Sách Phật giáo
Đạo Phật, nhìn từ nhu cầu xã hội
Thứ bảy, 23/02/2016 08:04
Xã hội hiện đại, đời sống vật chất và tinh thần của con người được nâng lên rõ rệt. Song không phải vì thế mà con người bớt được những nỗi khổ đau phiền muộn.
Biết bao gia đình dù dư thừa tiền tài, địa vị, danh vọng… mà vẫn đắm chìm trong đau khổ, dày vò về tinh thần bởi biết bao những bi kịch như: ghen tuông do vợ hoặc chồng thiếu chung thuỷ; đau đớn do con cái nghiện ngập, hư hỏng hoặc do bệnh tật hiểm nghèo giáng xuống... Những tai ách này không chỉ hiện hữu ở một tầng lớp hay một địa phương cá biệt nào, mà nó xuất hiện ở nhiều nơi, nhiều tầng lớp từ người giàu sang có địa vị đến người nghèo hèn…
Trước tình cảnh ấy, nhiều người bắt đầu thức tỉnh, họ thấy rằng cần phải tìm cho mình một lối thoát, một nơi nương tựa về tinh thần để tự giải phóng khỏi những khổ đau đó. Họ đã tìm đến các tôn giáo, các triết lý cổ xưa, trong đó có đạo Phật với hy vọng tìm được một bến đậu bình yên cho tâm tưởng. Nhưng tiếc thay số người tìm được đến với giáo lý đích thực của các bậc Thánh hiền và chuyên cần thực hành những lời dạy bảo ấy không nhiều. Nhiều người chẳng biết tin vào đâu, họ đành đặt niềm tin vào những người có hình tướng tu hành mà chưa hề biết rõ phẩm hạnh và đức độ cũng như đạo hạnh thực sự của người đó ra sao, nên họ bị dẫn dụ lầm lạc, phần lớn họ thường nặng vào những nghi thức: tụng niệm, lễ lạy, cầu xin, bố thí bằng cách cúng bái mà ít lo đến tu dưỡng thân tâm trong mọi cử chỉ, hành vi, ý nghĩ theo lời Phật dạy. Thậm chí có một số người mê mẩn chạy theo những mong muốn tưởng như chân chính của mình bằng cách đi hết đền nọ, chùa kia để lễ lạy, cầu phúc, cầu may làm hao tổn biết bao nhiêu tiền của, thời gian, sức lực, thậm chí quên cả bổn phận trong gia đình của mình gây không ít phiền muộn, tại họa cho gia đình, họ hàng và cho cả xã hội.
Trước thực trạng này, chúng ta cùng tìm hiểu một số điều trong giáo lý đạo Phật. Trước hết nói về Định luật nhân quả, mọi việc xảy ra với mỗi con người trên thế gian này đều tuân theo một định luật công bằng, bất di bất dịch của trời đất, vũ trụ, đó là “Định luật nhân quả”. Trong giáo lý của đạo Phật không hề có một lời dạy bảo nào rằng: muốn được phúc lành thì phật tử phải năng đi chùa để cầu cúng lễ lậy. Trái lại Phật đã dạy rõ khi còn tại thế “nếu ta có thể độ được người thay cho sự tự tu, tự độ của họ thì cả thế gian này đã hết đau khổ ngay từ khi ta thành đạo rồi, việc gì ta còn phải nhọc công suốt 49 năm đi khắp đó đây để nói ra các giáo pháp dạy người ta tu hành”.
Mà theo Phật giáo thì tu tức là tu sửa thân tâm mình bằng phương pháp thực hành những giáo lý của Phật đã chỉ dạy. Giáo lý nào cũng giống như một chiếc la bàn dùng cho người đi đường để khỏi lạc phương hướng.
Để hiểu một cách cơ bản về những giáo lý của Phật, bây giờ chúng ta hãy đi vào một số bài pháp mà đức Phật chỉ dạy.
