Kiến thức

Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ: truyền thông tinh thần đoàn kết, từ bi, khuyến thiện, cùng góp sức khai mở nhân tâm

Thứ năm, 07/03/2022 07:27

Phật giáo Việt Nam làm tốt lời dạy của Đức Phật là luôn luôn mong chúng sinh đều cùng được hạnh phúc, muốn vậy phải phấn đấu làm cho dân tộc có sức sống, quốc gia vững mạnh. Từ xưa đến nay, Phật giáo luôn cổ vũ cho hòa bình, thịnh vượng, đoàn kết thân ái.

PV: Thưa Hòa thượng, Hòa thượng có nhận xét gì về ý kiến cho rằng Phật giáo Việt nam có thể nói là đồng hành với quá trình xây dựng nền văn minh của người Việt. Một trong các biểu hiện đóng góp lớn nhất cho dân tộc là Phật giáo luôn là yếu tố gắn bó cộng đồng, cổ vũ tinh thần đại đoàn kết dân tộc.

- Phật giáo Việt Nam làm tốt lời dạy của Đức Phật là luôn luôn mong chúng sinh đều cùng được hạnh phúc, muốn vậy phải phấn đấu làm cho dân tộc có sức sống, quốc gia vững mạnh. Từ xưa đến nay, Phật giáo luôn cổ vũ cho hòa bình, thịnh vượng, đoàn kết thân ái.

PV: Vậy trong giai đoạn hiện nay, Giáo hội có phương hướng gì để tiếp nối truyền thống đó?

- Tiếp nói tư tưởng của Đức Phật, cũng như giai đoạn khi thành lập Giáo hội, Giáo hội động viên tinh thần chư Tăng, Phật tử ra sức góp phần xây dựng văn hóa dân tộc. Quan điểm của Đức Phật là “phương tiện đa môn”: tu tập theo từng môn phái. Mục tiêu là cùng xây dựng thế giới hòa bình, hữu nghị. Quan điểm đó cũng phù hợp với đường lối phát triển của Nhà nước Việt Nam.

Phật giáo không có chủ trương phân biệt với bất kỳ giáo phái tôn giáo nào mà quan điểm chung từ xưa đến nay, ở nước ta hay ở bất cứ đâu, Phật giáo cũng chung sống hòa bình với tất cả các tôn giáo khác. Quan điểm về đoàn kết tôn giáo như vậy cũng phù hợp với xu thế chung là thế giới phát triển đa dạng, phồn vinh.

Ngày nay, bước vào thời kỳ phát triển mới, vật chất đầy đủ, nhu cầu tinh thần cũng phải được nâng cao. Đạo Phật phù hợp với thời đại ở chỗ các chư Tăng Phật tử cổ vũ cho lối sống lành mạnh, dưỡng sinh chung sống với thiên nhiên, phát triển bền vững môi trường. Đó cũng là biểu hiện văn hóa tốt của Phật giáo đóng góp cho xã hội.

PV: Xu thế hiện nay của đất nước là hội nhập thế giới, Hòa thượng cho biết Giáo hội có quan điểm như thế nào về vấn đề này?

- Đức Phật chủ trương nhân loại coi nhau là đồng bào không những chỉ trong một nước nào mà nhân dân thế giới “thập phương là đồng bào của ta”. Từ đó, có thể thấy Đạo Phật là đạo cổ vũ mạnh mẽ nhất cho hòa bình thế giới, vũ trụ đại đồng.

Hiện nay nước ta đã bước vào giai đoạn hội nhập với thế giới, nhưng tôi cho rằng không có sự hòa tan. Ta vẫn có phong cách riêng của ta, nước khác cũng có phong cách riêng của họ, nhưng phải giúp nhau cùng làm giàu, cùng vui sống, không có chiến tranh. Như vậy thì phù hợp với tinh thần Phật giáo với mục đích giúp cho chúng sinh tiến tới cảnh giới hòa bình, an lạc.

Ngày nay, Giáo hội Phật giáo đã được toàn thế giới công nhận, các hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã và đang nằm trong xu thế chung, là đoàn kết và hội nhập cùng thế giới. Một mặt, đây là nhiệm vụ Phật sự của chính Giáo hội, mặt khác cũng chính là nâng cao vị thế của Việt Nam trong các hoạt động quốc tế.

PV: Chuẩn bị tiến tới Đại hội Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hòa thượng có nhắn nhủ gì đến đạo hữu, chư Tăng Phật tử và nhân dân quan tâm đến Phật giáo?

htp10

- Trong nhiệm kỳ tới cần đẩy mạnh việc Phật tử tham gia tích cực vào chủ trương “tốt đời đẹp đạo”, cùng xây dựng Giáo hội phát triển và đất nước vững mạnh. Ngoài tôn chỉ tu hành của Phật pháp ra, với đường lối Đạo Pháp – Dân tộc, Phật giáo cũng phải có những hành động đồng hành với sự xây dựng và vì sự tiến bộ của đất nước. Chư Tăng giáo hữu Phật tử phải nên biết là mình đang cổ vũ tuyên truyền cho tư tưởng tiến bộ, cải tạo thế giới tốt đẹp hơn, chứ không phải người tu hành là lánh đời.

PV: Thưa Hòa thượng, vậy trong thời gian tới, công việc hoằng dương Phật pháp cần phải được đẩy mạnh như thế nào?

- Tất cả Tăng Ni, quần chúng tín ngưỡng đều nên chung tay góp sức mình, tùy theo chức trách, việc dù nhỏ cũng nên làm, truyền thông tinh thần đoàn kết, từ bi, khuyến thiện, cùng góp sức khai mở nhân tâm, từ việc nhỏ như từ thiện giúp nhau xóa đói giảm nghèo đến xây dựng văn hóa, phát triển kinh tế đều nên gắng sức.

Nếu chỉ có lời nói thôi mà tâm tư không chuyển biến thì cũng thành trì trệ, nói xuông. Vì vậy, cần phải góp phần xây dựng ý thức con người bằng cách thực hiện nếp sống đạo hạnh, với Phật tử thì ra sức làm theo gương đạo hạnh của Đức Phật, với quần chúng mộ đạo Phật thì cố gắng tạo lập đời sống tinh thần lành mạnh, chấp hành luật pháp, hành động vì đất nước, vì đồng bào. Khi có ý thức tốt rồi, thì việc làm sẽ có mục đích cao, kết quả sẽ tốt đẹp.

loading...