Kiến thức
Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng nói về điều cốt lõi của người tu
Thứ bảy, 13/03/2024 08:29
Tôi nhớ lại trong Đại hội Phật giáo lần thứ I năm 1981, các đại biểu phần lớn không có học vị, nhưng đức tu của các ngài có thể nói chúng ta khó có ai sánh bằng được.
Đầu tiên tôi được tiếp xúc với Hòa thượng Đệ nhất Pháp chủ, Đệ nhị Pháp chủ và Đệ tam Pháp chủ. Các ngài là những bậc long tượng của Phật giáo Việt Nam thời bấy giờ, vì trong thời kỳ Pháp thuộc qua thời kỳ chiến tranh, đương nhiên việc học hành của hàng tu sĩ rất giới hạn. Nhưng nhờ sự giới hạn của việc học hành mà các ngài, mỗi người chọn cho mình một pháp tu, một cách sống để thích nghi với hoàn cảnh xã hội và tạo uy tín cho Phật giáo chúng ta. Vì nếu nhìn bề ngoài, chúng ta thấy Phật giáo suy đồi, có ít Tăng Ni, nhưng nhờ các bậc long tượng đó gìn giữ được giềng mối của đạo để có cơ hội, chúng ta mới phát triển.
Cho nên ước mơ lớn nhất của các ngài thời bấy giờ là Tăng Ni được chính thức xuất gia, được chính thức thọ giới, được chính thức có trường lớp học hành đàng hoàng. Vì trong thời kỳ đó, những việc này rất hiếm có. Việc học hành lúc bấy giờ chỉ được trong phạm vi gia giáo, thầy truyền cho trò.
Ba điều nói trên đã được Đức Pháp chủ đệ nhất đại diện cho Tăng Ni yêu cầu chính phủ sớm cho phép thực hiện. Và nguyện vọng này của các bậc tiền nhân, ngày nay chúng ta đã thực hiện được.
Nhưng sang đến Đức Pháp chủ đệ tam, ngài mời tôi đến mà nói tâm nguyện của ngài rằng ngày nay Tăng Ni được học hành, nhưng số người kém tu không phải ít, đó là nỗi lo âu của ngài. Ngài nói trong lúc Phật giáo suy đồi không phải không có Tăng, phải nói chư Tăng đông mà Phật giáo suy đồi, chư Tăng ít nhưng Phật giáo hưng thạnh.
Chúng ta hồi tưởng lại thời sau khi Đức Phật nhập Niết-bàn, uy tín của Đức Phật và của các vị Thánh tăng còn hiện hữu trong lòng người, cho nên mọi người rất kính trọng đạo Phật và Tăng đoàn. Vì vậy mà số người xuất gia đông, nhưng lại rơi vô tình trạng tạp chúng hay tạp Tăng, vì lúc đó, hàng ngoại đạo tà giáo, hạng người cầu thực cũng xuất gia làm Tăng.
Vì thế Tăng đông làm chúng ta lo sợ, vì Tăng kém học, ít tu, ít giữ phạm hạnh khiến quần chúng chán ghét, bỏ rơi Phật giáo. Từ tình trạng như vậy, chính phủ làm theo nguyện vọng của nhân dân. Vua A Dục cho kiểm tra lại hàng Tăng sĩ, người nào kém đạo đức, bị quần chúng chỉ trích thì bắt hoàn tục, người còn trẻ là sung vào lính, bắt đi lao động. Ta gọi đó là thời pháp nạn của Phật giáo, nhưng trong thời pháp nạn lại xuất hiện các bậc Thánh tăng.
Thật vậy, lúc bấy giờ, vua A Dục gặp được ngài Mục-kiền-liên Đế-tu, bậc Thánh tăng, bậc phạm hạnh, bậc minh triết làm nhà vua vô cùng kính trọng, cho nên vua vừa đàn áp Phật giáo, vừa kính trọng Phật giáo. Đây là bài học mà chúng ta suy nghĩ, vì khi gặp được vị Thánh tăng, người ta phát tâm kính trọng, nhưng khi gặp phàm Tăng, người ta xem thường, mà gặp nghiệp chướng Tăng thì người ta trừng trị.
