Chùa Việt
Đầu năm thăm chùa Vân An ở Bạc Liêu
Chủ nhật, 05/01/2019 02:50
Nếu tính theo hướng đường thiên lý Bắc - Nam, quốc lộ 1 thì Chùa Vân An cách tỉnh lỵ Bạc Liêu chừng 30 cây số và từ chùa đi tiếp cũng trên quốc lộ ấy thêm 30 cây số nữa sẽ đến tỉnh lỵ Cà Mau. Còn nếu tính từ ngõ nhà tôi đến Chùa, chỉ cách mấy trăm mét qua một kênh đào.
Vân An tự khiêm cung đẹp đẽ, nép bên quốc lộ nhộn nhịp ngày đêm, cổng tam quan khiên cố theo mô típ như cổng tôi được thấy ở chùa Viên Giác trên đường Bùi Thị Xuân, TP.HCM. Sân hẹp, vài chậu cây cảnh trước chính điện cũng hẹp, chính tòa sen nâng thánh tượng Quan Âm cao vút là điểm nhấn tâm linh và về kiến trúc công trình.
Tượng Quan Âm lộ thiên cỡ lớn mang màu xanh tuyệt bích đứng trên bệ sen với những cánh hồng ngọc xen sắc đỏ, có mấy chậu sen đã có gương mang hạt. Sau thánh tượng là nhà khách của chùa, hỗn hợp phòng khách lẫn văn phòng làm việc và chổ nghỉ của sư trụ trì. Hậu liệu trải rộng phía sau... Các khối công trình nén chặt trên diện tích khiêm tốn, cứ như ở nội ô đô thị lớn vậy!
Chính điện thanh tịnh trang nghiêm, các pho tượng trên tam bảo và các ban thờ có kích thước nhỏ, song rất cân đối hài hòa với không gian chung. Gian hậu tổ "tích hợp" liền kề chính điện ấy...
Thời bé của tôi, khi ngôi chùa mang tên "Chùa Ông Chín" theo thứ của vị trụ trì, ngôi chùa chính là nơi tôi thường vào đẫm mình trong họa đồ mười hai cửa ngục sinh động ở gian sau, in vào tâm thức như giáo huấn căn bản về đạo đức, không quên. Với một cậu bé, ngày ấy "Chùa Ông Chín" chỉ có vậy. Có cậu bạn học là cháu vị trụ trì, tôi thường sang bài vở hay rủ đi học, qua mỗi chiếc cầu...
... Ngày nay, "Chùa Ông Chín" mang tên Vân An tự ở cổng và chính điện, cơ sở chính thức thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam, lại đặt văn phòng Ban Trị sự Phật giáo thị xã ở đấy.
Đại đức Thích Huệ Trung, trụ trì và giữ trách nhiệm Trưởng Ban Trị sự, thuộc hệ phái khất sĩ trao đổi cùng tôi về Phật sự và Pháp ở phòng khách sau thánh tượng Quan Âm. Đầu năm, Đại đức "bật mí" mốc thời gian thành lập chùa: 1972.
Sáng nay, hướng camera vào các chậu sen bên dưới thánh tượng trong nắng mai, khi vạt mấy tán lá, tôi chợt nhận ra ẩn một tấm bia nhỏ xinh toàn văn Chú đại bi bằng tiếng Phạn và Việt ngữ! Bao nhiêu lần viếng chùa, hôm nay mới biết! Có lẽ nơi đây Chú đại bi... kín đáo đến vậy!
Ánh mai đang lên, hàng hiên chùa, gốc Sala lấp lánh những đóa màu hồng ngọc tuyệt bích như sắc màu cánh sen dưới chân thánh tượng Quan Âm trong kia...