Đạo Phật và những giá trị phổ quát, luôn đồng hành cùng dân tộc

Chủ nhật, 11/04/2023 03:28

Trong dòng chảy đời sống văn hóa, đạo Phật là hiện thân của chân lý nhân sinh, có những giá trị phổ quát và luôn đồng hành cùng dân tộc.

Để góp phần làm sáng tỏ những nội dung ấy, bài viết này xin chia sẻ như lá thư của người cha gửi con gái tôi (hiện sinh sống và lập nghiệp ở Hà Nội), qua đó thể hiện những cảm nhận xao động trái tim và sự ngưỡng vọng đạo Phật bằng tri kiến của mình.

Có lẽ điều đầu tiên con muốn hỏi cha những tri thức về đạo Phật. Con gái thương mến. Đạo Phật có lịch sử hơn 2.500 năm trước, là một tôn giáo lớn (ở nước ta, thứ hai sau Công giáo, hiện có hàng triệu tín đồ), có ảnh hưởng lớn với đời sống tinh thần của nhân loại nói chung và nước ta nói riêng. Và từ hàng nghìn năm trước đã du nhập vào nước ta. Vậy điều gì đã làm nên giá trị có tính phổ quát, vĩnh hằng của đạo Phật? Bởi chăng nó vốn có những đặc tính căn bản: nhân bản (con người là trung tâm điểm của Phật giáo - vũ trụ, có trí tuệ, tiềm năng phi thường…), bình đẳng, từ bi và vô ngã (tất cả sự vật vẫn luôn biến đổi, chuyển động một cách vi tế theo quy luật; thành – trụ - hoại – không…). Đó cũng là những cặp phạm trù siêu lượng (của Phật pháp qua kinh sách - di sản đồ sộ); nhưng cũng xin đề cập vài cảm nhận về các cặp phạm trù: sự tương hợp giữa Phật pháp - khoa học và luật nhân – quả. 

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Con có hiểu về sự tương hợp huyền diệu giữa Phật pháp và khoa học? Điều muốn nói trước hết, Phật giáo là một tôn giáo của biện chứng và khoa học. Và khác biệt với nhiều tôn giáo. Bởi “Phật giáo không những không giống như lý luận của các tôn giáo khác không chịu nổi với sự khảo nghiệm của khoa học mà phải phá sản, ngược lại, những phát hiện của khoa học đã trở thành chú giải có sức mạnh của Phật pháp, chứng thực vĩ đại và tính chính xác của Phật pháp” (Phật phâp tại thời đại nguyên tử - La Vô Hư cư sỹ, trong cuốn Phật pháp và khoa học do Nguyễn Trọng Tường dịch, 2013). Đó là “đạo” của bậc tuệ giác – Phật Thích Ca Mâu Ni, Người có trí tuệ siêu phàm, nhìn thấu “trời xanh”. Mặt khác, giữa Phật pháp và khoa học có điểm tương đồng, khi “…khoa học nguyên tử với Phật pháp nhìn từ bên ngoài, tựa hồ là hai chuyện khác nhau (…). Bắn phá các trạng thái năng lượng cực kỳ đậm đặc này, ở trong khoa học gọi là “nguyên tử”, ở trong Phật pháp gọi là “Ta”. Còn nữa, phương hướng của họ là như nhau – là hướng nội…” (Nguyên tử và vô ngã – La Vô cư sỹ, sách đã dẫn - sdd). Tựu trung, sự tương đồng giữa đạo Phật và khoa học là từ lý thuyết đến thực tiễn – biện chứng, mà không phải chỉ bằng thuyết pháp, lý luận suông như hầu hết các tôn giáo khác…

Cũng chính điều ấy là cơ sở của niềm tin và tình yêu của bố với Đạo Phật. Bố con (một người ngoại đạo – không theo tôn giáo nào), khi tìm hiểu về đạo Phật đã ngưỡng vọng và tin yêu giáo pháp của Đức Phật. Đó là một niềm tin sâu sắc và tình cảm tự nhiên. Bởi có cơ sở lý luận - thực tiễn và khoa học chứng nghiệm; khác hoàn toàn với niềm tin mù quáng, thậm chí là hoang tưởng, cuồng tín như tin vào Chúa trời hay bậc siêu nhiên nào có thể tạo tác cả thế gian, định đoạt vận mệnh cuộc đời. 

Con hiểu những gì về luật nhân - quả như nội hàm cơ bản của Phật pháp? Để hiểu hơn điều ấy, trước hết, ta hiểu rằng, nhân – quả là quy luật tự nhiên vốn có của vũ trụ nhân sinh mà Đức Phật là người đầu tiên tri ngộ và thuyết pháp. Cùng với thuyết nhân duyên hòa hợp là “nguồn gốc” của tất cả sự vật, hết thảy đều sinh ra từ hư không, tự tính. Nó tồn tại, hiển thị vĩnh hằng trong vũ trụ nhân sinh, không chịu tác động chi phối bởi bất kỳ cá nhân hay tôn giáo nào. Chính Đức Thế Tôn cũng nói “Thiên đường, Địa ngục, Nhân gian, Ngạ Quỷ, Súc sinh đều do tâm tạo, hết thảy thiện ác tội phúc đều là do chúng sinh tự làm tự chịu không phải là Thượng Đế có thể thưởng phạt” (Báo cáo nghiên cứu Kinh Phật của một nhà khoa học – Cửu Trí Biểu cư sỹ, sdd). Nói một cách khác, luật nhân – quả chi phối, tác động lên toàn bộ sự vật sự việc mà cái “tâm” (những nhân duyên, tình cảm, hành vi, thái độ, tư tưởng) là hạt nhân, là “nguồn sống” của mọi sự vật…

