Kiến thức
Công dụng của tấm Cà sa
Chủ nhật, 02/01/2022 09:44
Mặc dù đơn giản, giản dị, nhưng sâu xa trong phục trang Cà sa vẫn còn nhiều nội hàm tinh túy cần bàn đến, có thể là màu sắc, công dụng,… thậm chí Cà sa cũng thể hiện cấp độ, trình độ giác ngộ của những ai khoác lên chúng.
Hiển nhiên không thể đánh đồng những bậc thiền sư giàu trí huệ với những vị mới thụ giới.
Áo Cà sa trong đạo Phật ngoài được dùng làm vật che thân còn có công dụng như chăn đắp (phu cụ) và vật dụng để ngồi (tọa cụ). Như trong kinh Bát Nhã có thuật chuyện đức Phật cùng các đệ tử sau khi khất thực về, dùng cơm xong, ngài tự lau rửa và xếp Cà sa là tọa cụ để ngồi trên đó thuyết giảng.
Cà sa được may theo hình chữ nhật, bao gồm 3 loại cà sa chính: tiểu, trung, đại. Tiểu y Cà sa còn được gọi là An-đà-hội, dùng để mặc bên trong, tiểu y chỉ có 5 mảnh nên còn được gọi là y ngũ điều, cả tấm bao gồm mười miếng, cứ một miếng dài một miếng ngắn ráp lại với nhau là một điều. Trung y Uất-đa-la-tăng là y mặc ở trên y An-đà-hội, gồm 7 mảnh nên còn gọi là y thất điều, cả tấm y gồm 21 miếng, nhưng 2 miếng dài một miếng ngắn ráp lại mới thành một điều. Đại y Tăng-già-lê là y đắp ngoài, gồm 9 mảnh gọi y cửu điều, y này gồm 27 tấm và mỗi hàng 2 miếng dài 1 miếng ngắn làm thành một điều.
Hiện nay, tùy theo trường phái Phật giáo, điều kiện tự nhiên hay phong tục tập quán mà mỗi nơi, mỗi quốc gia có loại Cà sa với màu sắc khác nhau và theo đó cũng là sự cải biến về cách may và cách mặc. Nhưng về nguyên thủy thì Cà sa vẫn có 3 màu chính gọi là pháp cà sa sắc tam chủng: màu đen (màu bùn, nâu), màu cận xanh, màu cận đỏ.
Chiếc Cà sa là biểu tượng của đạo Phật, đại biểu cho sự màu nhiệm và giác ngộ của Phật pháp. Cà sa cũng có rất nhiều những công dụng và tên gọi khác nhau:
- Về tên gọi: Cà sa, thế phục (áo của người tu hành sa rời thế tục), pháp y, liên hoa y, từ bi phục, điền tướng y,…
- Đa dạng cách sử dụng: có nói đến trong kinh “Tâm địa quán” nêu lên 10 lợi ích của chiếc y Cà sa đó là: che thân khỏi thẹn; xa tránh ruồi muỗi, nóng rét; biểu thị các tướng của sa môn; sinh phúc cõi phạm thiên; hiện pháp tướng diệt trừ mọi tội; phục y màu đơn giản giúp tâm không sinh lòng ham muốn; vĩnh viễn đoạn trừ phiền não; tiêu trừ tội lỗi, nảy sinh điều thiện; khởi tâm bồ đề. Hay trong kinh “Bi hoa” có nói về 5 đức khoác Cà sa là: phàm Tứ chúng phạm những điều sai trái nặng nề biết thành tâm sám hối kính trọng Cà sa thì liền được thụ ký tam thừa; thiên long, nhân, thần, quỷ biết cung kính Cà sa cũng được đắc tam thừa; quỷ thần và nhân loại nếu có một mảnh Cà sa sẽ được no đủ; chúng sinh làm điều ác mà kính trọng Cà sa sẽ khởi tâm từ bi; giữa chiến trận, có được một mảnh cà sa sẽ được thanh tẩy, sinh tâm từ bi thương sót chiến tranh.
Có thể nói, Cà sa mang nhiều hơn ý nghĩa đơn thuần chỉ là một phục y. Cà sa mang trên mình cả một chặng dài của lịch sử Phật giáo, góp phần bồi dưỡng hình ảnh của Phật giáo từ bi, hướng con người đến những điều thiện phước. Những nhà tu hành khoác trên mình áo Cà sa nhận được sự kính ngưỡng của chúng sinh, là biểu tượng của sự đức độ, đoạn tuyệt trần tục, tất cả nhằm lợi lạc quần sinh…