Sách Phật giáo

"Đạo làm người" - Sức mạnh nội sinh để xây dựng và phát triển đất nước

Thứ hai, 04/10/2015 02:37

Ngay từ xa xưa trong lịch sử nhân loại, các trường phái triết học cũng như nhiều tôn giáo đều cho rằng, mục đích “tu thân” của con người là làm chủ được thế giới, làm chủ được xã hội; cao hơn nữa là được giải thoát để vượt lên tất cả, trở thành những vị Phật, những bậc Thánh. 

Trong cuộc sống, mỗi người chúng ta đều có vai trò, vị trí xã hội khác nhau; nhưng dù ở vị trí nào, người xuất gia hay thế tục, chúng ta vẫn là thực thể tồn tại trong xã hội, nên trước hết là phải biết tu dưỡng, rèn luyện để trở thành những công dân tốt, để đạt được hạnh phúc trong cuộc sống; đó chính là thực hiện “Đạo làm người”, gốc của mọi đường tu. “Đạo làm người” chưa thực hiện được thì Phật, Thánh đều xa vời, là hư ảo mà thôi. 

Khi bàn về “Đạo làm người”, các trường phái triết học và nhiều tôn giáo đều có những quan điểm, tư tưởng khác nhau. 


Theo Nho giáo, “Đạo làm người” được hiểu là nguyên tắc chính trị, là quy phạm đạo đức, là đạo lý trị quốc và xử thế của con người; đó là nhân sinh quan, quan niệm sống trong sạch, thuận theo lẽ phải(1). Để trở thành người hoàn thiện, hữu ích cho xã hội, con người phải “tu thân” theo “Tam cương”: Là 3 quan hệ cơ bản trong xã hội: Quân thần (vua tôi), phụ tử (cha con), phu phụ (vợ chồng); trong đó, người bậc trên (Vua, cha, chồng) phải thương yêu, chăm sóc, bao dung cho người bậc dưới; người bậc dưới (tôi, con, vợ) phải kính nhường, thương yêu, phục tùng người bậc trên và“Ngũ thường”: Là 5 đức cơ bản của “Đạo làm người” gồm: Nhân, lễ, nghĩa, trí, tín. 

Trong 5 đức đó, Nho giáo đặt “Nhân” lên hàng đầu, người có “Nhân” là người “Cung, khoan, tín, mẫn, huệ”(2). Đối với người phụ nữ còn phải thực hiện “Tam tòng” và phải có “Tứ đức”: Công, dung, ngôn, hạnh. Các tôn giáo như: Công giáo, Cao Đài, Bà La Môn…đều khẳng định, khi chưa tu, con người có hai lòng: Lòng Trời và lòng người; người xuất gia muốn đạt được mục đích cao nhất của “tu hành” thì phải học tập, rèn luyện để dẹp bỏ lòng người mà giữ nguyên lấy lòng Trời. Công giáo gọi con người chưa tu (lòng người) là con người cũ, con người tu luyện (lòng trời) là con người mới và khẳng định: “Không cần phải theo đạo nào cả, chỉ cần ăn ngay ở lành, giữ Đạo làm người là đủ. Đạo làm người là phong cách sống để trở thành một con người lương thiện, tự chủ, tự trọng và trưởng thành về nhân cách, thể hiện qua việc chu toàn các bổn phận đối với bản thân, gia đình, xã hội, đất nước”(3). Nếu Nho giáo khuôn ép con người vào Đạo của Nho gia, thì Đạo giáo lại đề cao tư tưởng “Vô vi”, lấy cái luân lí vận động của vũ trụ mà giáo huấn “Đạo làm người”; Lão Tử khuyên: “Ăn ở giản dị, tự nhiên, ít riêng tư, ít tham dục”, nhất định “không nên tích trữ cho mình và lo riêng cho mình”, “đừng tự xem mình là sáng, đừng tự cho mình là phải, đừng tự cho mình là có công, đừng tự cho mình là trên hết” để tiêu diệt“bản ngã”; biết bằng lòng với cái mình có: Tri túc chi túc hà thời túc, tri nhàn chi nhàn hà thời nhàn. Giáo lý đạo Phật lại khẳng định, mục đích cao nhất của người tu hành là đi tìm con đường giác ngộ của đức Phật, con đường đó bắt đầu từ thực hiện “Đạo làm người”; con người phải tự hoàn thiện đạo đức, diệt trừ “tham, sân, si”, xoá bỏ “vô minh”, chặt đứt “cây nghiệp” để vượt qua “biển khổ luân hồi”(4). Đó là con đường ngắn nhất dẫn đến Niết bàn. Tôn chỉ của Phật giáo Hòa Hảo có “Đạo Nhân” và “Đạo Phật”; “Đạo Nhân” là nấc thang đầu,“Đạo Phật” là nấc thang cuối, trước hết con người phải thực hành “Đạo Nhân” rồi mới đến được “Đạo Phật”, phải đem“Đạo Nhân” xử sự với mọi người và phải biết khắc kỷ: Khắc có nghĩa là trị, kỷ có nghĩa là mình, gồm nói là trị mình. Trước khi đối xử mọi người, thì mình phải trị sửa mình được ngay chính mới có thể sửa người và nói cho người nghe theo(5). 
 