Cho nên Giáo hội chúng ta cần học bài học lớn này. Làm sao tạo được bậc Thánh tăng, Hiền tăng trong Giáo hội, vì đó là biểu tượng cho trời người cung kính cúng dường và loại trừ bớt được nghiệp chướng Tăng. Tuy nhiên, nghiệp chướng Tăng biết sám hối, biết tu hành, biết xóa nghiệp, biết tạo công đức thì cũng có thể trở thành Hiền Thánh.
Vì thế, Ban Trị sự Phật giáo thành phố, cũng như Ban Trị sự Phật giáo các quận huyện cần nên soi rọi, cân nhắc xem những nhân tố tích cực trong Giáo hội xuất hiện thì chúng ta tìm cách nâng đỡ, bồi dưỡng để những người này có cơ hội làm việc lợi lạc cho Phật giáo chúng ta trong hiện tại. Đối với những hạt nhân tiêu cực, những hạt nhân xấu, chúng ta cũng cần hạn chế để khắc phục, để giáo dục họ trở thành những người tốt trong Giáo hội. Đây là việc quan trọng nhất mà Giáo hội Phật giáo TP.HCM cần phải làm trong nhiệm kỳ này.
Có thể nói ngày nay, Phật giáo TP.HCM có số lượng Tăng Ni đông nhất, thường trú cũng như tạm trú, gần cả vạn người. Số Tăng Ni có học phải nói là số đông nhất. Nhưng bước thứ hai, học rồi còn phải tu, vì có học mà không tu cũng không thể trở thành nhà đạo đức được.
Ngày xưa chúng ta đặt vấn đề đạo đức lên hàng đầu, thì năm hạ về trước chuyên giới luật, chuyên tu hành phạm hạnh. Sau năm hạ, mới bắt đầu thính giáo tham thiền. Nhưng ngày nay, chúng ta đặt vấn đề học lên cao. Khi Tăng Ni thất học, các bậc cổ đức đều khuyến khích học, nhưng hễ học hành nhiều, coi chừng rơi vô chỗ kém tu sẽ trở thành những nhà lý luận suông, những nhà nghiên cứu thôi. Họ nói giỏi nhưng không làm được gì, thậm chí họ có nhiều lỗi lầm.
Lúc trẻ, nhờ nương với Hòa thượng Thiện Hòa, ngài dạy một câu mà tôi làm phương châm tu hành cho đến bây giờ: “Nói nhiều thì lỗi nhiều, nói ít thì lỗi ít, không nói thì không lỗi”. Vì lúc đó tôi làm giảng sư, nên tôi cứ suy nghĩ lời Hòa thượng dạy rằng nói nhiều lỗi nhiều, nhưng làm giảng sư phải nói chứ!
Tôi quan sát những người đồng thời với tôi và những người lớn hơn tôi, nhận thấy người nói nhiều nhất phạm phải sai lầm, có thể là một đời tu không trọn. Nghĩa là nói rất giỏi, nhưng người ta nhìn vào đời sống xuất gia của họ không ra gì, mà hoàn tục rồi càng tệ hại hơn nữa, trở thành đối tượng cho nhiều người chê trách, vì nói nhiều quá, lỗi nhiều quá hiện ra đầy đủ trong lời nói, trong việc làm, trong suy nghĩ của họ. Như vậy, tu để trở thành giảng sư, người có nhiều bằng cấp, rồi trở thành người thế tục, sa đọa là đã phạm tội phá pháp.
