Sách Phật giáo

Đào tạo thế hệ kế thừa, phát huy truyền thống văn hóa là nền tảng phát triển Giáo hội phật giáo Việt Nam

Thứ hai, 24/11/2017 06:54

Có thể khẳng định rằng Phật giáo đã có những đóng góp xứng đáng vào kho tàng văn hóa phong phú của dân tộc, với nhiều di sản văn hóa vật chất và tinh thần có giá trị như kiến trúc, điêu khắc tượng thờ, đồ thờ cúng… Di sản Văn hóa Phật giáo Việt Nam mang đậm dấu ấn văn hóa dân tộc với những đặc trưng giản dị và gần gũi.

Trong suốt 36 năm hình thành và phát triển của GHPGVN trên tinh thần hòa hợp, đoàn kết, vận dụng trí tuệ tập thể, phát huy tính sáng tạo của tăng ni, phật tử Việt Nam, cùng với sự quan tâm của lãnh đạo Nhà nước. Phật giáo Việt Nam đã thật sự lớn mạnh trên nhiều phương diện đối nội lẫn đối ngoại, thành tựu nhiều phật sự quan trọng trong hầu hết các lĩnh vực như Tăng sự, Giáo dục, Hoằng pháp, Văn hóa, Truyền thông, Từ thiện xã hội... điều này minh chứng cho chủ trương đúng đắn của Giáo hội, tinh thần hòa hợp đoàn kết của chư Tôn đức tăng ni và tinh thần phát huy sáng tạo, thực tiễn và đổi mới phù hợp trong công tác điều hành phật sự của Chư tôn đức lãnh đạo Hội đồng Trị sự qua từng nhiệm kỳ.

Trong nhiệm kỳ qua, được sự thương tưởng và sự chỉ đạo sâu sát của chư Tôn đức lãnh đạo Trung ương Giáo hội, sự đoàn kết của tăng ni, phật tử và sự đồng thuận của các ngành chức năng, Phật giáo Bình Dương đã từng bước ổn định, phát triển, góp phần vào công cuộc xây dựng GHPGVN. Để xây dựng một chiến lược phát triển GHPGVN vững mạnh, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Dương xin đóng góp đề tài: “Đào tạo thế hệ kế thừa, phát huy truyền thống văn hóa là nền tảng phát triển Giáo hội Phật giáo Việt Nam”. 

Với chiến lược này, chúng ta nên có những định hướng như sau: Một là quy hoạch nhân sự và tổ chức; Hai là gìn giữ nét đẹp văn hóa Phật giáo truyền thống của dân tộc; Ba là giáo dục và đào tạo đội ngũ kế thừa; Bốn là chấp hành kỷ cương đường lối của Giáo hội.
 
1. Quy hoạch nhân sự và tổ chức:

Như chúng ta đã biết, nói đến sự phát triển của Giáo hội tức là nói đến sự lớn mạnh của tăng già và khả năng hoàn thiện của Giáo hội về mọi mặt, đặc biệt là nhân sự. Bởi lẽ, nhân sự tốt chính là yếu tố then chốt làm cho Giáo hội vững mạnh và tổ chức có tốt thì Giáo hội mới phát huy hết vai trò của mình. Để có được nhân sự tốt tiêu chí về nhân sự đó phải là người có phẩm hạnh đạo đức tốt, nhiệt tâm cống hiến cho Giáo hội, bên cạnh đó phải là người có tri thức, năng lực và trình độ học vấn tương đối để không bị tụt hậu trước sự phát triển văn minh của thời đại. 

Một tập thể tốt là do sự hợp nhất của nhiều cá nhân tốt, vì vậy nhân sự của Giáo hội từng thành viên phải hoàn thiện cá nhân mình, phải ý thức trách nhiệm mình được giao phó, nhiệt tâm phụng sự thì tổ chức đó mới trở nên tốt và hoàn thiện. Bên cạnh đó, một tổ chức tốt thì tổ chức ấy phải:

- Tiến hành các công việc, các hoạt động để hoàn thành các kế hoạch đã định.

