Kiến thức
Đạo Phật và tinh thần bình đẳng
Thứ ba, 01/04/2021 02:43
Đối với đức Phật thì sự thấp hèn hay cao quí, sự giàu sang hay cùng khổ đều không có nghĩa gì, tất cả đều bình đẳng như nhau. Chỉ có hành động, suy nghĩ và lời nói của mỗi cá nhân là có thể xác định được là họ cao thượng hay thấp hèn
Với chủ trương mọi người đều bình đẳng và đều có giá trị, xứng đáng được trân trọng như nhau, đức Phật không hề phân biệt trong cách đối xử. Nói về quan điểm nam nữ bình đẳng của đức Phật, tác giả Schumann đã ghi: “Trong Kinh tạng Pàli, tất cả các câu chuyện kể những cuộc hội kiến giữa đức Phật và phụ nữ đều chứng tỏ ngài xem họ bình đẳng với nam giới. Sự kiện một số nữ nhân ác hạnh, hay tranh cãi và một số nữ nhân có thể lôi cuốn các Tỳ Kheo ra khỏi chánh đạo, vẫn không cản trở Ngài công nhận rằng nữ giới có khả năng đạt kiến thức cao và nhiều nười nữ còn vượt hẵn nam giới về lòng nhân từ và sự hi sinh tận tụy”.
Bằng tuệ giác, đức Phật đã tuyên bố một thông điệp ngắn gọn đầy tính nhân bản: “Không có giai cấp trong nước mắt cùng mặn và dòng máu cùng đỏ”. Nước mắt tượng trưng cho đau khổ, không chỉ thường dân mới chịu đau khổ mà vua chúa cũng không thể tránh khỏi khổ đau. Dòng máu tượng trưng cho hạnh phúc, không chỉ có vua chúa mới có quyền hưởng hạnh phúc, mà dân đen cũng có quyền được hưởng hạnh phúc vì cũng có dòng máu đỏ như nhau.
Về phương diện bình đẳng trong đời sống, đức Phật đã khiến cho giai cấp quí tộc đương thời phải bàng hoàng ngạc nhiên đồng thời vô cùng phẫn nộ khi Ngài công khai xác nhận tình trạng bình đẳng của con người. Không chỉ công khai xác nhận bằng lời nói, Ngài còn thâu nhận vào Tăng đoàn tất cả mọi thành phần trong xã hội, miễn là người thành tâm và có ý chí tìm cầu đạo giải thoát. Ngài đối xử bình đẳng đối với tất cả mọi người, dù đó là những người cùng khổ, sự kiện đặc biệt thể hiện tron việc đức Phật đã chấp thuận người gánh phân Ni Đề (Nidà) được xuất gia và gia nhập Tăng đoàn. Vì Ngài quan niệm, những người nghèo khổ thường mang một mặc cảm tâm lý rất lớn, thường thì họ bị xã hội bỏ rơi và chà đạp, cũng từ suy nghĩ này mà đức Phật không ngồi chờ đợi họ đến với Ngài, mà Ngài chủ động tìm đến họ.
Trong lịch sử Phật giáo ghi lại rằng, dù Ni Đề cố tình tránh mặt đức Phật với mặc cảm thân phận nhiều đời, đã thưa với đức Phật là ông không thể nào xuất gia vì ông xuất thân từ tập cấp Thủ Đà La hạ tiện. Thế nhưng đức Phật đã quyết tâm tìm mọi cách để nói cho anh biết anh cũng là một con người, cũng có giá trị như bao người khác và khuyên anh không có gì để phải xấu hổ và mặc cảm bởi xuất thân và nghề nghiệp của mình. Sau khi thuyết pháp, đức Phật đã cho phép anh chàng gánh phân Ni Đề (Nidà) được xuất gia. Sự kiện này làm những người bảo thủ ở tập cấp trên phẫn nộ. Vua BaTư Nặc (Pasenadi), một vị vua rất sùng kính đức Phật cũng đến gặp ngài để bày tỏ sự bất bình của mình. Vua BaTư Nặc đã thưa với đức Phật nếu làm như vậy sẽ gây nên sự ô nhục cho hàng Sa Môn và thật là khó khăn cho sự cung kính, lễ bái của hàng vua chúa. Thế nhưng đức Phật đã trả lời nhà vua là Phật pháp có khả năng dung chưa hết mọi tầng lớp cũng như đại dương có khả năng chứa đựng được nước từ tất cả các nguồn khác nhau chảy về. Một người đệ tử rất nổi tiếng khác của đức Phật cũng xuất thân từ giới bình dân, đó là người thợ hớt tóc Ưu Ba Ly (Upàli). Đức Phật, nhân một lần gặp ông, ngài đã khuyến khích ông xuất gia. Sau khi sống đời tu sĩ, dưới sự hướng dẫn của đức Phật, Ưu Ba Ly (Upàli) đã trở thành bậc thượng thủ về giới luật, đã giác ngộ ngay trong cuộc đời Tăng sĩ của mình, được tất cả mọi người kính nể và tôn trọng.