Triết học phương Tây trước Mác (thời kỳ Trung cổ) cho rằng, con người là sản phẩm sáng tạo của thượng đế; cuộc sống trần thế là tạm bợ, chỉ có qua tu dưỡng, rèn luyện thành người tốt thì mới đạt được hạnh phúc ở thế giới bên kia. Các trường phái triết học phương Tây theo chủ nghĩa duy tâm, thần bí lại khẳng định, linh hồn là giá trị cao nhất của con người; vì vậy, phải thường xuyên chăm sóc, tu dưỡng phần linh hồn để hướng tới Thiên đường vĩnh cửu. 

Tựu trung lại, mặc dù các trường phái triết học, các tôn giáo có quan điểm, tư tưởng, niềm tin và đức tin khác nhau…song vẫn có điểm chung là khuyên con người dù tồn tại ở bất kỳ xã hội nào, thời đại nào cũng phải có lòng yêu nước, yêu thương con người, yêu thiên nhiên; luôn làm điều thiện, ứng xử đúng đạo lý, đúng luật pháp; biết thanh lọc và biết kiểm soát nội tâm; luôn khoan dung, rộng lượng, chăm chỉ học tập, rèn luyện để phát triển toàn diện cá nhân; luôn giữ tròn chữ hiếu; biết xây dựng gia đình hạnh phúc; thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm công dân đối với xã hội; làm tròn bổn phận với quốc gia. Đó chính là thực hiện “Đạo làm người”, là cơ sở để xây dựng nên một xã hội tiến bộ gồm tập hợp những công dân ưu tú, hoàn thiện trong đó. Đó cũng là nền tảng duy trì sự ổn định, phát triển bền vững của đất nước, của dân tộc đó trước những biến cố, thăng trầm của thời đại. 