Những người nói ít một chút, sau kiểm tra lại, biết sửa lỗi, biết lo tu thì có thể phục hồi được. Điển hình như Hòa thượng Thanh Từ mà chúng ta cần noi theo tấm gương tu hành của ngài. Ngày xưa, khi Hòa thượng Thanh Từ làm giảng sư, ngài giảng kinh, có một ông cư sĩ hỏi Hòa thượng rằng ngài nói có bốn quả Thanh văn, nhưng xin hỏi thực, Hòa thượng chứng được mấy quả? Hòa thượng nhớ lại mình ra giảng sư nhưng chưa chứng quả Thanh văn nào hết, mà Đức Phật dạy phải chứng quả A-la-hán rồi mới phát tâm Bồ-đề giáo hóa chúng sanh.
Trong khi Hòa thượng Bửu Huệ học xong, về kiết thất mười năm, không tiếp xúc với ai, chỉ tiếp xúc với kinh điển để phát huy đạo lực của mình. Hòa thượng nói với tôi rằng nhờ mười năm kiết thất, thực tập lời Phật dạy mà ngài có được đạo lực để nhiếp chúng. Điều này chúng ta nên học người đi trước. Từ năm 1963 đến 1973, hoàn cảnh bên ngoài khó khăn vô cùng mà Hòa thượng lãnh đạo được Phật học viện Huệ Nghiêm yên ổn, quả thực ngài là người siêu tuyệt!
Lúc đó hai người bạn thân của Hòa thượng Bửu Huệ là Hòa thượng Thiền Tâm và Hòa thượng Thanh Từ không ở lại để cùng làm việc với Hòa thượng Bửu Huệ. Hòa thượng Thiền Tâm lên Đại Ninh để chuyên tu pháp môn niệm Phật. Hòa thượng Thanh Từ ra núi Lớn ở Vũng Tàu để nhập thất. Chúng ta thử suy nghĩ tại sao Hòa thượng Bửu Huệ nhiếp chúng được mà Hòa thượng Thanh Từ lúc đó cũng ở Huệ Nghiêm nhưng không nhiếp chúng được?
Điều này nếu nhìn bề mặt sẽ thấy Hòa thượng Thanh Từ là giảng sư, sau khi tốt nghiệp xong, ngài liên tục giảng dạy thì đương nhiên hiểu biết của ngài phải hơn Hòa thượng Bửu Huệ. Nhưng vì lo Phật sự bên ngoài mà nội lực của Hòa thượng Thanh Từ yếu, nên ngài không quản chúng được. Trong khi Hòa thượng Bửu Huệ nhờ sức tu có nội lực mạnh mới quản chúng được.
Hòa thượng Thanh Từ nhận thấy được lý này, nên ngài ra núi Lớn tu để phục hồi lại những gì ngài đã mất và nhờ ba năm kiết thất của Hòa thượng mới có Trúc Lâm ngày nay. Tôi hỏi Hòa thượng trong ba năm kiết thất, ngài nghĩ gì. Ngài đáp rằng trong ba năm đó, ngài suy nghĩ nhiều nhất về Phật hoàng Trần Nhân Tông và nghĩ về Phật giáo Việt Nam. Điều này quý vị nên suy nghĩ để có một sở đắc nào đó mà đem ứng dụng vào cuộc sống tu hành của mình. Kinh điển học nhiều, nhưng tập trung vào việc nào làm cho việc đó sáng lên.
Vì vậy, trải qua suốt ba năm, Hòa thượng tập trung suy nghĩ như vậy, nên tự nhiên Hòa thượng ngộ được yếu chỉ của Thiền tông và ngộ được yếu lý này thì không làm mà làm, ngược lại chúng ta làm mà không làm. Thực tế cho thấy có những vị làm việc rất nhiều, nhưng kết quả rất nhỏ. Còn những vị không làm gì hết, nhưng tác động lớn. Cho nên vô tác diệu lực rất quan trọng, đây là sức tu, do công đức tu mới có được. Nhờ ba năm tu kiết thất, Hòa thượng Thanh Từ có sở ngộ, sở đắc.
