Sách Phật giáo

Đạo Phật và Nhân quyền trong lịch sử Việt Nam (P.1)

Thứ hai, 17/08/2016 04:18

Một vài biến cố quốc tế gần đây đã nhắc nhở các học giả nên quan tâm nhiều hơn đến tôn giáo như một vấn đề nhân quyền. 

Một là, Hoa Kỳ đã thông qua Đạo luật Tự do Tín ngưỡng Quốc tế 1998 với sự bỏ phiếu nhất trí tại cả hai viện Quốc Hội, đưa tự do tín ngưỡng lên thành mối quan tâm hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ; bổ nhiệm một Đại sứ toàn quyền về Tự do tín ngưỡng quốc tế, yêu cầu Bộ Ngoại giao đệ nạp báo cáo thường niên về tự do tín ngưỡng toàn cầu và Tổng thống phải áp dụng các biện pháp “củ cà rốt và cây gậy” để khích lệ các quốc gia khác cam kết không được vi phạm tự do tín ngưỡng.

Hai là, trong vài năm gần đây, một số quốc gia Châu Âu đã cố gắng hạn chế những hệ phái hoặc nhóm cuồng tín tôn giáo mới xuất hiện. 

Ba là, loài người ngày càng quan tâm nhiều hơn đến cái gọi là "sự xung đột về văn minh" giữa những tôn giáo khác nhau, và bạo lực cùng sự ngược đãi nhân danh tôn giáo đã xảy ra, chẳng hạn sự đàn áp dã man đối với nữ quyền ở Afghanistan bởi phe Taliban nhân danh Hồi giáo, mà đã được tiết lộ khi Hoa Kỳ truy nã bọn khủng bố trong đất nước này sau những sự biến ngày 11-9-2001; hoặc là án tử hình cho người Hồi giáo nào muốn theo đạo Thiên Chúa, tại Afghanistan cả trong giai đoạn dân chủ hóa sau khi lật đổ chế độ Taliban, án tử hình này bị đe dọa áp dụng cho trường hợp Abdur Rahman và bị các lãnh đạo và báo chí Tây Phương phản đối.
 
Trong khung cảnh này, có nhiều cuộc thảo luận và các bài viết về cuộc xung đột lịch sử giữa tín đồ Hồi giáo và tín hữu Cơ Đốc giáo. Trong suốt lịch sử tám cuộc thập tự chinh kéo dài gần năm thế kỷ , từ năm 1095 – khi cuộc thập tự chinh thứ nhất được tuyên khai, cho đến năm 1578 – khi cuộc thập tự chinh cuối cùng được tiến hành để chống lại người Thổ Nhĩ Kỳ ở Morocco, nhân quyền đã bị vi phạm bởi cả hai bên. Chẳng hạn, trong cuộc thập tự chinh thứ nhất, do những hiệp sĩ sùng đạo cầm đầu, các đội quân Cơ Đốc giáo từ Pháp, Đức, Anh và những nước khác đã hành quân qua lãnh thổ nước Hungary ngày nay đến Constantinople, sau đó tiến về Thánh địa Jerusalem, nơi mà để nỗ lực giành lại mảnh đất thiêng này về tay người Cơ Đốc, họ đã gieo rắc biết bao điêu tàn, thảm sát. 

Về phía những người theo Đạo Hồi, mà ký ức của họ về các cuộc thánh chiến tàn bạo vẫn luôn sống động, phần thế giới bên ngoài không gian Hồi giáo được gọi là Thế giới của Chiến tranh – nơi sinh sống của những kẻ ngoại đạo (kafir), và nhiều người diễn dịch rằng danh từ “jihad” do Giáo chủ Mohammed truyền lại có nghĩa là “đấu tranh theo con đường của Thượng Đế” và cho rằng: trong cuộc đấu tranh vũ trang vì sự phát triển của khối Hồi giáo cho sự thống trị thế giới, những kẻ thù hàng đầu vẫn là những người Cơ Đốc giáo. Tuy nhiên, vì sự thất bại của người Thổ trong cuộc bao vây Vienna năm 1683, lực lượng Cơ Đốc Châu Âu buộc thế giới Hồi giáo phải chịu đựng những cuộc chiến bại tiếp nối nhau .

