Kiến thức
Công đức của mắt và tai theo kinh Pháp Hoa
Chủ nhật, 11/01/2021 01:44
Phật dạy rằng người tu Pháp Hoa là hành trì yếu nghĩa Pháp Hoa, còn tụng kinh Pháp Hoa chỉ là phương tiện để giúp mình tiến đến việc luôn sống với tinh thần Pháp Hoa. Nói cách khác, hành trì Pháp Hoa là lẽ sống và có hành trì, mới gặt hái được thành quả như Phật dạy.
Ý nghĩa của kinh Pháp Cú và hình ảnh minh họa trọn bộ
Chùa Pháp Võ nói riêng và quận Nhà Bè ngoài việc tu học, còn quan tâm đến công tác từ thiện xã hội, đặc biệt là đã tổ chức các trường nuôi dạy trẻ em mồ côi. Việc này đáng khen ngợi, vì không phải quận huyện nào của thành phố cũng làm được. Các em mồ côi ở chùa Pháp Võ song song với việc học văn hóa, còn được dạy đạo đức Phật giáo. Tôi tin tưởng đạo đức của quý Ni sư truyền trao cho các em sẽ là hành trang giúp các em bước vào đời để trở thành những người Phật tử chân chính, những công dân tốt. Có được thành quả như vậy là công đức của các Ni sư.
Về việc dạy đạo đức cho các em, theo tôi, cần suy nghĩ sâu xa hơn việc làm của chúng ta. Trong xã hội phát triển ngày nay, người ta thường có khuynh hướng chú trọng đến hình thức bên ngoài, đặt nặng vấn đề phát triển vật chất, mở rộng cơ sở. Nhưng điều quan trọng cần lưu tâm về hình thức càng lớn chừng nào, e rằng mặt đạo đức, tâm linh của chúng ta càng dễ bị thu hẹp lại. Thật vậy, khi tu học ở Nhật, tôi viếng thăm các ngôi chùa Thiền. Nhận thấy các Thiền sư chăm sóc cây Bonsai già đến ba trăm hay bốn trăm tuổi, mà vẫn sống trong chậu nhỏ với vài ba hòn đá. Từ hình ảnh này gợi cho tôi suy nghĩ về đạo đức Phật giáo.
Nói đến đạo đức Phật giáo, chúng ta đều biết Đức Phật dạy nên có nếp sống tri túc, nghĩa là nhẹ về đời sống vật chất để phát triển mạnh đời sống tinh thần. Tôi thấy hai mặt vật chất và tinh thần luôn đối nghịch nhau; vật chất càng lớn thì tinh thần càng xuống thấp, vì tâm chúng ta phải chất chứa đầy vật chất, nên sự tu học tất yếu phải bị sút giảm. Nếu như vậy mà giảng dạy đạo đức cho các em, thì đạo đức này cũng trở thành ngôn ngữ văn tự, hay chỉ có tính cách hình thức mà thôi; không có sức sống thực, trong khi đạo đức sống thực mới là điều quan trọng của người tu. Vì vậy, trong mùa An cư, tôi tin tưởng đạo đức của Ni trưởng Thiền chủ Như Châu hướng dẫn, sẽ giúp cho các hành giả An cư tại chùa này tinh thần được trong sáng hơn, đạo đức cao hơn, là biểu tượng cho quần chúng, nhất là các em mồ côi nương theo.
