Sống an vui
Đậu hũ không quảng cáo vẫn bán chạy nhờ khách hàng truyền miệng
Thứ bảy, 01/03/2023 08:01
Gánh Soy là một thương hiệu đậu hũ sạch đúng nghĩa không marketing, chạy quảng cáo trên facebook nhưng vẫn bán chạy nhờ vào việc khách hàng truyền miệng.
Đậu hũ là một sản phẩm thường xuyên được những người ăn chay sử dụng làm nguyên liệu chính cho việc chế biến các món chay. Với mức giá lên tới 25.000 - 30.000 đồng cho hộp 250-350g, Gánh Soy có mặt ở trong các hệ thống siêu thị chuyên bán hàng sạch và hữu cơ như chuỗi siêu thị Fine life, Farmers' Market, Mekong Gourmet, 3Sach food, Ajuma garden… Theo quan sát của chuyên mục Thuần chay, Gánh Soy không marketing, không chạy quảng cáo trên các phương tiện truyền thông cũng như mạng xã hội nhưng vẫn bán chạy nhờ vào việc khách hàng truyền miệng và tự tìm tới.
Gánh Soy, dù đang xuất hiện ở nhiều chuỗi bán lẻ nổi tiếng dành cho người sành ăn, người tìm kiếm nguồn thực phẩm sạch, thuận tự nhiên hiện vẫn chưa có trang web giới thiệu sản phẩm, fanpage trên facebook chỉ là những lời tự sự của người đang làm đậu hủ sạch, ít like và ít tương tác. Thế nhưng, Gánh Soy vẫn bán tốt, cách làm của Gánh Soy dường như đi ngược lại với những gì mọi người thường nghĩ về kinh doanh.
Thuần chay: Cơ duyên nào đưa chị đến với việc sản xuất và kinh doanh đậu hủ?
Chị Nguyễn Bích Ngọc: Ngọc thích ăn đậu hũ, từ khi được hữu duyên với các kiến thức, thông tin về thực phẩm sạch giữa muôn trùng thực phẩm bẩn bủa vây thì luôn muốn tìm kiếm các nguồn thức ăn đủ tin tưởng cũng như miếng đậu hũ sạch cho bữa ăn gia đình. Thức ăn hằng ngày là đảm bảo cho sức khoẻ của chúng ta nhất là khi Ngọc bắt đầu có đứa con đầu lòng. Trẻ em sinh ra giữa thời điểm thức ăn và thói quen thay đổi hỗn tạp thế này thật đáng lo lắng.
Ngày nào cũng tìm tòi mày mò kiến thức và thông tin về thực phẩm sạch, hữu cơ. Chọn lọc so đo xem cái gì nên đưa vào cơ thể nhất là với trẻ con.
Những năm 2013-2015 chắc chắn không riêng gì Ngọc mà với phần đông quý độc giả của cổng thông tin Phật Giáo Việt Nam, tìm hiểu về những gì đưa vào cơ thể đều biết đến trang facebook cô Liên Hương. Cái tên không xa lạ kiểu như những hot youtube hay tiktok bây giờ vậy.
Ngọc đau đáu về việc làm thêm một cái gì đó kiểu như vừa chớp lấy cơ hội kinh doanh vừa có thêm một sản phẩm tốt cho cộng đồng tin dùng để đỡ vất vả tìm kiếm cân đo như mình, nghĩ đến việc đóng góp thêm cho cộng đồng một sản phẩm chuẩn tin tưởng là một sự thôi thúc trong sung sướng.
‘’Khi bạn mong muốn điều gì cả vụ trụ sẽ hợp sức để giúp đỡ”. Đúng là như vậy khi một ngày đẹp trời, Ngọc được sở hữu Gánh Soy mà không phải là người sáng lập. Từ khi tiếp quản từ người sáng lập (là một bạn trai còn rất trẻ, nhỏ hơn Ngọc nhiều tuổi) thì ngoài việc đã có được điều mình mong muốn Ngọc luôn mang một tâm niệm mình phải có một trách nhiệm gìn giữ, xây dựng và phát triển Gánh Soy để người sáng lập ra an yên niềm tin đứa con mình không đặt vào tay sai người.
Nhưng có điều Ngọc luôn là người đi chậm bước chậm như đúng bản chất mình và cũng như có nhiều việc ở giai đoạn con còn nhỏ, công việc ở công ty của ông xã từ trước đến nay nên chưa chu toàn hết cho sự phát triển của Gánh Soy.
Thuần chay: Gánh Soy không làm marketing, cũng không chạy quảng cáo trên facebook, fanpage cũng ít thông tin giới thiệu sản phẩm, làm thế nào để bán được hàng?
Chị Nguyễn Bích Ngọc: Nhờ tình yêu thương của Quý cô bác anh chị em khắp nơi, nhờ niềm tin của Quý cô chú bác anh chị em này vào sản phẩm ít ỏi nhỏ nhoi của Gánh Soy. Và dĩ nhiên cũng nhờ sự cố gắng của Ngọc, đội ngũ anh chị em nhân viên cùng sự hỗ trợ giúp đỡ của gia đình.
