Sống an vui
Cuộc đời thì vô thường, sự sống chỉ có mặt ngay trong giây phút hiện tại
Thứ bảy, 14/06/2023 09:46
Nếu chúng ta nhìn kỹ lại bản thân thì sẽ thấy là dường như chúng ta ít khi thực sự sống ngay trong giây phút hiện tại, mà thường để tâm trí hồi tưởng về những việc trong quá khứ hoặc suy nghĩ, tính toán tới những chuyện sẽ xảy ra trong tương lai.
Trong khi đó, đối diện với người và việc trước mặt, ngay trong hiện tại, thì lại lơ là, chứ chúng ta không chú tâm, không sống hết mình với giây phút hiện tại. Đôi khi người đối diện chúng ta nói, nhưng chúng ta thì lại còn đang mải nghĩ về những vấn đề nào đó của riêng mình đến nỗi chính người đối thoại phải hỏi: “Ủa, anh/chị đang nghĩ gì thế, có nghe tôi nói không vậy?”. Đó là tình trạng “sống say, chết mộng”, không “thực sự sống”.
Đức Phật là vị giác ngộ. Đạo Phật là đạo Giác Ngộ. Giác ngộ cái gì? Giác ngộ chính con người thật, bộ mặt thật từ ngàn đời trước khi chúng ta trôi lăn vào dòng sông sinh tử, bị làn sóng tâm ý thức lôi cuốn, nhận chìm vào vòng vô minh tham ái sinh diệt, tạo ra cái thế giới hiện tượng tương đối này, nó vốn là cái gì? Nhà Phật quan niệm rằng giác ngộ được nguồn gốc của kiếp nhân sinh rồi thì mình tự giải thoát ra khỏi được sự ràng buộc của mê vọng, của vòng luân hồi sinh tử. Muốn thế, người hành giả phải hoàn toàn thanh tịnh hóa được tâm mình, chấm dứt mọi suy nghĩ mông lung, tâm viên ý mã.
Mục tiêu tối hậu là giác ngộ giải thoát hoàn toàn, nhưng giáo lý nhà Phật đã chia con đường lớn ra thành từng đoạn đường ngắn hay còn gọi là những bước đi nhỏ để mọi người, tùy theo hoàn cảnh, cơ duyên, đều có thể tự mình đạt được từng bước giải thoát trong đời sống hằng ngày. Những bước giải thoát nho nhỏ này chính là sự thực tập trong ngày, dành đôi chút thì giờ để “sống trong giây phút hiện tại”. Đó chính là những giây phút mà tâm trí con người thoát ra khỏi sự o ép căng thẳng vì những sự suy nghĩ triền miên về quá khứ và tương lai. Những nỗi thống khổ của kiếp người có thể chia đại cương ra thành hai nhóm, thân khổ và tâm khổ. Nghèo đói, bệnh tật, vân vân, là thân khổ. Buồn rầu ghen tức, tiếc nuối, lo sợ, vân vân, là tâm khổ. Nhưng thường thì hai loại khổ này đều có liên hệ mật thiết với nhau, thân khổ thì tâm cũng thấy khổ.
Tuy nhiên, người mãi chạy theo mê vọng quá thì sẽ có thể bị những nỗi khổ mà lẽ ra không đáng bị khổ, thí dụ nghèo đói, thất nghiệp thì lo sợ ngày mai không có cơm ăn. Nhưng nếu không nghèo đói, mà lại vẫn quá lo sợ về một tương lai sẽ nghèo đói, rồi từ đó nẩy sinh ra những sự quá lố, keo kiệt, bon chen, bần tiện khiến cho tâm trí bị o ép, không được giải thoát ngay cả những khi có thể sống thanh thản thì thật là đáng tiếc. Nhà Phật theo con đường trung đạo. Mỗi Phật tử đều có thể áp dụng giáo lý nhà Phật vào hai giai đoạn tu tập, giai đoạn thứ nhất là ứng dụng giáo lý vào đời sống tương đối hàng ngày để đem lại niềm an lạc và giải thoát cho mình và cho xã hội và giai đoạn thứ hai là giai đoạn tu tập để giác ngộ giải thoát triệt để.
Trong đời sống hàng ngày thì ứng dụng hai quy tắc “Không làm những điều xấu ác” và ”Siêng làm những việc tốt lành”, thực hiện được những điều này, người Phật tử tin chắc sẽ được hưởng quả báo tốt lành. Nếu đã làm toàn những điều tốt lành mà vẫn gặp những điều xấu thì người Phật tử biết rằng họ đang phải trả những món nợ cũ, những ân oán trong quá khứ mà họ đã tạo. Và một con đường thứ hai dành cho những người muốn hoàn toàn giác ngộ, giải thoát, thì bản thân người hành giả phải tự mình thanh tịnh hóa tâm, chấm dứt dòng suy nghĩ miên man che mờ Chân Tâm, để Trí Tuệ Bát Nhã, cũng còn gọi là Phật Tánh, hoặc Chân Tâm, hiển lộ.