Tính Bình đẳng của Bát kỉnh pháp
Đối với đức Phật thì sự thấp hèn hay cao quí, sự giàu sang hay cùng khổ đều không có nghĩa gì, tất cả đều bình đẳng như nhau. Chỉ có hành động, suy nghĩ và lời nói của mỗi cá nhân là có thể xác định được là họ cao thượng hay thấp hèn. Ngài đã tuyên bố một cách rõ ràng và dứt khoát điều này trong Kinh Tăng Chi IV: “Này các Tỳ Kheo, các chúng sanh là chủ của nghiệp, là thừa tự của nghiệp, là bà con của nghiệp, là chỗ nương tựa của nghiệp. Phàm họ làm nghiệp gì, thiện hay ác, họ là những kẻ thừa tự của nghiệp ấy”. Nói về bình đẳng trong đời sống tình cảm, sinh lý, chúng tôi thật sự ngạc nhiên trước sự hiểu biết tinh tế của đức Phật về các vấn đề quyến rũ muôn đời của phụ nữ đối với nam giới. Trong kinh Tăng Chi I, Ngài dạy: “Này các Tỳ Kheo, ta không thấy một hình sắc nào làm say đám tâm trí đàn ông như hình sắc đàn bà. Ta không thấy một âm thanh, một mùi hương, một vị, một xúc nào làm say đắm tâm trí đàn ông như âm thanh, mùi hương, vị, xúc, của đàn bà”. Điều nầy nói lên ý nghĩa của tính nhân văn, của nhu cầu mà Ngài cảm nhận trong sinh hoạt của loài người.
Mặc khác về quan điểm nam nữ, có một lần khi đang hầu chuyện với vua nước Kiều Tất La thì quần thần báo tin với nhà vua chánh hậu vừa hạ sinh một vì công chúa. Vua nghe không vui. Đức Phật đã trình bày quan điểm của mình với nhà vua như sau: “Một em bé gái, tâu đại vương, còn quí hơn một đứa con trai, lúc trưởng thành em có thể là người đức hạnh vẹn toàn, biết kính nể và tôn trọng cha mẹ chồng, một người vợ hiền, đứa con mà sau này em sẽ mang vào lòng có thể làm nên đại sự và trị vì một vương quốc vĩ đại, đúng vậy, đứa con của một người vợ cao thượng sẽ trở thành một người hướng đạo chân chính cho một quốc gia”. Chúng ta thấy rằng, ngay từ thời đức Phật mà ngài đã khẳng định về giá trị trí tuệ và khả năng cống hiến của một phụ nữ không thua gì một người đàn ông trong xã hội. Vì thế mà ngay từ thuở đầu, Ngài đã thâu nhận phái nữ vào trong hàng xuất gia giải thoát của ngài. Tính bình đẳng của đức phật được Ngài khẳng định như sau: “Do tạo tác, hành động mà người nầy trở thành kẻ cùng đinh, ngược lại, cũng do tạo tác và hành động mà người kia trở thành bà la môn”. như vậy theo lời dạy này, chúng ta đừng bao giờ sợ rằng xã hội bất công với chúng ta, đừng sợ rằng chúng ta cống hiến nhiều mà thành quả thu gặt không được bao nhiêu, vì đây là sự bình đẳng hiển nhiên giữa nhân và quả đối với tất cả mọi con người trên cuộc đời này. Nếu chúng ta cống hiến, phục vụ nhiều thì chúng ta sẽ được đãi ngộ nhiều, bằng ngược lại.