Đức Phật
Cuộc đời Thánh tăng A Nan Ða sau khi Ðức Phật nhập Niết bàn (I)
Thứ bảy, 29/11/2019 08:21
Trong hàng Phật giáo có rất nhiều vị đại tông đồ rất đáng cho hậu thế noi gương. Một trong những vị đại tông đồ ấy là Thánh Tăng A Nan Ða, một cái tên đã chiếm trọn vẹn sắc thái phổ thông trong kinh điển đạo Phật.
Theo Tôn Túc kệ ngôn (Theragathà) số 1035 và 1036 thì sau lễ Hỏa Táng của đức Phật A Nan Ða đã trở thành ít nói và thích ẩn thân trong tịnh thất của mình. Một hôm ông tự thán rằng:
“Ðạo huynh đà khuất bóng (1),
Tôn sư cũng mất rồi.
Hợp tan như giấc mộng,
Mình phải liệu thân thôi.
Gương lành không còn nữa,
Gương xấu thấy dẫy đầy (2),
Tự mình lo tu sửa.
Thiền lực nhẫn nại xây,
Như cánh chim giữa gió.
Tổ là sức Định tâm,
Lục căn gìn giữ nó.
Theo thiện pháp chớ nhầm!
(1) Ám chỉ Ngài Xá-lợi-phất đã Viên tịch.
(2) Gương lành: ám chỉ đức Phật; Gương xấu: ám chỉ các phàm tăng có tính dễ duôi.
Kể từ đó A Nan Ða tự biết rằng mình chỉ còn một phận sự là tinh tấn Giải thoát bản thân, theo như lời đã dạy.
Khi chia tay, Trưởng lão Ðại Ca Diếp đã Từ bi khuyên ông nên đến tịnh tu trong ngôi rừng thuộc địa phận Kosala, vì ở đó gần hai bộ tộc Mallas và Sakyans (dòng Thích Ca), ông sẽ được chư Phật nhiệt thành hộ độ.
Khi dân chúng trong các vùng phụ cận hay tin đệ tử thân nhất và cũng là anh em chú bác của đức Phật về ngụ tu trong rừng đó, họ kéo nhau đến thăm A Nan Ða rất đông.
A Nan Ða tưởng chỉ có mình là nhớ thương đức Phật và Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên dai dẳng thôi, nào ngờ chư Phật tử xung quanh rừng ông ở, cũng luyến tiếc ba bậc ấy vô cùng. Lại nhằm lúc vị vua cha xứ Kosala được nhiều thần dân thương mến là Pasenadi, cũng vừa băng hà, nên họ kéo nhau đến nhờ A Nan Ða an ủi họ, không những về sự khuất bóng của đức Phật, và của hai vị Thánh Tăng Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, mà họ còn xin được an ủi về sự băng hà của Thái Thượng Hoàng Pasenadi nữa. Vị cố Thái Thượng Hoàng nàng càng nhân đức bao nhiêu thì các Hoàng tử con ông lại tàn ác, hiếu chiến bấy nhiêu, nên sự băng hà của Thái Thượng Hoàng đã làm cho toàn thể thần dân chịu một cảnh mất mát rất lớn.
Bốn sự từ trần: của đức Phật, của Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên cũng như của Thái Thượng Hoàng Pasenadi đã xảy ra trong cùng một năm, nên ngày đêm dân chúng ở các vùng xung quanh ngôi rừng A Nan Ða ẩn tu, không chịu được những tiếc buồn dồn dập, liền kéo nhau đến tịnh thất của A Nan Ða khiến cho ông không bao giờ cô độc.
Ngoài ra, còn có một vị thần, sống trong rừng ấy hiện ra để lễ bái A Nan Ða. Vị thần này đã khen ngợi sự tiến bộ tâm linh của ông và khuyên A Nan Ða tịnh tâm bằng mấy câu kệ rằng:
"Giờ bên gốc cây ngồi yên tĩnh,
Tâm Ngài theo Thiền Ðịnh Niết bàn!
Khuyên Ngài dạ chờ có hoang mang
Tập trung ý chí linh quang sẽ bừng."
A Nan Ða được vị thần khích lệ như vậy thì tự kinh cảm, nên sau đó tinh tấn vô cùng. (Theo Samyutta Nikàya: Tạp A Hàm số 9.5). Về phía đại Trưởng lão Ca Diếp, vị Tôn túc cao hạ nhất trong các hàng Sa môn đệ tử Phật, thì việc thi hành những di chúc cuối cùng của đức Bổn sư rất quan trọng. Ngài đã quyết định triệu tập chư Tỳ kheo Thánh Tăng để lập lại những giáo lý và kinh luật Phật truyền. Theo đó khoảng năm trăm vị A la hán còn tại thế phải có mặt đông đủ, cộng thêm sự hiện diện của một phàm Tăng là A Nan Ða. Vì ngoài A Nan Ða ra không có một Sa môn nào hữu phước được nghe hầu hết những bài pháp của Phật thuyết.
Nhưng tình hình chính trị của xứ Kosala nhất thời đang bất ổn, các vị Hoàng tử tranh nhau ngôi vua, nên địa điểm kết tập, Kinh Luật Phật giáo lần thứ nhất ấy phải dời đến Vương Xá thành, thủ đô xứ Ma Kiệt Ðà (Magadha) và đặt dưới sự che chở của vua A Xà Thế (Ajàtasattu).