Đối với nhà Phật thì “quá khứ qua rồi, tương lai chưa đến”, sự sống của chúng ta chính ở ngay giây phút hiện tại này. Nhà Phật đã ví sự sống của mỗi sinh vật tiếp giáp với cuộc đời cũng như cái bánh xe lăn trên mặt đất, nó chỉ tiếp cận ngay tại khúc cong ngắn ngủi của cái bánh xe đúng vào lúc lăn trên đất mà thôi. Cũng như mỗi sinh vật đều chỉ “sống thật” ngay lúc đang hít vào và thở ra, hơi thở trước thì đã chấm dứt, hơi thở sau thì chưa xuất hiện - và có thể sẽ không bao giờ xuất hiện, nếu đương sự thở ra mà không hít vào nữa, thì cuộc đời đã chấm dứt rồi. Cho nên chỉ có giây phút hiện tại là quan trọng mà thôi. Do đó, đức Phật dạy rất nhiều pháp môn để cho đệ tử nhà Phật tu tập, ngõ hầu đạt được khả năng nhận biết được khi tâm ý thức của mình hoạt động miên man, lăng xăng, nhảy nhót từ chuyện này qua chuyện khác, từ quá khứ chạy qua tương lai, như con vượn chuyền cành, như con ngựa lồng phi nước đại. Nhận biết được để mà lập tức chấm dứt dòng thường lưu suy tưởng, đem tâm trở về hiện tại, đó là những pháp môn tu như Quán Niệm Hơi Thở, Tứ Niệm Xứ, Thiền Tông, Thiền Minh Sát Tuệ, Niệm Phật, vân vân . . . Trong bài kinh Nhất Dạ Hiền Giả, đức Phật dạy:
Quá khứ không truy tìm
Tương lai không ước vọng.
Quá khứ đã đoạn tận,
Tương lai lại chưa đến,
Chỉ có pháp hiện tại
Tuệ quán chính ở đây.
Không động, không rung chuyển
Biết vậy, nên tu tập,
Hôm nay nhiệt tâm làm,
Ai biết chết ngày mai?
Không ai điều đình được,
Với đại quân thần chết,
Trú như vậy nhiệt tâm,
Đêm ngày không mệt mỏi,
Xứng gọi Nhứt dạ Hiền,
Bậc an tịnh, trầm lặng.
Mải mê với quá khứ và tương lai, chúng ta quên mất hiện tại. Cũng như câu chuyện ẩn dụ về một người bị cọp đuổi, anh ta phóng mình chạy, không kịp coi trước coi sau, lọt ngay xuống một cái giếng khô bỏ hoang. May thay, anh quơ tay chụp vội được cái rễ cây cổ thụ thòng xuống thành giếng. Bám chặt rễ cây, anh nhìn lên miệng giếng, thất kinh hồn vía khi thấy hai con chuột trắng và đen đang gặm rễ cây. Trong lúc tuyệt vọng, anh nhìn thấy một chùm nho đong đưa trước mặt. Vừa đói vừa khát, chùm nho đối với anh bây giờ chính là nguồn tiếp nối sự sống, anh vươn cổ tới gặm một trái, ôi mới ngon ngọt mát mẻ làm sao! Có nhiều lối giải thích câu chuyện, nhưng nếu giải thích theo tinh thần bài này: “Cuộc đời thì vô thường, đầy bất trắc, sự sống chỉ có mặt ngay trong giây phút hiện tại” thì rõ ràng đối với anh chàng này, nghĩ về quá khứ giầu sang hoặc tương lai huy hoàng đều không ích lợi gì nữa, chỉ có quả nho trong hiện tại là giúp cho anh sống còn mà thôi. Cọp rượt dụ cho những bươi chải trong cuộc đời, lọt xuống giếng dụ cho những hiểm nguy mà con người thường gặp, chuột trắng và đen dụ cho ngày và đêm cứ lẳng lặng gặm mòn dần đời sống của kiếp người và cái rễ cây sẽ bị gặm đứt bất cứ lúc nào là dụ cho vô thường đến bất chợt, không ai có thể biết trước.
Trong đời sống tương đối, không có cái gì vĩnh cửu, tất cả đều trong vòng “sinh, trụ, dị, diệt”, có nghĩa là mỗi sự vật đều xuất hiện, có mặt một thời gian, biến đổi dần, rồi chấm dứt, hoặc là chết, hoặc là tan vỡ. Đôi khi, có những sự vật không kịp đi đủ chu kỳ, sự chết hoặc tan vỡ đến bất thình lình, quá mau, khiến cho không ai biết trước được thời điểm biến mất của nó. Vậy mà chúng ta lãng quên đi, cứ tưởng rằng những người thân kia sẽ hiện hữu mãi mãi với chúng ta, cho nên chúng ta không tiếc những phút giây hiện tại, có thể là những giây phút cuối cùng trong cuộc đời mà họ và chúng ta có nhau. Chúng ta lơ là, không "sống thực sự" với họ trong lúc còn có thể, để rồi đây nếu chẳng may vô thường ập đến, thì lúc đó chúng ta có tiếc nuối cũng đã quá muộn màng.
Trong đời sống tương đối này, không có gì là vĩnh cửu, thường hằng, tất cả đều trong vòng “thành, trụ hoại, không”, có nghĩa là mỗi sự vật đều xuất hiện, có mặt một thời gian, biến đổi dần, rồi chấm dứt, hoặc là chết, hoặc là tan vỡ. Nên nhà Phật có lời khuyên như sau:
Ngày hôm nay đã qua đi
Mạng sống đã thu ngắn lại
Như cá trong chậu thủy tinh
Dưới đáy có một lỗ nhỏ
Mỗi ngày rơi một giọt nước
Sống tối đa một trăm năm
Nhưng vô thường bỗng đến thăm
Cái chậu vỡ thành từng mảnh
Con cá giẫy giụa dưới đất
Rồi mắt nhắm lại, im lìm.
Đại chúng,
Hãy nhớ đời người lâu nhất
Cũng chỉ một trăm năm thôi
Nhưng nếu vô thường đến gấp
Thì cuộc đời chấm dứt ngay
Cơ duyên gặp được Phật pháp
Hãy nên tu tập đêm ngày
Như lửa cháy đầu, tinh tấn
Một đời giải thoát mới hay.