Vì lý thuyết cho rằng người Do Thái ngược đãi Jê-su và chịu trách nhiệm về cái chết của Jê-su, nhiều người Cơ Đốc Giáo đã ngược đãi người Do Thái qua hai ngàn năm lịch sử (thí dụ, Hoàng Đế Theodosius II ra sắc dụ truy tố việc truyền đạo của người Do Thái là một tội phạm tử hình), mà giai đọan chót là cuộc Tận Thiêu Diệt Dân tộc Do Thái (Holocaust) của Hitler mà Giáo Hoàng Pius XII không phát biểu một lời nói nào chống lại. Chỉ đến thời đại Giáo Hoàng John Paul II, thì Giáo Hội Công Giáo La Mã mới yêu cầu bổn đạo đừng có cố gắng vận động người Do Thái bỏ đạo theo Thiên Chúa Giáo và mới có một Tài Liệu 50 trang nhan đề “ Hồi Ức và Hòa Giải, Giáo Hội và Lỗi Lầm Quá khứ”, được Hồng Y Joseph Ratzinger (Giáo Hoàng tương lai) tuyên bố ngày 7 tháng ba năm 2000 và được dùng trong buổi Đại Lễ ngày 12 tháng 3 năm 2000 do Giáo Hoàng John Paul II chủ lễ, để kêu gọi hòa giải với người Do Thái và các tôn giáo khác và để xin Thượng Đế tha thứ cho những lỗi lầm quá khứ.

Ngay trong nội bộ Thiên Chúa Giáo, đã có nhiều cuộc chiến tranh đẫm máu giữa những người theo Công Giáo La Mã và những người theo Tin Lành, chẳng hạn như các cuộc chiến tranh khi nóng khi nguội giữa hai bên tại Ái Nhĩ Lan, kéo dài hai thế kỷ, nhưng đặc biệt ác liệt kể từ năm 1916 khi Đạo Quân Cộng Hòa Ái Nhĩ Lan (Irish Republican Army) được thành lập. Hiện nay, có một thí dụ khác về sự không bao dung giữa người Tin Lành và người theo Cơ Đốc Giáo Chính Thống bên Nga (Russian Orthodox), cũng gọi là Thiên Chúa Giáo Phía Đông (Eastern Christian): sau khi Liên Xô sụp đổ, vào thập niên 1990, Giáo Hội Chính Thống bên Nga và cả các giáo quyền Hồi Giáo tại 4 nước trong Cộng Đồng các quốc gia độc lập, như Uzbekistan và Kazakhstan muốn rằng nhà nước dùng quyền để dập tắt công cuộc truyền đạo của các người Tin Lành.

Trong nội bộ Hồi Giáo, trong suốt lịch sử của nó, đã có các cuộc chiến tranh giữa các hệ phái khác nhau, do các giáo phẩm khác nhau lãnh đạo, mà mỗi nhóm đều tự tuyên bố là hậu duệ chính đáng hay đích thực của Mohammed, giáo chủ thiết lập ra tôn giáo này. Sự thù nghịch giữa những người Sunnis và Shiites, và sự đàn áp của nhóm này chống lại nhóm kia, đã có từ lâu trong các quốc gia ở Trung Đông và ở ngay trong một quốc gia, thí dụ Iraq, và đã đưa đến các cuộc chiến tranh phe phái đẫm máu.

Khuynh hướng lịch sử này của lực lượng Cơ Đốc và Hồi giáo để dành độc quyền về quyền lực nhà nước và loại bỏ các đối thủ trong cuộc đấu tranh giành ưu thế tôn giáo thì tương phản với triết lý khoan dung và tôn trọng nhân quyền của người khác trong Phật giáo. Để minh hoạ nét đặc trưng này của đạo Phật và Phật giáo đồ, thật đáng bõ công để điểm duyệt lại tài liệu lịch sử sau đây về ảnh hưởng của đạo Phật đối với nhân quyền trong đất nước Việt Nam truyền thống. Công trình nghiên cứu này cung cấp những chứng cứ xác đáng, ghi nhận được trong truyền thống Phật giáo của một nước Á châu, rằng các chuẩn mực về nhân quyền là những giá trị toàn cầu căn bản được chấp nhận bởi loài người ở những nơi chốn và thời gian khác nhau. Giáo sư Đại học Tokyo Nakamura cho rằng: "Đạo Phật, với những quan niệm có sức lôi cuốn rộng rãi, đã và đang trở thành một tôn giáo của thế giới như Đạo Cơ Đốc và Đạo Hồi, đang vượt ra khỏi biên giới các quốc gia." (Tạp chí Oriental Studies, số 2/1989, trang 50 – 67).