Gánh Soy trước khi Ngọc tiếp quản và giai đoạn đầu mới tiếp quản thì đậu hủ cũng làm bằng đậu nành nhập khẩu từ Canada, Mỹ - dòng không biến đổi gen (Non – GMO) và tạo kết tủa bằng đường nho. Điều này mình không chấp nhận với mong muốn trong đầu từ những ngày thai nghén. Mình phải đi tìm cho bằng được điều mình đã dự định trước đây. Rồi mình tìm thấy điều cần tìm như mong ước sau 2 năm. Giờ đây đậu hũ Gánh Soy bệ vệ tự tin với những gì mình có: Đậu nành của ta trồng tại đất nước ta. Ngọc chủ động trong việc trồng trọt nên kiểm soát được nguồn giống, đất đai phân bón.
Đậu nành được trồng thuận tự nhiên theo mùa mỗi năm có một mùa, có năm trúng năm trật theo thời tiết, đất trồng là đất đồi, đất ven rừng ven rẫy khai phá còn xa xôi cam go lắm nên mùa còn lại đa phần để không hoặc trồng bắp, bà con đồng bào dân tộc trồng nên thô sơ giản dị lắm, không hiện đại cơ giới gì. Phân bón là vôi, phân chuồng nhà nuôi, phân hữu cơ ủ ngoài vườn và phân hữu cơ nhà máy. Không phun xịt các loại thuốc bảo vệ thực vật nào hết. Trộm vía vùng đất này rất hợp với đậu nành, người dân trồng từ bao đời rồi, cứ tự lên tự tốt tươi mà không phải làm gì nhiều hết.
Tới mùa thu hoạch, bà con kéo nhau lên rẫy cắt trải bạc, phơi khô rồi đập luôn tại rẫy, giê sảy sạch rác rồi đem về nhà trải bạc phơi khô rồi lại giê sàn sảy cho sạch mới đem về kho Gánh Soy cất. Cất giữ thủ công, không dùng thuốc bảo quản thuốc chống côn trùng mối mọt, dùng phi đựng kín hết chứ để ngoài bao thì 5-6 tháng mọt cũng ăn sạch. Đây là kim chỉ nam, tôn chỉ của Ngọc rồi nhất nhất không thay đổi và đến thời điểm này đây là niềm tự hào của Ngọc và Gánh Soy.
Giải quyết được bài toán hạt đậu thì trời thương cho Ngọc giải được nốt bài toán chất xúc tác để làm kết tủa óc đậu. Chính khách hàng là người giới thiệu và đưa Ngọc tới việc thay thế nước cốt muối biển tự nhiên của Sahu thay đường nho hay muối Nigari nhập khẩu. Điều tuyệt vời nữa là nước cốt muối biển tự nhiên này còn giải được bài toán cân bằng âm dương của đậu hũ. Đậu nành vốn dương nhưng quá trình sản xuất đậu hũ làm đậu hũ trở thành âm nhưng nhờ kết hợp thứ nước cốt muối mặn quắn được tạo nên dưới ánh nắng chói chang cháy da của vùng biển miền trung này giúp cân bằng tính âm của đậu hũ.
Thành phần của đậu hũ Gánh Soy chỉ có: đậu nành xịn xò + nước lọc + nước cốt muối xịn xò.
Vậy đó nên đậu hũ Gánh Soy ngày qua ngày quen thuộc với khách hàng, chinh phục cả khách hàng khó tính rồi niềm tin và tình yêu thương mà khách giới thiệu khách .
Mình không có gì lớn lao, vĩ đại. Mình chỉ có trái tim và tuân thủ tôn chỉ với điều mình đặt ra. Mình làm với đam mê và hưng phấn nhưng khách hàng mới là người giúp mình phát triển và hưng thịnh. Mình luôn luôn lắng nghe, học hỏi và cải thiện mỗi ngày từ chính những phản hồi của khách. Khách hàng là người thầy của mình. Suốt quá trình làm kinh doanh và sản xuất sản phẩm gần 20 năm chính khách hàng là người thầy của mình.
Ngọc sẽ cố gắng mỗi ngày để không phụ niềm tin và tình yêu thương của Quý cô chú bác anh chị em xa gần.
Đậu hủ Gánh Soy hiện được gửi đi khắp mọi miền đất nước, từ Huế trở vào tỉnh nào cũng có. Mọi người yêu thương mình như vậy đó mình phải cố gắng chứ. Mình thuộc tuýp sợ làm mất niềm tin ở người khác nên ai đến với mình luôn biết ơn và cố gắng để niềm tin của người đặt đúng chỗ.
Sau này Gánh Soy sẽ cố gắng ra thêm đa dạng sản phẩm hơn để góp phần đem lại bữa ăn ngon nhưng phải tốt cho cơ thể tốt cho sức khỏe người ăn.
Và dĩ nhiên kim chỉ nam không bao giờ thay đổi.
Hiện tại Gánh Soy sau 2 - 3 năm rồi vẫn chỉ có mỗi đậu hủ mà chưa có thêm dòng nào khác cũng làm mình ray rứt nhưng cái gì làm phải làm cho đúng tôn chỉ mới làm nên cứ chậm chạp như vậy. Ngọc cũng thật xin lỗi Quý khách hàng của Gánh Soy về sự chậm chạp này lắm.