Là đất nước hàng ngàn năm bị đặt dưới ách đô hộ của các triều đại phong kiến phương Bắc, Việt Nam chịu ảnh hưởng rất lớn của các tư tưởng triết học Trung Hoa, trong đó có các quan điểm tích cực về “Đạo làm người”; đó là luôn nhấn mạnh tinh thần nhân văn, coi việc thực hành đạo đức là hoạt động thực tiễn căn bản nhất của một đời người.v.v…Chính vì vậy, vấn đề tu thân, học tập, rèn luyện đạo đức, nhân cách con người luôn được đặt lên hàng đầu trong việc xây dựng chính sách cai trị đất nước qua các triều đại phong kiến Việt Nam. Trong đó, việc nhấn mạnh vai trò của gia đình trong hình thành, nuôi dưỡng và phát triển nhân cách con người chiếm vị trí quan trọng. Ở đó, mỗi thành viên trong gia đình phải thực hiện những bổn phận như: Trong quan hệ cha con, luôn đề cao “lòng nhân từ” của cha mẹ, đề cao chữ “hiếu” của con cái. Trong quan hệ huynh đệ, anh em phải đoàn kết, yêu thương nhau. Trong quan hệ vợ chồng, người Việt lấy chữ “hòa” dạy người chồng, chữ “thuận” dạy người vợ(6). Trong các phẩm chất đó, chữ “hiếu” đặc biệt được đề cao và được coi là phẩm chất đứng đầu mọi đức hạnh. Ngoài ra, tính cộng đồng cũng là một đặc điểm nổi bật, có ý nghĩa bao trùm trong gia đình truyền thống người Việt, thể hiện ở sự tôn trọng các mối quan hệ bên trong của mỗi thành viên. Trong họ thì "Một giọt máu đào hơn ao nước lã", trong làng thì "Láng giềng tắt lửa tối đèn có nhau", với đất nước thì kiên cường đấu tranh chống giặc, bảo vệ quê hương. Chuẩn mực cao nhất của hạnh phúc gia đình nằm ở tình nghĩa, chứ không phải ở địa vị xã hội hay điều kiện vật chất. Có tình nghĩa, sự tôn trọng lẫn nhau mới là yếu tố quyết định nền nếp, gia phong của gia đình. Những nhà tư tưởng Việt Nam một mặt khuyên con người sống phải tu tâm, mặt khác đòi hỏi cái tâm ấy phải hoà đồng với cái tâm chung của thiên hạ:"Đạo làm quân vương phải lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình, phải lấy tấm lòng của thiên hạ làm tấm lòng của mình". Điều đó đã lý giải vì sao trải qua hàng ngàn năm dựng, giữ nước, đấu tranh chống giặc bảo vệ quê hương, chúng ta đã quy tụ được sức mạnh to lớn của cả dân tộc, để chiến đấu và chiến thắng mọi kẻ thù.  

Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ thiên tài của nhân dân Việt Nam, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; Người đã để lại cho đất nước ta một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về cách mạng Việt Nam, trong đó có quan điểm về “Đạo làm người”, quan điểm đó đã tỏa sáng đức hy sinh, sự nỗ lực bền bỉ hành động của Người vì hạnh phúc của nhân dân, vì độc lập, tự do cho dân tộc. Người nhấn mạnh vai trò của “Đạo làm người” với sự thành bại của cách mạng, đồng thời đã nâng khái niệm này lên nấc thang giá trị mới, là đạo đức cách mạng. Ở Người, yêu nước gắn liền với thương dân, nghĩa nước gắn chặt với tình dân, tình dân là cái gốc của nghĩa nước. Hồ Chí Minh đặc biệt chú trọng tinh thần tự tu thân với mỗi người, nhất là người cán bộ cách mạng. Đó là tự mình phải:"Cần kiệm. Hoà mà không tư. Cả quyết sửa lỗi mình. Cẩn thận mà không nhút nhát. Hay hỏi. Nhẫn nại (chịu khó). Hay nghiên cứu, xem xét. Vị công vong tư. Không hiếu danh, không kiêu ngạo. Nói thì phải làm. Giữ chủ nghĩa cho vững. Hy sinh. Ít lòng tham muốn về vật chất. Bí mật. Đối người phải: Với từng người thì khoan thứ. Với đoàn thể thì nghiêm. Có lòng bày vẽ cho người. Trực mà không táo bạo. Hay xem xét người. Làm việc phải: Xem xét hoàn cảnh kỹ càng. Quyết đoán. Dũng cảm. Phục tùng đoàn thể” (7). Người đã khái quát những đức tính cơ bản mà mỗi người cần phải tu dưỡng, rèn luyện là: “Nhân, Nghĩa, Trí, Dũng, Liêm” và khẳng định:“Đó là đạo đức cách mạng. Đạo đức đó không phải là đạo đức thủ cựu. Nó là đạo đức mới, đạo đức vĩ đại, nó không vì danh vọng của cá nhân, mà vì lợi ích chung của Đảng, của dân tộc, của loài người” (8). Mỗi cán bộ, đảng viên muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ Tổ quốc, nhân dân giao phó thì phải thường xuyên tu dưỡng đạo đức cách mạng, phải thống nhất giữa nói và làm, vì đó là sức mạnh để quy tụ và lãnh đạo quần chúng:“Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”(9). Với Người,“Đạo làm người” là suốt đời tu dưỡng đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân mà Người coi là “giặc nội xâm”; đó cũng chính là mục tiêu cốt lõi của “Đạo làm người”, của “Văn hóa làm người”. Hồ Chí Minh đã nâng đạo đức cách mạng lên thành thước đo văn minh, tiến bộ của dân tộc:“Một dân tộc biết cần, kiệm, biết liêm là dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh tiến bộ”(10). Người nhấn mạnh:“Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt. Muốn có một xã hội phát triển lành mạnh thì trước hết từng gia đình phải phát triển bền vững. Thông qua giáo dục gia đình, thế hệ trẻ được tiếp thu những tinh hoa văn hóa tốt đẹp, hình thành nhân cách, lối sống, ứng xử”(11). Trong suốt quá trình hoạt động của mình đến khi về cõi vĩnh hằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân sáng ngời của con người có đầy đủ những phẩm chất cách mạng cao quý đó. 

