Kiến thức
Công đức truyền bá, thọ trì Kinh Lăng Nghiêm
Thứ sáu, 13/10/2022 10:45
A-nan, nếu có chúng sanh biết tụng kinh, biết trì niệm thần chú này, dù Như Lai có nói đến cùng tận số kiếp cũng không hết được. Nếu theo lời chỉ dạy của Như Lai, y theo lời dạy mà tu hành, thì thẳng đến đạo bồ-đề, không bị các ma nghiệp.
A-nan, ví như có người mang bảy thứ báu đầy trong hư không khắp cả mười phương, dâng lên chư Phật nhiều như số vi trần, với tâm cung kính cúng dường không hề xao lãng. Ý ông nghĩ sao, người này do nhân duyên cúng dường chư Phật như thế, được nhiều phước đức hay không?
Giảng: A-nan, ví như có người mang bảy thứ báu đầy trong hư không khắp cả mười phương, dâng lên chư Phật nhiều như số vi trần, với tâm cung kính cúng dường không hề xao lãng.
Bảy thứ báu là vàng bạc, kim ngân, lưu ly, xa cừ, xích châu mã não ở khắp mọi nơi. Rồi người ấy rất cung kính dâng lên vô lượng chư Phật khắp mười phương và lễ bái cúng dường không lúc nào xao lãng.
Ý ông nghĩ sao, người này do nhân duyên cúng dường chư Phật như thế, được nhiều phước đức hay không?
Ông nghĩ sao? Người này đã đem bảy thứ châu báu với một số lượng khổng lồ cúng dường chư Phật. Bởi nhân duyên này, người ấy có được phước báu rộng lớn chăng?
Tuổi trẻ hành trì chú Lăng Nghiêm là một điều hy hữu
Kinh Văn: A-nan đáp ngôn hư không vô tận, trân bảo vô biên, tích hữu chúng sinh thí Phật thất tiền, xả thân do hoạch chuyển luân vương vị. Huống phục hiện tiền, hư không kí cùng, Phật độ sung biến, giai thí trân bảo. Cùng kiếp tư nghị, thượng bất năng cập. Thị phúc vân hà, cánh hữu biên tế?
Việt dịch: A-nan đáp rằng, hư không chẳng có giới hạn, trân bảo cũng vô hạn, xưa có người cúng dường Phật bảy đồng tiền, đến khi xả thân, còn được vị Chuyển luân Thánh vương. Huống gì hiện tiền, hư không cùng tận, cõi Phật đã đầy khắp bảy thứ trân bảo cúng dường. Dù có suy nghĩ cùng tận đến vô số kiếp còn không thể biết được. Phước đức ấy làm sao có ngằn mé?
Giảng: A-nan thưa: Hư không chẳng có giới hạn, trân bảo cũng vô hạn. xưa có người cúng dường Phật bảy đồng tiền, đến khi xả thân, còn được vị Chuyển luân Thánh vương.
Thuở xưa có người cúng dường Đức Phật bảy đồng tiền, nhờ vậy nên khi mạng chung, tái sanh được làm Chuyển Luân Thánh Vương .
Một vị Chuyển Luân Thánh Vương có một ngàn người con trai. Chẳng biết ông ta có bao nhiêu vợ. Chuyển Luân Thánh Vương có oai đức rất lớn. Ông ta có một cỗ xe có thể đưa ông ta đi khắp Bốn đại bộ châu chỉ trong vài giờ. Cỗ xe ấy có lẽ còn đi nhanh hơn cả tên lửa trong thời hiện đại. Đó là một thứ bảo vật của ông ta.
Còn người này hiện đem bảy thứ báu đầy cả hư không cúng dường khắp vô số cõi Phật. Dù có suy nghĩ cùng tận đến vô số kiếp còn không thể biết được. Phước đức ấy làm sao còn có ngằn mé.
