó sau khi chết bị đọa vào ba đường dữ chịu nhiều khổ báo; giống như có người từ lầu cao bước xuống voi, từ voi bước xuống ngựa, từ ngựa bước xuống kiệu, từ kiệu bước xuống đất, từ đất rơi xuống hầm và lọt xuống hố sâu; người từ sáng vào tối cũng lại như thế.
- Thế nào là người từ sáng vào sáng? Có những người sinh ra trong gia đình giàu sang, cao quý, có địa vị và danh vọng cao trong xã hội, có nhiều tiền của, nhiều kiến thức, sống vương giả, nhiều tôi tớ, muốn gì được nấy. Hiện tại ý luôn suy nghĩ tốt lành, miệng nói lời lành, thân hay làm những việc phước đức và hay khuyên nhủ mọi người cùng làm theo. Người như vậy sau khi chết do nhân tốt lành đó nên được sinh lên các cõi trời để hưởng phước báu thù thắng; giống như người từ đất đi thẳng lên các lầu cao và thoải mái dạo chơi trên ấy; người từ sáng vào sáng cũng lại như thế.
Phật nói kinh này xong, vua và các quan được nghe điều chưa từng nghe và biết được điều chưa từng biết, bao nhiêu thấy biết sai lầm từ xưa đến nay đều được sáng tỏ hết.
Không có ai ban phước giáng họa
Theo lịch sử Ấn Độ cổ xưa, người Ba Tư cổ đại nay là Iran thuộc giống dân da trắng xâm lăng toàn thắng dân gốc Ấn Độ da đen. Để nắm quyền cai trị phân biệt chủng tộc giai cấp, một số người có quyền thế chế tác ra luật Manu, cho rằng trời Phạm thiên sinh ra vạn vật. Theo tập cấp phong kiến cổ xưa, ai sinh ra thuộc giai cấp nào thì trước sau phải chịu như vậy, không thể nào thay đổi được, giống như tổ chức của loài ong, loài kiến. Các giai cấp này được sắp đặt và hình thành theo hệ thống pháp lý hẳn hòi, dựa theo truyền thống xa xưa có một đấng tối cao ban phước giáng họa trên thế gian này.
Vậy phong kiến là gì? Phong kiến là phong chức, cấp đất và phong kiến còn mang ẩn nghĩa là một tổ chức được sắp đặt theo loài ong, loài kiến. Trong tổ của loài ong cấp nào việc đó, ong thợ chỉ một việc xây tổ, ong nước chuyên đi lấy nước, ong mật chuyên đi hút mật, ong thầy thuốc chuyên lo pha chế mật hợp với từng loài, ong bảo vệ có trách nhiệm giám sát tuần tiểu cẩn thận, ong đực lo truyền giống, ong cái lo đẻ trứng. Chỉ một con ong cái nhưng có cả hàng trăm con ong đực nên ong cái được tôn vinh là ong chúa. Ong chúa được ăn một loại thức ăn đặc biệt gọi là mật ong chúa. Khi ong chúa đến chỗ mật để ăn thì tất cả ong dân đều quỳ mọp tỏ vẻ cung kính, khép nép và sợ sệt. Một con ong chúa có khả năng sinh hàng trăm ngàn con ong con. Trong tổ thiếu ong gì thì ong thầy thuốc chế thức ăn để ong chúa ăn và đẻ ra thứ ong đó; như tổ thiếu ong hút mật thì ong chúa đẻ nhiều ong hút mật. Đặc biệt là đẻ ong chúa con, lâu lắm mới đẻ một lần, mỗi lần chỉ ba trứng; nhưng thật dã man thay, ong chúa mẹ biết được giờ ong chúa con nở nên đã đến nằm chờ sẵn, trứng thứ nhất vừa nở ra, ong chúa mẹ liền cắn chết ong chúa con; kế đến, ong chúa con thứ hai tiếp tục được sinh ra và vẫn bình yên vô sự. Đây là điều kỳ lạ của loài ong, nhưng chị ong chúa con thứ hai này lại nằm chờ sẵn, đợi đến cô em ong chúa thứ ba vừa chào đời liền cắn chết. Dã man thay, gia đình loài ong là như thế.
