Sống an vui
Đau khổ một đời vì bệnh
Chủ nhật, 04/11/2022 03:21
Cầu nguyện cho người khác được bình an mạnh khoẻ, bệnh tật tiêu trừ là thể hiện tinh thần thương yêu, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau với tấm lòng từ bi, trí tuệ và vị tha. Cầu an đúng nghĩa theo tinh thần đạo Phật là chuyển hoá nghiệp lực xấu bằng việc làm tốt đẹp, an ủi, sẻ chia.
Bên cạnh cầu nguyện thì ta phải làm bằng những hành động thiết thực như bố thí, giúp đỡ, chia sẻ, phóng sanh, chăm sóc và động viên, an ủi người bệnh.
Ta đang khỏe mà vào bệnh viện, bác sĩ khám bệnh xong rồi nói bệnh này hết thuốc chữa thì coi như ta ra về mà ôm một khối đau khổ trong lòng. Trong thời buổi hiện tại, sự tiến bộ về khoa học kỹ thuật, văn minh, vật chất, nên trong thức ăn, thức uống có rất nhiều hóa chất độc hại.
Chúng ta ăn uống mà không kiêng cử thì tuổi thọ sẽ giảm xuống một cách nhanh chóng, có khi bị chết bất đắc kỳ tử không cứu kịp.
Chúng tôi có đứa em gái , cô này rất hiếu thảo với cha mẹ, luôn làm tròn bổn phận đối với chồng và có trách nhiệm tốt với con cái, trong công sở được mọi người thương mến, làng xóm láng giềng ai cũng ưa thích.
Ấy thế mà, vào ngày mùng 3 tháng 5 Âm lịch, trong lúc đang triển khai công tác cho quyền lợi người lao động, cô nói nhức đầu và vỗ trán hai ba cái, sau đó ngã lăn ra phía sau chết liền tại chỗ. Mặc dù được người trong cơ quan đưa đến bệnh viện cấp cứu nhưng vẫn không qua khỏi.
Đứa em tôi chết như vậy, ra đi không kịp một lời trăn trối. Cô đã từng nuôi mẹ tôi bị bệnh tai biến mạch máu não, liệt nửa người trong nhiều năm qua, hiểu rõ phương pháp phòng bệnh và chữa bệnh, vậy mà đùng một cái cô ra đi vĩnh viễn không hẹn ngày về. Vì vậy việc cầu an có nghĩa là cầu cho một người nào đó được tai qua nạn khỏi, bệnh tật tiêu trừ và sống bình yên, hạnh phúc.
Như vậy, cầu an là sự mong muốn, là ước vọng được khỏe mạnh, an lạc và hạnh phúc. Để được khỏe mạnh, tai qua nạn khỏi và sự an lạc nội tâm, mỗi người Phật tử phải tự rèn luyện đời sống đạo đức và trí tuệ bằng cách giữ gìn năm giới, mở rộng tấm lòng nhân ái, yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ mọi người và sẵn sàng chia vui, sớt khổ với tinh thần vô ngã, vị tha.
Cầu nguyện cho người khác được bình an mạnh khoẻ, bệnh tật tiêu trừ là thể hiện tinh thần thương yêu, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau với tấm lòng từ bi, trí tuệ và vị tha. Cầu an đúng nghĩa theo tinh thần đạo Phật là chuyển hoá nghiệp lực xấu bằng việc làm tốt đẹp, an ủi, sẻ chia. Bên cạnh cầu nguyện thì ta phải làm bằng những hành động thiết thực như bố thí, giúp đỡ, chia sẻ, phóng sanh, chăm sóc và động viên, an ủi người bệnh.
Chúng ta muốn được sức khỏe và sống an lạc, hạnh phúc thì trước tiên ta phải biết siêng năng làm các việc thiện lành, tốt đẹp, sống tiết chế, ngủ nghỉ, ăn uống có chừng mực, điều độ, và không vui chơi hoan lạc quá sức.
Chúng ta thể hiện lòng từ bi, yêu thương, bình đẳng bằng cách không giết hại, trộm cướp, lường gạt, sống chung thủy một vợ một chồng, không nói dối hại người và không dùng rượu say sưa, cùng các chất độc hại như xì ke, ma túy.
Muốn vậy, ta phải an trú trong giờ phút hiện tại, lấy chánh niệm tỉnh giác làm phương châm của cuộc sống. Ai sống được như vậy thì sự an lạc sẽ có mặt ngay tại đây và bây giờ, còn sự cầu nguyện chỉ là phụ mà thôi.
Tuy nhiên, sự cầu nguyện vẫn không thể thiếu trong cộng đồng xã hội, vì số đông con người chưa có đủ niềm tin về nhân quả và còn quá nhiều lo âu, sợ hãi về những bất hạnh trong đời như bệnh tật, chết yểu.
Có một chàng trai nọ đang buồn chán vì công việc và cuộc sống bấy lâu nay, trong lòng luôn nặng trĩu những nỗi khổ, niềm đau, đang miên man với dòng suy tư tuyệt vọng. Bỗng dưng, có một chiếc xe tải dừng lại, anh tài xế lật đật bước xuống xe, cầm tấm ảnh một chú bé khoảng năm sáu tuổi giơ lên và nói rằng, “con tôi đang bệnh nặng”.
