Kiến thức

Đạo Phật có phải là khoa học không?

Thứ hai, 13/08/2023 03:49

Trước khi trả lời câu hỏi này, tốt nhất chúng ta hãy tìm hiểu về định nghĩa của từ "khoa học".

Theo từ điển giải thích, "khoa học" là "kiến thức có thể được hình thành theo một hệ thống, cái tuỳ thuộc vào sự trắc nghiệm các dữ kiện và xác nhận được quy luật tự nhiên, một phần tùy thuộc vào những gì được nghiên cứu chính xác".

Tôn giáo tương lai sẽ là một tôn giáo toàn cầu, vượt lên trên mọi tính thần linh, giáo điều và thần học.

Tôn giáo tương lai sẽ là một tôn giáo toàn cầu, vượt lên trên mọi tính thần linh, giáo điều và thần học.

Trong Phật giáo, có nhiều phương diện không phù hợp với định nghĩa này. Nhưng giáo lý cốt lõi của Ðạo Phật, Tứ Diệu Ðế - Bốn Chân lý Vi diệu (Four Noble Truths) thì hẳn đã phù hợp. Chân lý thứ nhất, khổ đau là một kinh nghiệm và có thể xác định được. Chân lý thứ hai, chỉ rõ rằng đau khổ có nguyên nhân tự nhiên của tham ái mà nó có thể định nghĩa, trải qua và đo lường được. Không cần cố gắng giải thích khổ đau theo thuật ngữ, quan điểm siêu hình hay huyền hoặc. Chân lý thứ ba, chấm dứt khổ đau không nương nhờ vào thần linh tối cao, vào niềm tin hay cầu nguyện; mà đơn giản chỉ là loại bỏ nguyên nhân của khổ đau. Ðó là việc hiển nhiên. Chân lý thứ tư, con đường đưa đến sự chấm dứt khổ đau, một lần nữa cũng không có gì siêu hình mà tùy thuộc vào việc thực hiện theo phương pháp đặc biệt. Và hơn nữa là thái độ phải cởi mở để xét nghiệm.

Phật giáo không thừa nhận quan điểm về một đấng cao cả; mà giống như khoa học, Phật giáo giải thích nguồn gốc và sự vận hành của vũ trụ theo quy luật tự nhiên. Hẳn những điều này là chứng minh theo tinh thần khoa học. Một lần nữa, chúng ta lại thấy tinh thần khoa học trong Phật giáo càng rõ ràng hơn qua lời khuyên của Ðức Phật; rằng chúng ta không nên tin tưởng một cách mù quáng, mà ngược lại phải đặt vấn đề, tìm hiểu và thẩm tra, nhờ vào kinh nghiệm của chính mình rồi mới tin; có như thế, tính chất khoa học mới được rõ ràng. Ðức Phật dạy:

"Ðừng tin tưởng theo huyền bí hay truyền thống. Ðừng tin tưởng theo tin đồn đãi hay kinh điển, đừng tin tưởng theo lời đồn hay những gì hợp lý, đừng tin tưởng theo khuynh hướng của một ý niệm nào đó, hay do một ai đó có khả năng. Và đừng tin tưởng theo ý tưởng "vị ấy là thầy của ta". Nhưng khi chính các vị biết rằng điều ấy là tốt, không làm tổn hại ai, đó là sự sáng suốt đáng tán dương và khi thực hành và theo dõi rằng nó sẽ mang đến hạnh phúc, rồi hãy tin tưởng theo". (Tăng Chi Bộ Kinh, tập I, trang 188)

Vì thế, chúng ta có thể nói rằng, mặc dù Phật giáo không hoàn toàn khoa học, nhưng hẳn đã mang tính khoa học mạnh mẽ và có tính khoa học hơn các tôn giáo khác. Chính ông Albert Einstein (1879-1955), một nhà khoa học vĩ đại nhất của thế kỷ hai mươi đã nói về tính khoa học của Phật giáo như sau:

"Tôn giáo tương lai sẽ là một tôn giáo toàn cầu, vượt lên trên mọi tính thần linh, giáo điều và thần học. Tôn giáo ấy phải bao quát cả phương diện tự nhiên lẫn siêu nhiên, đặt trên căn bản của ý thức đạo lý, phát xuất từ kinh nghiệm tổng thể gồm mọi lĩnh vực trong cái nhất thể đầy đủ ý nghĩa. Phật giáo sẽ đáp ứng được các điều kiện đó. Và nếu có bất cứ một tôn giáo nào có thể đương đầu với những nhu cầu của nền khoa học hiện đại, thì đó là Phật giáo vậy."

(Trích từ "Hỏi Hay, Ðáp Ðúng (Good Question, Good Answer) - Bhikkhu Shravasti Dhammika, ÐĐ. Thích Nguyên Tạng dịch Việt)

loading...