Đặc biệt, công trình nghiên cứu này cũng giúp tạo cơ sở thuận lợi cho các cuộc đối thoại đáng được mong mỏi giữa các tôn giáo, nhất là đối thoại Phật Giáo – Thiên Chúa Giáo. Do nhãn quan nhân quyền của Phật giáo, bao gồm các ý niệm về tôn trọng cuộc sống (không sát sanh, không chiến tranh tôn giáo), về bình đẳng (tất cả mọi sinh vật đều bình đẳng và có Phật tánh) và về tự do tư tưởng (đa nguyên – phong phú về các vị Bồ Tát, về tình thương và về sự tôn trọng tha nhân), ta có thể thấy triển vọng lạc quan về sự đối thoại giữa những tín đồ Phật giáo Việt Nam với những tín hữu Cơ Đốc Việt Nam. Các tín đồ Cơ Đốc Việt Nam đã lien hoan vào tháng 6/1988, với việc Đức Giáo Hoàng phong thánh cho 117 tín hữu đã bỏ mình vì đạo trong thời gian trước thế kỷ 20 tại Việt Nam. 

Có một điều quan trọng là cần minh định quan điểm của Phật giáo đồ về hoà bình, bác ái và tự do tôn giáo, để quy trách cho trúng những người liên can trong những cuộc ngược đãi đã qua đối với Thiên Chúa giáo tại Việt Nam. Có lẽ phải cần đến trọn một bài báo hoặc một chương sách (1) và hơn nữa, các chi tiết về cuộc đời của những thánh tử đạo gây tranh cãi trong số 117 nhân vật này, ngõ hầu đi đến một sự xác quyết công bằng rõ rệt về điểm mà Chính quyền Cộng sản Việt Nam đã nêu ra, là liệu có một số trong những người tử vì đạo này là tay sai của thực dân Pháp hay không. Nhưng đó không phải là mục đích của chúng tôi. 

Điều mà chúng tôi muốn thực hiện ở đây là giải quyết một khiá cạnh của sự ngược đãi đó, nó là quan trọng cho việc đối thoại giữa Phật giáo và Thiên Chúa giáo Việt Nam: Phật giáo đồ có làm điều gì không phải trong sự đàn áp Thiên Chúa giáo tại Việt Nam thời trước? Công trình nghiên cứu được trình bày hôm nay sẽ làm rõ rằng Phật giáo đồ Việt Nam, với triết lý khoan dung và lòng tôn trọng nhân quyền của mình, là hoàn toàn không thể bị quy trách và chỉ có tư cách là những người ngoài cuộc trong việc đàn áp Thiên Chúa giáo dưới các triều đại Lê, Nguyễn. Nếu sự kết luận công bằng này có thể bắc một nhịp cầu thông cảm cho sự đối thoại Phật – Chúa giữa những người Việt Nam, đặc biệt là những người Việt ly hương mà cần phải đoàn kết để vượt qua khó khăn khi sinh tồn rải rác khắp thế giới như những cộng đồng thiểu số giữa những dân tộc khác, và nhờ vậy vượt thắng được nỗi đơn độc cá nhân và khủng hoảng về thế đứng tập thể, thì đây là một phần thưởng đáng khích lệ đối với tác giả.