Chàng trai nọ tưởng ông ta cần xin tiền, liền móc túi ra định giúp đỡ, nhưng ông ta bảo, “tôi chỉ mong anh cầu nguyện cho con tôi mau lành bệnh”. Nói xong, anh ta lên xe và chạy mất hút. Thái độ của người lái xe làm cho chàng trai liền thức tỉnh và bừng lên một tia hy vọng. Cuộc sống này luôn có niềm vui và nỗi buồn, vấp ngã và đứng lên, thành công và thất bại…
Con người chúng ta đều có ưu điểm và khuyết điểm, cuộc sống này luôn có hai mặt song hành với nhau. Từ đó, chàng trai phấn chấn hơn nên cảm thấy trong lòng an ổn, nhẹ nhàng, không còn đau thương, buồn khổ như trước đây nữa.
Khi nói đến cầu nguyện, chúng ta thường nghĩ là phải nhờ đến tha lực của chư Phật, chư hiền Thánh Tăng; nhưng cầu nguyện trong đạo Phật nhằm hỗ trợ niềm tin và tinh thần chính yếu vẫn là tự lực nhiều hơn là tha lực.
Thế cho nên, đức Lục tổ nói, “khi mê thì thầy độ, khi ngộ thì tự độ”. Tại sao có người cầu nguyện linh ứng, có người lại không? Điều đó tuỳ thuộc vào lòng thành tâm, tự lực vẫn nhiều hơn tha lực, và người đó có biết gieo trồng phước đức trong hiện tại và quá khứ hay không.
Nói tóm lại, mạng sống con người sống trong thời đại ngày hôm nay rất nguy hiểm bởi lòng tham lam của con người, vì đồng tiền và cuộc sống đã làm con người đánh mất đi lương tâm đạo đức.
Thế cho nên, trong thức ăn thức uống có quá nhiều hoá chất độc hại làm cho con người trong thời này bệnh nhiều vô số, các bệnh viện bị quá tải, không đủ chỗ chứa người bệnh. Rồi tình trạng ngộ độc thức ăn một lần cả mấy trăm người. Vậy trách nhiệm này thuộc về ai đây?
Có những trái táo, lê, bơm, nho, nhãn, quít để cả tháng không hư, vì hóa chất tẩm ướp nhiều nên mình phải hết sức thận trọng trong việc ăn uống.
Người ta nói họa từ miệng mà vô, họa cũng từ miệng mà ra, nên phải khéo léo trong cách ăn uống để tránh khỏi bệnh hoạn là một điều rất khó. Con người do lòng tham nhiều quá nên ăn uống không có chừng mực, không biết tiết chế, nên cái họa từ ăn uống phát sinh quá nhiều.
Chính vì vậy mà đau khổ cũng từ đó mà ra, từ lòng tham lam của người ăn và người mua bán. Vì vậy, kiếp người của chúng ta là một chuỗi dài của già- bệnh-chết. Kiếp người ngắn ngủi, đời người bấp bênh, nên ta phải cố gắng nhanh chóng tu tập, làm điều thiện lành, tốt đẹp.
Tiền bạc, của cải, danh vọng, cha mẹ, vợ con chỉ là giấc mộng đêm khuya. Khi ta ngưng thở một cái là tất cả dứt theo. Danh vọng, tiền bạc, hạnh phúc, khổ đau… tất cả là vô nghĩa. Do vậy, người tu phải biết cõi này là cõi tạm, kiếp nhờ. Cho nên, sống không bệnh tật là hạnh phúc.
Nhiều người sống thiếu ý thức cứ ăn uống vô độ, vui chơi hoan lạc quá mức rồi cuối cùng dẫn đến bệnh hoạn. Nhất là trong thời đại ngày nay, do ảnh hưởng ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng thức ăn uống, con người quá tham lam nên sử dụng hoá độc hại quá nhiều; từ việc gieo trồng lúa thóc, hoa hoả, cây trái, cho đến việc chăn nuôi đều đồng loạt như thế.
Việc quản lý kiểm tra chất lượng sản phẩm còn quá yếu kém hoặc bị mua chuộc, nên làm cho sản phẩm đến tay người tiêu dùng chịu ảnh hưởng, và bệnh hoạn cũng từ đó phát sinh.
Sự sống của chúng ta bây giờ đang chịu nhiều bệnh tật hoành hành mà chúng ta không có phương pháp thích đáng để ngăn chặn việc sử dụng hoá chất độc hại, nên số đông con người bị tiêu phí hơn 40% tiền bạc làm ra vì bệnh tật.
Vậy, trách nhiệm này thuộc về ai? Đó là lý do mỗi người cầm tờ giấy khám bệnh trên tay để rồi phải chịu sự hành hạ của nó. Bệnh tật thì đau nhức, khó chịu; thân thể mệt mỏi, rã rời, hao tiền tốn của và làm khổ gia đình, người thân. Do ý thức được điều này, chúng ta nên tập ăn chay tuần, rồi tiến đến ăn chay kỳ, một tháng, hai tháng… thuận duyên thì ta ăn chay trường, để giảm được nghiệp sát sinh, đồng thời sức khỏe sẽ được cải thiện đáng kể.
Khi bạn gieo nghiệp lành, bạn sẽ gặp quả lành, khi bạn không sát sinh, bạn sẽ có được sức khỏe và tuổi thọ dài lâu.