Hòa thượng Bửu Huệ và Hòa thượng Thanh Từ đều có sở đắc mà chúng ta không thấy được, không biết được. Nhưng có sở đắc mới lãnh đạo được Phật học viện Huệ Nghiêm, sở đắc mới lãnh đạo được Trúc Lâm. Mỗi vị có sở ngộ khác nhau, quả vị tu chứng khác nhau, nhưng tất yếu phải có sở ngộ. Còn chúng ta chỉ học và có bằng cấp thì việc làm rất giới hạn.
Hòa thượng Thanh Từ ngộ được yếu chỉ của Thiền tông, của vua Trần Nhân Tông. Theo tôi, Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông là một vị Bồ-tát hiện thân lại trên đất nước Việt Nam để làm một việc gì đó cho Phật giáo Việt Nam, tôi đã ngộ như vậy.
Đức Phật Thích Ca cũng vậy, Ngài là một vị Phật sanh lại làm người để mở đạo Phật cho loài người chúng ta, đó là chỗ ngộ của tôi.
Ngài Trí Giả đại sư giảng kinh Pháp hoa dạy rằng bí mật pháp của Đức Phật đã không nói được rồi, Phật ngộ cái gì, chứng cái gì, mình không thể biết và Phật cũng không thể nói điều này, tạm gọi là bí mật pháp. Không phải Đức Phật giấu, không phải Đức Phật không muốn nói, nhưng cái này bất khả thuyết.
Và ngài Trí Giả nói thêm rằng bí trung thâm bí. Đến đây vô tầng thứ hai là bí mật đã không hiểu, nhưng còn muốn hiểu cái bí mật nằm trong bí mật nữa, tức còn cái sâu hơn ở bên trong.
Trên bước đường tu, có những điều chúng ta hiểu qua ngôn ngữ, mà hiểu qua ngôn ngữ thì giới hạn trong 1%, 2% thôi, đâu thể hiểu hết, nhưng chỗ ngộ, chỗ chứng giúp mình có thể hiểu được 50%. Điều này Hòa thượng Trí Tịnh dạy rằng nếu thầy hỏi, tôi chỉ trả lời được 50% là nhiều nhất. Còn 50% thầy phải suy nghĩ, phải tự giải quyết, không nói được.
Về lý này, chúng ta nhớ Đức Phật từng bảo rằng những gì mà Ngài nói ra như nắm lá trong tay, những gì Ngài hiểu như lá trong rừng.
Cho nên, khi các thầy ngộ, các thầy hiểu thì sự vật luôn biến chuyển không ngừng. Tất cả các pháp do nhân duyên sanh, nên khi nói ra thì điều này trở thành quá khứ và cái mới cứ tiếp tục diễn tiến. Vì vậy, khi các thầy ngộ, các thầy chứng, thấy sự vật như thế nào, mình ứng xử như thế đó mà tồn tại. Chứ nói Phật như thế này, Tổ như thế này, thì đó là chuyện của Phật, chuyện của Tổ. Còn mình ở đây phải là chuyện của mình, vì thế, người ngộ rồi không vướng mắc với chuyện đã qua.
Theo tôi, chỉ có một Đức Phật Thích Ca thôi, không có Phật Thích Ca thứ hai. Và tôi nói Việt Nam chỉ có một Phật hoàng Trần Nhân Tông, một con người phi thường, còn bên trong con người đó, mình không thể hiểu nổi, mình chỉ hiểu bên ngoài của Ngài thôi.
Khi ngộ, chúng ta suy nghĩ rằng trong lòng của Đức Phật là ông thầy tu, Ngài muốn làm ông thầy tu. Nhưng bên ngoài của Phật là thái tử, là ông vua, cho nên ông vua này không giống bất cứ ông vua nào, ông thái tử này không giống bất cứ ông thái tử nào hết.