Trẻ em có phước thì đã được sanh ra trong gia đình hạnh phúc, xã hội ưu đãi, việc học hành và tiến thân được dễ dàng. Còn các em mồ côi kém phước, bị gia đình bỏ rơi từ tuổi còn quá nhỏ, bị thiếu thốn tình thương quá nhiều. Những em mồ côi quả tình không được may mắn, nhưng các em ở chùa này còn có chút căn lành, chút xíu phước và nhân duyên với đạo Phật, nên được Ni sư trụ trì và các sư cô cưu mang, nuôi nấng, dạy bảo, trong đó sự cưu mang dạy bảo lớn nhất là đạo đức của Phật giáo. Thiết nghĩ sự nỗ lực tu hành an lạc của các Ni sư chính là cái phao giúp các em nương vào đó được sống an vui. Trong thời thơ ấu, trên bước đường xuất gia tầm đạo, tôi đã lang thang từ chùa này sang chùa khác, nên rất thấu hiểu điều này. Sự thiếu thốn vật chất không đáng ngại, sự thiếu thốn về tinh thần mới đáng lo. Ăn gì cũng xong, mặc gì cũng được, nhưng đời sống tinh thần chúng ta cảm thấy cô độc, bị bỏ rơi, không ai quan tâm đến mình nữa; đó là sự thiếu thốn lớn nhất. Vì vậy, quý Ni sư đối với các em cần nhất là có sự quan tâm, là tình thương dành cho chúng. Chính tình thương chân thật là niềm an ủi lớn nhất cho chúng để sau này chúng trưởng thành, đủ tự tin bước vào đời. Trong các em mồ côi ở chùa này, nếu Ni sư Viện chủ nhận thấy em nào học giỏi, ngoan, thì lập danh sách để trong lễ phát thưởng cho học sinh giỏi của đạo tràng Pháp Hoa, tôi cũng dành phần thưởng cho các em mồ côi. Đó là tình thương của tôi san sẻ cho các em để làm ấm lại những nỗi bất hạnh mà các em phải gánh chịu trong cuộc sống này.
Trở lại vấn đề tu hành, khi thăm trường hạ Ni, gợi tôi nhớ đến những đạo tràng ở Nhật mà tôi đã tham dự các buổi tọa đàm. Đa số chư Tăng ở Nhật lấy kinh Bát Nhã làm lẽ sống và chư Ni lấy kinh Pháp Hoa làm hành trang trên bước đường tu học. Trong lúc đàm đạo, các Ni sư, mỗi người đều cho biết những vị Bồ tát trong kinh Pháp Hoa mà họ tâm đắc. Tôi nói điều này nhằm nhắc nhở các Ni sư tu học, tụng kinh Pháp Hoa, phải tìm vị Phật hay Bồ tát trong kinh mà mình quý kính, ưa thích và lấy đó làm biểu tượng tôn thờ. Lúc nào biểu tượng này cũng hiện hữu trước mặt mình và trong tâm mình để ứng xử với cuộc đời đúng như Phật dạy.
Trong lòng không có hoa, khó tìm hoa bên ngoài
Phật dạy rằng người tu Pháp Hoa là hành trì yếu nghĩa Pháp Hoa, còn tụng kinh Pháp Hoa chỉ là phương tiện để giúp mình tiến đến việc luôn sống với tinh thần Pháp Hoa. Nói cách khác, hành trì Pháp Hoa là lẽ sống và có hành trì, mới gặt hái được thành quả như Phật dạy. Chính vì tầm quan trọng của sự hành trì kinh Pháp Hoa, nên Đức Phật đã khẳng định rằng sau khi Phật Niết bàn, người thọ trì được kinh Pháp Hoa được công đức rất lớn, được Như Lai lấy y choàng vào, nghĩa là được Phật bảo vệ. Riêng tôi rất tâm đắc ý này. Trải qua hơn bốn mươi năm trì Pháp Hoa, tôi cảm nhận sâu sắc rằng lúc nào cũng được Phật che chở, nên không sợ khó, khổ; vì khó nào cũng vượt được, khổ nào cũng qua, tai nạn nào cũng thoát.
Tôi cũng tâm đắc phẩm Pháp Sư Công Đức thứ mười chín trong kinh Pháp Hoa. Tôi nghĩ rằng sống trên cuộc đời này, mình muốn tu học hay làm việc gì cũng khó cả. Thật vậy, cuộc đời tôi phải lang thang đầu ghềnh cuối chợ, phải tự mình nỗ lực đi lên. Và ra làm đạo, cái gì cũng không biết, cũng không làm được mà muốn tu Bồ tát đạo, phải làm sao? Đọc phẩm Pháp Sư Công Đức thứ mười chín, tôi tâm đắc là phải có được tám trăm công đức nhãn trang bị cho đôi mắt trần, để thấy ma quỷ hay chư Thiên, Tỳ kheo… đều nhận biết rõ, không sai lầm. Lầm người, lầm việc thì nguy hiểm vô cùng. Thử nghĩ trên bước đường tu mà lầm ác ma là thiện hữu, chắc chắn phải chết.
