Chùa Việt
Đầu năm về Bạch Đằng Giang thăm ngôi chùa với cây thị ngàn năm tuổi
Chủ nhật, 16/02/2019 07:40
Chùa Đống Phúc với cây thị già ngàn năm tuổi gắn liền với chiến thắng Bạch Đằng Giang lịch sử.
Quảng Ninh nổi tiếng với nhiều ngôi chùa, đền được nhiều người biết đến như: chùa Yên Tử, chùa Ba Vàng, Cái Bầu hay Đền Cửa Ông. Bên cạnh đó, ở miền đất gắn liền với chiến thắng Bạch Đằng Giang lịch sử của vua Trần Hưng Đạo, chắc hẳn nhiều người cũng biết đến ngôi cổ tự có tên Chùa Đống Phúc, hay còn gọi là chùa Yên Giang.
Chùa Đống Phúc nằm sát bến Rừng, bên ngã ba tả ngạn sông Bạch Đằng, thuộc làng An Hưng cổ, nay là phường Yên Giang, TX Quảng Yên (tỉnh Quảng Ninh). Theo bia đá ghi lại trong chùa, ngôi chùa có từ thời nhà Lý - gắn liền với trận chiến lừng lẫy của Trần Hưng Đạo trên dòng sông Bạch Đằng lịch sử.
Những ngày đầu xuân, đến thăm chùa Đống Phúc nằm giữa những mái nhà ngói đỏ của miền quê Quảng Yên yên bình, hồn hậu, bên trong khuôn viên chùa, một cây thị cổ thụ với gốc và thân cây rất to, cành lá luôn sum xuê, xanh tốt khiến lòng người cảm giác thư thái, thanh tịnh, nhẹ nhàng. Tương truyền, cây thị cổ thụ này đã cả ngàn tuổi, quanh năm tỏa bóng mát hiền hòa nơi sân chùa như một thực thể linh thiêng, có hồn.
Nhiều người biết đến ngôi cổ tự này bởi đây là một trong những ngôi chùa được làm bằng gỗ và đá khối lớn nhất tỉnh Quảng Ninh. Nhiều cụ già ở đây kể chuyện, trước đây, chùa là nơi được Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn cùng các bộ tướng đến lễ Phật cầu quốc thái dân an trước trận Bạch Đằng lịch sử năm 1288 và cũng là nơi lập đàn cầu siêu cho các chiến sĩ trận vong sau đó. Vào thời nhà Trần, chùa đã trở thành danh lam, là nơi truyền bá Phật pháp của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.
Chùa Đống Phúc cũng gắn với câu chuyện về thuở thiếu thời lưu lạc nhân gian của Vua Lê Thánh Tông. Để tránh sự truy sát của Chính phi Nguyễn Thị Anh và các lộng thần, vua đã phải lánh nạn ở chùa, trong đó có chùa Đống Phúc. Do thấm nhuần giáo lý từ bi, nhân bản của Phật giáo và sống gần gũi trong nhân dân, sau này ông đã trở thành một vị vua minh triết, đức độ khoan hoà nổi tiếng trong lịch sử.
Sau này, trong cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc, chùa đã trở thành điểm bí mật trong đường dây hoạt động của các chiến sĩ cách mạng...
Hiện nay, chùa còn lưu giữ nhiều pho tượng phật, chuông đồng và nhiều bia đá cùng những câu đối đại tự có giá trị. Kiến trúc phía trong chùa được chạm khắc công phu, rõ nét, kết cấu trụ, cột hoành tráng với lối kiến trúc thời Trần và hoa văn họa tiết thời Lê, Nguyễn.
Đại đức Thích Thanh Lịch, trụ trì chùa Đống Phúc cho biết, từ thời điểm chùa được xây dựng đến nay, trải qua thăng trầm của lịch sử, chùa đã nhiều lần được trùng tu, tu sửa, hiện chùa là một trong những điểm nhấn trong quần thể khu di tích Quốc gia đặc biệt Bạch Đằng Giang.
Chùa Đống Phúc được Bộ Văn hóa (nay là Bộ VHTTDL) xếp hạng di tích lịch sử quốc gia năm 1966 và nằm trong Cụm di tích lịch sử chiến thắng Bạch Đằng năm 1288.