Kiến thức
Đâu là chánh, đâu là tà?
Chủ nhật, 26/08/2020 11:48
Chánh kiến là cái nhìn tương tức, không bị kẹt vào một chủ thuyết, một ý niệm, là cái nhìn vượt thoát thế nhị nguyên. Đó chính là tiêu chuẩn căn bản của đạo đức học Phật giáo.
Chánh kiến là gì và lợi ích của chánh kiến
Ta hay nói tới chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. Mà khi đã có chữ chánh tức là phải có chữ tà. Có chánh kiến là tại vì có tà kiến. Không có tà thì không có thể có chánh được. Vì vậy cho nên chánh và tà đối lập nhau, tương tức với nhau, nương nhau mà thành. Chánh đi đôi với thiện, còn tà đi đôi với ác. Chánh tà, thiện ác. Nhưng làm sao quyết định được cái này là chánh, cái này là tà? Căn cứ vào tiêu chuẩn nào mà ta nói cái đó là chánh hay là tà? Căn cứ vào tiêu chuẩn nào mà nói cái đó là đúng hay là sai? Trong bài kệ ngồi thiền buổi tối có câu:
“Vững thân ngồi dưới cội Bồ Đề
Ba nghiệp lắng rồi hết thị phi.”
Thị là đúng và phi là sai. Lúc đó ta vượt khỏi sự phân biệt giữa thị và phi, giữa đúng và sai. Có thể suốt ngày chúng ta đã bận tâm với cái chuyện ai đúng, ai sai, ai phải, ai trái, ai thiện, ai ác? Nhưng lúc ngồi thiền ta có thể vượt thắng được cái nhìn lưỡng nguyên đó. Trong đạo Bụt có tiêu chuẩn thiện – ác, mà cũng có tiêu chuẩn chánh – tà. Nhưng đạo Bụt thấy rất rõ thiện ác, chánh tà nương nhau mà có. Cho nên tiêu chuẩn đó chỉ là tương đối.
Trong đạo Bụt có nói tới tiêu chuẩn tuyệt đối, đó là đạt tới cái thấy không còn chánh, không còn tà. Thiền sư Đạo Nguyên trong tác phẩm của mình, khi nói về Phật tánh Ngài viết: “Phật tánh không phải thiện mà cũng không phải ác“. Thường thì ta nghĩ, Bụt là phe thiện, còn ma là phe ác. Nhưng không phải vậy. Bụt vượt thoát mọi ý niệm chánh tà, thiện ác. Cũng như Niết bàn. Nếu nói Niết bàn là thiện thì không đúng, mà ác thì cũng không đúng. Niết bàn là sự tắt ngấm của mọi ý niệm. Và pháp thân cũng vậy. Khi chúng ta cúng dường cơm trưa cho Bụt, chúng ta cúng dường thanh tịnh pháp thân, tức là pháp thân thanh tịnh. Khi ấy chúng ta nghĩ rằng pháp thân phải sạch, phải thanh tịnh, phải thiện, phải chánh. Nhưng kỳ thực pháp thân vượt thoát thiện ác, chánh, tà. Chánh tà hay thiện ác là do ta thiết lập ra để sống trong cõi đời này thôi. Còn trong chân lý tuyệt đối thì nó vượt thoát chánh tà. Ta bị kẹt vào ý niệm pháp thân thì phải thanh tịnh nên mình không biết pháp thân là cái gì.
Chánh kiến cũng tương tự. Nếu có ai nói “vô thường” thì ta cho đó là chánh kiến. Còn hễ người ta nói “thường” thì ta bảo đó là tà kiến. Nếu người ta nói “vô ngã” thì ta cho là chánh kiến, còn nói “ngã” thì ta cho là tà kiến. Nhưng cả ngã và vô ngã, cả thường và vô thường đều là “kiến” hết, đều là những quan niệm hết. Khi người ta có quan niệm này thì người ta cũng có quan niệm khác. Quan niệm tức là cái khía cạnh ta nhìn. Ví dụ con xúc xắc có sáu cạnh, khi nhìn vào cạnh này ta cũng thấy nó là con xúc xắc, nhìn vào cạnh kia cũng thấy nó là con xúc xắc. Và nhìn con xúc xắc ấy mình có thể có sáu quan niệm khác nhau. Mỗi mặt là một quan niệm, mỗi mặt là một cái thấy. Nếu ta cho rằng chỉ có mặt đó mới là con xúc xắc còn mặt kia không phải là con xúc xắc thì ta bị mắc kẹt, ta không thấy được chân tướng của con xúc xắc. Chúng ta có thể mượn hình ảnh người mù sờ voi để thấy rõ hơn. Người thì nói con voi giống cái quạt, người thì nói con voi giống cái cột nhà, giống cái chổi...Tất cả những cái đó là những cái thấy. Vì vậy chánh kiến vốn siêu việt, theo cái nghĩa tuyệt đối thì nó vượt lên tất cả các kiến. Nó vượt thoát cái kiến ngã đã đành rồi nhưng nó vượt luôn cái kiến vô ngã. Nó vượt cái kiến thường và cũng vượt luôn cả cái kiến vô thường. Vô thường có thể chỉ là một cái kiến thôi chứ chưa phải là một tuệ giác. Khi ta có tuệ giác về vô thường rồi thì cái kiến về vô thường sẽ bị đốt cháy, vô thường sẽ không còn nữa.