Có thể nói, “Đạo làm người” chính là nền tảng để xây dựng, hình thành nên con người có nhân cách, đạo đức hoàn thiện, là thành tố quan trọng nhất để tạo nên sức mạnh nội sinh quan trọng, đảm bảo sự ổn định, phát triển bền vững của dân tộc ta, đất nước ta dù trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn, hay bất kỳ thách thức nào. 

Ths.Nguyễn Đức Quỳnh
Tạp chí Nghiên cứu Phật học số 5 năm 2015
-
Tài liệu tham khảo: 
1,2. Nguyễn Thị Thọ, Quan niệm của Nho giáo về đạo làm người,  http://www.vanhoanghean.com.vn
3. Linh mục Đan Vinh, Đối thoại về Khoa học và đức tin, http://mucvugiaodan.org/bs/index.php?mod
4. Đặng Thị Lan, Các ảnh hưởng tích cực và tiêu cực của đạo đức tôn giáo ở Việt Nam, http://www.vanhoanghean.com.vn/chuyen-muc-goc-nhin-van-hoa/nhung-goc-nhin-van-hoa
5. Đạo làm người, http://www.phatgiaohoahao.net/tu-sach-phat-giao-hoa-hao
6. Nguyễn Thị Mỹ Linh, Phát huy giá trị truyền thống trong xây dựng gia đình văn hóa ở Việt Nam, Tạp chí Cộng sản online, số ra ngày 9/7/2014
7. Hồ Chí Minh, Đường Kách mệnh, tr.1
8. Sửa đổi lối làm việc, Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb.Chính trị QG, Hà Nội, 1995, t.5, tr.251-253
9. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, Nxb.Chính trị QG, Hà Nội.2002, tr.252-253
10. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.5; tr.642
11. Tư tưởng Hồ Chí Minh về gia đình và giáo dục gia đình,
 http://www.bqllang.gov.vn/index.php?option=com_content&view=article&id=1397
12. ĐCSVN, Xây dựng văn hóa, con người Việt Nam trong Nghị quyết TW9 (Khóa XI),
http://vhttdlkv3.gov.vn/Tu-lieu/Xay-dung-van-hoa-con-nguoi-Viet-Nam-trong-Nghi-quyet-Trung-uong-9-(Khoa-XI)
loading...