Còn chúng ta bên ngoài là ông thầy tu, nhưng trong lòng chúng ta là cái gì? Bề ngoài chúng ta là thầy tu, nhưng trong lòng chúng ta có phải là thầy tu không, có thực phải là tâm hình dị tục không. Tự xét lại, nếu thực chúng ta không phải là ông thầy tu thì làm sao nhiếp hóa được đại chúng, không thể nhiếp hóa quần chúng. Quần chúng không tin chúng ta, không theo chúng ta vì chúng ta không phải ông thầy tu, tâm chúng ta chưa phải ông thầy tu.
Các vị lãnh đạo nên quan sát các vị tu hành ở trong thành phố chúng ta thời này. Nhìn kỹ lại coi ông nào thiệt là ông thầy tu, ông nào hình thầy tu nhưng chất bên trong chưa phải ông thầy tu thì chúng ta tìm cách chuyển đổi, khuyến hóa để giúp đỡ họ trở thành thầy tu thực. Như vậy, Phật giáo chúng ta mới mạnh. Chứ hình thức thầy tu càng đông, chúng ta càng sợ, ta không thể nào quản lý nổi.
Tôi khuyên tất cả các vị có mặt hôm nay, những người nào cảm thấy chất tu của mình còn kém thì nên tự bồi dưỡng cho mình. Và khi bồi dưỡng được nội lực thì tự nhiên mình có sức thuyết phục quần chúng rất lạ. Kinh nghiệm tôi thấy điều này.
Tôi không kiết thất mười năm như Hòa thượng Bửu Huệ được, nhưng mỗi năm, tôi dành vào mùa đông, trong 21 ngày gọi là tu gia hạnh Phổ Hiền, từ ngày vía Đức Phật A Di Đà đến ngày Đức Phật Thích Ca thành đạo. Khoảng thời gian đó tôi kiết thất, không tiếp xúc bên ngoài, tôi dành thời gian đó để soi rọi lại tâm mình, coi cái nào là tu, cái nào chưa tu để điều chỉnh tâm mình.
Và theo kinh nghiệm tôi, khi điều chỉnh được tâm thì chúng ta tiếp xúc với cuộc đời, chúng ta thấy khác. Còn dùng khôn dại của cuộc đời này để đối xử với nhau chưa biết ai khôn hơn ai và ai dại hơn ai. Chắc chắn chúng ta không thể nào khôn hơn người thế tục. Cho nên những nhà tu của mình khi ra kinh doanh hầu hết thua lỗ, sao mình khôn hơn họ được. Nhưng mình có sức tu, sức thuyết phục, đạo lực bên trong thì mình hơn họ cái này.
Tôi nhớ lại năm mươi năm trước, khi mới về Việt Nam, tôi ra bưu điện Sài Gòn, đi với một thầy nữa, thầy này rất giỏi về buôn bán. Tôi mua một xấp bao thư, cô bán hàng nói 10 đồng. Thầy cùng đi nói sao mắc dữ vậy, cái này chừng 8 đồng thôi. Cô bán hàng nhìn ông thầy rồi nói nhưng ở đây bán 10 đồng. Tôi trả 10 đồng và lấy xấp bao thư đi. Cô này nói với tôi, thưa thầy 8 đồng thôi, thái độ khác liền. Mình vô tâm thì đời đối xử với mình khác, mình hữu ý, họ đối xử khác. Tại mình muốn trả giá thì họ trả giá với mình. Mình vô tâm vì là ông thầy tu mà. Nói 10 đồng mình trả 10 đồng thì họ cảm thấy nặng lòng, nói cái này 8 đồng thôi. Tôi không lấy tiền thối lại và bỏ đi, cô vội nói thầy cho con cúng! Khi tâm mình tu, hoàn cảnh thay đổi lạ, đó là bài học thực trong đời tôi. Khi mình nghĩ không cần thì cuộc đời xử sự với mình tốt hơn, còn mình hơn thua với họ, họ cũng hơn thua với mình. Kinh nghiệm này tôi muốn chia sẻ với quý thầy.