Làm thế nào để phân biệt chánh tà giữa rừng pháp môn Phật giáo?
Khi còn ôm lấy một cái kiến, một quan niệm, thì ta vẫn có thể bị kẹt như thường. Kẹt vào một cái thấy gọi là kiến chấp, hoặc kiến thủ. Khi ta níu lấy một cái thấy, ta nghĩ cái thấy đó là tuyệt đối, là chân lý thì ta sẽ cho tất cả những kiến khác là tà, và ta có thể trở nên độc tài. Ta nói chỉ riêng ta có chân lý thôi còn những người khác đều sai hết. Do thái độ độc tài cho nên người ta có thể đánh phá, giết hại người khác: “họ là tà nên phải tiêu diệt hết để cho cái chánh đi lên”. Từ kiến thủ ấy mà gây ra bao nhiêu đau thương tang tóc.
Giáo lý của đạo Bụt giúp chúng ta vượt thoát cả chánh kiến lẫn tà kiến. Cái đó gọi là phá kiến chấp. Khi leo thang tới nấc thứ tư mà ta nghĩ rằng đó là nấc cao nhất rồi thì không có hy vọng gì leo lên nấc thứ năm được. Nếu cứ khư khư ôm lấy một mớ kiến thức, dù là kiến thức khoa học thì ta không thể tiến bộ được nữa. Phải sẵn sàng buông bỏ cái thấy mà mình đang nắm giữ để có thể đi tới một cái thấy cao hơn. Vì vậy, nếu nhà khoa học mà biết phá chấp thì nhà khoa học tiến bộ rất mau.
Khi tu tập mà đạt tới những cái thấy, cái hiểu, thì đừng có chắc ăn. Vì cái thấy ấy chỉ cao nhất đối với ta trong thời điểm này thôi, ngày mai ta sẽ phải buông bỏ nó để có cái thấy cao hơn, gần với sự thật hơn nữa. Cho nên nếu học được cái vô ngã mà ta nói cái ngã là sai, rồi đi ôm lấy cái vô ngã là không đúng. Tại vì vô ngã vẫn còn là một cái thấy. Cái gì vô ngã? Tôi vô ngã, bạn vô ngã, cái bàn vô ngã, như vậy thì vẫn còn chấp là có tôi, có bạn, có cái bàn. Và như vậy thì chưa vô ngã lắm. Do đó nghĩa cao nhất của chánh kiến là vượt tất cả các kiến. Đó là phá chấp. Có thể nói đây là một trong những điểm hay nhất của đạo Bụt.
Đứng về phương diện đạo đức học Phật giáo thì đây là một điểm căn bản. Tại vì ta cố chấp vào một lý thuyết cho nên ta mới có can đảm để giết người. Ta nghĩ rằng ta đang đi theo cái chánh, đi theo chân lý, ta phục vụ cho chân lý. Còn những kẻ kia là những kẻ thù của chân lý, nên họ đáng chết. Vì vậy giới thứ nhất của Năm giới phải có yếu tố phá chấp. Bây giờ phần lớn các cuộc chiến tranh, tàn sát, kỳ thị, bạo động đều bắt nguồn từ những kiến chấp. Họ tin rằng ý thức hệ của họ là đúng, đạo của họ là đúng, còn ý thức hệ khác là tà, các đạo khác là tà. Vì vậy cho nên họ sẵn sàng giết người, sẵn sàng chết nhân danh chân lý. Họ tưởng rằng khi giết người khác xong thì lúc chết họ được lên thẳng thiên đàng; họ tưởng rằng vì họ phục vụ cho lẽ phải, phục vụ cho Thượng đế nên cổng thiên đàng đang mở sẵn để đón họ. Cho nên trong giới thứ nhất phải thấy rằng nguồn gốc sâu xa của bạo động, chiến tranh là do người ta bám chặt vào một cái kiến chấp.