Cách mấy hôm nay, có một đạo hữu đến thăm tôi và khóc, nói rằng: "Bạch Hòa thượng, con đã 75 tuổi, gần như suốt đời theo đạo Phật; nhưng nghiệm lại sao con thấy mình đã theo đường tà”. Tôi hỏi ông tại sao. Ông ta trả lời: "Vì con 75 tuổi rồi, nhưng không chùa nào dung, không chỗ nào chứa”. Theo tôi, đạo hữu này đã sai lầm, vì theo người không thực tâm tu hành, thì phải gánh chịu hậu quả như vậy; chỉ còn cách sắp chết rồi, ráng nhiếp tâm tu. Nhiều khi không có công đức nhãn, thấy A tu la sân hận mà tưởng là Sa môn theo hầu thì chết. Phật kể rằng xưa kia có một tên thợ săn muốn bắn sư tử, đã mặc áo Sa môn để nó tưởng lầm là người tu, đến gần, mới dễ giết. Nếu thấy bản chất bên trong của nó là thợ săn thì không chết. Vì vậy, nhìn một người phải nhận biết được bản chất bên trong họ là gì mới không bị mắc lầm. Người có đôi mắt công đức của Pháp Hoa thấy người dù không mặc áo tu, vẫn nhận ra bản chất Thầy tu của họ đã có sẵn. Điển hình là Hòa thượng Vạn Linh nhìn thấy Hòa thượng Trí Tịnh từ lúc còn bé đã khẳng định rằng đời trước chú bé này đã là Hòa thượng, đời này cũng tu và sẽ là Hòa thượng lớn. Hình thức bên ngoài là cư sĩ, nhưng tâm bên trong là Thầy tu. Hòa thượng Trí Tịnh nghe vậy, ngài tỏ ngộ và xin xuất gia.
Có công đức theo Pháp Hoa trang bị cho mắt rồi, nhìn biết người đời trước đã tu, chúng ta đến khai ngộ, thân cận, học hỏi. Như bác Lê Đình Thám không xuất gia, nhưng các Hòa thượng lớn đều coi bác là Thầy. Quý vị trì kinh Pháp Hoa, sanh được công đức của mắt, nhìn biết người không sai lầm. Tôi thấy ít sai lầm, nên trải qua bốn mươi năm hành đạo, làm được một số việc và còn tồn tại trong đạo. Một số huynh đệ chỉ vì thấy sai lầm nên chấm dứt cuộc đời tu một cách dễ dàng.
Đạt được công đức của mắt, nhìn biết người có căn lành, hay có nghiệp ác, chúng ta xử sự khác, giáo dục khác. Khi có công đức nhãn, đối với người có nghiệp ác, cần phải khó, phải răn đe, bằng mọi cách hạn chế tối đa, không cho ác nghiệp của họ sanh khởi. Trái lại, chúng ta dễ dãi với người tốt để giúp thiện căn của họ tăng trưởng. Quý Ni sư đa số không biết điều này, dễ dãi với tất cả mọi người, kể cả với người ác; đến khi khó thì khó không ai chịu nổi, người tốt cũng không chịu được. Đối với tôi, người xin năm ngàn đồng, nếu không đáng cho cũng không cho. Người xin vài chục triệu đáng cho cũng cho, để họ làm Phật sự, làm lợi ích cho đời. Cho tiền mua thuốc lá hút thì cho làm chi. Một số Phật tử cho ăn mày trước cửa chùa vì tội nghiệp, sau đó phát hiện ra họ ăn xin để đánh bạc thì tức quá. Cho làm chi để rồi tức. Có được công đức nhãn thì không bố thí cho những thành phần tệ nạn của xã hội, biết người xì ke, giúp họ đi cai nghiện, chứ không cho tiền.
Quý Ni sư tụng Pháp Hoa, sanh công đức, thấy biết đúng đắn từng người mà có cách hướng dẫn khác nhau, thích hợp cho từng hoàn cảnh. Quan trọng là dạy riêng, tâm sự, chia sẻ vui buồn cho nhau. Có công đức nhãn rồi, thấy người cần an ủi, chúng ta đến; họ không cần, chúng ta đến mất thì giờ mình và làm phiền họ. Nói chung, có công đức, nhận ra chỗ đáng tới, việc đáng làm, người nên gần; từ đó quyến thuộc Bồ đề của chúng ta luôn phát triển.