Tuy nhiên, con người khôn hơn nên lợi dụng quyền thế sắp đặt chẳng khác nào loài ong dưới danh nghĩa một đấng tối cao có quyền ban phước, giáng họa để áp đặt và cai trị. Con người ngày xưa vớithiên hình vạn trạng, so với bầu vũ trụ bao la này thật là nhỏ bé nên không đủ sáng suốt biết rõ sự thật trước những hiện tượng như sấm sét, sóng thần, động đất, hỏa hoạn, lũ lụt, dịch bệnh đã cướp đi nhiều sinh mạng của con người. Không ai tìm ra được nguyên nhân nên đành chấp nhận xuôi tay phó mặc cho số phận thượng đế đã an bài.
Ngày xưa, người có quyền hành thế lực lợi dụng con người thiếu hiểu biết nên đã đặt ra đấng quyền năng và tự xưng mình là Thiên tử, tức con trời, được đấng tối cao sai xuống trần gian để trị vì thiên hạ. Ngày nay, nhờ sự tiến bộ của khoa học, con người ngày càng văn minh hơn nên đã phát hiện mọi hiện tượng sự vật trên thế gian đều do nhiều nguyên nhân hợp lại, không có cái gì do một nhân mà hình thành. Chính khoa học đã làm sáng tỏ học thuyết nhân quả nhà Phật, “cái này có thì cái kia có, cái này không thì cái kia không”, không có gì là cố định cả, không ai có quyền ban phước giáng họa; giả sử nếu có thượng đế thì chỉ là thượng đế tối cao của chính mình, mình làm lành được hưởng phước, mình làm ác chịu khổ đau. Nếu thượng đế có khả năng ban phước giáng họa thì tại sao không ban phước lành hết cho tất cả chúng sinh để cùng nhau chung hưởng cảnh thái bình?
Thế cho nên, vua Ba Tư Nặc hỏi Phật như vậy có đúng không. Phật liền trả lời, “đại vương nên biết có 4 hạng người: Có người từ tối vào tối, có người từ tối vào sáng, có người từ sáng vào tối, có người từ sáng vào sáng. Đây là bài kinh nhân quả Phật đã chỉ chúng ta một cách rõ ràng và thiết thực, mọi việcđều có thể thay đổi được tùy theo khả năng tu tập của mỗi người.
Hạng người thứ nhất là hạng người kém phước đức do không biết làm các việc thiện lành tốt đẹp, lại không gặp được thầy hiền bạn tốt nên suốt đời sống trong đau khổ lầm mê. Do đời trước làm các việc bất thiện hại người, hại vật nên đời này sinh chỗ xấu ác, lại không được học hỏi, trau dồi kiến thức, không biết nhận định đúng sai nên đành chấp nhận cuộc đời giống như bèo dạt mây trôi, sống trong phiền muộn, khổ đau, cuối cùng rơi vào chỗ tối tăm, mờ mịt, lại tiếp tục gây tạo nghiệp nhân xấu ác, do đó đành phải chịu mãi mãi ở chỗ tối tăm. Hạng người này đáng thương hơn đáng trách, vì họ không đủ phước duyên thân cận thầy lành bạn tốt nên chúng ta cần phải quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợinhất để kết duyên lành với họ, làm sao để gần gũi họ mà có cơ hội sẻ chia từ vật chất đến phương tiện tinh thần, hướng dẫn cho họ biết tin sâu nhân quả để khắc phục bớt việc làm có hại cho người và vật.
Hạng người thứ hai là hạng người biết cầu tiến, tuy trong hoàn cảnh xấu ác nhưng họ may mắn gặp được thiện hữu tri thức hướng dẫn, chỉ dạy nên nhận ra sai lầm quá khứ do mình tạo ra. Họ cố gắngsiêng năng tinh cần, chịu đựng, quyết tâm khắc phục, làm mới lại chính mình bằng cách sám hối hứachừa bỏ nghiệp nhân xấu ác và tùy theo khả năng, hoàn cảnh cuộc sống để làm việc phước thiện nên chuyển được quả xấu thành nhân tốt lành, do đó họ được từ tối vào sáng.
Hạng người thứ ba tuy có phước trong hiện tại nhưng vì nhận định sai lầm theo quan điểm cố định mà đời này mặc tình gây tạo tội lỗi, đến khi phước hết họa đến đành chấp nhận chịu quả khổ đau như người từ sáng vào tối.