Chắc con sẽ hỏi cha bằng chứng nào minh chứng cho “sự thật” của luật nhân – quả. Thực tiễn từ xưa nay là câu trả lời thuyết phục nhất, con gái ạ! Nếu con cố tìm hiểu cuộc sống, nhất là những trường hợp tiêu biểu (theo cả sự tốt và xấu) thì hẳn sẽ rõ. Cha có một minh chứng đây. Con thấy là trong làng xã ta, từ xưa nay, gia tộc nào mà ông bà cha mẹ ăn ở thất đức, bội bạc (địa chủ, kẻ sát nhân) thì anh em con cháu họ từng có người gặp tai ương, nghiệp báo (họa chết người, bệnh tật nặng…). Và trái lại, nhận phúc phần… Mà diều ấy lại cứ diễn ra tự nhiên nên khiến người ta cảm thấy bình thường. Nhưng đó cũng là sự vô thường của cuộc sống theo quan niệm, nhân sinh quan Phật giáo…                   

Con gái thương mến! Với đạo Phật còn một điều đáng nói, đáng ngợi ca nữa. Đó là từ hàng nghìn năm nay vẫn luôn đồng hành cùng dân tộc. Điều ấy được khái quát trong những câu thơ đẹp của thi sĩ Hồ DZếnh: “Trang sử Phật – Đồng thời là trang sử Việt – Trải bao độ hưng suy – Có nguy mà chẳng mất”. Lịch sử dân tộc ta là ngàn năm tranh đấu kiên cường, bất khuất, bi tráng. Mà phẩm giá con người Việt Nam vẫn ngời ngời sông núi. Đó là phẩm chất và tính cách của một dân tộc yêu chuộng hòa bình, trọng đạo lý, nhân ái, khẳng khái; những con - người - ánh - sáng “…Lưng đeo gươm, tay mềm mại bút hoa…” (Huy Cận). Điều ấy cũng tương đồng, hợp nhuận với tư tưởng từ bi vị tha, nhân bản, vô ngã của đạo Phật. 

Chính lẽ đó, đạo Phật đã sớm hòa nhập vào cộng đồng người Việt. Và trong suốt hàng ngàn năm lịch sử vẫn luôn “sống” trong lòng dân tộc! Mà câu thơ “Mái chùa che chở hồn dân tộc” đã nói lên bao điều cao đẹp. Từ thời phong kiến, nhiều triều đại đã coi Phật giáo là quốc giáo như truyền thống “hộ quốc an dân, đồng hành cùng dân tộc”. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Phật giáo không đứng ngoài cuộc. Đáng kể, năm 1947, Hòa thượng Thích Thế Long đã làm lễ “cởi áo cà sa khoác chiến bào” cho 27 vị tu sĩ tham gia kháng chiến chống Pháp. Từ năm 1981, Giáo hội Phật giáo Việt Nam (thống nhât) đã được thành lập, trở thành “Ngôi nhà chung” của hàng triệu tín đồ. Với phương châm Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội, trong sự nghiệp xây dựng CNXH và công cuộc đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, Phật giáo đã có những đóng góp to lớn, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam “…tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Một trong những hoạt động thiện nguyện đáng kể là sự đồng lòng, chung sức trong việc hỗ trợ đồng bào vùng thiên tai, dịch bệnh hàng năm, nhất là đại dịch Covid -19 những năm qua… Có thể nói, đồng hành cùng dân tộc là bản sắc của Phật giáo Việt Nam. Điều đáng nói, đáng tự hào, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã được Liên hợp quốc trao quyền đăng cai tổ chức VeSak vào các năm 2008, 2014 và 2019 như một sự tín nhiệm cao của một tổ chức cao nhất thế giới.

Với cả tấm lòng và kiến thức của mình, qua đây cha những mong sao con có thêm sự an lạc, niềm tin vào Phật pháp và vơi bớt tham, sân, si…

*Ghi chú (nội dung thông tin ngoài bài viết): Tôi từng sinh sống, sinh hoạt VHNT và công tác ở Đắk Lắk mấy chục năm, rồi khi nghỉ hưu thì chuyển hẳn về quê hương bản quán ở TX Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh. Cách đây mấy năm, tôi có bài: Luận bàn đôi điều về Phật pháp và khoa học đáng ở vài tờ báo, tạp chí ở địa phương và TW. Bài viết trên cơ sở tìm hiểu về đạo Phật và Phật pháp, qua những cuốn sách viết về đạo Phật, nhất là cuốn Phật pháp và khoa học, 2013 do Nguyễn Trọng Tường dịch từ tiếng Trung. Đây là cuốn sách (lưu hành nội bộ, gần 400 trang) của nhiều tác giả là những nhà khoa học và những người chuyên nghiên cứu về đạo Phật. Có nhiều thông tin thiết thực, bổ ích, thú vị với tôi. Còn tác giả Nguyễn Trọng Tường hiện sống cùng gia đình ở TP Đà Nẵng, là một gia đình Phật tử, ăn chay trường và anh tự học tiếng Trung qua một người Hoa là ân nhân đã cưu mang anh trong những ngày khốn khó trước đây.

*Bài viết được gửi từ tác giả Nguyễn Trọng Đồng; địa chỉ: đường Trường Chinh, TDP 7, P. Nam Hồng, TX Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh.

loading...