Huống gì hiện tiền, hư không cùng tận, cõi Phật đã đầy khắp bảy thứ trân bảo cúng dường. Dù có suy nghĩ cùng tận đến vô số kiếp còn không thể biết được. Phước đức ấy làm sao có ngằn mé.
Người dâng cúng cho Đức Phật bảy đồng tiền được hưởng quả báo làm Chuyển Luân Thánh Vương . Nay người đem dâng cúng không chỉ bảy đồng tiền mà gồm bảy thứ trân báu đầy khắp hư không pháp giới. Ngay dù trải qua cùng tận bất tư nghì hư không kiếp số, cũng không bao giờ tính đếm được phước đức của người ấy. Làm sao có thể nói được ngằn mé của phước đức ấy. Nó không có giới hạn.
Kinh Văn: Phật cáo A-nan, chư Phật Như Lai, ngữ vô hư vọng. Nhược phục hữu nhân, thân cụ tứ chủng, thập ba-la-di , thuấn tức tức kinh, thử phương tha phương, a-tì địa ngục, nãi chí cùng tận, thập phương vô gián, mĩ bất kinh lịch.
Việt dịch: Đức Phật bảo A-nan, chư Phật Như Lai không nói lời hư vọng. Ví như có người phạm bốn tội lớn, mười tội ba-la-di , giây lát phải trải qua địa ngục A-tì ở phương này rồi phương khác, cho đến cùng tột vô số các địa ngục vô gián trong mười phương mà không nơi nào chẳng phải trải qua.
Giảng: Đức Phật bảo A-nan, chư Phật Như Lai không nói lời hư vọng.
Ví như có người phạm bốn tội lớn, mười tội ba-la-di .
Bốn tội nặng là: giết hại, trộm cắp, tà dâm, nói dối. Trong Kinh Thủ-lăng-nghiêm gọi là: “Tứ Chủng Thanh Tịnh Minh Hối ” (Bốn điều chỉ dạy về pháp thanh tịnh sáng suốt) mà quí vị đã được nghe từ trước.
Mười tội ba-la-di là mười giới trọng của giới Bồ-tát. Tội ba-la-di nghĩa là “Khí – vứt bỏ” nghĩa là người phạm tội này xem như bị trôi ra khỏi biển Phật pháp. Mười tội này không thể chỉ sám hối mà thông được. Quí vị có thể nghiên cứu mười giới đầu tiên trong Bồ-tát giới.
Giây lát phải trải qua địa ngục A-tì ở phương này rồi phương khác, cho đến cùng tột vô số các địa ngục vô gián trong mười phương mà không nơi nào chẳng phải trải qua.
Thế nên chỉ trong nháy mắt lẽ ra phải trải qua địa ngục A-tì , ở phương này rồi phương khác. Trải qua cho hết cùng tột vô số các địa ngục vô gián trong suốt khắp thế giới, trong mười phương. Lẽ ra phải trải qua đau khổ vì tội chướng đã tạo trong mỗi địa ngục mà không sót một nơi nào cả.
Uy lực dũng mãnh của Chú Lăng Nghiêm
Kinh Văn: Năng dĩ nhất niệm, tương thử pháp môn, ư mạt kiếp trung, khai thị vị học, thị nhân tội chướng, ưng niệm tiêu diệt. Biến kì sở thọ địa ngục khổ nhân, thành an lạc quốc.
Việt dịch: Nếu người này, dùng một niệm, đem pháp môn này khai thị cho người chưa học trong đời mạt pháp, thì những tội chướng của người ấy liền được tiêu diệt. Biến cái nhân phải chịu khổ địa ngục thành cõi nước an lạc.
Giảng: Nếu người này, dùng một niệm, đem pháp môn này khai thị cho người chưa học trong đời mạt pháp. Nhưng nếu người này có thể chỉ trong một niệm đem pháp môn này Đại định Thủ-lăng-nghiêm truyền dạy cho những người chưa học trong đời mạt pháp, thì những tội chướng của người ấy liền được tiêu diệt, nhờ cảm ứng với niệm trên.