- Các hoạt động phân chia cụ thể để thực hiện.

- Phân quyền cho mỗi tập thể và tập thể phân quyền vị trí cho mỗi cá nhân nắm giữ vị trí ấy để thực hiện cho tốt.

- Nên cân nhắc đến các phẩm chất cá nhân bắt buộc phải có để phát huy hiệu suất làm việc cao nhất cho mỗi vị trí.

Tóm lại tổ chức tốt là tổ chức đó nên lập kế hoạch tổ chức liên quan đến nghĩa vụ, trách nhiệm, quyền hạn, mối quan hệ và những yêu cầu cá nhân cho các vị trí, để từ đó đưa tổ chức trở nên hoàn thiện và thành công. Vì vậy, hoàn thiện khâu nhân sự và tổ chức là yếu tố đầu tiên để xây dựng chiến lược phát triển Giáo hội.

2. Gìn giữ nét đẹp văn hóa Phật giáo truyền thống của dân tộc

Từ xa xưa, nhiều triều đại phong kiến ở nước ta đã biết vận dụng triết lý đạo Phật để xây dựng, phát triển đất nước. Thời Lý, thời Trần đạo Phật được xem là Quốc giáo của người Việt, các thiền sư như Vạn Hạnh, Khánh Vân, Khuông Việt… vừa là nhà sư, vừa là nhà chính trị, nhà ngoại giao giúp vua trị nước. 

Đa số các vị vua, quan đều là những phật tử, am hiểu sâu sắc Phật pháp, biết chuyển hóa tư tưởng, triết lý sống của Phật giáo để dựng cuộc sống. Nhờ đó đạo Phật đã ăn sâu, bén rễ trong tâm tư tình cảm, lối sống đạo đức của đông đảo người Việt, trở thành một nhân tố quan trọng góp phần tạo nên phong phú, đa dạng của bản sắc văn hóa Việt Nam, để Phật giáo luôn có mặt trong các hoạt động trong đời sống của đông đảo người Việt, gắn bó cùng dân tộc trong lịch sử dụng nước và giữ nước.

Có thể khẳng định rằng Phật giáo đã có những đóng góp xứng đáng vào kho tàng văn hóa phong phú của dân tộc, với nhiều di sản văn hóa vật chất và tinh thần có giá trị như kiến trúc, điêu khắc tượng thờ, đồ thờ cúng… Di sản Văn hóa Phật giáo Việt Nam mang đậm dấu ấn văn hóa dân tộc với những đặc trưng giản dị và gần gũi.

Tiếp nối truyền thống tốt đẹp từ ngàn xưa ấy để ngày nay nếp sống Phật giáo đã trở thành nhu cầu, thói quen của đông đảo nhân dân. Thế nhưng, hiện nay những giá trị văn hóa truyền thống dân tộc nói chung và văn hóa Phật giáo nói riêng đang có dấu hiệu bị phai nhạt. Nhiều người không hiểu giáo lý Phật giáo mặc dù đi chùa thường xuyên và giới trẻ tìm đến Phật giáo lại khá khiêm tốn, trong khi đó sự cám dỗ về vật chất ngày càng lớn, đạo đức xã hội ngày càng có dấu hiệu xuống cấp, tệ nạn xã hội tràn lan, gây bất ổn cho gia đình và xã hội.

Trước tình cảnh này, có rất nhiều người đi chùa lại không tu học, không hiểu nhiều, hiểu sâu về văn hóa Phật giáo để giúp định hướng cho cuộc sống của mình và người thân. Đó là vấn đề cần quan tâm của tất cả chúng ta. Đứng trước thực trạng này, vai trò giữ gìn và phát huy văn hóa truyền thống Phật giáo là trách nhiệm chung của chúng ta, không nên để nền văn hóa tốt đẹp này bị chi phối và bị ảnh hưởng bởi nền kinh tế thị trường ồ ạt như hiện nay.