Câu chuyện về ảnh hưởng của Phật giáo Việt Nam đối với chính sách nhân quyền của nhà cầm quyền thì hết sức có giá trị làm sáng tỏ, bởi vì đây là một trong số ít trường hợp khi mà người Phật giáo trực tiếp tác động lên đường lối, chính sách của Nhà nước và trực tiếp gây dựng,đóng góp vào chính sách nhân quyền của chính quyền. Sau cùng, nếu đây là một bằng chứng rõ rệt cho thấy rằng một tôn giáo có thể gây ảnh hưởng đến chính sách nhân quyền của Nhà nước thì chúng ta có thể cho rằng những sự kiện này chứng minh mạnh mẽ rằng lý thuyết duy vật lịch sử của Mác-xít – ở đây hàm nghĩa hạ tầng cơ sở của một xã hội quyết định kiến trúc thượng tầng của nó – là sai.

Khi nói về nhân quyền, nhiều người Tây phương lập tức nói tới các quyền hiến định trong những quốc gia Tây phương, được công nhận là có tính cưỡng chế theo hiến pháp và do đó có thể được gọi một cách đúng đắn là "các quyền". Hơn hai phần ba những hiến pháp thì được ban hành từ Thế chiến II, và phần lớn tác giả của chúng là “những nhà soạn chép hiến pháp”… Các kiểu mẫu chính về nội dung và văn thức của các hiến chương nhân quyền chủ yếu là: Hiến Chương Anh quốc về Các Quyền (1689), Tuyên ngôn Pháp quốc về các Quyền của Con người và Công dân (1789), và Hiến Chương Mỹ quốc về các Quyền (mười Sửa đổi hay Tu Chính Hiến Pháp đầu tiên, 1791).(2) . 

Ta thử đặt câu hỏi: có phải nhân quyền là sản phẩm của nền văn minh Tây phương, còn đối với các nước châu Á truyền thống – mà Việt Nam là một trong số đó – chỉ có cái mà một số học giả gọi là “sự chuyên chế Đông phương”? (3).

Trong quyển sách của chúng tôi, Truyền thống Việt Nam về Nhân quyền (The Vietnamese Tradition of Human Rights) (Viện Đông Á Học/Đại học California/Berkeley-1988), chúng tôi thấy bằng chứng lịch sử đưa đến kết luận rằng những quy chuẩn và những thực hành pháp luật của nước Việt Nam truyền thống đã theo sát nhiều trong số các chuẩn mực quốc tế ngày nay và thậm chí còn vượt trội trong lĩnh vực những quyền về kinh tế và xã hội (có thể đòi thi hành được). 

Những độc giả quan tâm đến toàn thể đề tài này có thể đọc tổng luận này về lịch sử ngàn năm nhân quyền tại Việt Nam. Trong bài chuyên khảo nhỏ hơn này, chúng tôi chỉ tập trung vào ảnh hưởng của Phật giáo đối với chính sách nhân quyền của nhà nước trong đất nước Việt Nam truyền thống.

Khi đề cập đến đạo Phật trong thời Việt Nam quân chủ phong kiến, các sử gia thường nhắc đến các đời nhà Lý (1010-1225) và nhà Trần (1225-1400), mà trong các triều đại đó đạo Phật rất phát triển. Trong đời nhà Lê (1428-1788), ảnh hưởng của Phật giáo suy yếu dần do việc chủ thuyết Tân Tống Nho đã trở thành hệ tư tưởng thống soái của những quan lại cầm quyền, của các vua Lê (nhất là Thánh Tông), chúa Trịnh và chúa Nguyễn. Trong đời nhà Nguyễn (từ 1802 cho đến cuộc chinh phục của người Pháp vào cuối thế kỷ 19), vua Gia Long và đặc biệt là vua Minh Mạng đã áp dụng trung thành không những các chế định cai trị của triều đại Mãn Thanh (Trung Hoa) mà còn áp dụng bộ luật Đaị Thanh Luật Lệ của họ (chỉ thêm vài điều khoản). 