Hạng người thứ tư là hạng người luôn tỏa sáng khắp mọi nơi vì đã tin sâu Tam bảo, tin sâu nhân quả, hiểu được giá trị của cuộc sống nên lúc nào cũng làm lợi cho chúng sinh, luôn chia sẻ phúc lộc bình an đến với mọi người trên tinh thần vô ngã, vị tha.
4. CUỘC ĐỜI LÀ QUÁ NGẮN
Cuộc đời là quá ngắn, thế cho nên chúng ta sẽ không đủ thời gian cho những si mê, giận hờn, nông nổi và dại khờ, để làm mình và người khác phải phiền muộn khổ đau với những lời xin lỗi muộn màng. Ngày hôm nay chúng ta được sinh ra làm người, đó là một phúc báo lớn lao, vì ta có hiều biết, ta có yêu thương, ta có lương tâm, ta có trí tuệ, ta có từ bi, ta có đạo đức, nên ta biết cảm thông và tha thứ cho nhau.
Cuộc sống của chúng ta là một chuỗi dài của nhân duyên, chính vì thế trong những cái chung vẫn có những cái riêng biệt. Đó gọi là năng lực riêng của mỗi người. Cái riêng là đặc điểm hành vi của con người và động vật. Người Phật tử chân chính biết làm chủ được những cái khác biệt có ích lợi cho bản thân, gia đình và xã hội,chúng ta sẽ trở thành người vượt trội với tinh thần đạo pháp và dân tộc mà vẫn sống tốt đạo đẹp đời.
Thiên tài và những người thành công lớn đều là những người khác biệt với người bình thường. Tuy nhiên tài năng phải đi đôi với đạo đức thì sự khác biệt đó mới thật sự có giá trị đích thực. Tài năng đi đôi với chủ nghĩa cá nhân với những con người không tin sâu nhân quả, nếu làm lãnh đạo sẽ làm tổn hại cho nhiều người, Phật giáo thời Lý-Trần là những tấm gương sáng cho hàng hậu học chúng ta noi theo, đã biết đưa Phật pháp chân chính vào trong đời sống gia đình và xã hội. Đây mới chính là những tài năng có đạo đức khác biệt với những người bình thường của xưa và nay.
Trong đời này mọi việc tốt xấu, đúng sai, nên hư, thành bại đều do mình tạo lấy, và có những việc chúng ta nghĩ rằng mình sẽ không bao giờ làm được. Bằng sự nỗ lực, bền bỉ kiên trì đúng phương pháp, tìm hiểu nguyên nhân và tìm cách khắc phục sửa sai, thế cho nên những ước mơ hoài bão chân chính sẽ đến lúc trở thành hiện thực.
Phật dạy: “Không bước tới, không đứng lại, ta sẽ vượt qua tất cả”.
Không thể nhờ trời Phật
Hay thần linh thượng đế
Nếu tự mình vấp ngã
Thì chính mình đứng lên
Khi mê thì Phật độ
Khi ngộ thì tự độ
Đó là lý nhiệm mầu
Của tất cả chư Phật
Dòng đời nghiệt ngã luôn cuốn trôi và nhấn chìm tất cả, dù đó là nhân nghĩa của một con người. Trong cuộc mưu sinh nhiều gian nan, chướng ngại đã làm ngã quỵ không biết bao con người tài hoa, “khôn cũng chết, dại cũng chết”, chỉ đến sớm hay muộn mà thôi, và chỉ có người biết mới tồn tại được. Tôi được phúc duyên lớn, nhờ người mẹ đã giúp tôi làm lại cuộc đời, làm mới lại chính mình với một tình thương bao la và cao cả.
Con người, gia đình, xã hội, muôn loài và sự vật luôn có cùng nhịp sống tương quan mật thiết lẫn nhau, ai dù có tài giỏi đến đâu cũng không thể tách riêng sự cộng sinh này mà bảo tồn được mạng sống cho riêng mình.
Đường đời nhiều nỗi chông gai và hiểm trở. Tiền tài, danh vọng, sắc đẹp, ăn ngon, mặc ấm đã làm cho nhiều người yếu đuối, bạc nhược, lười biếng, không tin chính mình mà bị gục ngã trước những cơn giông tố của cuộc đời.
Phật pháp chính là chiếc thuyền cứu vớt nhO