Tất cả chúng ta trên bước đường tu, khi trở thành lãnh đạo, tâm mình phải rộng hơn, dung hóa được nhiều người. Dùng đức tu của mình để cảm hóa người.
Ngày nay Giáo hội chúng ta đã được phát triển theo ý nguyện của Hòa thượng Đệ nhất Pháp chủ, có bốn trường đại học. Riêng Học viện Phật giáo tại TP.HCM đã đào tạo cho Giáo hội trên 7.000 Tăng Ni học vị cử nhân, trên 100 Tăng Ni học vị thạc sĩ và bây giờ mới thêm một thầy tiến sĩ. Số lượng Tăng Ni trí thức của Phật giáo mình phải nói là đông mà trước đây không có.
Bây giờ các thầy học xong rồi và về kiết thất như Hòa thượng Bửu Huệ để suy nghĩ những gì mà Đức Phật muốn truyền trao cho mình và sử dụng sở đắc đó vào trong cuộc đời. Còn nếu không, mình vừa học vừa làm để thí nghiệm. Khi mình ra tiếp xúc với cuộc đời, thấy một cái gì đó, mình coi một phản ứng nào đó thì về tối đến, mình suy nghĩ, hay vào thiền để quan sát việc đó. Nếu dùng thì giờ để kiểm tra lại, các thầy sẽ phát hiện ra sự đối xử của mọi người với mình để biết được điểm ưu khuyết của mình mà điều chỉnh. Có làm như vậy, việc làm của mình mới tốt hơn. Còn không làm như vậy, cứ bỏ qua thì ngày sau tệ hơn ngày trước nữa, cuối cùng thất bại, phải bỏ tu.
Tôi không kiết thất được như các bậc tiền nhân là mười năm, ba năm, nhưng tôi lại kiểm tra hàng ngày. Ban ngày làm việc, ban đêm tự kiểm tra, suy nghĩ việc mình đã làm, nhận thấy điều nào mình bằng lòng, điều nào chưa bằng lòng, mình sửa đổi để ngày hôm sau, mình sử dụng nó trong trường hợp mới và xem kết quả mới như thế nào.
Nếu các thầy thực tập được như vậy sẽ đưa tới kết quả, mà kết quả lớn nhất trong đời tôi là vô hiệu hóa được tất cả những chống đối. Những người chống đối mình, mình vô hiệu hóa được, vì ban ngày mình tiếp xúc với họ, biết họ không bằng lòng mình điều gì để buổi tối đó, mình cân nhắc lại và hóa giải. Và khi mình hóa giải việc này, tìm được đáp số rồi thì ngày mai, mình gặp lại người chống đối, thấy thái độ họ khác, mình nhận ra được chứ. Như vậy là mình có sửa đổi tốt đẹp.
Thiết nghĩ vô hiệu hóa sự chống đối của người không gì tốt hơn là tự sửa đổi mình. Vì họ chống đối là chống đối cái sai lầm của mình, chứ không phải họ chống đối mình. Ngài Huệ Tư đại thiền sư nói một câu mà tôi rất thấm rằng họ chống đối cái sai lầm của mình, chống đối cái nghiệp của mình. Các thầy đừng bao giờ lấy cái sai lầm, cái nghiệp làm mình. Cho nên mình cũng chống luôn cái nghiệp của mình, mình cũng chống luôn cái sai lầm của mình, thì mình trở thành người tốt, gọi là vô hiệu hóa sự chống đối. Đó là cách làm của bậc tiền nhân mà tôi học và áp dụng được.
Vì vậy, ban ngày chúng ta làm việc, tiếp xúc với cuộc đời, ban đêm chúng ta tiếp xúc với Phật, Bồ-tát, để chúng ta hóa giải trần lao, nghiệp chướng, phiền não. Và hóa giải được như vậy, các thầy thấy cuộc đời này tốt đẹp lần với mình, thế lực chống đối này mất lần thì mình thành công trên đường hành đạo.