Các quy tắc Khổng giáo (Nho giáo) đã thắng thế các nguyên lý Phật giáo. Sự thống trị của Khổng giáo trong những thế kỷ này đã tạo ra một hệ quả gián tiếp về tự do tín ngưỡng đối với Thiên Chúa giáo, như được đề cập ngắn gọn sau đây, trong một giai đoạn mà Phật giáo không còn tạo được ảnh hưởng nào đối với nhà cầm quyền. Vì thế, khi bàn về ảnh hưởng của Phật giáo đối với chính sách nhân quyền của nhà nước trong lịch sử Việt Nam, chúng ta phải tập trung vào đời Lý và đời Trần, khi Phật giáo có vai trò và do đó có trách nhiệm đối với chính sách của nhà cầm quyền, để nhận ra mối quan hệ nhân quả giữa đạo Phật và nhân quyền; bất cứ sự bàn thêm nào về đời Lê và đời Nguyễn – khi Phật giáo không còn gây được ảnh hưởng đối với chính quyền – sẽ chỉ được xem như những trường hợp phản biện hoặc “dữ liệu kiểm chứng lại” để xác minh các chứng cứ trong giai đoạn chính được nghiên cứu (trước năm 1400) – theo phương pháp nghiên cứu khoa học xã hội tiêu chuẩn.

Vai trò Chính trị và Ý Thức hệ của Đạo Phật trong nước Việt truyền thống, từ thuở Sơ khai đến cuối đời Trần (1400)

Đạo Phật bắt đầu có ảnh hưởng tại Việt Nam kể từ thời kỳ Trung Hoa đô hộ (111 TCN – 939 Sau CN). Trung Hoa đã áp dụng chính sách đồng hoá văn hoá đối với đại chúng và đồng thời ngăn cản việc học lên cao từ sách chữ Hán ( mà có thể là một kênh giúp thăng tiến trong xã hội ). Thực tiễn này đã gián tiếp tạo nên vai trò quan trọng cho các nhà sư Phật giáo, họ vốn tinh thông chữ Hán nhất trong xã hội(để nghiên cứu kinh sách), cũng như tạo ra ảnh hưởng của đạo Phật tại Việt Nam từ những thuở ban đầu. Khi giành lại độc lập, ba triều đại – Ngô (939 – 967), Đinh (968 – 980), và Tiền Lê (980 – 1009) – đã nối tiếp nhau nhanh chóng. 

Bởi vì những người chấp chính vốn là “con nhà võ” đang bận bịu củng cố quyền lực còn non yếu, nên họ cậy nhờ đến những tỷ kheo Phật giáo uyên thâm này, cả về công vụ đối nội cũng như về quan hệ ngoại giao với Trung Hoa. Họ sử dụng kiến thức của các nhà sư mà không phải âu lo về lý thuyết trung thành kiểu Khổng giáo đối với một vị vương (trung thần bất sự nhị quân) khi phụng sự một triều đại mới kế nghiệp vị vương đó. Sư Ngô Chân Lưu, hậu duệ nhà Ngô, đã phụng sự vua Đinh Tiên Hoàng – người đã bổ nhiệm sư làm Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo và ban tặng tước hiệu Khuông Việt Đại Sư (cao tăng giúp việc trị vì nước Việt). Trong thời gian tại vị, vua Đinh Tiên Hoàng cũng đã ban hành quy định về các hang tăng phẩm, các tăng này được xem là triều thần. 

Sau khi Lê Hoàn tiếm quyền từ người kế vị vua Đinh Tiên Hoàng và trở thành vua Lê Đại Hành, tất cả công việc triều chính được xử lý bởi sư Khuông Việt. Vị cao tăng này đã cùng sư Lạc Thuận phụ giúp nhà Vua trong việc tiếp nhận sứ thần Trung Hoa (4). Sư Vạn Hạnh đã được vua Lê Đại Hành tham vấn về chính sự trong các chiến dịch phá Tống bình Chiêm. Vị sư này khi chứng kiến điềm gỡ nơi một cây lớn bị sét đánh đã tiên đoán rằng nhà vua tham sắc Lê Ngoạ Triều sẽ là vị vua cuối cùng của triều đại Tiền Lê và đã khuyên Lý Công Uẩn chiếm ngai vàng (5) .