Hai phong cách thiền chánh niệm
Chánh kiến, ban đầu ta nói là tương tức, tương quan, tương duyên. Tương tức cũng là vô thường, cũng là vô ngã, cũng là duyên sinh. Nhưng nói chánh kiến là không, là vô ngã, là vô thường, là duyên sanh thì vẫn còn kiến. Tuy là những cái kiến này giúp ta thoát ra khỏi những tà kiến, nhưng chúng vẫn là kiến. Nếu ta ôm lấy nó như những chân lý tuyệt đối thì ta cũng có thể đang còn kẹt, chưa vượt thoát được cái thấy lưỡng nguyên. Sai lầm của nhiều người là cái nhìn nhị nguyên, phân biệt ta là ta, nó là nó. Nó chết chứ không phải ta chết. Nó khổ chứ không phải ta khổ. Cái thấy đó đem lại rất nhiều cay đắng. Vì vậy, trong giới thứ nhất của Năm giới mới có nêu rõ ra rằng: “Ý thức được những khổ đau do sự giết chóc gây ra, con xin nguyện thực tập nuôi dưỡng tuệ giác Tương tức và lòng từ bi để có thể bảo vệ sinh mạng của con người, của các loài động vật, thực vật và môi trường của sự sống. Con nguyện không sát hại, không để kẻ khác sát hại và không yểm trợ cho bất cứ một hành động sát hại nào trên thế giới, trong tư duy cũng như trong đời sống hằng ngày của con…”
Gốc rễ của vấn đề là cái nhìn nhị nguyên. Cái nhìn nhị nguyên là nguồn gốc của sai lầm, của kỳ thị của cố chấp và của cuồng tín. Đó là nền tảng cho mọi sợ hãi, hận thù, tham lam, tuyệt vọng. Những cái đó có tác dụng đưa tới bạo động và giết chóc. Trong giới bản mới chúng ta cũng nêu ra gốc rễ sâu xa của bạo động, của giết chóc và cách để vượt thoát được cái nhìn lưỡng nguyên ấy :
“Thấy được rằng tất cả những bạo động do sự sợ hãi, hận thù, tham vọng và cuồng tín gây ra đều bắt nguồn từ cách tư duy lưỡng nguyên và kỳ thị, con nguyện học hỏi thái độ cởi mở, không kỳ thị và không cố chấp vào bất cứ một quan điểm, một chủ thuyết hay một ý thức hệ nào để có thể chuyển hóa hạt giống cuồng tín, giáo điều và thiếu bao dung trong con và trong thế giới.”
Trong này có chữ cố chấp. Cố chấp tức là kẹt vào một lý thuyết, một chủ nghĩa nào đó. Và chánh kiến là cái nhìn tương tức, không bị kẹt vào một chủ thuyết, một ý niệm, là cái nhìn vượt thoát thế nhị nguyên. Đó chính là tiêu chuẩn căn bản của đạo đức học Phật giáo.
Trong giáo pháp đạo Bụt, nếu đích thực là pháp thì phải khế hợp với tình trạng hiện thời. Chữ “khế” có nghĩa là đi theo, trùng hợp, thích hợp. Khế tức là khế hợp.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh: Ăn trong chánh niệm, Sống trong tỉnh thức
Hiện thực khổ đau trong thời đại này là bạo động, khủng bố, căm thù, sự tàn hại môi trường, sự hâm nóng của trái đất… Cho nên giới luật phải trả lời được trực tiếp những đau khổ đó. Nếu chưa trả lời được tức là chưa khế hợp. Một mặt giới phải khế hợp với tình trạng, mặt khác nó phải trung thành với giáo pháp căn bản. Nếu nó chỉ khế hợp với tình trạng mà phản lại những nguyên lý căn bản của Phật Pháp thì vẫn không phải là khế. Trong khế có hai loại: khế cơ và khế lý. Khế cơ tức là phù hợp với tâm trạng và hoàn cảnh. Khế lý là phù hợp với những nguyên tắc căn bản của Phật Pháp là vô thường, vô ngã, niết bàn. Vô thường, vô ngã thuộc phạm vi tương đối, thuộc về tích môn. Còn Niết bàn thuộc phạm vi bản môn. Bất cứ giáo lý nào mà không có ba con dấu đó (Vô thường, Vô ngã, Niết bàn) đóng vào thì không phải là Phật pháp. Và nếu nó có khế lý cách mấy mà không phù hợp với hoàn cảnh, với tâm trạng thì cũng vẫn chưa phải là Phật pháp dù nó mang đầy danh từ Phật giáo.
Trong bốn mươi lăm năm hành đạo của đức Thế Tôn, giới luật được thay đổi rất nhiều. Mỗi khi có ai phạm lỗi thì giới bản lại được bổ sung thêm chứ không phải Bụt chế giới ngay trong năm đầu tiên. Và giới nào không phù hợp Bụt cũng đề nghị bỏ bớt đi. Tới năm cuối khi Ngài sắp nhập niết bàn, giới bản cũng được thay đổi rất nhiêu, mỗi ngày đều có thay đổi hết. Vào giây phút chót trước khi nhập niết bàn, Ngài cũng muốn thay đổi thêm nữa, Ngài nói rằng “250 giới là hơi nhiều”. Lúc ấy thầy Anan không có thì giờ để hỏi bỏ bớt những giới nào. Cho nên đến khi thầy Ca Diếp hỏi thầy A Nan: “Theo ý Bụt thì cần bỏ bớt cái gì?’’ Thầy A Nan trả lời: “Con thấy Đức Thế Tôn mệt quá thành ra con không dám hỏi”. Ngài Ca Diếp nói : “vậy thì cứ để nguyên”. Và các ngài đã không làm theo đúng lời dặn dò của đức Thế Tôn. Tóm lại, Phật pháp cũng như là Giới pháp cần phải thay đổi để thích hợp với môi trường mới, hoàn cảnh mới, đáp ứng lại được những đau khổ mới.
Trích từ sách: Con đã có đường đi
Xem thêm video "Tu thân theo lời Phật dạy":