1. Lời dạy của đức Phật về “Bát chính đạo”:
Con đường tu mà đức Phật chỉ ra này được gọi là trung đạo hay là “đường giữa”. Có nghĩa là nó không chạy theo dục lạc, cũng không chạy theo sự khổ hạnh thân xác. Ai ở điều kiện hoàn cảnh nào thì hãy sống phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của mình và tu ngay trong điều kiện hoàn cảnh đó. Nội dung của Bát chính đạo gồm có 8 nguyên lý giúp cho mọi người lấy đó mà tu thân như sau:
Ba nguyên lý thuộc về tu dưỡng hành vi đạo đức:
1. Nói đúng:
• Là không nói dối • Không nói xấu và vu khống
• Không nói những lời có thể gây căm ghét, hiềm khích, chia rẽ, bất hòa giữa các cá nhân hay các nhóm người.
• Không nói lời khắc nghiệt, thô bạo, vô lễ, ác ý hay lăng nhục người khác.
• Không nói ba hoa, vô ích, ngớ ngẩn.
Khi giữ để không phạm vào tất cả những hình thức nói sai lạc và có hại nên người ta phải nói sự thật, phải dùng những từ ngữ nhã nhặn, thân thiện, hảo ý, dễ chịu và hiền lành. Nói những từ ngữ có ý nghĩa và có ích cho mình, cho người, không bao giờ được nói cẩu thả. Phải nói đúng lúc và ở nơi thích hợp. Nếu chẳng có ích gì khi nói ra cả thì phải giữ sự “im lặng cao quý”.
2. Hành động đúng:
• Không phá hủy sự sống một cách vô ý thức do lòng ham muốn vị kỷ của mình.
• Không ăn cắp
• Không làm việc bất lương
• Không quan hệ tình dục bất chính
• Không uống rượu say cuồng.
Tóm lại phải tự mình sống và giúp người khác sống một cuộc sống ngay thẳng, yên lành.
3. Phương tiện kiếm sống đúng:
• Không kiếm sống bằng những nghề nghiệp có hại cho người khác như: buôn bán vũ khí, các chất độc, chất gây nghiện.
• Không kiếm sống bằng cách sát hại vô tội các sinh linh để phục vụ cho những nhu cầu ăn chơi xa hoa của một số người.
• Phải kiếm sống bằng những nghề chân chính phục vụ lợi ích của mình, của người nhưng không làm hại ai cả và phải giúp cho xã hội phát triển lành mạnh.
Ba nguyên lý về đạo đức này là nền móng của sự phát triển tinh thần và trí tuệ con người. Phật khẳng định rằng: “Không có một sự phát triển tinh thần nào có thể có được nếu không có cơ sở đạo đức này làm nền tảng”. Thiết nghĩ, tư tưởng đạo lý này vẫn sẽ tạo hiệu ứng tác động tích cực cho chúng ta trong bối cảnh xã hội hiện nay.
Ba nguyên lý tiếp theo là kỷ luật tu dưỡng rèn luyện tinh thần:
4. Nỗ lực đúng: Là có ý chí kiên quyết để:
• Ngăn chặn sự xuất hiện của những trạng thái tinh thần xấu như: ác ý, thù hận, bạo lực, kích động, uể oải, lười biếng, bạc nhược, tiêu cực… và đẩy lùi những trạng thái ấy đang có trong tinh thần của ta.
• Làm xuất hiện những trạng thái tinh thần lành mạnh chưa có trong ta và phát huy, hoàn thiện những trạng thái tinh thần lành mạnh đã có trong ta như: vui vẻ, thoải mái, phóng khoáng, hài hòa, hăng say, nhiệt tình, thanh thản thư thái…
5. Chú tâm đúng:
Là luôn luôn tỉnh táo và có ý thức về:
• Những hành vi và hoạt động của thân thể ta
• Những cảm xúc của ta như: khó chịu, dễ chịu, bình thường…
• Những trạng thái tinh thần của ta như: vui vẻ, buồn phiền, ham muốn, bị ảo ảnh lôi kéo…
• Những ý nghĩ quan niệm của ta về các sự vật.