Khi đến gần ngày kết tập kinh luật thì Anuruddha lại đề nghị: Sư đệ A Nan Ða chỉ được chấp nhận vào đại hội nếu đắc quả A la hán (Ðại hội kết tập giáo điển lần thứ I, không có Tạng Luận, chỉ có Tạng Kinh và Tạng Luật mà thôi). Anuruddha nhờ có Tha tâm thông, biết rõ sự quyết tâm của A Nan Ða ra sao, nên mới đề nghị như thế, để kích động và thúc giục Tôn giả A NAn Ða, tinh tấn hơn nữa, cho mau đạt đến Thánh quả Giải thoát.
A Nan Ða lúc hay tin đó, ông không những chẳng buồn giận chút nào, mà còn tình nguyện chăm chỉ tối đa, tận dụng khả năng Minh sát của mình, đã được đức Phật đích thân chỉ dạy, để tiến lên Thánh quả Giải thoát. (Trong kinh còn gọi quả này là quả Hữu Dư Niết bàn: tức là hành giả đã đắc Niết bàn rồi, mà nhục thân vẫn còn sống).
Vào buổi bình minh ngày hôm sau, khi A Nan Ða đang an trụ trong một bậc Thiền thì ông chợt cảm thấy một cách không nghi ngờ rằng tâm tư ông đã trở nên thông suốt mọi dục tình, phiền não biến mất. Ông trở thành một Thánh nhân A la hán.
Và ngày đại hội kết tập kinh luật cũng đến. Ðịa điểm là một cái động nằm sâu trong lòng núi, chỉ có một cửa vào được khóa kín. Năm trăm vị Thánh Tăng A la hán phải dùng Thần thông để vô dự hội. Khi họ đã có mặt đầy đủ và chỗ ngồi của A Nan Ða còn bỏ trống; chư Thánh Tăng đang chờ đợi thì một luồng ánh sáng xuyên qua khe cửa, chiếu vào chỗ ngồi còn trống ấy, đồng thời A Nan Ða xuất hiện.
Chư Thánh Tăng, nhất là Anuruddha và Ðại Ca Diếp (Mahà Kassapa) thấy A Nan Ða đã viên tròn hạnh nguyện, liền tán dương công đức và khai mạc đại hội. Lúc ấy nhằm mùa thu, nên chư phàm Tăng các vùng phụ cận không thể đến, để lễ bái cộng đồng Thánh Tăng được. Còn chư phàm Tăng ở xa thì tự nhiên phải vắng mặt.
Ðại Ca Diếp được bầu làm chủ tọa và diễn tiến cuộc kết tập kinh luật như sau:
1. Trưởng lão Ðại Ca Diếp đã đặt những câu hỏi về mọi điều luật, đến Sa môn Upali, người được mệnh danh là "Kẻ nhớ rõ các pháp cấm.” Sa môn Upali này đã trả lời đầy đủ, nhắc lại cả lý do, địa điểm, thời gian và nhân chứng, khi đức Bổn sư chế ra Giới luật ấy. Rồi cứ như thế mà tiếp tục, nên Tạng Luật đã được kết tập trước tiên.
2. Tiếp theo Trưởng lão Ðại Ca Diếp hỏi A Nan Ða về các kinh Phật đã thuyết: Mở đầu là những bài kinh dài, có chung sử đề, để kết tập thành một bộ gọi là Trường A Hàm (Dìgha Nikàya). Kế đến là những bài kinh trung bình, cùng chung một sử đề, góp lại thành một bộ, gọi là Trung A Hàm (Majjhima Nikàyà). Sau đó là những bài kinh ngắn, cùng chung sử đề, xếp thành một bộ gọi là Tiểu A Hàm (Khuddaka Nikàya). Chót hết A Nan Ða nhắc đến những bài kinh rời rạc, khắc sử đề, để gom lại thành Tạp A Hàm (Samyutta Nikàya), hay nhắc đến những bài được liệt kê bằng các chi số, sử đề độc lập, goị là Tăng Nhất Chi A Hàm (Anguttara Nikàyya) v.v...
3. Sau khi Tạng Luật và Tạng Kinh đã được đúc kết đầy đủ, Ananda bèn trình bày những lời di chúc của đức Phật để lại. Ông thuật trước đại hội rằng đức Bổn sư trước khi nhập Niết bàn, đã cho phép Tăng chúng hủy bỏ những Giới luật không cần thiết. Nhưng đại hội Thánh Tăng đã không đồng ý, vì ý nghĩa của ba chữ "không cần thiết" chẳng có tiêu chuẩn rõ ràng. Chủ tọa Ðại Ca Diếp (Mahà Kassapa) liền đề nghị:
"Nếu chúng ta hủy bỏ một số điều răn của đức Phật thì các hàng tại gia sẽ dị nghị, cho rằng chư Sa môn xuất gia, không bao lâu khi đức Bổn sư Viên tịch, đã bắt đầu biếng nhác, không muốn giữ Giới luật. Hơn nữa, Phật cũng không dạy rõ điều luật nào là điều luật không cần thiết. Tốt hơn hết là đừng hủy bỏ bất cứ pháp răn nào cả. Như vậy chúng ta sẽ chắc chắn không sợ làm sai tôn ý của đức Phật."
Và lời đề nghị của đại Trưởng lão Ca Diếp đã được hoàn toàn Thánh Tăng chấp thuận.
(Còn tiếp)
Trích: Cuộc Đời Thánh Tăng Ananda - Tác giả: Hellmuth Hecker
Nguyễn Ðiều soạn dịch (1991)