Lời Phật dạy
Đại Ca Diếp quy y
Thứ bảy, 24/05/2023 01:48
Có một hôm, đức Phật thị hiện tướng bệnh, ngài lặng lẽ nghỉ ngơi tịnh dưỡng.
Vua Tần Bà Sa La nghe tin ấy, vội gọi ngự y là Kỳ Bà đi gặp Thế Tôn để trị bệnh cho Ngài. Khi đức Phật đã lành bệnh, ngự y Kỳ Bà cứ muốn đem một lễ vật nào để cúng dường Ngài, nhưng nghĩ tới nghĩ lui hoài, ông không biết phải tặng lễ vật nào mới thích hợp. Cuối cùng, ông nhớ đã có lần chữa bệnh cho vua nước láng giềng, và vị vua này đã đền ơn ông bằng cách tặng một bộ quần áo thượng hảo hạng. Loại quần áo này phải là bậc đế vương mới dùng, duy chỉ có đức Phật mới xứng đáng mặc mà thôi.
Ông đem bộ quần áo nói trên lên trình dâng đức Phật và nói:
– Thế Tôn, từ khi con bái kiến Như Lai cho đến nay, trong lòng cứ thắc mắc một chuyện. Thế Tôn thường nói, trên thế gian này thân thể của chúng ta khả dĩ đáng quý trọng, thế nhưng con thấy các vị đệ tử của Thế Tôn thường mặc quần áo rách rưới, dơ bẩn. Ðứng trên cương vị của một y sĩ, con thấy có giải thích như thế nào đi nữa, làm như thế vẫn không hợp vệ sinh. Bộ quần áo này là do vua nước láng giềng thưởng tặng cho con, xin cho con được đem cúng dường lại cho Phật, cho con được trồng chút ít hạt giống phúc đức. Con cũng cúi xin Thế Tôn hãy nói với chư tỳ kheo, từ nay đừng mặc quần áo dơ bẩn rách rưới nữa.
Ðức Phật không hề chấp trước một điều gì, nên đón nhận ý kiến của Kỳ Bà một cách vui vẻ, và cho người đi truyền nói với chư đệ tử tỳ kheo rằng:
– Mặc quần áo, không cần biết cũ hay mới, đều phải đơn sơ và sạch sẽ, và nhất định phải được khử trùng bằng ánh sáng mặt trời. Nếu ái nhiễm những bộ quần áo đẹp đẽ sang trọng là một điều không phải, thì mặc y phục dơ bẩn rách rưới để tỏ ra mình là người học đạo cũng không đúng pháp.
Lời đức Phật được truyền ra rồi, dân chúng Vương Xá Thành bèn tranh nhau may rất nhiều quần áo đem tặng chư tỳ kheo. Người cúng dường đức Phật và chư tỳ kheo rất đông, nên tin đồn ấy truyền đến tai một vị đại phú hào. Vị phú hào ấy tên là Ðại Ca Diếp, ở thôn Ma Ha Sa La Dà cách Vương Xá Thành không xa lắm. Ông thông minh học rộng, giàu có nhất thiên hạ, là nhân vật xuất chúng nhất của giai cấp Bà La Môn. Mỗi khi đức Phật thuyết pháp tại Trúc Lâm Tinh Xá, ông đều đến nghe giảng. Cuối cùng tâm ông từ từ tiêm nhiễm những lời giảng của Như Lai, ông còn nghĩ đến việc theo đức Phật xuất gia nữa.
Một hôm trên đường về, ông vừa đến gần tháp Ða Tử ở thành Vương Xá trong một vùng có rất nhiều gốc cây to cành lá xum xuê giao nhau, thì lạ thay, đức Phật cũng đang ngồi ngay tại đấy mà tĩnh tọa. Ông nhìn mãi đức Phật trang nghiêm, uy nghi dường ấy, và thấy rằng không thể nào không đến lễ lậy Ngài được. Ông đến trước toà Như Lai chắp tay đảnh lễ xong, khẩn khoản cảm động mà nói:
– Thế Tôn, Thầy của con! Xin chấp nhận cho Ðại Ca Diếp này quy y, từ nay Ðại Ca Diếp là đệ tử của Phật.
Ðức Phật thấy rõ tín tâm của Ðại Ca Diếp nên nói:
– Ðại Ca Diếp, ông là đệ tử của ta, ta là thầy của ông. Trên thế gian này, nếu chưa chứng được chính đẳng chính giác thì không thể thu nhận ông làm đệ tử. Ông hãy cùng ta đi nhé.
Ðức Phật lẳng lặng đứng dậy, hướng về phía Trúc Lâm Tinh Xá mà đi, Ðại Ca Diếp đi sau lưng đức Phật một cách cung kính mà nước mắt ròng ròng tuông xuống. Ðức Phật quay đầu lại nhìn Ðại Ca Diếp rồi nói:
– Hôm nay ta biết cơ duyên được độ hóa của ông đã đến. Tốt lắm, sau này việc lưu truyền Phật pháp sẽ cần đến ông rất nhiều.
Ðức Phật hóa độ Ðại Ca Diếp rồi, Phật pháp tại Vương Xá Thành đã có cơ sở vững chắc, tinh xá ở núi Linh Thứu cũng đã được thành lập vào thời điểm này. Vua chúa, người trí thức đến quy y rất đông, và sự giáo hóa của đức Phật càng được phổ biến thêm.
Trích “Phật Giáo Cố Sự Đại Toàn”
Việt Dịch: Diệu Hạnh Giao Trinh