Ai ra đời làm việc mà không bị chống đối. Bị chống đối nhiều thì chúng ta càng ra công tu hành nhiều và tu hành miên mật, chúng ta hóa giải được lực chống đối và thành tựu công đức. Còn người chống mình, mình chống lại họ thì ai hơn ai.
Và kết quả thứ nhất là vô hiệu hóa sự chống đối thì quý vị thấy sao? Vì mình có tu, có sửa, lần hồi mình trở thành người tốt rồi thì ai nói xấu mình được không. Đức Phật dạy trong kinh Pháp hoa, giống như hoa sen không dính nước. Hoa sen mọc từ bùn, nhưng đổ nước lên hoa sen, nước rớt xuống, không ở trên hoa sen được.
Vì thế, người ta còn nói xấu mình được, chống mình được, vì mình chưa phải là sen, tức chưa có chất tu. Phải tự thấy chỗ này để mình phải tạo chất tu, mới không bị dính nước nữa.
Phật dạy người xấu hại người tốt giống như ngược gió tung bụi, bụi sẽ đổ ngược về cho người tung nó, làm sao tới mình được. Nếu mình tâm hình dị tục, thân ông thầy tu và tâm ông thầy tu thì không ai chỉ trích đâu. Nhìn kỹ mình thấy phần nhiều họ chỉ trích người mặc áo tu mà tâm chưa tu. Tự điều chỉnh điều này, sửa được rồi thì người ta không nói nữa.
Còn nếu các thầy lãnh đạo dễ dãi, bao che, tới cuối cùng, quần chúng phát hiện ra những việc xấu thì nói sao đây. Khi mình để quần chúng phát hiện, buộc lòng Giáo hội phải xử, nếu địa phương xử không được, phải đưa lên Trung ương xử, nếu Trung ương xử không được, phải đưa lên Hội đồng Giám luật xử.
Xưa kia lúc Phật học đường Nam Việt mới thành lập là chùa Ứng Quang do Hòa thượng Trí Hữu ở Đà Nẵng vô cất am ở đó tụng kinh Pháp hoa. Bấy giờ bác sĩ Cầm là Trưởng ty Vệ sinh nhất định đòi dẹp chùa vì chùa ở trong khu nghĩa địa, mất vệ sinh. Nhưng khi ông tới thấy Hòa thượng tụng kinh thì ông đi về, không nói gì. Hôm sau, ông bảo ông Lộc đến nói với Hòa thượng cất lại chùa đàng hoàng cho hợp vệ sinh để tu! Hòa thượng này chuyên tụng kinh Pháp hoa. Ngài là bậc chân tu, thân tâm đều thực tu và ngài có sở đắc kỳ diệu khiến cho ông Cầm đã thay đổi hoàn toàn quyết định, từ ý định dẹp chùa đổi thành cho phép xây chùa, thậm chí ông còn đứng ra làm bảo trợ Phật học đường Nam Việt, từ đó chùa Ấn Quang mới có chỗ tốt đẹp để đào tạo lớp người thừa kế xiển dương Phật pháp.
Thực tế ông Cầm theo đạo Thiên Chúa. Điều này gợi cho chúng ta suy nghĩ, lỗi tại chúng ta kém tu, đạo lực không có nên không tác động cho người phát tâm.
Trong khóa huân tu này, các thầy có cơ hội chia sẻ với nhau để phát hiện những ưu khuyết điểm mà giúp đỡ nhau để Phật giáo được vững mạnh. Từ đó chúng ta mới làm gương cho Tăng Ni toàn thành phố, mới có thể báo đáp công ơn của các bậc tiền nhân. Cầu Phật gia hộ chư tôn đức được an lành.
(Giáo giới cho Tăng Ni tại Khóa huân tu tập trung Phật lịch 2567 tại Việt Nam Quốc Tự)
Nguồn: Báo Giác Ngộ