3. Giáo dục và đào tạo đội ngũ kế thừa

Giáo có nghĩa là dạy dỗ, dục là nuôi dưỡng. Giáo dục là nuôi dưỡng tài năng cho xã hội cho đất nước. Giáo dục là gây dựng hiền tài, xây dựng nguyên khí cho quốc gia. Trong mỗi một ngành, một tổ chức xã hội, mỗi tổ chức tôn giáo đều có giáo dục nhằm đạt được mục đích của mình.

Như chúng ta biết, dù đời hay đạo thì lớp trẻ vẫn đóng vai trò kế thừa trong tương lai, thế hệ trẻ giống như những hạt giống mạnh mẽ rất dễ nảy mầm, đâm chồi và phát triển trước những điều kiện thuận lợi của nền văn minh hiện đại nhưng bên cạnh đó lớp trẻ cũng rất dễ ảnh hưởng và tiêm nhiễm những tiêu cực phát sinh từ mặt trái của nền văn minh hội nhập và tăng ni trẻ của chúng ta cũng không ngoại lệ. 

Thế hệ tăng trẻ là rường cột của Giáo hội, là nền tảng để xây dựng và phát triển ngôi nhà Phật giáo trong tương lai. Sự mất thăng bằng giữa tu và học trong giới trẻ đã dẫn đến nhiều nguy cơ tiềm ẩn cho sự nghiệp phát triển chung của Giáo hội. Trong khi đó, trong xu thế hội nhập đã buộc chúng ta phải hòa nhập vào đời sống xã hội đang phát sinh muôn ngàn vấn nạn từ mặt trái của nền kinh tế thị trường. Sự phát triển trong thời đại mà khoa học kỹ thuật cũng đã làm thay đổi cuộc sống, trong đó có sinh hoạt của những tăng sĩ. Trong hoàn cảnh xã hội như vậy chúng ta phải có định hướng giáo dục như thế nào để giữ vững được đội ngũ kế thừa vững mạnh.

Trong môi trường giáo dục Phật giáo, thì giới luật và tinh thần tự giác công phu tu tập phải luôn đặt lên hàng đầu, sau đó mới nói đến việc thâu nạp kiến thức. Và điều này, trong Luật có ghi: “xuất gia giả ngũ hạ dĩ tiền tinh chuyên giới luật, ngũ hạ dĩ hậu phương nãi thính giáo tham thiền”(1). Nếu một vị tăng ni sinh dầu tốt nghiệp khóa học với mảnh bằng Thạc sĩ hay Tiến sĩ, dầu thông thuộc nhiều ngoại ngữ, nhưng nếu thiếu nền tảng giới luật và phẩm hạnh của một bậc xuất gia, thì sẽ không thắng phục chính mình, nói chi đến việc gánh vác các trọng trách Giáo hội giao phó cũng như hoằng pháp lợi sanh. 

Mục đích của nền giáo dục Phật giáo là đào tạo tạo tăng tài đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho Giáo hội, phụng sự sứ mạng hoằng pháp lợi sanh, cho nên, song hành với các chương trình giảng dạy truyền đạt kiến thức, chúng ta cần phải kết hợp chặt chẽ với những thời khóa công phu hành trì nhất định.

Bên cạnh hoàn cảnh khách quan do xã hội thời đại tác động, nguyên nhân chủ quan dẫn đến sự sa sút về mặt phẩm hạnh, lại xuất phát từ nhận thức lệch lạc của một bộ phận tăng ni trẻ hiện nay, bởi ngoài việc học tập ra, nhìn vào nếp sống sinh hoạt hằng ngày, chúng ta sẽ thấy họ hầu như chẳng có hoài bão gì lớn lao trong sự nghiệp xuất gia tu hành, đa số đều gặp nhau ở điểm chung là sau khi xuất gia, họ đều tranh thủ cơ hội để được thầy Bổn sư cho đi thọ giới, sau đó đăng ký theo học các lớp Sơ, Trung, Cao đẳng Phật học, Học viện cho đến khi ra trường có được mảnh bằng tốt nghiệp thế là xong một đời học Phật. 