Thuần chay: Ngọc nghĩ Phật pháp có giúp ích gì trong quá trình kinh doanh và sản xuất đậu hũ?
Chị Nguyễn Bích Ngọc: Không phải riêng khi sản xuất đậu hủ mà với Ngọc bất kỳ ngành sản xuất nào cũng vậy, Phật pháp giúp ta đặt cái tâm vào sản phẩm, vì quyền lợi khách hàng, vì quyền lợi người lao động và những mối quan hệ kết nối chia sẻ, yêu thương ngoài xã hội.
Mình làm bất cứ điều gì đều nghỉ tới nhân quả để lại. Nghĩ nhân quả trước rồi mới làm.
Đến hiện nay cuốn sách có ảnh hưởng mình nhất là cuốn “Muôn kiếp Nhân Sinh” và cuốn "The Magic – Phép màu của lòng biết ơn".
Nhân quả đừng đợi thấy mới tin, mình luôn tin vào nhân quả. Kỷ nguyên của chúng ta đang sống là kỷ nguyên tỉnh thức, kỷ nguyên của tình yêu thương và các trường năng lượng từ không gian vũ trụ bao la kia đến gần, phát lộ nên nhân quả càng hiện rõ và mau chóng lắm chứ không đợi qua vài đời như xa xưa.
Ngọc luôn luôn ở trạng thái biết ơn từng phút từng giây với bất kể những gì mình có mình gặp mỗi ngày. Và lòng biết ơn là một phép màu kỳ diệu mang lại cho mình những điều tốt đẹp.
À Ngọc có câu chuyện này của riêng mình có lẽ cũng liên quan Phật pháp xin phép được kể luôn nhé, khoảng năm 2004-2005 cách đây gần 20 năm (lúc đó mới ra trường đi làm còn ở trọ, chiều chiều về đi chợ công nhân) thì đã bắt đầu dấy lên vấn đề thực phẩm bẩn mà bật ti vi lên hay nghe đâu đó bà con thường kháo nhau thịt thì thuốc này thuốc nọ, cá thì tẩm ure, rau muống ngâm nhớt rồi phun xịt các kiểu nghe mà bỗng rợn người.
Nhà Ngọc ở vùng quê xa xôi nên đất đai nương rẫy bạc ngàn, nhà nông nên lúc nhỏ ở quê nuôi bò, nuôi trâu, nuôi heo, nuôi gà là chuyện nhỏ. Ngày nào cũng nghe thực phẩm bẩn mình nghĩ ngay đến về quê đất vườn đất rẫy bao la kia quây lại thành khu xây dựng, khu nuôi bò, nuôi heo, nuôi gà như bao đời nay ông bà vẫn nuôi, làm gì có cái gì độc hại, đem ra thành phố bán chắc kiếm bộn tiền, vừa đem lại thức ăn tin cậy cho người dân. Đầu mình nhảy số liền, xây như thế nào, cho ăn gì, trồng gì, nuôi con gì, thời gian bao lâu, bán như thế nào... Nhưng tới khúc bán thì bắt đầu có vấn đề, mình hình dung ngày xúc các con bò, con heo lên xe chở đi giết mổ và ánh mắt chúng nhìn mình đầy nước mắt thế là dẹp ngay ý tưởng này. Ngày nhỏ, có người cô mượn con bò của nhà mình đi cày một ngày mà mình thương nó, không cho mượn mà khóc 1 ngày 1 đêm, tới lúc nhà cô qua dắt đi mình ôm cái đuôi níu lại không cho dắt đi, nhớ lại cảnh đó dẹp bỏ ngay ý tưởng.
Từ đó về sau, có ý tưởng gì về kinh doanh thì đầu tiên phải là các loại về thực vật hay vô cơ chứ không đụng vào các thể loại mà phải tước đi sự sống của sinh linh nào. Trồng cây rau mà Ngọc cũng không nỡ cắt, trước khi cắt phải nói chuyện xin phép, cảm ơn rồi mới cắt thì làm sao đủ can đảm nuôi và bán con vật mình nuôi đi.
Ngày đi nhờ thầy coi giúp ngày lành để cúng khai trương cho Gánh Soy thầy hỏi làm nghề gì Ngọc nói sản xuất đậu hủ thấy thầy ghi vào giấy Tốt, không sát sanh mà lòng mỉm cười vui sướng.
Hiện tại thì hai vợ chồng Ngọc làm về in ấn bao bì giấy đã được 17 năm và em ruột Gánh Soy này được ba năm rồi không phải làm gì đem lại đau đớn tổn thương cho ai, đây cũng là điều mình rất vui mừng và biết ơn.
Trân trọng biết ơn tất cả quý cô chú bác anh chị gần xa vẫn luôn yêu thương đồng hành ủng hộ Gánh Soy! Mọi người đặt niềm tin Gánh Soy sẽ cố gắng không phụ niềm tin của mọi người.
Cảm ơn!