Lý Công Uẩn, tứ sau này là vua Lý Thái Tổ (thứ nhất) của triều đại nhà Lý, là một trẻ ngoại hôn, làm con nuôi cho sư Khánh Vân. Như vậy là đời nhà Lý (1010 – 1225) theo cơ duyên đã gắn kết với đạo Phật ngay tự ban đầu. Mặc dầu vai trò chính trị của các cao tăng không còn thống soái như trước đó, ảnh hưởng của họ vẫn còn rất mạnh, và Phật giáo đã có được sự tự do và hỗ trợ rộng rãi nhất như từng được biết trong lịch sử Việt Nam thời cổ. Được học tập nhiều hơn những vua triều trước, các vua nhà Lý ngưỡng mộ đạo Phật theo một phong cách mẫn tuệ hơn.

Trong suốt triều đại này, quyền lực nằm trong tay hoàng tộc, một số hoàng tử có quân túc vệ riêng. Triều đình được tổ chức theo kiểu Trung Hoa, cũng có nhiều Nho sĩ hơn. Năm 1070, vua Lý Thánh Tông cho xây dựng Văn Miếu, nơi Vua gởi hoàng thái tử đến học tập và cũng là nơi lưu giữ những kinh điển Khổng giáo. Nhà vua cũng cho tạc tượng Chu Công, Khổng tử và bảy mươi hai vị thánh hiền. Năm 1075, vua Lý Nhân Tông tổ chức khoa thi tam trường để tuyển dụng Nho sĩ ra làm quan. Kỳ thi này đã khởi sự cho hệ thống khảo hạch Nho học tại Việt Nam. Năm 1076, nhà vua lập ra Quốc Tử Giám. Với vai trò ngày càng lớn mạnh của Nho giáo, các nhà sư đã không còn giữ một địa vị ưu thắng về chính trị như trước nữa.

Tuy nhiên, trong tinh thần “tam giáo đồng nguyên”: Nho, Phật, Lão ( Đạo giáo), các nhà sư danh tiếng vẫn giữ được ảnh hưởng rộng lớn của họ và ảnh hưởng Phật giáo này đã thấm nhuần trong chính sách và thực tiễn ( và luật) về nhân quyền của triều đình với tinh thần từ bi và bác ái, như sẽ được nêu ra sau đây. Các tỳ kheo này thực thi ảnh hưởng của mình theo ba cách. Một là, nhiều người trong số này là con/cháu của các vua/hoàng hậu, hoặc các quan to, và do đó, vẫn có – một cách gián tiếp, riêng tư – ảnh hưởng đối với các vua và triều thần. Sư Mãn Giác là con trai Lý Hoài Tố; ni sư Diệu Nhân là con nuôi vua Lý Thánh Tông; sư Viên Chiếu là cháu của hoàng hậu Linh Nhân. Hai là, họ luôn được tôn kính như những lãnh đạo tôn giáo bởi các vua và hoàng hậu/ hoàng thái hậu – những người thường hay mời họ trụ trì đền, chùa ở kinh đô và thuyết pháp trong các cung điện. Sư Huệ Sinh và sư Viên Chiếu đã được vua Lý Thái Tổ vời vào cung. 

Vua Lý Nhân Tông và mẹ - Hoàng hậu Linh Nhân, là những người mộ đạo và thường thỉnh các nhà sư danh tiếng đến đàm đạo về các vấn đề tôn giáo. Nhiều vị tỳ kheo rất được kính trọng bởi vua Nhân Tông và các vua nhà Lý khác, trong số đó có: Thông Biên, Mãn Giác, Chân Không, Giác Hải và Không Lộ (6) . Ba là, nhiều vị vua cũng tự mình xuất gia sau khi về hưu: Thánh Tông (sáng lập tông phái Thảo Đường), Anh Tông, Cao Tông và Huệ Tông. Các vị thái thượng hoàng (vua đã về hưu) , mà đã là tăng sĩ, vẫn có nhiều uy lực đối với các vua đang trị vì, do đó ảnh hưởng của Phật giáo đối với triều đình rất mạnh mẽ. 