Chính nhận thức học Phật một cách thiếu định hướng và mục đích không rõ ràng đã khiến họ bị thế tục hóa từ hồi nào không hay biết. Đáng nói hơn, đan xen trong hàng ngũ tăng ni trẻ hiện đang theo học tại các cơ sở giáo dục Phật giáo, đã có không ít người xem thường giới luật, thiên về lối sống thực dụng, tha hóa biến chất, họ chính là những hạt sạn đang len lỏi và mặc nhiên tồn tại trong các môi trường giáo dục của Phật giáo.

Sở dĩ nền giáo dục Phật giáo nước nhà cho đến nay vẫn còn tồn tại những mặt hạn chế chính là do chương trình giáo dục quá thiên về lý thuyết, mà ít chú trọng đến phần chấp trì giới luật và phần ứng dụng chiều sâu của kinh tạng, điều đó nói lên sự xuống cấp ngay trong môi trường giáo dục, từ đó dẫn đến việc cho ra đời một thế hệ tăng ni trẻ, mạnh về ngoại ngữ, triết học và kiến thức Phật học, nhưng lại bị sa sút về giới luật và phẩm hạnh đạo đức của người xuất gia. 

Vì vậy, muốn có một đội ngũ kế thừa thì chư Tôn đức lãnh đạo Trung ương Giáo hội có sự giám sát chặt chẽ ngay từ môi trường giáo dục tự viện, kiến tạo một nền giáo dục đúng nghĩa với tinh thần giác ngộ giải thoát, có chất lượng, tập trung chuyên chú về giới luật, đạo đức, phẩm hạnh cho tăng ni sinh, thì đây chính là một trong những giải pháp hữu hiệu về vấn đề tăng sự, góp phần quan trọng cho sự phát triển bền vững của Giáo hội.
 
4. Chấp hành kỷ cương đường lối Giáo hội

Đứng về góc độ xã hội, kỷ cương là những thiết chế xã hội bao gồm hệ thống pháp luật, hệ thống quy ước xã hội nhằm vừa điều chỉnh vừa giám sát các hành vi của con người, của tổ chức và mọi hoạt động xã hội. Kỷ cương do con người tạo ra để từ đó bảo đảm có trật tự xã hội. Trật tự kỷ cương xã hội là những giá trị tinh thần có tính liên kết, thích hợp và tương tác để bảo đảm một quốc gia vận động không ngừng, bảo đảm cho nhân cách con người phát triển.

Trong đạo Phật kỷ cương được biết đến như sự tuân thủ giới luật và chấp hành tốt những quy định của Hiến chương cũng như Nội quy Ban Tăng sự.

• Kỷ cương được biết đến như giới luật

Sự tuân thủ giới là nhằm vào ý thức đạo đức cá nhân để phát triển nhân cách, giới luật trong kinh điển Phật giáo đã đánh dấu một nét đẹp xuyên suốt tiến trình tu tập, nhằm thanh tịnh hóa thân tâm và đảm bảo được mọi sự sinh hoạt của tăng đoàn một cách an lạc và thánh thiện.

Thời đức Phật còn tại thế, để giữ vững kỷ cương và kiện toàn tổ chức giáo đoàn, Ngài rất quan tâm đến giới đức của bậc xuất gia, chính vì vậy mà giới luật, yết ma được đặt ra vì mục tiêu giác ngộ giải thoát của tăng đoàn. Lịch sử ghi lại, khi đức Phật sắp vào Niết bàn, Ngài đã di huấn: “Sau khi Ta diệt độ các thầy Tỳ kheo phải lấy giới luật làm thầy”, cho nên người học Phật muốn đạt đến sự giác ngộ giải thoát và làm lợi ích cho Phật pháp thì trước hết phải nghiêm trì giới luật và lời dạy ấy luôn thức tỉnh, thực thi trong tăng đoàn thời đức Phật. Chính vì vậy mà không có một thế lực nào phá vỡ được tăng đoàn.