Nếu trong đời mạt pháp chỉ đem một niệm, trong một khoảnh khắc ngắn ngủ, truyền dạy pháp môn Thủ-lăng-nghiêm Đại Định cho những người chưa được học hỏi Phật Pháp, thì những tội chướng của người ấy liền được tiêu diệt một cách nhanh chóng.
Biến cái nhân phải chịu khổ địa ngục thành cõi nước an lạc.
Tất cả địa ngục lẽ ra người ấy phải chịu khổ thì đều biến thành cõi nước an lạc.
Tất cả các khổ nạn đúng ra anh ta phải chịu trong đủ các loại địa ngục sẽ biến thành nơi bình an vui thích. Anh ta không còn chịu món khổ nào nữa cả.
Kinh Văn: Đắc phước siêu việt, tiền chi thí nhân, bá bội thiên bội, thiên vạn ức bội. Như thị nãi chí, toán số thí dụ, sở bất năng cập.
Việt dịch: Được phước đức vượt hơn người ấy thí cúng trước kia gấp trăm, ngàn, triệu, ức lần. Như thế cho đến toán số thí dụ cũng không thể diễn tả hết được.
Giảng: Được phước đức vượt hơn người ấy thí cúng trước kia gấp trăm, ngàn, triệu, ức lần. Phước đức người ấy được hưởng vượt trội hơn hẳn phước đức của người bố thí cúng dường trước kia.
Phước đức của người giảng nói Kinh Thủ-lăng-nghiêm vượt trội hơn phước đức có được do bố thí, cúng dường bảy thứ báu đầy cõi hư không, khắp cả pháp giới lên chư Phật Như Lai nhiều như vi trần. Nếu quí vị có thể giảng nói Kinh Thủ-lăng-nghiêm cho những người chưa hiểu được Phật Pháp, thì phước đức ấy vượt trội hơn hẳn phước đức của người bố thí cúng dường gấp trăm, ngàn, triệu, ức lần. Như thế cho đến dùng tính toán thí dụ cũng không thể nào diễn tả cho được. Quí vị sẽ hưởng được phước báu nhiều hơn người kia, không có cách nào để diễn tả được phước ấy lớn đến chừng nào.
Kinh Văn: A-nan nhược hữu chúng sinh, năng tụng thử kinh, năng trì thử chú, như ngã quảng thuyết, cùng kiếp bất tận. Y ngã giáo ngôn, như giáo hành đạo, trực thành bồ-đề, vô phục ma nghiệp.
Việt dịch: A-nan, nếu có chúng sanh biết tụng kinh, biết trì niệm thần chú này, dù Như Lai có nói đến cùng tận số kiếp cũng không hết được. Nếu theo lời chỉ dạy của Như Lai, y theo lời dạy mà tu hành, thì thẳng đến đạo bồ-đề, không bị các ma nghiệp.
Giảng: A-nan, nếu có chúng sanh biết tụng kinh, biết trì niệm thần chú này.
Nếu có chúng sanh trong đời tương lai biết tụng kinh, trì niệm thần chú này, dù Như Lai có nói đến cùng tận số kiếp cũng không hết được lợi lạc to lớn của người ấy.
Nếu tôi nói thật chi tiết về phước báu của người trì tụng Kinh Thủ-lăng-nghiêm và người trì chú Thủ-lăng-nghiêm. Dù trải qua bao nhiêu đại kiếp vẫn không nói xong hết được phước báu ấy.
Nếu theo lời chỉ dạy của Như Lai, y theo lời dạy mà tu hành, thì thẳng đến đạo bồ-đề, không bị các ma nghiệp.
Y theo lời chỉ dạy của Như Lai, tùy thuận tu tập giáo lý ấy sẽ thành tựu sự giác ngộ, không còn bị các ma nghiệp.
Theo phương pháp này mà tu hành, quí vị sẽ thành tựu quả vị bồ-đề ngay, không còn vướng phải ma nghiệp nào nữa.