Dưới đời Trần (1225 – 1400), ảnh hưởng của Phật giáo đối với triều đình đã giảm sút so với dưới đời Lý. Trong một nỗ lực nhằm duy trì sự cố kết trong họ tộc Trần, hoàng thân quốc thích đã được trao cho nhiều vai trò quan trọng trong việc trị quốc hơn là như dưới đời Lý: họ nắm giữ các chức tước quan trọng trong quân đội và dân sự, được ban tặng điền thổ để đánh thuế và thu tô, và các hoàng tử có quân túc vệ riêng (họ đánh đuổi quân xâm lăng Nguyên). Các quan lại (những nhà hành chính chuyên nghiệp) được tuyển dụng thông qua các cuộc thi tuyển công chức ( được phát triển hơn dưới đời Trần so với đời Lý), bổ nhiệm vào các chức vụ xuống tới cấp làng. Như vậy, tất nhiên là ảnh hưởng của Phật giáo đã sụt giảm. Đến gần cuối triều đại, năm 1396, vua Trần Thuận Tông đã thực thi một biện pháp tương tự như trong một đạo luật của nhà Minh- Trung Hoa; các tu sĩ Phật giáo và Đạo giáo dưới 50 tuổi phải hoàn tục. Hàng Nho sĩ công khai tấn kích vào ảnh hưởng của Phật giáo trong các chính sách của triều đình.

Tuy nhiên, đạo Phật vẫn còn tạo được một ảnh hưởng lớn trong tín ngưỡng và hành xử của các vua. Nhà Trần tiếp tục hệ tư tưởng chính thức “Tam Giáo Đồng Nguyên” và nếu Nho giáo là một triết lý xã hội chi phối tổ chức nhà nước và các mối quan hệ xã hội thì đạo Phật được công nhận như là tôn giáo của mọi người, vua quan cũng như thần dân.

Trong phần dẫn nhập cuốn Thiền Tông Chỉ Nam của mình, vua Trần Thái Tông đã kể lại câu chuyện ông rời bỏ ngai vàng lên chùa Yên Tử để tìm kiếm một vị thiền sư và rồi phải trở lại kinh đô chỉ vì lời dọa của Thái Sư Trần Thủ Độ là sẽ chuyển toàn bộ triều đình lên chùa này. Người viết rằng: “Từ thuở niên thiếu khi bắt đầu hiểu biết, trẫm đã hấp thụ những lời dạy của các vị Thiền sư. Trẫm đã học hỏi và nghiền ngẫm về Phật Thiền. Lòng Trẫm đã khao khát theo một vị thầy và nguyện trung thành với Đạo”.

Về sau, khi đã trở thành thái thượng hoàng, Thái Tông đã xuất gia đầu Phật, tạo nên một tiền lệ cho các vua kế vị noi theo. Phần lớn các vua nhà Trần là phật tử thuần thành, thích đàm đạo với các tăng sĩ, và xuất gia khi về hưu và trở thành thái thượng hoàng: Thánh Tông, Nhân Tông, Anh Tông, Minh Tông. Một tình trạng có thể tiếp diễn trong đó một vị vua ủng hộ Phật giáo trong khi vua cha- đã về hưu và trở thành thái thượng hoàng- chu du trong thiên hạ quảng bá đạo Phật. Quả là một hoàn cảnh càng dẫn đến sự duy trì mạnh mẽ sự hiện diện của Phật giáo. Khi thái thượng hoàng Nhân Tông lai kinh năm 1304 với tư cách là chưởng môn của Phật phái Trúc Lâm, vua Anh Tông và toàn thể triều đình đã ra nghênh đón, nhà vua xin thọ giáo tỷ kheo và tất cả triều thần đã đồng thanh thọ nguyện (7).

Cho dù Phật giáo đã rõ ràng tạo dựng được một sự thống trị tinh thần lớn lao đối với các triều đại Lý và Trần, khi điểm lại những công việc thế tục (đời thường) đã được hành xử bởi những quan chức Nho sĩ, mà một số trong họ- như sẽ nêu ra dưới đây- đã cố gắng làm giảm vai trò của Phật giáo, thì chúng tôi vẫn phải xác định vấn đề khảo cứu cốt lõi một cách thật chính xác là: Phật giáo đã có ảnh hưởng gì đối với các chính sách về nhân quyền của các triều đình?

Luật sư Tạ Văn Tài, Tiến sĩ Chính trị học và Thạc sĩ Luật học
Nguyên Giảng sư Harvard Law School.
Còn nữa... 
loading...