Do chú tâm mà biết được để đưa tinh thần của ta luôn vào trạng thái lành mạnh, ngay thẳng, sớm thoát khỏi những lầm lẫn khi nó vừa xuất hiện.
6. Tập trung đúng: Gồm các vấn đề:
• Tập trung vào hơi thở là cách rèn luyện để thân thể khỏe mạnh và đầu óc có khả năng tập trung vào mọi công việc không bị phân tán.
• Tập trung vào các cảm giác, cảm xúc của ta xem nó xuất hiện như thế nào và biến mất đi như thế nào.
• Tập trung theo dõi các hoạt động tinh thần của ta, các ý nghĩ, tư tưởng của ta nó xuất hiện và mất đi như thế nào.
Tập trung đúng để đi đến hiểu biết đúng bản chất thực sự của chúng, giúp ta dần dần đẩy lùi những ham muốn đam mê không lành mạnh như: ác ý, kích động, hoài nghi, bạc nhược, dâm dục… Chỉ còn lại trong ta những hoạt động tinh thần lành mạnh trong mọi thời điểm.
Hai nguyên lý cuối cùng nhằm tu dưỡng để phát triển trí năng một cách toàn diện:
7. Hiểu đúng:
Là hiểu sự vật đúng với bản chất thực vốn có của nó bằng cách chuyên cần học hỏi và tu dưỡng theo các giáo lý để có cách cư xử đúng đắn trong cuộc sống ở mọi thời điểm, giúp mình giúp người thoát khỏi khổ đau và dẫn tới hạnh phúc.
8. Nghĩ đúng:
Là phải suy nghĩ những điều giúp ta thoát khỏi những ham muốn vị kỷ vốn là nguyên nhân gây đau khổ cho mình và cho người khác.
Suy nghĩ về tình yêu thương và sự đồng cảm với muôn loài để hoàn thiện cách sống của mình.
Suy nghĩ về những điều giúp ta nâng cao trí năng trong cuộc sống để giúp ta sống hợp với quy luật của tự nhiên, tránh được mọi khổ đau cho mình cho người.Trong thực tế toàn bộ sự thuyết giảng của Đức Phật, ngài đã giành tới 45/49 năm trong đời mình để bàn về lối đi giữa kể trên. Bằng cách này hay cách khác ngài giải thích nó theo những hình thức khác nhau và dùng những ngôn từ khác nhau tùy theo người nghe là ai, trạng thái phát triển tư tưởng và năng lực hiểu biết cũng như khả năng làm theo của họ ra sao mà nói cho thích hợp và có hiệu quả. Hàng nghìn lời giảng dạy có ghi rải rác trong các Kinh của Phật là nằm ở BÁT CHÍNH ĐẠO.
2. Chỉ dạy của đức Phật về bổn phận của những người cầm quyền
Nội dung chỉ dạy này gồm 10 vấn đề như sau:
1) Bổn phận đầu tiên là sự phóng khoáng: Không được tham lam và gắn chặt với của cải cùng sự sở hữu mà phải dùng những thứ đó vì phúc lợi của dân chúng.
2) Không tàn sát các sinh linh một cách bừa bãi, không chính đáng, không lừa đảo, trộm cắp, bóc lột người khác. Không phạm tà dâm, không nói những điều sai lạc, không uống rượu say.
3) Hy sinh vì hạnh phúc của dân chúng: người đó có thể sẵn sàng từ bỏ tiện nghi, tên tuổi, tiếng tăm, thậm chí cả cuộc sống của mình vì lợi ích của dân chúng.
4) Trung thực và liêm khiết: Người đó phải thoát được sự lo sợ, cũng như sự ưu đãi khi thực hành các bổn phận của mình. Phải thành thật trong các ý định và không đánh lừa dân chúng.
5) Nhã nhặn và lịch thiệp: Người đó phải có tính khí khoan hòa, khiêm tốn, dịu hiền.
6) Khắc khổ trong tập quán: người đó phải sống một cuộc sống giản dị, không xa hoa. Phải làm chủ được bản thân trong mọi tình huống.