Đem Phật vào lòng, đem kinh vào lòng
Ngoài tám trăm công đức của mắt, người trì kinh Pháp Hoa còn được một ngàn hai trăm công đức của tai. Công đức của tai thù thắng hơn công đức của mắt, vì mắt phải có đủ duyên như ánh sáng mới thấy được. Vì thế tai có nhiều hơn mắt bốn trăm công đức. Phát huy được công đức của tai quả là thú vị hơn nhiều. Chỉ cần nghe tiếng nói của người, chúng ta biết rõ bản chất của họ, biết họ nghĩ gì, tìm ta làm gì. Theo kinh nghiệm của riêng tôi, khi còn ở Nhật, tôi đã đến thăm Thiền sư Sato sống cách nơi tôi ở 600 cây số. Tôi ngạc nhiên khi có Thầy Tri sự đứng đợi tôi trước cửa chùa và hỏi tôi có phải là nhà Sư Việt Nam hay không. Ông cho biết Hòa thượng Viện chủ dạy rằng có tôi đến thì đón vào. Mình muốn đi thăm thì ngài đã biết. Điều lạ là ngài mù và đã hơn 80 tuổi, nhưng công đức nhĩ của ngài lớn vô cùng. Nghe giọng nói của tôi, ngài đoán định được hành trạng và tương lai của tôi; quả thực những gì ngài nói hoàn toàn đúng.
Trên bước đường tu, tìm học thiện tri thức rất quan trọng. Được vị danh Tăng, chân tu khai ngộ và cho chúng ta lời khuyên quý giá vô cùng. Họ trì kinh có công đức, nghe âm thanh biết đời trước của người đối diện là Tỳ kheo hay chư Thiên. Chúng ta không biết rõ được như vậy, nhưng tụng kinh, sanh được một phần công đức nhỏ thôi, thì nghe âm thanh cũng biết được người hiền lành, hay hung dữ, tham lam, không thể gần. Không biết dễ chết. Biết rồi, họ nói gì, ta chỉ mỉm cười; ta làm việc ta, họ làm việc họ, ta cũng không làm mất lòng họ.
Trong kinh Pháp Hoa, tôi tâm đắc hạnh nguyện của Bồ tát Diệu Âm. Vị Bồ tát này xuất hiện ở đâu cũng đều như là hoa sen. Kinh Pháp Hoa nói rằng ngài Diệu Âm chưa xuất hiện tại Ta bà, nhưng ở núi Kỳ Xà Quật, tám mươi bốn ngàn hoa sen đã hiện ra. Trên bước đường tu, chúng ta xem hành giả Pháp Hoa nào như hoa sen, vị đó là hiện thân của Bồ tát Diệu Âm, nên gần gũi, nên học theo. Như hoa sen nghĩa là vô nhiễm, vô cầu. Họ không cần gì, nên thân cận với họ, chúng ta cảm nhận an lạc vô cùng. Gần người hay đòi hỏi, sẽ bị đủ thứ phiền toái.
Tóm lại, tôi khuyên các cô nỗ lực tu, thể hiện yếu nghĩa kinh trong cuộc sống, thực sự đạt được công đức của kinh Pháp Hoa và tìm được các vị Bồ tát làm đối tượng cho chúng ta tôn thờ, được vị nào quý vị đó. Có thể nói rằng nương theo kinh mà sanh được công đức, thì chúng ta nhận ra những người sống trên cuộc đời này với Bồ tát trong kinh không khác. Bấy giờ, chúng ta có các Bồ tát hữu hình trên cuộc đời hợp tác với chúng ta làm Phật sự và hiểu chúng ta. Thiết nghĩ trên bước đường hành Bồ tát đạo, điều này vô cùng quý báu để phát triển đạo lực của mình và những người hữu duyên.
*Bài giảng tại trường hạ chùa Pháp Võ, huyện Nhà Bè, TP. Hồ Chí Minh, ngày 30-6-2005