Hỏi - Đáp
Đại nguyện từ bi của Phật A Di Đà là vô tận
Thứ bảy, 29/12/2023 08:50
Chúng sinh có thể niệm danh hiệu của các đức Phật khác, có thể cầu sinh về các cõi Tịnh độ khác. Cần gì riêng niệm Phật A Di Đà cầu sinh về Cực Lạc? “Tâm vốn lìa niệm, pháp vốn không sinh”. Nay dạy người niệm Phật cầu sinh Tịnh độ là tại sao?
Đáp:
Ở đây có sáu ý nghĩa:
Một là vì tâm chúng sinh phần nhiều vẩn đục tán loạn, niệm khắp cả chư Phật khó thành tựu Tam-muội, nên chỉ chuyên niệm một đức Phật cầu sinh một cõi nước, khiến cho tâm ý buộc vào một cảnh thì dễ được vãng sinh.
Hai là vì đại nguyện từ bi của Phật A-di-đà vô tận, tiếp dẫn những chúng sinh niệm Phật, cho đến mười niệm cũng được vãng sinh. Còn các đức Phật khác không có điều đó.
48 đại nguyện của Đức Phật A Di Đà
Ba là vì Cực Lạc công đức trang nghiêm đủ mọi thù thắng, khác với những cõi Tịnh độ khác. Chúng sinh được sinh về dễ tiến đạo hơn.
Bốn là vì phàm phu không trí tuệ, nên y theo lời Phật. Cõi Cực Lạc Tịnh độ này đã được đức Phật Thích-ca khẳng định và lặp đi lặp lại khắp trong các kinh điển. Chư Phật nhiều như số cát sông Hằng thảy đều khen ngợi.
Năm là nếu những chúng sinh nào không có duyên với Phật thì Phật không thể độ. Còn chúng sinh ở cõi này, chẳng luận già trẻ, sang hèn đều biết có Phật A-di-đà, bất chợt thốt ra đều niệm một câu A-di-đà Phật. Thế nên biết, chúng sinh ở cõi này có nhân duyên lớn với Phật A-di-đà.
Sáu là vì thể tánh của chư Phật đồng nhau. Một là tất cả, tất cả là một; niệm một đức Phật tức là niệm chung tất cả Phật.
Do có sáu ý nghĩa trên, nên chỉ chuyên tâm về Cực Lạc, thì sự lợi ích thật vô cùng to lớn!
Hỏi: Chư Phật, Bồ-tát lấy tâm đại bi làm sự nghiệp, đáng lẽ phải ở cõi xấu ác để cứu khổ chúng sinh. Tại sao lại nguyện sinh về Tịnh độ, chỉ vì lợi ích của riêng mình?
Đáp: Các Ngài nguyện sinh về Tịnh độ đâu chỉ vì lợi ích cho riêng mình, bởi lẽ không sinh về đó thì khó mà cứu khổ chúng sinh. Trong kinh nói: “Bồ-tát đã được Vô sinh pháp nhẫn (thấu rõ lý không sinh không diệt) mới được cho phép vào cõi thế tục hóa độ chúng sinh. Nếu chưa được vậy phải thường không rời Phật”. Bởi vì tập khí mê lầm chưa dứt, nhẫn lực chưa đầy đủ, nếu gặp duyên ác thì chắc chắn bị trở ngại việc tiến tu, tự cứu mình còn khó khăn huống gì cứu giúp kẻ khác?
Nếu ở nơi thế giới xấu ác này lại muốn cứu độ người khác, giống như chiếc thuyền không toàn vẹn, không chắc chắn mà muốn đưa nhiều người qua biển, thì mình người đều sẽ chìm đắm. Thế nên, luận Đại Trí Độ nói: “Kẻ phàm phu đủ mọi sự ràng buộc mà có lòng đại bi nguyện sinh vào thế giới xấu ác cứu độ chúng sinh, thật không có điều đó”.
Luận Vãng Sinh nói: “Người muốn dạo chơi nơi địa ngục, phải vãng sinh Cực Lạc được Vô sinh nhẫn, rồi mới trở lại trong sinh tử giáo hóa những chúng sinh chịu khổ nơi địa ngục”.
Hỏi: Người tỏ ngộ trong Tông môn không trải qua thứ bậc vượt lên địa vị Phật, cần gì nguyện sinh về Tịnh độ?
Đáp: Ông bảo rằng người tỏ ngộ thì tập khí mê lầm dứt hẳn, nhanh chóng đồng với chư Phật sao? Hay là tập khí mê lầm còn thì vẫn phải nhờ tiệm tu?
Nếu tập khí mê lầm còn, cần phải cầu sinh về Tịnh độ, nhờ duyên thù thắng ở cõi đó lần lần gạn lọc. Nếu cứ lưu chuyển trong cõi đời Ngũ trược với sự giải ngộ cạn cợt, qua đời sau liền mờ mịt, như thế làm sao bảo đảm không lui sụt! Như các ngài Thừa Thiên Giản, Chân Như Triết, Hải Ấn Tín… thuở xưa đều là những bậc minh triết trong Tông môn mà không có chút tự chủ đối với việc sinh tử. Thế thì những người khác cũng có thể biết được. Huống gì như Đồng tử Thiện Tài là hàng căn cơ viên đốn còn nguyện sinh Cực Lạc; Bồ-tát Long Thọ là Tổ được truyền y còn nhận lời thọ ký vãng sinh Tịnh độ. Sự tỏ ngộ của ông có thể ngang bằng Thiện Tài và Long Thọ hay chăng?
Giả sử, bảo rằng có thể ngang bằng với các Ngài thì ngại gì chẳng cùng sinh về Tịnh độ. Nếu chưa được vậy, đâu thể chậm trễ đối với việc vãng sinh?
Hỏi: “Tâm vốn lìa niệm, pháp vốn không sinh”. Nay dạy người niệm Phật cầu sinh Tịnh độ là tại sao?
Đáp: “Cho niệm là niệm, cho sinh là sinh” là sự sai lầm của chấp thường.
“Cho vô niệm là vô niệm, cho vô sinh là vô sinh” là mê lầm của tà kiến.
“Niệm mà vô niệm, sinh mà không sinh” là chân lý Đệ nhất nghĩa.
Thế nên, chỗ lý chân thật chẳng nhận mảy trần, thì không có chư Phật để niệm, không có Tịnh độ để sinh.
Trong cửa Phật, Sự không bỏ một pháp thì đều thâu nhiếp được các căn. Bởi có phương pháp chính yếu “trở về nguồn”, đó là mở ra một môn vãng sinh Niệm Phật Tam-muội.
Vì thế, trọn ngày niệm Phật mà không trái với vô niệm; rõ ràng vãng sinh mà chẳng trái ngược vô sinh. Tuy nói phàm Thánh đều ở nơi vị trí của chính mình, nhưng đạo cảm ứng qua lại; Đông Tây không đến đi, mà tinh thần vượt lên cõi Tịnh. Điều này không thể vấn nạn được!
Thiền sư Nguyên Hiền.