7) Không thù ghét, không có ý muốn xấu mà phải gương mẫu trước quần chúng.
8) Không bạo lực, cố gắng làm cho hòa bình được giữ gìn. Tìm cách ngăn ngừa chiến tranh và mọi điều bao hàm bạo lực, sát sinh.
9) Kiên nhẫn, dung thứ, khoan hòa, thông cảm: Người đó phải chịu đựng được những thử thách khó khăn và những sự nhục mạ mà không nổi giận, không thù oán.
10) Không đối lập, không trù dập: Nghĩa là người đó không được đối lập với ý chí của dân chúng, không được cản trở bất cứ biện pháp nào cho lợi cho phúc lợi của dân chúng. Nói một cách khác là người đó phải hòa hợp với dân chúng.
Đánh giá trên tổng thể, những chỉ dạy của Đức Phật đối với người cầm quyền đang hành chức là rất thấm thía, mang giá trị phổ quát- trường tồn. Dù ở thời đoạn lịch sử nào, những người có chức quyền thực thi trách nhiệm chăm lo cho sinh mệnh muôn dân đều có thể soi vào lời dậy của Đức Phật mà tự suy ngẫm và điều chỉnh hành vi của mình sao cho thấu tình đạt lý trong quá trình quản lý , điều hành công việc.
3. Chỉ dạy của đức Phật đối với người bình dân
Có một người tên là Digharanu một hôm đến thăm Phật và nói với Ngài rằng: “Thưa thày chúng con là những kẻ trần tục, bình thường, sống cuộc sống gia đình với vợ và con cái. Vậy ngài có thể dạy bảo điều gì để chúng con đi tới hạnh phúc trên đời này và sau khi chết?”.
Phật trả lời anh ta rằng: Có 4 điều dẫn con người tới hạnh phúc trên đời này, đó là:
• Phải khéo nghề và làm việc có hiệu quả, chuyên cần và kiên nghị trong nghề nghiệp của mình dù đó là nghề gì. Phải có sự hiểu biết đầy đủ về công việc mình làm.
• Phải giữ gìn những thứ kiếm ra được bằng mồ hôi nước mắt của mình, không để bị mất mát hoặc phung phí.
• Phải có những bạn bè tốt có đạo đức, trung thành, có học vấn, phóng khoáng và thông minh. Những người giúp mình giữ được con đường ngay thẳng và tránh được những điều xấu xa.
• Phải chi tiêu một cách phải chăng tùy theo thu nhập của mình. Không quá nhiều, không quá ít, không hà tiện cũng không phung phí.
Sau đó Phật trình bày 4 đức hạnh dẫn con người đến hạnh phúc thực sự:
• Phải có lòng tin cậy vững chắc vào những giá trị đạo đức, tinh thần, trí tuệ.
• Phải tránh sát hại sinh linh một cách vô ý thức hoặc gây hại cho các sinh linh. Tránh trộm cắp, lừa đảo, tà dâm, nói dối, uống rượu say cuồng.
• Phải làm công việc từ thiện một cách hào hiệp, không ràng buộc vì lợi ích riêng của mình
• Phải phát huy trí năng là điều cốt lõi dẫn tới chỗ diệt trừ mọi đau khổ và mang lại hạnh phúc thật sự.
Qua những điều chúng ta vừa xem xét ở trên chứng tỏ những lời giảng dạy của đức Phật rất đỗi thiết thực với cuộc sống đời thường. Mọi người, mọi tầng lớp trong xã hội đều có thể tuân theo và thực hiện được, chứ không phải là những giáo lý thần bí, xa vời chỉ dành riêng cho những tăng ni xuất gia, những người nhàn rỗi, những ông già bà cả, hay những người muốn trốn chạy cuộc đời.
