Kiến thức
Cốt lõi của đạo Phật theo lời giảng của Hoà thượng Viên Minh
Thứ hai, 31/08/2023 05:07
Cốt lõi của đạo Phật khác với các tôn giáo khác. Giác ngộ của Đạo Phật đơn giản chỉ là thấy ra “sự thật” thôi. Sự thật nằm ở đâu? Sự thật không nằm ở quá khứ, không nằm ở tương lai, không nằm ở chỗ nào khác mà sự thật là thực tại hiện tiền tức là cái đang là, cái đang bây giờ.
Mục đích của Đạo Phật là giác ngộ, thậm chí giải thoát cũng không cần vì giác ngộ là chính còn giải thoát chỉ là hiệu ứng của giác ngộ mà thôi. Nếu mình đặt giải thoát ra trước cũng trật nên Đạo Phật khác rất nhiều với các tôn giáo khác.
Thường mình tu để đắc cái này, đạt cái kia ở tương lai đó là phản lại lời của Đức Phật.
Chỉ có pháp hiện tại
Tuệ quán chính là đây.
Cũng có nghĩa là giác ngộ tức là đây.
Giác ngộ giải thoát là phải ngay bây giờ chứ không có hẹn ở tương lai. Tương lai nếu có giác ngộ là do giác ngộ từ bây giờ mà có. Như hạt mít ngay đây không làm đúng nhiệm vụ của nó thì nó chết mất rồi làm gì có tương lai. Nó phải làm đúng nhiệm vụ của nó tại đây và bây giờ từng sát na, từng giây, từng phút thì nó mới có tương lai.
Giác ngộ ở tương lai phải kết bằng giác ngộ ở tại đây và bây giờ. Nên nói “cốt lõi của Đạo Phật là phi thời gian giải thoát”. Giác ngộ ngay đây không qua thời gian.
Chúng ta phải nắm vững cốt lõi của Đạo Phật, đừng đi theo hướng rèn luyện để trở thành đó là đi theo Bà La Môn là đi ngược lại với Đạo Phật.
Giác ngộ ngay bây giờ có nghĩa là bây giờ mình đi thì sáng suốt biết đang đi, trọn vẹn sáng suốt với đang đi, đang uống nước thì trọn vẹn sáng suốt với uống nước, đang làm cái gì thì giác ngay đó, đúng sai gì thì ngay đó mà sửa chứ đừng nói ngày mai.
Nên tu là chỉ có ngay đây và bây giờ, sai đâu sửa đó. Mà muốn biết sai đúng thì phải giác tức phải biết rõ đang là như thế nào thì khi đó mới có sự chuyển hóa.
Ngay đây mình có sáng suốt, có trọn vẹn tỉnh thức thì ngay đây có giác ngộ, còn thành Phật hay giác ngộ hoàn toàn đó là trình tự vận hành của pháp.
Đừng muốn chấm dứt sanh tử ngay trong kiếp này. Mình đang học lớp một thì cứ trọn vẹn học lớp một. Muốn nghỉ học, muốn chấm dứt sinh tử liền đó là trốn học. Nên tu đừng có nguyện chấm dứt sinh tử liền. Nếu có nguyện thì nên nguyện là giác được bất kỳ cái gì đang xảy ra nơi Thân Thọ Tâm Pháp. Giác ngộ là thấy ra “sự thật”.
Sự thật là cái tại đây và bây giờ như nó đang là.Cái gì đang tại đây và bây giờ cái đó gọi là thực tại. Thực tại là cái thực là sự thật đang xảy ra và tất cả sự thật đều bình đẳng.
Ví dụ: Bây giờ mình sân mình thấy sân là thấy sự thật. Bây giờ mình có tâm từ mình thấy tâm từ là thấy sự thật. Cái thấy là quan trọng chứ không phải tâm sân hay tâm từ. Như người có tâm từ nhưng lại không thấy ra tâm từ hoặc tưởng tâm từ là ta, của ta hay tự ngã của ta, hay ta rèn luyện mà đạt được thì như vậy người đó không giác ngộ nhưng một người tâm sân lại thấy rõ sự sinh diệt của sân, thấy rõ sân xuất hiện, diễn biến như thế nào, mặt lợi mặt hại, nhân quả của nó thế nào tức là thấy rõ được sân thì người đó giác ngộ.
Khi mình thấy ra tâm sân hay tâm từ tất cả chỉ là hiện tượng sinh diệt thôi tức là lúc đó mình thấy ra vô thường khổ vô ngã. Dù sân phát xuất từ bản ngã nhưng bây giờ mình trọn vẹn trải nghiệm, chiêm nghiệm, soi sáng cái sân đó thì sân đó vẫn là pháp vô ngã.
Thấy cái sân nó là như vậy không có ai trong đó là thấy vô ngã. Có bản ngã xen vào mới có Khổ đế Tập đế. Giác ngộ là thấy ngay đây có Khổ đế Tập đế hay không có Khổ đế Tập đế. Ngay đây không có Khổ đế Tập đế thì ngay đây là Đạo đế Diệt đế. Giác ngộ là thấy ra Tứ Đế.
Cho nên Đạo Phật thấy ra sự thật là chính chứ không phải rèn luyện để đạt được bất kỳ lý tưởng nào, kể cả lý tưởng đó là Niết Bàn.
Đức Phật xác định Ngài chỉ thấy ra Niết Bàn chứ Ngài không sở hữu Niết Bàn. Ngài không cần sở hữu bất kỳ điều gì cả bởi vì giáo lý của Đức Phật có một điều rất rõ ràng đó là vô ngã.
Vô ngã vì tất cả các pháp đều vận hành đúng với nguyên lý của nó chứ nó không thuộc về bất kỳ ai, kể cả những pháp đang hiện hữu ở nơi chính mình như mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý và mọi yếu tố bên trong như tâm, tâm sở, sắc, niết bàn.
Vô ngã nghĩa là tất cả mọi thứ đều vận hành theo quy luật của tự nhiên. Vì không thấy ra tất cả các pháp là vô ngã gọi là vô minh. Vì vô minh nên muốn đạt cái này cái kia.
Thấy ra tất cả các pháp đó là giác ngộ và không dính mắc bất kỳ pháp nào kể cả Niết Bàn thì chính là giải thoát. Nguyên lý giác ngộ của Đạo Phật là như vậy. Cho nên trong Đạo Phật có người rất tinh tấn tu tập, thậm chí lên núi tuyết, vào trong động tuyết hoặc thực hiện những điều rất khó khăn làm cho mọi người kính phục nhưng chưa chắc đã là giác ngộ nhưng một người như ông Agulimala giết hàng trăm người nhưng Đức Phật chỉ ra sự thật cho ông thấy là ông giác ngộ liền.
Vì vậy giác ngộ không phải đạt một tình trạng nào nhất định mà giác ngộ là thấy ra tất cả sự thật để không mê mờ trong bất kỳ sự thật nào ở đời. Thấy ra tất cả và không dính mắc vào đâu. Đó là cốt lõi của Đạo Phật.
(Giác Thường ghi lại qua các bài giảng của Thầy Viên Minh)