• Kỷ cương là sự chấp hành tốt đường lối của Giáo hội thông qua Hiến chương và nội quy Ban Tăng sự. Nói đến phát triển Giáo hội tức là nói đến sự lớn mạnh cả về chất lẫn về lượng của hệ thống tăng già và khả năng hoàn thiện của Giáo hội về mọi mặt, đặc biệt là về nhân sự và tổ chức. Nhân sự có đủ thực lực (thực lực đó bao hàm năng lực, giới hạnh, trách nhiệm, tâm huyết) thì Giáo hội mới thật sự vững mạnh. Tổ chức nhân sự có hoàn thiện thì Giáo hội mới phát huy hết vai trò và tác dụng của nó.

Trên phương diện hình thức, Phật giáo là một tổ chức như bao tổ chức khác trong đời sống xã hội, do vậy GHPGVN cũng có Hiến chương với những điều khoản, luật định rất cụ thể nhằm ổn định nhân sự, làm nền cho mọi hoạt động của các thành viên trong ngôi nhà Giáo hội. Trong tổ chức của Giáo hội, kỷ cương trở thành vấn đề chung và là vấn đề lớn đòi hỏi mọi thành viên trong Giáo hội phải tuân thủ nhằm trang nghiêm tự thân, đó cũng là yếu tố cần thiết cho sự ổn định và phát triển bền vững của Giáo hội. 

Trong đời sống sinh hoạt của người xuất gia, kỷ cương thể hiện qua thái độ, cung cách ứng xử, chủ yếu là nghiêm trì giới luật, biểu hiện qua oai nghi đạo hạnh, do vậy mỗi cá nhân muốn thăng tiến trên con đường tu hành và Giáo hội muốn phát triển bền vững thì vấn đề kỷ cương phải được đặt lên hàng đầu, đây là trách nhiệm mà mỗi cá nhân cần phải nhận thức sâu sắc trên bước đường tu hành cũng như đóng góp vào sự nghiệp xương minh Phật pháp. 

Trên tinh thần tự giác của người con Phật, chúng ta nên nhìn nhận những quy định trong Hiến chương Giáo hội cũng như Nội quy Ban Tăng sự hay sự tuân thủ nội quy tại các cơ sở tự viện, như là một tiêu chuẩn nhất định nhằm ổn định tổ chức, chứ không nên cho rằng đây là điều lệnh mang tính áp đặt nhằm trói buộc mọi người, có như vậy thì việc giữ vững kỷ cương trong mọi sinh hoạt của Giáo hội mới thể hiện tinh thần tự giác của đạo Phật, mới đạt hiệu quả đem lại nguồn an lạc cho từng cá nhân và sự hưng thịnh cho Phật pháp.

Nhân Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, chúng ta cùng nhau ôn lại một chặng đường lịch sử để cảm nhận sâu sắc giá trị những thành quả đã đạt được trong suốt 36 năm qua, thành quả đó chính là sức mạnh nội lực to lớn, là nền tảng vững chắc để Giáo hội Phật giáo Việt Nam hướng đến những mục tiêu cao cả, đáp ứng yêu cầu phát triển Giáo hội và nguyện vọng chánh đáng của toàn thể Phật giáo đồ trong thời gian sắp đến. 

Bên cạnh đó, chúng ta cũng sẽ rút ra những bài học về những mặt hạn chế tồn tại để kịp thời đưa ra những giải pháp hữu hiệu nhằm phụng sự đạo pháp và dân tộc ngày càng chất lượng hơn và đặc biệt là xây dựng chiến lược phát triển GHPGVN với những tiêu chí: quy hoạch nhân sự và tổ chức; gìn giữ nét đẹp văn hóa Phật giáo truyền thống của dân tộc; Giáo dục và đào tạo đội ngũ kế thừa và chấp hành kỷ cương đường lối của Giáo hội./

Tham luận của Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Dương tại Đại hội Đại biểu Phật giáo Toàn quốc lần thứ VIII
-
Chú thích
(1) Sa di Luật Nghi Yếu Lược
loading...