Giáo lý của Đạo Phật cũng không liên quan gì đến hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo như: thờ phụng, cầu cúng, lễ lạy…
Thực ra việc cầu cúng, lễ bái chẳng qua chỉ là những hoạt động theo phong tục tập quán do con người nghĩ ra để làm thỏa mãn phần nào lòng ham muốn tín ngưỡng tôn giáo và hy vọng nhờ đó giúp họ dần dần gần với Đạo. Các nghi lễ này thực sự không nằm trong những lời chỉ dạy của đức Phật. Những động thái mộ đạo thiên về vật chất thậm chí xem ra còn trái với tư tưởng ứng xử giầu tinh thần nhân văn- thanh khiết của đạo Phật. Đạo Phật tỏa sức mạnh thu phục nhân tâm ở sự thành tâm vô điều kiện.
Vì vậy, nếu ai đang nghĩ sai, thực hành sai giáo lý đạo Phật thì nên xem lại lịch sử những vương triều thịnh vượng nhất của nước ta như Triều Lý và Triều Trần. Triều Lý với hơn 200 năm dựng và giữ nước, gồm 9 đời vua trị vì thì cả 9 đời vua này đều tu theo đạo Phật. Trong đó có 4 vị ở 4 triều đại đầu từ Lý Thái Tổ đến Lý Nhân Tông đều là những vị thiền sư đắc đạo trong đạo Phật ở Việt Nam. Triều Trần với gần 200 năm trị vì là vương triều thịnh vượng, nhân dân no ấm yên bình, ba lần chiến thắng quân Nguyên Mông xâm lược…cũng được biết đến như một thời đại hoàng kim của đạo Phật thời Trung đại ở Việt Nam. Phần lớn các vị vua và các tướng tài trong Triều đại nhà Trần đều theo đạo Phật điển hình là các vị vua đắc đạo như: Trần Thái Tông - Tuệ Trung Thượng Sĩ và đặc biệt là vua Trần Nhân Tông chính là vị tổ sư của đạo Thiền (Trúc Lâm) Việt nam. Các ngài đã để lại không biết bao nhiêu Kinh sách để dạy các con cháu đời sau tu học.
Xã hội hiện đại (bên cạnh những ưu thế tích cực không thể phủ nhận) cũng có những hạn chế cố hữu và chính những bất cập khó hóa giải của nó đã tạo kẽ hở cho những tiêu cực xã hội sinh thành. Một số hiện tượng tinh thần và đạo đức suy giảm trong xã hội hiện đại đã khiến cho nhiều người muốn tìm đến một nơi nương tựa, một lối giải thoát… đó là nguyện vọng chính đáng của con người. Có lẽ đã đến lúc chúng ta nên xem xét cho thấu đáo các di sản tư tưởng của đạo Phật - nguồn di sản tinh thần vô giá của nhân loại, noi theo những lời chỉ dạy của tổ tiên, lấy đó làm ngọn đèn hướng đạo để thuận theo con đường chân chính của đạo lý, tránh những lầm lạc đáng tiếc…Hy vọng, các giáo lý về lẽ sống của đạo Phật sẽ là nguồn sáng hướng đạo, góp phần tạo nhịp sống cân bằng thánh thiện cho chúng ta trong một cuộc sống xã hội phồn tạp như hiện nay.
Ghi chú: Những giáo lý của Phật trong bài này được trích từ cuốn “Tìm hiểu nguyên lý Phật giáo nguyên thủy hay lời Phật dạy” do ông Lê Diên dịch từ nguyên bản tiếng Pháp của Giáo sỹ Ràhula. Giáo sỹ Ràhula là một người được đào tạo theo lối truyền thống, theo tất cả các quy tắc để thành một thầy tu Phật giáo ở Ceylan. Ông còn là một tú tài Mỹ thuật, một Tiến sỹ triết học. Ông vừa giảng dạy tại Học viện đào tạo tu sỹ chủ yếu Pirivêna, vừa giảng dạy tại Trường Đại học tổng hợp Ceylan. Sách này do Nhà xuất bản Văn hóa Cà Mau xuất bản năm 1994.
Nguyễn Thị Điệp/Tạp chí Nghiên cứu Phật học số 6/2015