Kiến thức
Cuộc đời người tu hành cuối cùng cũng chỉ là thấy lỗi, tìm lỗi mình
Thứ bảy, 24/04/2022 02:12
Ta nên nhớ, cuộc đời của một người tu hành cuối cùng cũng chỉ là thấy lỗi, tìm lỗi mình. Nếu có ai thắc mắc “vì sao ngồi thiền mãi mà không thấy gì” thì ta hãy trả lời họ rằng: “Đừng cố mong thấy gì hết, chỉ gắng làm sao thấy lỗi của mình thôi”.
Ta nên nhớ, cuộc đời của một người tu hành cuối cùng cũng chỉ là thấy lỗi, tìm lỗi mình. Nếu có ai thắc mắc “vì sao ngồi thiền mãi mà không thấy gì” thì ta hãy trả lời họ rằng: “Đừng cố mong thấy gì hết, chỉ gắng làm sao thấy lỗi của mình thôi”. Như bản thân chúng tôi cũng vậy, càng tu là càng tìm ra nhiều lỗi của bản thân, những lỗi mà trước đây mình chưa thấy.
Việc tu hành chỉ là như vậy không khác. Chỉ nhờ việc tìm ra lỗi lầm nơi chính mình thôi, mà tự nhiên nhiều điều cao siêu sẽ xuất hiện. Rồi khi đạt kết quả cao siêu rồi, ta vẫn không quan tâm, vẫn bỏ qua để tiếp tục đi tìm cái dở mà tu tiếp. Như trong bài “Lời Khấn Nguyện” có câu “Xin cho con tỉnh táo, không kiêu mạn tự hào, dù tu tiến đến đâu, vẫn tự tìm chỗ dở”. Cứ như vậy mà ta sẽ đi được bền, được xa. Do đó, công phu “tự đi tìm chỗ dở” nghe thì đơn giản nhưng lại là công phu quan trọng nhất trong đạo Phật.
Biết điều này để từ nay, chúng ta phải thật bình tâm khi nghe bất cứ điều gì cao siêu, hư ảo. Ví dụ khi nghe vị thầy nào đó giảng về những điều cao siêu của đạo Phật thì chúng ta cũng hoan hỷ và kính trọng, nhưng bên cạnh đó cũng phải hết sức tỉnh táo để không bị “dụ”, bị “gạt” bởi những mục đích, hứa hẹn cao siêu. Dù mục tiêu đó là đúng nhưng khi tâm chúng ta thấy cái cao mà vội vàng chạy theo để mau đạt kết quả thì lại là sai.
Chúng ta phải biết điều căn bản, quan trọng của việc tu hành chỉ là thấy được lỗi mình. Mà lỗi như thế nào, dở ở đâu thì không thể dùng một hai lời để nói cho hết được. Ta phải tự tu, tự tìm, rồi càng tu về sâu trong định ta càng mới thấy được những lỗi vi tế.
Có những lỗi bình thường trong cuộc sống như người khác lỡ nói điều gì không vừa ý là mình giận, hoặc thấy người khác thành công là mình ganh tị, khó chịu,... Thì đó đều là những lỗi rất thô, và khi ta tu qua 5-10 năm thì những lỗi này không được quyền tồn tại nữa.
Còn đối với những lỗi vi tế hơn thì phải vào sâu trong định mới thấy được. Khi tới mức định này ta phát hiện “thì ra mình đã lầm chỗ này”, sâu hơn chút nữa lại thấy “hóa ra mình đã sai chỗ kia”, cứ tiếp tục tu, tiếp tục tìm lỗi như vậy, càng về sau lỗi càng vi tế hơn.